May 7, 2024, 3:08 am

Trên đất vọng yêu thương

Trải suốt cuộc đời cầm bút, Phạm Trường Thi đã thể nghiệm mình ở nhiều thể loại, và hầu như thể loại nào ông cũng gặt hái thành công.

Truyện ngắn thì đoạt Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến; Kịch thì đoạt đến Huy chương Bạc Liên hoan phát thanh - truyền hình toàn quốc; ấy là chưa kể chặng dài về những tác phẩm báo chí trứ danh… nhưng đã đeo “mác” nhà thơ thì việc dồn thời gian, tâm sức cho thơ chắc chắn nhiều hơn và đương nhiên, thơ cũng dày hơn. Trong cái “hòm” sự nghiệp đồ sộ và cũng nhiều ngổn ngang ấy, Nhà thơ Phạm Trường Thi lại cũng đã “đụng chạm” đến nhiều chủ đề với nhiều hình thức thể hiện. Và hình thức được ông biểu đạt nhiều nhất là thơ lục bát. Chủ đề thơ lục bát sâu đậm nhất là nói về “người yêu thương”.

Mẹ tôi nghèo nhất làng tôi/ Đi đâu chẳng dám đứng ngồi chỗ đông/ Tiền không, túi áo cũng không/Miếng nâu, miếng gụ vá chồng lên nhau…

(Xưa mẹ tôi)

Ông đã khai lý lịch của mình một cách khá trọn vẹn:

Thưa vâng, tôi gốc nhà quê/ Một vùng mùa thối, chiêm khê bao đời/ Tuổi thơ ướt đẫm mồ hôi/ Chân đi đất, đầu đội trời nắng mưa.

Rồi cuộc sống sôi động đã dệt nên một đời thơ:

Lớn lên tôi sống thị thành/ Quần là áo lượt vẫn anh quê mùa                                       (Gốc nhà quê)

“Anh quê mùa” ấy có hàng trăm bài thơ cùng chủ đề nhiều trắc ẩn. Đây không đơn thuần chỉ là một mạch ngầm tiếp nối yêu thương, mà như nhắc nhớ về sự đối xử của con người với con người, con người với vạn vật. Một ngọn cỏ thấy thanh âm cuộc sống. Một hạt cát thấy biển động. Một sợi tóc pha sương thấy năm tháng vô thường. Tất cả hiện lên ở câu chữ giản dị. Dù nhìn ở góc độ nào, tất cả đều có nghĩa yêu thương.

Người làm thơ, quan trọng là gieo bao nhiêu yêu thương vào lòng bạn đọc để rồi một ngày không hẹn trước, tác giả nhận về đầy ắp yêu thương. Đấy mới là nghĩa nhân văn thực sự.

Dòng sông mùa lũ thì sâu/ Mùa khô thì cạn, tìm nhau qua đò (Quê anh)

Ngày anh khoác súng ra đi/ Sân này em đã hẹn gì nhớ chăng (Sân kho hợp tác)

Người đi không nhủ ta cùng/ Để ta từ ấy trập trùng gió mưa (Dễ gì)

Phía sau câu chữ là những sự giằng xé, ngổn ngang tâm tình…

Những mong lối diễn đạt theo phương cách dân gian như những câu thành ngữ, tục ngữ của quê hương và của Mẹ. Riêng sáng tạo của Phạm Trường Thi có lẽ phải ghi nhận thêm sự đằm thắm có pha chút lém lỉnh, hài hước, tang bồng. Nhưng chính vì thế, có khi cảm xúc dâng trào, tác giả lại không tuân theo quy tắc luật thanh của thơ lục bát. Phạm Trường Thi cũng có không ít câu mắc lỗi. Lỗi không đáng có lại hoá đáng yêu.

Vẫn biết, trong thơ lục bát vẫn có các trường hợp biến thể khác về cách gieo vần, cách ngắt nhịp… để tạo nên sự độc đáo và mới lạ hơn mặc dù không hẳn đúng quy tắc. Vấn đề là “gợi” đến đâu mà điều kỵ nhất ở đây là nôm na, dễ dãi. Dễ đi vào lòng người, nhưng lục bát cảm tưởng như dễ làm mà khó hay. Phạm Trường Thi với vai trò như người thủ thỉ kể chuyện, nhà thơ đã nhiều cố gắng diễn đạt ý nghĩ và tình cảm của mình bằng hình tượng, gợi cho người đọc chiêm nghiệm, suy tư về tính cách và số phận, về tình đời, tình người, để từ đó nhận thức và cắt nghĩa đời sống. Sâu lắng nhất là nét đẹp chân chất, gần gũi, bình dị nhưng không kém phần duyên dáng.

Người đi không hẹn mà hoa có thời

(Lâu rồi tôi mới về quê)

Kiếp người trôi giữa mênh mông kiếp người (Xưa mẹ tôi)

Không có đất, chẳng có trời ấy đâu

(Nửa câu thành ngữ)

Hoặc còn ít những bài như: Xóm bãi, Mênh mang Tam Đảo, Quê hương…

Nói thế cũng là vì kích động yêu thương. Yêu thương ấy cần sự nhân lên một cách mạnh mẽ, chứ không phải khiêm tốn, rụt rè. Bản lĩnh con người thơ là vậy.

Đây, có khi như là than thở:

Giời đày ta/ Đất đày ta/ Và tình em nữa/ Là ba thứ đày (Không đề)

Cuối cùng chốt lại:

Thương em biết mấy cho vừa/ Trả đời anh thấy vẫn chưa đủ đầy (Lời tản mạn cho em)

Lời này thanh minh thay hết mọi điều mây gió. Tác giả - Nhà thơ đang vạm vỡ trên miền đất đẹp và thơ mà vẫn thường trực lo lắng, thảng thốt với nhau cùng:

O… oét… o… oét/ Đêm thẳm sâu/ Tiếng chim báo tử/ Cắt ngang trời.

Tiếng chim/ Không giống tiếng chim/ Kẻ yếu bóng vía/ Nghe/ Rụng rời.

Mẹ lẩm nhẩm:/ “Mai làng mình có người chết”/Cha thấp thỏm, bước đi mỏi mệt/ Ông nội ngồi thu lu/ Ngọn đèn lắt lay.

O… oét… o… oét…/ Tiếng chim báo tử/ Cắt chéo những đường bay/ Từng mảng đêm rơi xuống làng/ Thao thức. (Tiếng chim báo tử)

Với người nhạy cảm và dễ xúc động, hỏi sao không quặn lòng về quê, về Mẹ? Nên dù vinh, dù nhục gì gì, ông vẫn xứng danh là: Người yêu thương trên đất vọng yêu thương.

Hải Thanh

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Có thể bạn quan tâm