May 18, 2024, 8:29 pm

Vẫn đồng hành vô cùng, vô tận...

Lòng chảo Mường Thanh nằm giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng, kể từ trưa ngày 7 tháng 5 năm 1954 đã trở nên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Điện Biên Phủ mặc nhiên đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới và văn học, nghệ thuật. Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng của khí phách và trí tuệ Việt Nam, trước hết là trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do và hòa bình cho đất nước.

Có thể nói rằng Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện quan trọng nhất làm nên tên tuổi Việt Nam trong thế kỷ XX. Không ít người Việt Nam khi nhắc tới Điện Biên Phủ lại bồi hồi nhớ đến những câu thơ quen thuộc của Tố Hữu mà mình được học thời nhỏ: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn... Trong hồi ức của dân tộc vẫn còn tỏa sáng những tên tuổi gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... Và không thể không nhắc tới những chiến sĩ đang yên nghỉ giữa lòng đất Điện Biên cùng ức vạn con người vô danh đã góp công sức, trí tuệ để làm nên thiên sử vàng bất hủ...

Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Như Điềm đoạt giải Nhất tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở

Và vẫn còn nóng hổi câu chuyện kéo pháo vào rồi kéo pháo ra trước giờ G... Thiết nghĩ, đấy là điểm nhấn quan trọng nhất khi bàn về chiến thắng Điện Biên Phủ. Bởi, nếu không có quyết định khó khăn nhất ấy trong cuộc đời cầm quân lẫm liệt của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, thì Điện Biên Phủ sẽ ra sao? Sẽ ra sao nếu quân ta vẫn quyết định lựa chọn dùng cách “đánh nhanh, thắng nhanh” như đã thông qua? Thật hồng phúc cho dân tộc khi đã sinh ra một vị tướng hội tụ tài đức biết nhìn xa trông rộng, để chọn cho Điện Biên Phủ một cách đánh chắc thắng và tiết kiệm xương máu cho chiến sĩ, đồng bào. Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ toàn thắng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, dẫn tới Hiệp định Geneva cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền ba nước Đông Dương.

Vì sao sức sống và những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lại mạnh mẽ và lâu bền như thế? Vì sao Việt Nam lại có tiếp những “Điện Biên Phủ” hào hùng sau đó, trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước? Bởi lẽ, với chiến thắng Điện Biên Phủ, bản lĩnh, trí tuệ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thêm một lần được thể hiện sáng ngời, đậm nét. Quyết đánh, quyết thắng và biết thay đổi, lựa chọn phương án tác chiến phù hợp, đúng với tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân hun đúc thành ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Cuộc kháng chiến toàn dân được thể hiện rõ ràng đầy tính thuyết phục ở chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài học lòng dân chẳng bao giờ cũ kỹ, chiến tranh hay hòa bình vẫn vẹn nguyên giá trị như thế.

Tinh thần Điện Biên Phủ năm 1954 đã làm nên những “Điện Biên Phủ mới” mà chiến thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng vào tháng 12-1972 là một ví dụ rất tiêu biểu. Không có cái tên nào đúng hơn và mặc nhiên là hay hơn khi chiến thắng đó được gọi Điện Biên Phủ trên không. Mỹ quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 nhằm đánh phá và hủy diệt tiềm lực kinh tế quốc phòng của miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam lúc bấy giờ. Đánh phá hủy diệt những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng..., kẻ thù muốn làm tê liệt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, ép buộc ta chấp nhận ký kết Hiệp định Paris theo các điều khoản mà họ nêu ra; cũng là để răn đe phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc trên thế giới. Gần một nửa tổng số máy bay B52 Mỹ có lúc bấy giờ (193/404 chiếc) cùng với hơn 1/3 tổng số máy bay chiến thuật bao gồm cả tiêm kích và cường kích (1077/3041 chiếc) được huy động vào cuộc tập kích này. Các “pháo đài bay” của Mỹ cất cánh từ hai sân bay Guam và UTapao (Thái Lan), các máy bay chiến thuật xuất phát từ 6 tàu sân bay đậu trên biển Đông và 6 sân bay trên đất Thái Lan tiến về Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn khác ở miền Bắc Việt Nam. Tưởng chừng các mục tiêu đó sẽ trở về thời kỳ đồ đá trong những trận “Hiroshima không có bom nguyên tử”. Tưởng chừng trước sức nổ của 100.000 tấn bom, trước chết chóc tang thương vô cùng lớn, miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ bị đánh quỵ. Nhưng không, Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc Việt Nam vẫn kiên cường đánh Mỹ trong 12 ngày đêm rực lửa. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định trước đó: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi nữa ta cũng đánh... mà đã đánh là nhất định thắng.” Với tinh thần không để bị bất ngờ, phòng đánh giặc từ xa, theo chỉ thị của Bác Hồ, phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã ra đời từ ngày 27 tháng 2 năm 1968. Và, quân và dân ta đã không bị bất ngờ lúng túng trong cuộc đọ sức mang tên Điện Biên Phủ trên không. Chiến thắng lại thuộc về quân và dân ta. Trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, 81 máy bay của Mỹ đã bị bắn rơi trong đó có 34 máy bay B52. Tướng George Eade, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ phải chua chát thốt lên: “Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng phi hành đoàn là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc.”

Điện Biên Phủ trên không 1972 cũng đã trở thành câu chuyện lịch sử, cũng như Điện Biên Phủ 1954 đã trở thành câu chuyện lịch sử xa hơn. Có những tướng lĩnh cầm quân thời ấy cùng hàng trăm, hàng nghìn binh sĩ tham chiến của đôi bên đã trở về với cát bụi. Những kẻ thù một thời của dân tộc ta giờ đây đã trở thành bạn bè, đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện trong quan hệ quốc tế. Trời còn để có hôm nay/ tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời. Cụ Nguyễn Du tài hoa và tinh tế đến thế. Truyện Kiều vận vào thời cuộc của thế kỷ XXI sao vẫn trùng khít và bâng khuâng làm vậy. Điện Biên Phủ không chỉ là bài học sinh tồn của dân tộc Việt vốn lầm than, sóng gió nhưng luôn kiên cường, trí lự mà còn là bài học của nhân loại, bài học cho cả những nước lớn trong ứng xử với nhân loại. Nhưng thôi, đó là câu chuyện dài nói đôi ba dòng sao hết được. Chỉ ghim lại ý này: Không thế lực nào có thể khuất phục đè bẹp được một dân tộc nồng nàn yêu nước, một dân tộc tự trọng, một dân tộc thông minh, một dân tộc yêu hòa bình và biết hướng tới tương lai tươi sáng hơn.

Một dân tộc đã làm nên những trận thắng tầm vóc trong lịch sử như Điện Biên Phủ trên mặt đất và Điện Biên Phủ trên không nhất định sẽ viết tiếp những Điện Biên Phủ mới trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đất nước ta, sau gần bốn thập kỷ đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, rất có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định như thế. Bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam... mãi mãi tươi ròng tinh thần Điện Biên Phủ. Không thể nói khác được, chiến tranh hay hòa bình thì đất nước này, dân tộc này vẫn giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ. Đó chính là di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Tinh thần Điện Biên Phủ cần phải được nâng cao trên một tầm kích lớn hơn, nhiều sắc thái hơn trước những yêu cầu phát triển mới của đất nước. Hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” bằng những kế hoạch, chương trình, dự án, hành động thể hiện đầy đủ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đừng bao giờ nghĩ rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp đã không còn tác dụng nữa trong môi trường của thời đại kỹ thuật số, mà coi nhẹ những giá trị lịch sử trường tồn. Điện Biên Phủ mãi mãi tỏa sáng, mãi mãi truyền cảm, mãi mãi vẫy gọi... Điện Biên Phủ không chỉ là dấu mốc mà đó luôn luôn là dòng chảy, là sự đồng hành vô cùng vô tận với Tổ quốc ta.

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024


Có thể bạn quan tâm