May 6, 2024, 10:59 am

“Trò chuyện văn chương Pháp - Việt”

 

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, ngày 3-12, Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Trẻ tổ chức chương trình “Trò chuyện văn chương Pháp - Việt”. Chương trình thu hút hơn 100 độc giả tham dự.

Cụ thể,  hai diễn giả của buổi trò chuyện là nhà văn Nuage Rose (Hồng Vân), tác giả của hai cuốn sách "120 ngày mây thì thầm với gió", "Ba áng mây trôi dạt xứ bèo" và PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng bộ môn Văn Học - Văn hóa, Khoa Pháp, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ông là Tiến sĩ ngành Ngữ văn hiện đại từ Đại học Toulouse 2 - Pháp và có nhiều nghiên cứu về văn chương Việt – Pháp.

Theo đó, cuộc trò chuyện xoay quanh các chủ đề: Quá trình sáng tác và xuất bản tác phẩm tại Pháp và Việt Nam của tác giả gốc Việt; văn học Pháp ngữ tại Việt Nam; những sáng tác tiếng Pháp của người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những chủ đề họ thường quan tâm và trăn trở; căn tính Việt và sự ảnh hưởng đến các sáng tác của tác giả Việt sống tại nước ngoài.

Độc giả đã được lắng nghe nhà văn Nuage Rose Hồng Vân và PGS-TS Phạm Văn Quang chia sẻ nhiều câu chuyện xung quanh mối quan hệ văn chương Pháp - Việt.

Hiện có khoảng 180 tác giả người Việt Nam viết khoảng 400 tác phẩm bằng tiếng Pháp. Trong số đó, có ít nhất 50% là thể loại tự thuật.

Những năm qua, NXB Trẻ đã xuất bản nhiều tựa sách dịch từ tiếng Pháp thuộc lĩnh vực văn học, văn hóa, sách thiếu nhi… trong đó có những tựa sách giá trị và được bạn đọc rất hoan nghênh, như tựa Yersin, Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, Tư bản thế kỷ 21, Thức tỉnh, bộ sách Giúp con hạnh phúc…Đó là một phần trong dòng sách văn học dịch, vốn là thế mạnh của NXB Trẻ, đơn vị đi đầu trong việc mua tác quyền nước ngoài sau khi Việt Nam tham gia Công ước Berne.

Vì vậy có thể nói, vượt ra ngoài văn chương, những tác phẩm này là cuộc đời. Không phải lúc nào người ta cũng đủ can đảm để kể lại cuộc đời của mình, nhất là những góc khuất. Với những tác phẩm thuộc thể loại tự thuật, không chỉ dừng lại ở văn chương mà chúng ta có thể tiếp cận, đọc ở nhiều khía cạnh khác nhau.

NP (tổng hợp)


Có thể bạn quan tâm