May 6, 2024, 10:32 am

Tiếng đời vọng mãi

Tôi có bốn đứa con, lần lượt tôi gả ba đứa con gái. Chúng có nhà riêng ở chợ Bạc Liêu và đi làm người Nhà nước cả chồng lẫn vợ. Chúng lần lượt rời bỏ vòng tay vợ chồng tôi. Ngay cả thằng út Cọp giờ cũng đi nghĩa vụ công an.

Về hưu rồi, rảnh rang đầu óc mới có thời gian nhìn ngắm, suy nghĩ đến chuyện vợ con. Hóa ra nó có rất nhiều việc mà mình phải giải quyết. Con Linh rồi tiếp tục con Mai có đứa con đầu lòng. Vợ chồng tôi phải xem nó khám thai ở đâu, ăn gì, rồi chỗ định sinh nở. Sinh rồi, vợ tôi phải ra nuôi con gái ở cữ rồi giữ cháu ngoại. Thế là nhiều năm nay bà ấy đi suốt lo cho con ở cữ xong, nó đi làm là bà già lãnh sứ mệnh chăm con cho nó cho đến khi gửi mẫu giáo được mới xong nhiệm vụ. Hết con con Linh thì đến con con Mai, mỗi đứa con của chúng là lấy đi 2-3 mùa xuân vốn còn lại không nhiều lắm của bà. Chưa hết, con con Mai mới thôi nôi thì cô gái Ngọc Huyền thông báo là đã có bầu. Một tin vui làm hai vợ chồng già ứa nước mắt nhưng nó cũng dự báo rằng bà vợ tôi sương sương sẽ tiếp tục có thêm 3 năm chăm cháu và cũng ngần ấy thời gian tôi sẽ tiếp tục vò võ trong quê một mình, quản lý căn nhà vườn và cả ngôi từ đường.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Mỗi lần ra thăm cháu ngoại, thăm con gái là tôi nhìn ngắm bà vợ của mình, đã gần 60 tuổi rồi mà “tay xách nách mang”, bận túi bụi y như một người đàn bà có con mọn. Lúc thì hát ầu ơ vỗ cháu, lúc lại pha sữa, đút thuốc, khi cháu ngủ thì vo gạo nấu cơm… bà vừa chăm cháu vừa phải “làm con sen đáng kính” vì cả vợ lẫn chồng chúng nó đều là “người Nhà nước”, răm rắp 8 giờ ở cơ quan mỗi ngày. Có khi chúng về, con nhỏ xa lạ, không mến tay mến chân như bà ngoại. Thế là có bữa cả vợ chồng vào phòng ôm nhau mà ngủ, mọi chuyện còn lại giao cho bà ngoại. Cực lắm nhưng bà ngoại ít kêu ca, miệng mắng yêu, dạy cháu nói đỏ đẻ mà cười chúm chím. Ông bà xưa nói chẳng sai bao giờ: “con một táu, cháu một giạ” là thế.

Còn tôi, bị “vợ bỏ rồi”, công việc ở nhà trút hết lên đầu, vậy mà vẫn cảm được niềm vui, con cháu đề huề. Mỗi lần Chủ Nhật, thứ Bảy tụi nó rảnh rỗi kéo nhau về bắt cá, bẻ dừa túm tụm vui chơi, nhậu nhẹt là tôi như mở cờ trong bụng. Sáng thứ Hai chúng đi, gởi lại cho tôi một nỗi buồn cô đơn. Đến bây giờ tôi mới thấm thía nỗi buồn của ba tôi. Ngày xưa, vợ con tôi ở dưới quê với ba tôi, sau đó tôi được Nhà nước cấp cho một căn nhà thì bọn tôi “kéo rốc” về Cà Mau mà ở. Tết, vợ chồng con cái tôi về ăn Tết với ông vì lúc ấy má tôi đã mất, ông ở côi cút với thằng út Mỹ. Đến mùng 3 Tết, chúng tôi lại về Cà Mau là ông đứng ở ngạch cửa nhìn theo chiếc đò chở chúng tôi đi mà lấy tay lau nước mắt.

Trở lại chuyện của tôi, vợ con đi hết rồi tôi ở nhà một mình cảm thấy căn nhà trống đến phát sợ. Tôi ra võng nằm rồi suy nghĩ miên man tìm chất liệu cho cuốn sách đang viết. Công việc lặp đi lặp lại là sau đó tôi ngồi vào bàn viết. Có khi thì viết được có khi lại không. Những lúc không viết được là tôi xách chổi quét sân, quét nhà hay lấy kéo đi cắt tỉa kiểng trước ngôi từ đường. Vừa làm vừa suy nghĩ hình dung cháu ngoại nói đỏ đẻ mà vui. Lại suy nghĩ thêm, lương của bọn nó lúc này, lại phải chi thêm tiền sữa, tiền khám bệnh thuốc uống của đứa con đầu lòng chắc là khó khăn. Thế là đâm lo nhưng lương cán bộ về hưu của tôi đi đám, đổ xăng xe, lo thêm cho thằng út Cọp đi học, cho bà già nhà tôi có cái để dằn túi là đã khó khăn lắm rồi. Thế là tôi xoay qua ra sau đìa giăng lưới, cắm câu nhổ bông súng, hái dừa, bẻ ớt… rồi “cụ bị” lên xe chở những thứ ấy vào nhà con gái với ý thức “coi vậy chứ cũng đỡ cho chúng nó”. Cứ mỗi ngày tôi mang “thực phẩm quê hương” cho lần lượt mỗi nhà của ba con gái, lại nhớ ngày xưa gần Tết là ba tôi “cụ bị” nào là gạo, nếp, chuối chín, rồi mãng cầu xiêm, dừa khô… Những thứ ông thu hoạch ở ruộng vườn nhà mình rồi ngồi xe đò đổ đồng hàng trăm cây số xuống Cà Mau để lo Tết cho gia đình tôi… Đây là cái nếp có từ thời xa xưa ở vùng bán đảo Cà Mau. Con cái ra riêng ở xa cha mẹ chở cây lá đi cất nhà, chở thực phẩm trong vườn nhà đi để lo cho chúng. Và giờ đây tôi cũng nghiễm nhiên theo phép của người xưa mà sống... Rồi một hôm tôi nhìn lại thấy cuộc đời về hưu của tôi như cái máy tính đã được lập trình: viết sách, quét nhà, nấu cơm, chài lưới… Còn việc tự nấu cơm cho mình thì từ hồi xưa tôi không làm, giờ phải tập sự đó là một quá trình nhiêu khê được thực hiện một cách vụng về đến cười ra nước mắt với nghệ thuật ẩm thực nửa kho nửa canh, rất may là có con vợ thằng cháu ruột ở với tôi hồi nhỏ ở gần. Nó cũng đi làm cả ngày, chiều năm giờ ba mươi đến sáu giờ nó mới về tới và thường xuyên bảy giờ tôi mới có bữa cơm chiều…

Ngày xưa, khi con cái ở với mình là chỉ một căn nhà, một tổ ấm. Nghèo hay giàu, vui hay buồn cũng hui hút có nhau. Bây giờ bọn chúng đã như chim ra ràng, chúng ở nhà chúng. Chúng rời khỏi tổ ấm của ta, rời khỏi vòng tay của ta. Ta chợt giật mình rồi quáng quàng chạy theo chúng. Trong tâm của ta vẫn là những đứa con bé bỏng, phải chạy theo để lắng nghe chúng nhức đầu xỗ mũi như thế nào, ăn uống ra sao. Trong cuộc chạy theo này ta bận rộn hơn, vất vả hơn vì nay ta chạy theo đến ba – bốn căn nhà. Ta chạy, trong hoàn cảnh đôi chân già đã thấm mệt, đã đuối sức sau chặng đường cày xới để mưu sinh, nuôi con của cuộc đời đến “quá ngọ”, nhưng ta vẫn chạy, đó là cuộc chạy maraton của tình mẫu tử… nên ta không thể dừng. Đó là một cuộc chạy mướt mồ hôi nhưng trong trái tim ta có một đóa hồng rất thắm.

Lại nói về bà vợ của tôi. Bà ra thành phố Bạc Liêu chăm cháu rồi dăm ba bữa bà lại về khu nhà vườn của mình. Bà về, trong tâm thế rất lạ, cứ lắng quắn gấp rưỡi. Bà chạy ra ao câu cá, hái mấy đọt rau nấu một bữa cơm. Rồi đi dọn phòng ngủ cho chồng, lấy chăn màn, ga trải niệm và quần áo dơ của chồng đem giặt… mâm cơm vừa dọn lên, hai vợ chồng già mới gấp mấy đũa của bữa cơm “đoàn viên” thì chuông điện thoại reo liên hồi: “Mẹ ơi mẹ ra giữ nhà cho con đưa thằng Thái đi học”, “Ngoại ơi con bị sốt, ngoại ra với con”... Thế là bà già đứng ngồi không yên, ăn bữa cơm với chồng không yên. Bà lâm vào cảnh của con người “một kiểng hai quê”, đi không nỡ mà ở không đành. Cuối cùng bà lắng quắn, gấp rưỡi cắp nón đi ra nhà con cháu. Sau khi ném về phía tôi một ánh mắt của kẻ có lỗi. Bỏ lại ông chồng già ngồi một mình ngẩn ngơ trước bữa cơm dang dở. Tôi lẩm bẩm: “Bà ấy đi chăm cháu đó mà”. Bà đi thì tôi ăn một mình vậy. Vậy đó mà miệng lưỡi của tôi cứ vô cảm, vô hồn. Và miếng cơm “như ăn cây”. Tôi bỏ ngang bữa cơm rồi nghĩ các cô con gái nhà tôi phải đọc được mấy câu thơ của Nguyễn Duy mới được: “Mẹ ta không có yếm đào/ nón mê thay nón quai thao đội đầu/ rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa…”

Rồi một ngày bà vợ già của tôi về nhà thật sự. Bà về sau gần mười năm đi chăm cháu. Lúc đó bà đã sáu mươi tuổi. Bà về khi lũ cháu ngoại vào được lớp mầm mẫu giáo. Bà về hành trang duy nhất là một nụ cười mãn nguyện “như anh nông dân cày xong thửa ruộng”. Như hoàn thành sứ mạng lớn lao của kiếp con người. Thế nhưng bà gửi lại thành phố rất nhiều thứ. Tôi nhìn vợ của mình và ứa nước mắt. Bà ơi, thành phố Bạc Liêu về nhà bà nào có xa xôi gì, tôi thấy mấy bà phụ nữ quê sau một thời gian ra đô thành thì họ rủ bỏ phèn mặn của đồng chua da vẻ trắng tươi, hồng hào, mắt lúng la lúng liếng. Còn bà thì ngược lại bà bôn ba giang hồ ư? Cuộc đời đày đọa bà ư?... Sau cuộc trở về bà tàn tạ đến như thế? Xưa bà vốn là một cô gái đẹp có tiếng, đến ba bốn mươi tuổi, sinh nở bốn đứa con bà vẫn mặn mà. Giờ đây trước mắt tôi một bà già 60 tuổi mà cứ ngỡ 70. Mặt bà nhăn nheo, xanh lả, tóc bà bạc trắng tay bà với những móng cùn còi cọc đầy gân xanh và những vết chai, thân thể bà ốm như que củi, nhìn vào tôi không nhận ra bà là phụ nữ hay đàn ông... Vậy mà bà cứ cười mãn nguyện, nụ cười của bà nó cào cấu trái tim tôi. Đô hội phồn hoa không lấy đi cái xuân sắc của bà sao bà ra nông nổi. Ôi kiếp nhân sinh sao đắng cay lẫn lộn với ngọt bùi?

Vợ về rồi, tôi mở cờ trong bụng, vậy là vợ chồng già hui hút có nhau. Bà già đi câu cá, tôi hái rau rồi bữa cơm đoàn viên dọn lên. Chồng bảo vợ “bà ăn đi…”. Vợ bảo chồng “ông ăn đi…”…

*

Lại nói về cuộc sống của vợ chồng tôi vừa mới sum họp. Đã bước qua tuổi lục tuần, chúng tôi phải đối diện trước sự khắc nghiệt của đời sống người già. Ái ân cứ nhạt dần theo ngày tháng. Giường bà bà ngủ giường tôi tôi nằm. Ái ân vắng vẻ thì tình cũng như mây mỏng. Không thể tìm được những câu ong bướm ngọt ngào để tặng cho nhau. Nghĩa thì đầy nhưng ái ân thì cạn. Nó như một người khập khiễng đôi chân. Ngày tháng trôi đi tôi với bà ấy cảm như không có chuyện gì để nói. Những câu chuyện rất tẻ nhạt dần là chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện các con ở ngoài thành phố… Bà đổ thừa cho tôi chuyện thằng Cọp nó đi chơi, không lo làm ăn vì tôi không rầy dạy, thế là gây gổ vì cái vô lý của bà, con thì con chung mà.

Mỗi ngày đi qua, trời đất vẫn là nắng hạ mưa thu cớ sao đời sống của vợ chồng tôi nhạt nhẽo như thế. Càng ngày tôi càng thấu nỗi buồn cô quạnh của người già. Tuổi của chúng tôi không còn sức để sưởi ấm đời nhau, mà những người già thường sống bằng một nguồn sinh lực khác. Một hôm, tôi nghiệm ra rằng khu vườn rộng của nhà mình thiếu cái sinh khí của cuộc đời. Sao nó vắng lặng và tẻ nhạt đến xao lòng. Hai trái tim già yếu ớt không đủ đốt cháy một ngọn lửa gia đình đầm ấm. Thế là tôi nghĩ ra một sáng kiến. Tôi đi ra chợ mua hai con ngỗng, hai con gà, hai con vịt… Để gây giống từ đó khu vườn vắng lặng nhà tôi bỗng xôn xao tiếng vọng của đời sống. Ngày thì ngỗng kêu cò kết, cò kết… sáng thì gà trống gáy ò ó o… Bà già nhà tôi tối ngày ở sau vườn tăng hưu mấy con gà con rồi đi chặt cỏ vườn. Tôi thì châm bình trà ra ngoài chòi lục giác vừa nhâm nhi vừa nghe tiếng chim hót, tiếng gà gáy, thứ tiếng vọng của cuộc đời như một chàng thi sĩ. Thế rồi vui chẳng được bao lâu, nghe hoài cũng chán. Nó nhạt đi theo ngày tháng. Tôi cảm rằng, cung bậc của tiếng đời như thế chưa đủ thiết tha để ru yên tâm hồn hai con người già cỗi

Một hôm tôi ra vườn. Bắt gặp bà vợ của tôi đang dùng dao chặt cỏ vườn. Mặt bà để một nơi, hồn phách bà ở một ngã. Bà chặt vào bụi cỏ hay chặt thứ gì mà ngọn cỏ như gió lùa. Rồi ở đâu đó, phía ngoài tường rào nhà tôi có tiếng khóc của một bé gái. Con dao trên tay bà vợ tôi rớt hồi nào không hay, mặt bà dáo dác, bà thảng thốt nói với tôi: Ông ơi con Giáng Tiên nó về! Tôi ra cổng nhìn tận ngoài lộ xe cũng không thấy ai cả. Chắc đám con nít của ngôi nhà liền kề nhà tôi nó khóc. Tôi nói trong bụng bà già này thần kinh rồi. Nói vậy thôi chứ tôi cũng bị thần kinh, tôi nghe rõ ràng tiếng cháu ngoại tôi khóc. Tiếng khóc sao mà tha thiết, bỏng rát nó đốt cháy tâm hồn vợ chồng tôi. Bà vợ tôi bảo “ông lấy xe đi, mình ra thăm con Giáng Tiên một chút”. Ừ đi thì đi. Đến nhà Ngọc Mai tôi thấy cháu ngoại đang lên cơn sốt li bì. Mẹ nó dán tấm chống sốt trên trán rồi dùng khăn ấm chườm tay chân nó. Bà ngoại nhìn cháu ứa nước mắt, cháu nhìn bà ngoại mừng bằng một nụ cười méo sệt.

Tình máu mủ quá là thiêng liêng diệu kỳ, nó cho vợ chồng tôi một linh cảm như thế.

Rồi một hôm, con Ngọc Huyền về thưa với cha mẹ: “con nuôi con vất vả quá, thiếu nợ người ta cũng nhiều, con tính bán nhà rồi về ở với cha mẹ, chỉ cách 6-7 cây số thôi, còn đi làm, đưa thằng Mui đi học cũng được”…

Cách vài tháng sau, vợ chồng Ngọc Mai lại thưa: “Tụi con trả căn nhà lại cho cha mẹ để cha mẹ cho thuê kiếm đồng vô đồng ra, cha mẹ già quá rồi. Tụi con về ở với cha mẹ…”

Bà vợ tôi thì cười chúm chiếm. Còn tôi thì thấy sao nó quá hợp lý đi mất, mặc dù tôi biết rằng rồi đây đời của vợ chồng tôi sẽ rước thêm gánh nặng. Nhất là vợ tôi rồi sẽ chuyển sang vai trò làm con sen cho các con, các cháu. Nhưng thôi, dù nặng nề cũng phải gánh. Cuộc đời tôi bôn ba trôi nổi, hồi trẻ thì thân phận nghèo hèn. Cứ canh cánh nỗi niềm của người có lỗi, không lo cho con mình đầy đủ với người ta. Vì thế cái mong muốn được ở chung, gần gũi với các con mình trở thành một tình cảm tha thiết, thầm kín.

Vậy là chúng về, cứ chiều xuống hay sáng sớm, đặc biệt là thứ Bảy, Chủ nhật. Khu nhà vườn tôi đông nghẹt. Mâm cơm dọn ra dài dằng dặc cha mẹ, ông bà, cháu nội, cháu ngoại xúm xít. Chén đũa khua vang tiếng đùa giỡn của bọn trẻ, con gái, con trai gắp thức ăn cho cha mẹ không khí cứ rộn ràng như họp chợ. Chiều xuống, mấy thằng nhóc đi học về lôi xe ra khoảng sân rộng trước ngôi từ đường mà chơi, tiếng la hét, tiếng cười đùa xen lẫn tiếng khóc dậy lên. Nó xua tan, nó thủ tiêu hết không khí vắng lặng buồn tẻ của khu nhà vườn tôi hồi nào không biết. Đời sống của tôi, tâm hồn của vợ chồng tôi như được sưởi ấm. Cái ngọn lửa gia đình ấy nó thiêng liêng và huyền diệu đến nỗi đốt cháy những băng giá của tuổi xế chiều.

Rồi cái điều tôi tiên liệu đã xảy xảy ra, lũ cháu ngoại và cháu nội mới sinh tất cả đều đổ dồn lên đầu bà ngoại. Bà ngoại chạy như chạy giặc làm không hở đôi tay, suốt ngày “quần do áo vận” như một mụ đàn bà nông dân nghèo bước vào mùa đông ken cấy, gặt của thế kỷ trước. Thằng Ba Dũng khóc nhề nhệ bà ngoại vừa ẫm nó vừa vo gạo nấu cơm, vừa đút thuốc cho thằng Mui sổ mũi, vừa chăm sóc con dâu ở cữ. Bà cực còn hơn lúc đi chăm cháu ngoài Bạc Liêu.

Một bữa, bà chị vợ thứ tư của tôi ở chợ Bạc Liêu vào thăm, bà nằm võng nhìn ngắm em gái út của mình rồi nói giọng buồn buồn xen lẫn xót xa: “Chị thấy trên đời này không có ai như dì, có của ăn của để mà làm gì? Chết đâu có mang theo được. Từng tuổi này là phải biết sống thảnh thơi, đi đây đi đó du lịch cho nó vui vẻ thoải mái cuộc đời. Tội lệ gì mà biến mình thành một đứa chăn trâu…”  Nói đến đó, chị rơm rướm nước mắt rồi rũ áo ra về.

Ông anh vợ thứ bảy của tôi từ Cà Mau lên chơi, lúc nhậu ngà ngà say ông thấy thương em gái rồi cũng nói tương tự như thế.

 Một bữa, đứa cháu vợ gửi cho vợ chồng tôi một đoạn văn đăng trên Facebook triết lý về lối sống của người già. Tôi nhìn người viết ra thì đó là của một người quen cũ, anh nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Anh viết: “Đến tuổi về hưu là không nên trực tiếp dây vào chuyện con cháu. Hãy để chúng tự lập, tự chăm sóc nuôi dạy con cháu. Mỗi một thế hệ, một thời đại có cách chăm sóc dạy dỗ con cái khác nhau. Vì như ngày xưa “mẹ nhai cơm bún lưỡi lừa cả xương” còn hôm nay mà làm thế thì mất vệ sinh lắm. Không khéo chúng ta sẽ làm hỏng việc của con cháu. Tốt nhất, người già là nên sống thảnh thơi không vướng bận để dồn sức lo cho sức khỏe của mình, để rong chơi, đi du lịch cho biết đây biết đó, để hưởng thụ…”.

Bà vợ tôi đọc đoạn Facebook này, cộng thêm lời ong tiếng ve trách cứ của anh chị ruột thì bắt đầu nao núng, bắt đầu một nhận thức khác. Bà trở thành một bà già lằng nhằng, vừa làm vừa rên rỉ: “Ôi cuộc đời tôi sao nó khổ thế này? Sinh nhiều con thế này mà không đỡ đần được một đứa?

Có bữa cực quá bà bật khóc rồi hỏi tôi: “Ông tính sao?”.

Tôi suy nghĩ nát ruột. Nhìn bà tôi xót lắm. Nhưng nhìn con gái không ai giữ con mọn để nó đi làm, kiếm miếng, cơm manh áo tôi cũng xót. Bà hỏi tôi tôi biết hỏi ai hở trời?

Rồi một hôm, các con gái tôi như ngộ ra một điều rất quan trọng của tình mẫu tử. Đầu tiên là con Ngọc Mai, hôm đó nó cùng chồng chở hai đứa con về thăm bà già chồng ở tận xã Vĩnh Bình, cách nhà tôi nom 30 cây số. Nó lấy đi quần áo rất nhiều. Con Ngọc Mai thì giấu nước mắt. Tôi linh cảm có chuyện gì đó. Ba bốn ngày sau tôi điện hỏi sao không về. Nó bảo: “Mẹ cực quá con mang mấy đứa nhỏ về cho bà già chồng con giữ hộ để con và anh Vũ (chồng nó) đi làm”. Nói chỉ có vậy rồi nó khóc và tắt máy. Tôi biết, con gái tôi khóc không phải vì trách mẹ, mà khóc vì lưu luyến nhớ nhung cái đời sống bên cha, bên mẹ của mình.

Sau đó con Ngọc Huyền cũng đưa thằng Mui đi theo vào cơ quan dù bữa đó nó không đi học hay nhức đầu, sổ mũi. Và sau nữa là con Linh cũng ít cho thằng Sỹ Thái về. Tôi biết các con tôi muốn cho mẹ nó thành thơi mà an hưởng tuổi già.

Con cháu đi rồi, tôi ngồi thở dài thườn thượt. Khu nhà vườn tôi trở nên hoạnh vắng như lúc trước. Xôn xao giữa trưa hè tiếng cu gù và tiếng ngỗng cò két sao tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng những âm thanh quen thuộc. Mâm cơm dọn lên vắng hoe. Hai vợ chồng già ngồi ăn như ai ăn. Vợ bảo: “Ông ăn đi”, chồng bảo: “Bà ăn đi”. Câu nói chăm sóc nhau ngày càng nhạt. Dường như nó không bắt đúng cung bậc niềm hạnh phúc của người già. Một bữa, tôi ra sau vườn nhìn vợ tôi chặt cỏ. Mặt bà thẩn thờ, bà cầm dao chặt cỏ, sao ngọn cỏ chỉ như gió lùa. Rồi một bữa, mới 5 giờ sáng, bà gõ cửa phòng tôi, bà nói gấp gửi: “Ông thức dậy đi với tôi xuống nhà bà sui thăm thằng Ba Dũng, đêm hôm tôi nằm chiêm bao thấy nó bệnh nặng”. Tôi thất thần vì đêm hôm tôi ngủ chập chờn, trong mơ hồ tôi cũng nghe tiếng thằng Ba Dũng khóc.

Vợ chồng tôi dừng xe trước cửa nhà bà sui thì con Giáng Tiên hét toáng lên mừng ông bà ngoại. Còn thằng Ba Dũng tập tễnh chạy ra miếu máo khóc rồi chỉ cho ông bà ngoại một cục bầm xanh trên trán như mọc sừng, vì đêm hôm bị té dập đầu xuống gạch. Bà vợ tôi ôm cháu ngoại rồi khóc, tôi đứng như trời trồng. Bà nói nhỏ với tôi: “Rước mẹ con nó về nhà mình ông ơi. Tôi chịu cực khổ quen rồi”.

Vợ chồng tôi ăn cơm với chị sui một bữa, chị cũng giá chồng, có hai đứa con, con gái thì gả đi, con trai thì là thằng Vũ chồng con Mai. Thằng Vũ đi rồi chị côi cút một mình cũng khát khao tình con, cháu, chị bảo: “Anh chị về đi ít bữa tôi đưa tụi nó về”.

Chúng tôi lên xe về, con Giáng Tiên miếu máu, nước mắt lưng tròng, còn thằng Ba Dũng thì ôm chân bà ngoại khóc thét đòi theo. Bọn nó quen cái quen nước khu nhà vườn tôi rồi mà. Bà ngoại giọt ngắn, giọt dài, gỡ tay cháu ra mà chạy lên xe như chạy trốn.

Xe tôi đi khá xa mà tiếng khóc của thằng Ba Dũng vẫn còn nghe lồng lộng. Tiếng gì đấy nhỉ, âm thanh gì đấy nhỉ? Mà nó lảnh lót hơn tiếng họa mi, nó gợi cảm hơn tiếng đàn bầu, nó có sức mạnh hơn bất kỳ âm thanh nào trên dương thế, nó xoáy vào hồn ta, làm nát vụn trái tim ta, nó làm ngập tràn hạnh phúc cuộc đời ta? Phải rồi, nó là khúc hát thiêng liêng của tình máu mủ. Là một thứ tiếng của cuộc đời sâu thẳm nhất vang vọng mãi trong cuộc đời ta. Khu nhà vườn tôi bấy lâu thiếu đi khúc hát này nên nó tẻ nhạt, nó là một sự cấu tạo cuộc đời không hoàn chỉnh, rất thiếu những cung bậc sâu lắng của tình cảm người già, nên nó không đáp ứng được đời sống của người già.

Tôi vừa lái xe vừa ngẫm nghĩ, ráng chịu cực khổ đi bà ơi, đưa con cháu về lại nhà mình. Tôi sẽ bớt thời gian cà phê chăm cháu phụ bà. Mình đâu phải người Tây người Mỹ, mình là người Việt Nam, tôi nhớ man mán câu hát đưa nôi ngày bé: “bà nuôi mẹ, mẹ nuôi con”. Cuộc đời từ ngàn xưa là thế, đâu có ai so hơn tính thiệt, là sứ mệnh thiêng liêng cao cả của con người đó mà.

Nghĩ đến đây tôi bất giác giật mình lo sợ. Sợ một ngày ta xuôi tay, nhắm mắt không được ở lại trần gian mà cận kề, cực khổ chăm sóc con cháu. Cực khổ? Không, đó là hạnh phúc. Nghĩ đến đó, trong đôi mắt mờ đục của tôi chảy ra hai dòng lệ đặt oánh. Văng vẳng bên tai tôi vẫn còn nghe tiếng gào khóc của thằng Ba Dũng, đó là khúc hát của nhân gian mà, sâu thẳm tình đời, ngàn năm vọng mãi.

Bút ký của Phan Trung Nghĩa

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm