May 7, 2024, 10:21 am

Người liệt sĩ, xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ và hai tác phẩm hội hoạ được in tiền...

Khởi nguồn từ “Cành liễu trước bão giông”

Bảy năm trước, khi tham gia biên soạn quyển sách Áo trắng rừng xanh về sự đóng góp của lực lượng y bác sĩ trong căn cứ kháng chiến, tôi được gặp cô Trương Thị Xuân Liễu, nguyên giám đốc Sở y tế Tp. Hồ Chí Minh Cô là sinh viên y khoa Hà Nội, xuất thân trong một gia đình trí thức. Cha cô Liễu là dược sĩ Trương Xuân Nam, sang Pháp du học ngành Dược. Năm 1939, ông về nước, gặp một tiểu thư gia đình nề nếp ở Sài Gòn nên duyên chồng vợ, có với nhau năm người con. Cách mạng Tháng Tám, ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, đưa gia đình đi kháng chiến. Lúc đầu, ông phụ trách khoa Dược ở Huế. Kháng chiến bùng nổ, theo nhiệm vụ công tác “đưa kho thuốc về nơi an toàn nhất”, ông ngày càng đi xa. Từ Huế, ông ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá... Khi ông về tiếp quản Hà Nội, cả nhà được đưa ra Bắc. Tốt nghiệp Đại học Y Khoa, Trương Thị Xuân Liễu xin vào chiến trường miền Nam (Thời ấy gọi là đi B). Không ai biết cô bác sĩ trẻ, đẹp vừa mới ra trường năm ấy đã thầm đính ước với một người con trai miền Nam tập kết ra Bắc. Anh được đưa ra nước ngoài học ngành kinh tế. Hôm chia tay, cô nói với người yêu: “Mình còn quá trẻ, không ràng buộc. Anh gặp người hợp ý cứ lấy”. Anh không hứa gì nhưng kiên nhẫn đợi chị đến ngày hoà bình. Còn cha cô lúc chia tay hẹn gặp con gái ở chiến trường miền Nam. Và ông đã về Nam thật. “Ấy là năm 1973”, cô Liễu kể, “Ô tô đã vào được Lò Gò. Hai cha con ôm nhau trong nước mắt. Tôi tự hào vì ba và con gái cùng một chiến hào, cùng ngành y, phục vụ cho kháng chiến. Lúc đó, ba tôi là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (C15 - Ban Dân y miền Nam). Năm 1975, cô trong đội quân áo trắng từ rừng về Sài Gòn tiếp quản ngành y tế. “Tôi được đưa về tiếp quản Nha y tế công cộng (tiền thân của Trung tâm Y tế dự phòng ngày nay)”. Tận tâm, tận hiến cho ngành Y trong kháng chiến chống Mỹ và sau ngày hoà bình, cô về hưu với tất cả sự thanh thản. Người nữ bác sĩ vượt Trường Sơn năm ấy, chung thuỷ với mối tình đầu tiên và duy nhất, dành cả tinh hoa cuộc đời phục vụ ngành Y, qua nhiều cương vị công tác giờ đây sống hạnh phúc với một gia đình êm ấm. Vượt qua bão giông, cành liễu dịu dàng, thướt tha trong mùa xuân ấm áp như ý nghĩa cái tên ba mẹ đã kỳ vọng đặt cho con gái.

Liệt sĩ Trần Văn Sắc. Tên thật Trần Văn Nghiêm. Sinh ngày 27/10/1911. Nguyên quán Như Long, Phụng Hiệp, Cần Thơ. Họ và tên cha: Trần Văn Ngươn. Họ và tên mẹ: Trần Thị Kiến. Đây là bức di ảnh duy nhất của người cha mà ông Trần Tử Trung có được, nhờ Mật thám Pháp chụp, lưu tại Cục hồ sơ nghiệp vụ an ninh.

Nhưng người bạn đời của cô, ông Trần Tử Trung gây cho tôi một sự bất ngờ, thật kỳ diệu. Ông là con trai của liệt sĩ Trần Văn Sắc (tên thật là Trần Văn Nghiêm, là học trò của cụ Nguyễn Sinh Sắc, từng học vẽ trường Mỹ thuật Gia Định, hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Nam kỳ năm 1938). Người Xứ uỷ Nam kỳ ấy đã hy sinh nhưng ông tồn tại trên thế gian này bằng hai tác phẩm hội hoạ được in trên tiền Đông Dương của chính quyền Pháp thuộc và tiền chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Người liệt sĩ ấy đã sống trong ký ức con trai mình, bằng sự nâng niu, trân quý từng tư liệu liên quan đến cha mình...

Lá thư viết tay của con trai người liệt sĩ - hoạ sĩ

Đầu năm 2022, ông Trần Tử Trung, chồng cô Trần Thị Xuân Liễu gởi cho tôi phong thư. Trong lúc bận rộn, tôi mở ra, thấy bài viết “Cành liễu trước bão giông” của mình trong tập sách “Áo trắng rừng xanh” được ông in ra, đóng bìa rất trang trọng, tôi mỉm cười thầm nghĩ: “Ông này yêu vợ quá”. Rồi tôi cất phong thư vào một góc. Cho đến mùa thu năm nay, bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải thực hiện quyển sách những câu chuyện áo dài gắn với lịch sử dân tộc, rất muốn gặp lại chị Liễu, người con gái như thơ Lê Anh Xuân viết: “Em đã đẹp trong áo dài Hà Nội/ Đi giữa đường thơm mỗi mùa xuân tới/ Em còn đẹp hơn trong chiếc áo bà ba/ Nhuộm màu đen, màu bùn đất quê nhà...”; tôi  tìm lại phong thư của ông Trung. Lần này, thật bất ngờ, một lá thư viết tay rơi ra. Tôi chăm chú đọc: 

“... Tình cờ trên tạp chí Tri Ân có bài “Trang vàng liệt sĩ Trần Văn Sắc”. Bài viết tốt về ba anh - nhà cách mạng Đồng bằng sông Cửu Long những năm 1930 - hy sinh ở chiến khu Cần Thơ - Rạch Giá trong kháng chiến chống Pháp. Song chưa đủ. Anh muốn cung cấp cho Trầm Hương thêm tư liệu, để khi nào có cảm xúc thuận tiện có thể viết được không?...

Anh gởi kèm một số tư liệu đây, nhà cách mạng kín tiếng. Ông là hoạ sĩ mà không có chân dung hình chụp, chỉ có hình duy nhất khi ở nhà tù...”.

Cô sinh viên y khoa Trương Thị Xuân Liễu và ông Trần Tử Trung trước ngày đi B

Tư liệu về cha ông Trung thu gọn trong vài trang rất mỏng mà trĩu nặng. Sau chiến tranh, ông đi tìm lại nhiều nhà cách mạng lão thành, nhiều người cùng thời để biết thêm về người cha đã hy sinh lúc ông còn rất nhỏ nhưng những gì ông có được càng gợi lên trong ông khát vọng mãnh liệttìm thêm những ẩn số về cha mình. Gia đình ông đã từng gởi đơn đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh để được cung cấp ảnh và xác nhận quá trình hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa của ông Trần Văn Sắc. Nhờ lá đơn này, ông Trung mới có được hai bức ảnh chân dung của người liệt sĩ và được “xác tín” quá trình hoạt động của cha mình qua hồ sơ lưu trữ của chính quyền cũ:

“Năm 1931: Ông Sắc là học sinh trường Hoạ - Gia Định (Ecole de Dessin de Gia Định), tham gia hoạt động cộng sản.

Ngày 01/4/1931: Ông bị địch bắt tại trụ sở Ấn loát của Xứ uỷ Nam Kỳ ở số 91, Đại lộ Kitchêner (Chợ Lớn) cùng với 3 đảng viên cộng sản khác là Phan Hữu Trinh, Lê Hiên và Ung Văn Khiêm.

Ngày 13/4/1932: ông được địch tha.

Từ sau khi được tha, ông tiếp tục hoạt động cộng sản và bị Mật thám Pháp nhận xét là một trong số những nhà hoạt động tích cực ở Long Xuyên và Cần Thơ.

Năm 1938: Ông là một trong số 11 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ lâm thời của Xứ uỷ Nam Kỳ (được bầu ra Hội nghị gồm 25 đại biểu của các tổ chức cộng sản Nam Kỳ nhóm họp ngày 27/11/1938 tại Chợ Gạo - Mỹ Tho; mục đích của Hội nghị này là bầu ra Ban Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ...”

Bức tranh vẽ “Nông dân tát nước hoàng hôn” của hoạ sĩ Trần Văn Sắc

Tuổi thơ không có mẹ, thiếu vắng hình bóng cha

Đọc thư và tư liệu ông Trung trao, lòng tôi trào dâng xúc cảm. Tôi gọi điện và muốn được gặp ông để biết thêm về người liệt sĩ có số phận quá đặc biệt. Tôi hỏi ông Trung: “Quê tận xã Long Thành, Phụng Hiệp, Cần Thơ mà đậu vào trường Mỹ thuật Gia Định đầu thế kỷ thì cha anh chắc hẳn xuất thân trong một gia đình khá giả?”. Ông Trung gật đầu xác nhận: “Ông nội tôi là Trần Văn Ngươn - một nhà nho, có ruộng đất, nuôi dạy con cháu theo tinh thần nho giáo: kính trọng cha mẹ, không tham lam, thương người. Cha tôi thứ năm (theo cách gọi ở Nam bộ). Mẹ tôi là Nguyễn Thị Thanh. Tôi là con trai đầu lòng, sau tôi còn hai em nữa. Trải qua thăng trầm gần một thế kỷ, gia đình tôi có nhiều chuyện buồn, chuyện vui. Nỗi buồn tôi xin không kể, mà kể niềm vui thôi!”. Tôi cười nói với ông: “Khoan nói đến niềm vui, em muốn được anh mở lòng chia sẻ nỗi buồn!”. Ông nhìn ra xa, mắt dấp dính nước: “Buồn, rất nhiều nỗi buồn. Nỗi buồn lớn nhất là tuổi thơ anh em chúng tôi không có mẹ, thiếu vắng hình bóng cha. Cha hoạt động cách mạng, ít khi về nhà. Khi ông bị bắt vào tù, mẹ tôi không chịu nổi áp lực của mật thám Pháp đã lìa bỏ chúng tôi. Bà lấy chồng khác, có một mái ấm khác. Từ đó, bà cũng không về thăm chúng tôi. Anh em tôi lớn lên trong tình yêu thương, dạy dỗ của bà nội. Bà tên Trần Thị Kiến, là bà nội nhưng trong đáy lòng, tôi xem bà như người mẹ sinh ra tôi. Bà cho chúng tôi ăn học, rèn tôi thành một người lao động giỏi, sống trung thực, biết thương người. Bà rất thương cha tôi. Khi cha tôi bị bắt vào Khám Lớn Sài Gòn, bà đi thăm, dẫn theo em trai út của cha tôi. Tên cai ngục nhìn mặt chú út phán một câu: “Thằng này lớn lên rồi cũng đi làm cộng sản thôi!”. Mà đúng vậy, đàn con cháu của bà không trực tiếp cũng gián tiếp làm cách mạng. 13 tuổi, tôi đi bộ đội, sau trận quân Pháp càn quét dữ dội vào xóm làng. Bà ủng hộ, không ngăn cản. Tiễn tôi đi, bà lau nước mắt nói: “Con noi theo gương cha, phải thiệt cho xứng đáng!”. Tôi được ông Chín Thanh là chỉ huy hết lòng che chở. Ông nói với phó của mình: “Thằng này con liệt sĩ. Đừng bố trí nó chỗ nguy hiểm. Hãy giữ mạng sống của nó cho người cha liệt sĩ của nó”.  Tôi tự ái cứ đòi xông pha, may mắn qua cuộc kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, được đưa ra nước ngoài học ngành ngoại thương...”  Nén lại xúc động, ông Trung nói: “Bà nội không chỉ thay cha tôi nuôi đàn cháu mồ côi, dạy dỗ tôi nên người mà còn lưu giữ nhiều ký ức về cha tôi. Những gì tôi biết được về cha phần lớn là từ lời kể của bà...”.

Ngân hàng Đông Dương phát hành giấy bạc mệnh giá 500 đồng ngày 9/3/1945, với thiết kế tranh vẽ “Nông dân tát nước hoàng hôn” của hoạ sĩ Trần Văn Sắc

Học trò của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Ông Trung kể: “Qua bà nội tôi được biết, năm lên 16, 17 tuổi; cha tôi tham gia tổ chức Thanh niên Cách Mạng đồng chí Hội (Khoảng năm 1927 – 1928). Ông cùng Nguyễn Văn Thiệt hoạt động ở địa bàn Sa Đéc, Cao Lãnh, Đồng Tháp; thường tập hợp ở nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác Hồ). Về sau, nhóm thanh niên này gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương - Nam kỳ, trong đó có cha tôi là Trần Văn Sắc và Nguyễn Văn Thiệt- Bí thư tỉnh Vĩnh Long. Trong số những nhà cách mạng những năm 1930, đồng chí của cha tôi là Lý Tự Trọng, Ung Văn Khiêm... Trong kháng chiến chống Pháp, ông Thiệt chịu trách nhiệm vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Việt Nam. Sau này gặp ông Thiệt ở Hà Nội, tôi có hỏi chuyện cha tôi đến học nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, ông Thiệt xác nhận điều đó. Ở Vĩnh Long, sau này cũng có con đường mang tên Nguyễn Văn Thiệt. Còn ở Thành phố Thủ Đức, phường Thảo Điền, có con đường mang tên cha tôi - đường Trần Văn Sắc. Những học trò cụ Phó Bảng năm ấy phần lớn đều trở thành những Đảng viên xuất sắc, nòng cốt lãnh đạo trong Cách tháng Tám và hai cuộc kháng chiến của đất nước”.

“Là Xứ uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ năm 1938, ông Trần Văn Sắc chắc hẳn tham gia cuộc  Khởi nghĩa Nam kỳ?”. Tôi hỏi. Ông Trần Tử Trung chân thành nói: “Cha tôi hoạt động tiền khởi nghĩa gắn với ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Kỉnh... Nhưng hồi đó, cuộc sống khó khăn, tôi chưa có ý thức để tìm hiểu tường tận những khoảng trống cuộc đời hoạt động của ông. Đến khi có ý thức thì nhiều bậc tiền bối đã ra đi... Nhưng tôi được biết, cha tôi nhiều lần bị mật thám Pháp truy nã, đuổi bắt.

Lần thứ nhất, cha tôi vượt ngục bất thành, để lại nhiều thương tích và gần như tàn phế. Sau khi bắt giam Lý Tự Trọng vào tháng giêng năm 1931, Pháp bắt Trần Văn Sắc vào tháng 4/1931 và Ung Văn Khiêm, đưa về Khám Lớn Sài Gòn. Đây là ba đồng chí cùng chung hoạt động ở Xứ uỷ Nam Kỳ. Cha tôi vượt ngục, bị địch truy nã, lùng sục trên chiếc xe lửa Sài Gòn (Hoà Hưng) ra Bắc. Đến gần Huế, ông táo bạo nhảy tàu khi tàu vẫn đang phóng nhanh. Pháp cho truy lùng, bắt ông, tống giam vào đồn Phong Trạch (Huế). Sau một thời gian, ông bị đưa về lại Khám Lớn Sài Gòn. Đến năm 1933, ông được thả. Mật thám Pháp ghi tên ông vào sổ bìa đen, theo dõi và cho ông là nhà hoạt động tích cực của Cộng sản Nam Kỳ. Ông được bầu vào Thường vụ Xứ uỷ Nam kỳ ở Hội nghị Chợ Gạo Mỹ Tho, tiếp tục tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11 năm 1940 và Cách mạng tháng Tám năm 1945...

Tranh “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long” của hoạ sĩ - liệt sĩ Trần Văn Sắc được ông Trần Tử Trung nhờ hoạ sĩ vẽ lại sau ngày hoà bình

Lần thứ hai, năm 1947 - 1948; cha tôi bị Pháp truy nã, lùng bắt khi ông trên đường về chiến khu Rạch Giá - Cần Thơ. Người hạ sĩ quan gốc Phi của quân đội Pháp rất kinh ngạc khi tiếp cận với một tay Việt Minh có phong thái trí thức, đĩnh đạc, nói tiếng Pháp rất chuẩn, có kiến văn rộng rãi, hiểu biết tình hình chính trị An Nam và cả thế giới. Người sĩ quan này được cha tôi thuyết phục, đã lặng lẽ không bắt ông. Đội quân súng ống đã lên nòng rút đi, không đốt phá nhà dân như đã từng làm ở vùng đất tranh chấp. Năm 1949, cha tôi hy sinh...”

Sau phút lặng đi, ông Trần Tử Trung trao cho tôi hai đồng tiền cũ, xúc động nói: “Cuộc đời cha tôi như vệt sáng thoáng qua trên thế gian này, kịp để lại hai thứ mà tôi quý hơn mọi báu vật. Cha tôi có hai tác phẩm nổi bật về thời cha ông mở cõi ở đồng bằng sông Cửu Long. Bức tranh vẽ “Nông dân tát nước hoàng hôn” được chọn để in giấy bạc ngân hàng Đông Dương mệnh giá 500 đồng, phát hành tháng 3/1945 và bức tranh “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long” được Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà dùng in giấy bạc mệnh giá 100 đồng, thời chính quyền Ngô Đình Diệm...”.

Giấy bạc mệnh giá 100 đồng sử dụng bức tranh vẽ “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long” của hoạ sĩ - liệt sĩ Trần Văn Sắc được chính quyền Ngô Đình Diệm phát hành vào những năm 1960.

Tôi hỏi ông Trung: “Pháp và chính quyền Diệm có biết hai bức tranh đó là của ông Trần Văn Sắc, một Xứ uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ?”. Ông Trung nói: “Tên cha tôi đã được mật thám ghi vào sổ bìa đen, ảnh của ông cũng được mật thám Pháp lưu giữ thì làm sao mà không biết. Điều kỳ diệu của số phận là cha tôi đã sống mãi với non sông bằng hai đồng tiền Pháp và Việt Nam Cộng Hoà in tranh ông. Còn vì sao họ chọn in tranh của một tay cộng sản hoạt động hăng hái và tích cực thì tôi cũng không biết!”.

Sau ngày hoà bình, ông Trần Tử Trung nghe loáng thoáng ở Cần Thơ có ông Tư Tự học vẽ với cha mình nên tìm đến thăm. Ông Tư Tự tặng bức tranh vẽ “Nông dân tát nước hoàng hôn” của hoạ sĩ Trần Văn Sắc đã phai màu cho ông Trần Tử Trung. Với ông Trung, đây là một báu vật của gia đình...

Trầm Hương

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Có thể bạn quan tâm