March 19, 2024, 5:33 pm

Lịch sử trong văn chương - Từ sự thực lịch sử tới hư cấu

 

Văn chương và lịch sử là cặp phạm trù luôn song hành, văn chương làm tăng tính thẩm mĩ, lãng mạn khi truyền tải thông điệp lịch sử; còn lịch sử là mảnh đất sáng tạo phong phú của văn chương. Đó là thông điệp của buổi tọa đàm diễn ra tuần qua do Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn phối hợp với Tri thức Trẻ Books tổ chức, với sự tham dự của diễn giả là TS. Trần Trọng Dương - công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà văn Đặng Hằng - tác giả tập truyện dài Nhân gian nằm nghiêng.

Các diễn giả tại tọa đàm Lịch sử trong văn chương - Từ sự thực lịch sử tới hư cấu

Những tác phẩm văn chương có yếu tố lịch sử là những tác phẩm vừa truyền tải được thông điệp lịch sử vừa có tư tưởng, triết lí của nhà văn. Tuy vậy, ranh giới giữa sự thật lịch sử và hư cấu trong văn chương luôn tồn tại ở các tác phẩm có liên quan tới lịch sử. Đâu là sự thật lịch sử và đâu là giới hạn hư cấu của nhà văn, đó là điều mà độc giả và giới chuyên môn luôn quan tâm và vẫn muốn tìm ra trong mỗi tác phẩm.

Theo TS. Trần Trọng Dương thì việc hư cấu lịch sử trong văn chương là điều cần thiết. Mỗi nhà văn sẽ có nhận thức riêng và khác về lịch sử và tạo nên một lịch sử khác dưới cách nhìn của họ. Ngay cả lịch sử cũng có những điểm mờ, nên để tìm ra một sự thật lịch sử là điều bất khả. Điều chúng ta nên quan tâm là nhà văn nhìn về lịch sử và viết về lịch sử ấy như thế nào.

Khi một nhà văn viết về lịch sử, điều đó cho thấy nhà văn đó quan tâm, yêu thích lịch sử, đồng cảm với lịch sử hoặc muốn diễn giải/tái diễn giải lịch sử của một giai đoạn nào đó. Bạn đọc phải luôn đặt ra cho mình một mệnh đề tiên quyết khi đọc, đó là mọi sự thật chỉ là tương đối, như vậy để mở ra sự sáng tạo của văn chương.

Nói về lịch sử trong văn chương với vị trí của một người viết, nhà văn Đặng Hằng chia sẻ: Trước khi viết về lịch sử, chị thấy những cuộc tranh cãi về lịch sử và văn chương rất quyết liệt, chị cảm thấy rất tò mò, rồi nhận thấy nhiều điều không đúng với quan niệm, nhận định của mình. Điều đó thúc đẩy chị tìm hiểu, viết về lịch sử. Còn việc nhà văn viết như thế nào, có thành công hay không thì còn phụ thuộc vào văn phong và sự sáng tạo của mỗi người viết. Sáng tạo như thế nào là đủ? Điều này lại là khía cạnh cho thấy tài hư cấu và sức tưởng tượng của nhà văn.

Một số tiểu thuyết lịch sử gây chú ý

Văn học đương đại Việt Nam đã có nhiều nhà văn viết về đề tài lịch sử gây được tiếng vang như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Thùy Mai, Hoàng Quốc Hải,... Họ đã đem lịch sử đến gần hơn với hôm nay. Có một câu hỏi lớn vẫn được nhiều người tham dự tọa đàm đặt ra là: Lịch sử Việt Nam có bề dày và lớn lao như vậy, nhưng chúng ta đã làm gì hay đã đối xử xứng đáng với lịch sử của dân tộc chưa? Quá khứ của mỗi dân tộc là điều mà chính dân tộc đó phải nắm giữ được. Nói theo một cách khác thì lịch sử chính là cội nguồn của mỗi con người. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì, các nhà văn viết về lịch sử trong văn chương là điều cần thiết nhưng mỗi nhà văn phải biết viết sao cho thỏa đáng. Không chỉ thỏa niềm sáng tạo của mình mà phải thỏa đáng với lịch sử đã qua và với người tiếp nhận hôm nay.

Qua đây các diễn giả cũng cho rằng việc giáo dục lịch sử cho trẻ em hôm nay là cần thiết. Nhưng điều quan trọng là tìm ra một phương pháp phù hợp. Theo TS. Trần Trọng Dương: Văn chương là một phương cách hay và hấp dẫn nhất đối với trẻ khi tìm hiểu về lịch sử. Sự cuốn hút, dẫn dụ và ám ảnh của văn chương sẽ khiến chúng ta nhớ được những chi tiết sử sâu đậm hơn.

Phải thừa nhận vẫn có một lằn ranh giới hạn người viết về lịch sử, lằn ranh ấy đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo cũng như dũng cảm của người cầm bút. Tuy nhiên, với những văn tài thì việc họ viết và họ đi đến đâu, thiết nghĩ không quá phụ thuộc vào những giới hạn lịch sử. Lịch sử vẫn là nơi các nhà văn có quyền mộng mơ, suy tư và cầm bút.

QUỲNH LÊ

VNQD

Có thể bạn quan tâm