May 7, 2024, 3:09 pm

Không còn ai ở Shek Kong. Truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang

Dữ dội và khốc liệt. Góc khuất của những thân phận tha hương khao khát tìm đến miền đất hứa mong gột bỏ quá khứ để được đổi đời, nhưng đã phải trả giá bằng quá nhiều mất mát, đau thương. Nhưng khi bị dồn đến đường cùng họ đều ngộ ra rằng, nếu không biết bao dung, yêu thương, đùm bọc nhau thì mặt đất này làm sao tìm được nơi chốn nào bình an để nương náu.

(Phong Điệp)

Hải một mình đi giữa cơn mưa Hồng Kông tầm tã, xóa nhòa đi ranh giới của những đại lộ, những tòa cao ốc lộng lẫy, xa hoa. Hồng Kông vẫn là Hồng Kông, hào nhoáng và xa lạ. Hải không thuộc về nơi này, chỉ một phần tuổi trẻ cay đắng mãi nằm lại không sao xóa bỏ được trong ký ức. Hồi chiều, sau khi tham quan Đại lộ Ngôi Sao, núi Thái Bình, vịnh Victoria, anh buột miệng hỏi hướng dẫn viên của đoàn:

- Trại Shek Kong ở đâu?

Cô hướng dẫn viên ngơ ngác không biết trả lời ra làm sao. Địa điểm ấy dường như không còn tồn tại trong thế kỷ 21. Anh tách đoàn, đi lẩn thẩn dưới mưa để nhớ Shek Kong, nhớ Ngân thuở nào trong một cảm giác ớn lạnh, xót xa.

*

Mưa xối xả đổ xuống trại Shek Kong mấy ngày không ngớt. Mưa dội vào mái tôn ầm ầm, hơi lạnh len lỏi vào từng chiếc giường, từng khu trại cũng không làm vơi đi nỗi bức bối, căng thẳng của hơn ba ngàn con người trước trận hỗn chiến vùng miền đã kề sẵn trên đầu. Ống sắt đầu giường mài nhọn được người của Tấn “sáu ngón” phát tới tận tay Hải. Anh sẽ phải dùng nó để đánh nhau với những người cùng máu đỏ da vàng bên kia hàng rào dây thép. Nhìn ống thép anh ứa nước mắt. Cụ Đính đứng bên chậc lưỡi. Thanh niên khu B quanh đấy đều được phát mỗi người mỗi ống, người huơ kẻ múa nhức mắt trước ngày lâm trận. Bên kia hàng rào, khu A của Phong “lé” cũng gõ giường, khua nắp inh ỏi. Sẽ đánh nhau to, sẽ có người bị thương, người chết, rồi lại tan đàn xẻ nghé, thù hận, chia ly. Ngân bây giờ xa cách, gặp anh cô không chào hỏi, nhưng anh biết cô vẫn luôn ngước nhìn anh từ xa, quan tâm anh từng hành động, cử chỉ trong chốn tối tăm này. Hôm nay, thấy anh cầm ống sắt, Ngân lộ vẻ lo lắng, gương mặt thanh xuân thấm cả mưa buồn.

Hải lớn lên, tuổi thơ nghe tiếng súng triền miên, sách vở lõm bõm đôi trang, rồi chiến trận, anh gặp cảnh một người lính rách nát, nằm xoãi hai chân hai tay, đầu gối trên một khúc cây gẫy, khuôn mặt gần như chỉ còn xương với tí thịt rữa còn vương dính lại. Anh nhìn sâu và hai hốc mắt chỉ còn trơ hai cái lỗ đen ngước lên như chất vấn cõi trên. Lúc đó, Hải nghĩ người lính này chỉ bị thương, đã cố lết tới đây nằm vật ra, mặt ngửa lên trời, hỏi rằng: chiến tranh, tự do và hạnh phúc là gì… trước khi trút hơi thở lần sau cuối đầy đớn đau. Hải không cầm súng, anh chọn cầm vô lăng. Ngân lại gần anh nói:

- Ít ngày nữa anh đừng ra đấy. Đó là việc riêng của Tấn “sáu ngón” với Phong “lé” muốn làm bá chủ trại này.

Hải chua chát:

- Chẳng phải đó là “phu quân” của em sao. Anh nhấn mạnh chữ “phu quân” cay đắng. Dù sao em cũng là phu nhân của Trật tự trưởng, đừng làm nhụt chí phe mình.

Ngân như muốn khóc, bỏ đi qua bên kia hàng rào của phe Phong “lé”. Hải không nói thêm gì nữa, anh ra hàng ghế mái hiên ngoài trại châm thuốc hút, phì phà nhả khói vào mưa. Cạnh đấy, ông giáo Tuỳ và cụ Đính cùng đăm chiêu suy nghĩ, chợt giáo Tuỳ thốt lên:

- Không thể như thế được. Đau lắm!

Hải tự xếp mình vào nhóm cuối cùng, ra đi không biết đi đâu, đi để làm gì nữa. Hải hỏi:

- Có cách nào khác không?

Không thấy tiếng ai trả lời.

*

Ông giáo Tuỳ, cụ Đính, Ngân và Hải cùng đi chiếc tàu cá liều lĩnh chở 232 con người chen chúc nhau. Chiếc tàu đã cũ kỹ, bệ rạc, chẳng rõ màu sắc, tưởng chừng một cơn sóng lớn khẽ vỗ vào mạn thôi cũng đủ tan tành từng mảnh. Người nọ ngồi trên đầu kẻ kia, tầng tầng lớp lớp như một chuyến đánh bắt xa bờ trúng mẻ trời cho. Tàu lênh đênh trên biển, đến hải phận của Trung Quốc, tàu biên phòng lính tráng chĩa súng áp sát ra hiệu dừng tàu kiểm tra. Một sĩ quan trẻ và năm tên lính hùng hổ nhảy sang, chủ tàu mở cửa cho họ nhìn. Thấy đám người sợ sệt, mặt mày lấm lét nhìn về phía mình, không nói không rằng, tay sĩ quan đưa nòng súng ngắn K-59 lên đầu chủ tàu, lính dưới quyền lên đạn lắc cắc chỉ về những thuyền nhân. Chủ tàu lạy trối chết, vội lấy chiếc mũ cối đội đầu đi xuống từng người, ai có tư trang thảy vào đây để xin đường, nếu không hải quân Trung Quốc hoặc sẽ lai dắt tàu về nước hoặc cho chìm luôn. Hải ngậm ngùi tháo chiếc nhẫn ba anh trước khi mất để lại, giữ cũng chẳng làm gì nữa. Nhiều người tiếc của, nước mắt lưng tròng. Nhiều tiếng thở dài ngao ngán.

Đêm xuống, trăng lên, tàu nực hơi người, Ngân kéo anh ra đuôi tàu hóng gió để quên chuyện buồn. Anh nhìn người con gái đôi mươi duyên dáng, người duy nhất còn sống sót trong gia đình năm người bị B52 Mỹ vùi năm 1972.

Cùng cảnh ngộ, không nhà không cửa, họ làm thân với nhau rất nhanh. Hải kể những câu chuyện đời lính nhọc nhằn, ở đâu cũng thấy khói lửa, chết chóc, nước mắt, chia ly. Hết chiến tranh, anh ôm cái bơm, thau nước vá xe đạp từ Sài Gòn ra tới Hà Nội.

- Đi cho biết miền Bắc thế nào mà đánh thắng được miền Nam em ạ. Nhưng rồi anh vẫn triền miên mất ngủ.

- Vì điều gì hả anh?- Ngân hỏi.

- Tiếng súng và tiếng khóc vẫn còn nằm trong tai anh, vẹn nguyên.

Chính Hải đã chăm sóc Ngân trong những ngày đầu trên biển. Không quen đi tàu, cô ói mật xanh mật vàng. Hải nhường cô từng ngụm nước ngọt, chiếc bánh, miếng lương khô, xem cô như em gái của mình. Mọi thứ của nả Ngân có được đều đã nộp để có thể lên tàu, giờ chỉ còn cuộc đời là tài sản.

Hải muốn đi càng xa càng tốt quê hương đau thương ấy, vì bàn chân anh chưa biết mỏi bao giờ, chỉ có ký ức đau đớn hành hạ anh. Đêm, cơn mơ quằn quại từng hơi thở trống. Hải nằm xuống sàn tàu ướt nhệt cứ ngỡ mình nằm trên con đường nhựa dơm dớp, tanh nồng thuở ấy. Trần trụi trước mắt anh con đường đầy xác người, cơ thể túa ra thứ mồ hôi khét lẹt, nhức nhối. Hải như đi trong một cơn mộng dữ, không uống rượu mà như say, chân bước đi mà như không chạm đất, giữa một vùng trời dậy mùi tử khí. Mấy cây số la liệt người chết lẫn trong xe cộ, phương tiện, hành lý, thúng mủng, áo quần. Hải không sao quên được thứ không khí tàn tạ của vùng chiến sự nát bươm, điêu tàn sau trận đụng độ kinh hoàng đêm trên con đường khủng khiếp ấy.

*

Hải nhớ hôm tàu tới eo biển Quỳnh Châu, khu vực nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam, rồi từ đây mới có thể sang Hồng Kông. Eo biển này nguy hiểm nhất, đây là nơi giao nhau của các dòng hải lưu tạo nên những vùng xoáy có thể hút cả tàu bè trong chớp mắt. Chủ tàu nhờ những thanh niên nhanh nhạy, tinh mắt lên trên mái tàu, cột buồm trông chừng các xoáy nước. Tàu vào giữa eo, Hải nhìn rõ những lá buồm nhô lên lập lờ mặt nước xanh thẫm, những chiếc nón lá nửa chìm nửa nổi, những bộ quần áo tung xoã, dập dềnh trên làn nước nổi màng. Mọi người chợt lặng im trước con tàu vượt biên xấu số bị chìm, mang theo biết bao sinh mạng của đồng bào bỏ xác nơi đất khách quê người. Ngân tựa vai Hải sụt sùi khóc. “Sao đi đâu cũng thấy chết vậy hở anh!”.

Ngày thứ hai mươi mốt, Hải đứng cuối tàu, nghe mọi người reo lên: “Hồng Kông kia rồi! Tới rồi! Thoát rồi!”. Anh chồm lên phía trước, căng mắt ra, kịp nhìn thấy một dải dài mờ ảo màu xanh lục nhô lên giữa trùng dương. Ở một phía, ánh sáng lung linh của hàng triệu bóng đèn toả rực một góc trời, gọi mời phận người lưu lạc. Ngân cố nhoài người ra giữa đám đông nháo nhác, Hải kịp nắm tay cô kéo lại gần. Cô khẽ nói: “Mình tới rồi, vui quá anh Hải nhỉ. Hồng Kông thật đẹp!”. Hải gật đầu, không cần biết Ngân có thấy không nhưng cô vui, lòng anh cũng mở cờ, gióng trống. Cái lạnh, cái đói từ khắp người bò xuống chân, tràn ra sàn tàu, chui xuống biển, nhường chỗ cho lại cho hy vọng, cho tự do chờ chực bấy lâu nảy mầm, vun xanh cành lá trong khoang đã dậy mùi mốc thếch. Tàu xả máy chạy, chỉ còn cách Hồng Kông mươi hải lý nữa, đã nhìn rõ hơn những toà nhà chọc trời thắp đèn vàng đỏ, muôn hình vạn kiểu nhô lên giữa màu non nước đang dần mờ mịt. Chưa kịp vui mấy phút thì hai chiếc tàu cảnh sát Hồng Kông xuất hiện, trang bị súng ống đầy mình tưởng sắp đụng độ đến nơi. Tàu tắt máy. Tất cả người trên tàu không ai bảo ai đều nhất loạt giơ hai tay lên cao, đầu hàng hay chào những người thực thi pháp luật của vùng đất thơm mùi tự do tưởng tượng này. Hồng Kông, miền đất hứa để quá cảnh sang nước thứ ba của ước mơ đổi đời bắt đầu cựa quậy, mãnh liệt, nôn nao.

Sớm ra, một chiếc tàu to của cảnh sát cập bến, chở tất cả những người tỵ nạn vào thành phố. Đoàn xe dừng lại tại một khu nhà, bốn bên tường cao chất ngất, dây thép gai vây kín. Dãy nhà nằm lọt thỏm giữa thành phố, xung quanh là những toà nhà cao chót vót. Tất cả mọi người được lệnh xuống qua tiếng loa của người phiên dịch. Trại có tên là Shek Kong. Khi Hải bước xuống cùng túi đồ đạc nhỏ gọn đã thấy vô vàn người đứng kẻ ngồi trong khuôn viên trại. Chưa có lệnh gì cả, Hải đi ra một phía thấy hàng rào lưới sắt cao khoảng gần chín mét, chân hàng rào được hàn kín bằng sắt dày, không có kẽ hở để bám để trèo. Từ trên đỉnh hàng rào xuống lại hàng chục vòng dây thép gai và mươi mét lại có một chòi canh của cảnh sát. Trại tỵ nạn được rào phòng cẩn mật như một nhà tù, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhân viên trại phát các vật dụng cần thiết cho mỗi người gồm quần áo, chậu nhựa, ca nhựa, bát, thìa, chăn, dép, khăn mặt, bàn chải đánh răng. Các cảnh sát lại phát cho mỗi người một cái thẻ có số như số chứng minh nhân dân, dặn dò phải cất kỹ, số này cũng là số mạng, ai mất thì xoá số. Hải cẩn thận nhét thẻ vào trong ví, lang thang đi khắp Shek Kong khám phá. Trại chia làm hai khu A và B do cảnh sát chuyên canh giữ nhà tù quản lý. Tổng số người lên đến hơn ba ngàn, được tập hợp từ các tàu chở thuyền nhân trong tháng này vừa qua đây. Bên trong mỗi dãy nhà kê thành hàng nhiều chiếc giường sắt ba tầng, những tấm phản gỗ ép được thay cho những chiếc chiếu. Người già trẻ nhỏ ở tầng dưới, thanh niên, người độc thân rủ nhau lên tầng trên, vợ chồng trẻ ở tầng giữa, hoặc bên dưới. Hải ở tầng trên, đối diện với dãy giường của Ngân. Sáng sớm thức dậy, nhìn mặt nhau, cười một cái vui cả ngày. Ở đây, Hải và các trại viên học gọi cảnh sát là a sề, hở một tiếng là a sề, hai tiếng cũng là a sề. Đó là từ mới đầu tiên được tiếp nhận trong hệ thống từ vựng mới ở Hồng Kông. Hải để ý thấy thành phần đến trại từ người làm nông, thuyền chài, đến công nhân, cán bộ, giáo viên, lính tráng, ăn mày, tù tội... đủ cả.

Cụ Đính sờ sờ bức tường sắt màu trắng rồi vừa cười vừa khóc nói:

-  Hồng Kông nó làm nhà chắc chắn thế này không biết nó giam mình ở đây bao lâu, bao giờ mới thấy được tự do đây?!

*

Để ổn định trại, cảnh sát và ban giám trại cho tổ chức bầu khu trưởng, trật tự trưởng theo phương thức tự quản. Đám đầu gấu, lưu manh giơ tay ứng cử và dĩ nhiên được bỏ phiếu tất. Ai không bỏ phiếu, không còn cơ hội sống tiếp trong trại vốn dĩ luật rừng thắng luật pháp. Các cựu tù tội, dân anh chị số má các vùng miền ai cũng cởi trần khoe những hình xăm trổ xanh lè, rồng, hổ tưng bừng. Nhưng cuối cùng chức Trật tự thuộc về Phong lé, cùng đội hình có vai có vế hầu hết là lưu manh, đầu gấu miền Bắc thâu tóm mọi quyền lực trong trại.

Ở phía dưới, cánh Tấn sáu ngón nghiến răng ken két, thề không đội trời chung.

Hằng ngày, Trật tự trưởng cùng đàn em làm nhiệm vụ đi phát cơm cho trại viên, mỗi lần đi tay luôn lăm lăm cầm theo mỗi tên một cái gậy, sẵn sàng đánh bất kỳ ai có ý kiến. Một tay anh chị miền Trung thắc mắc sao cơm khi ít khi nhiều, có phải chúng mày ăn bớt, ngay lập tức gãy bốn chiếc răng, máu me be bét đầy mặt. Nhưng Phong lé vẫn chưa tha, sai đàn em nhét cả phân vào mồm. Hắn lên ngôi, ngày ngày cho đàn em đi lãnh khẩu phần thực phẩm đem về phát cho bà con nhưng lại cắt bớt phần cơm trắng để nấu rượu bán lậu. Trong Shek Kong, rượu đắt như vàng, ai nấu được rượu người ấy giàu to. Phong lé là trùm độc quyền sản xuất và cung cấp rượu cho toàn trại. Hắn thường đi tuần các buồng, có gì ngon phải mời trước, cô nào đẹp không thoát nổi con mắt hắn. Có lần hắn đứng rất lâu bên giường Ngân, thoả sức ngắm cô rồi cất giọng khiêu khích:

- Có muốn làm “phu nhân” Trật tự trưởng không hả?

*

Ở Shek Kong, nạn trộm cắp hoành hành mà không ai dám nói, không ai dám kêu. Những gã lưu manh được Phong lé bảo kê thức cả đêm rình mò trộm cắp giường nào sơ hở. Ai lỡ mách, hôm sau thế nào mặt mày cũng sưng vù vù. Những cảnh hiếp đáp ấy, Hải uất quá, hai bàn tay cứ nắm vào nhau như chờ một phép màu. Một hôm, Ngân vừa thẹn thùng vừa nghiêm túc cầm tay Hải ra phía sau trại sau bữa ăn trưa. Cô nói:

- Tối nay anh đến giường em nhé. Em có chuyện quan trọng này muốn nói với anh.

Hải thắc mắc, sao không nói bây giờ. Nhưng Ngân im lặng, gương mặt hồng nhuốm màu buồn thăm thẳm.

Tắm rửa, nhận cơm ăn xong, Hải trèo lên giường Ngân. Cả khu trại thảnh thơi, người đi tới kẻ đi lui, người xem tivi, kẻ tán gẫu. Tay Hải vừa đặt vào mép giường đã thấy Ngân vén màn, rồi nhanh chóng kéo Hải vào trong. Hải chới với:

- Có chuyện gì vậy em? Nói anh nghe!

Ngân thút thít:

- Mai em sẽ là người của Trật tự trưởng. Đêm nay, em sẽ là người của anh. Em muốn anh là… là người đầu tiên.

Hải hốt hoảng hỏi:

- Sao em lại chọn gã lưu manh đó?

Ngân nói:

- Em không còn con đường nào khác. Phong lé đã chấm em rồi. Em trái ý hắn, em chẳng thế sống nổi ở chốn này…

Hải im lặng. Chuyện bất ngờ quá, anh bối rối không biết phải làm sao. Ngân ngồi dậy, trút hết quần áo mình rồi định cởi luôn áo quần Hải. Anh giữ tay Ngân lại nhưng cô giằng ra làm cho được việc. “Cứ để em!”. Hải không nói gì, ngửa mặt thở dài. Cô nằm xuống bên cạnh anh, chờ. Cơ thế mềm hơi ấm và mùi thanh tân ấy toả ra, thấm tận lỗ chân lông. Nhưng Hải vẫn im lặng. Một lúc sau mới dám cất lời:

- Em mặc quần áo vào đi. Dù gì…

Hải không nói thêm được gì nữa. Anh tự hỏi: mình có yêu Ngân không, có chờ đợi phút giây này không? Anh không có lý do để từ chối và không nên từ chối. Anh chưa tìm thấy sự chân thật cần thiết của mình trong câu chuyện này. Từ lâu, anh đã sống như một cái bóng, cố trốn chạy ánh sáng, cố trốn chạy sự thật. Hải ngồi dậy, nói tiếp:

- Anh xin lỗi!

Rồi nhảy xuống đất, bỏ mặc Ngân nước mắt ngắn dài.

Đêm sau, anh thấy Phong lé xuống giường Ngân. Tất cả bà con đều bị bọn đàn em đuổi ra khỏi buồng. Chúng vừa đuổi vừa quát:

-  Đêm nay buồng này là của đại ca. Muốn sống thì ra ngoài.

Hải dựa vào cửa buồng đóng kín nhưng vẫn đủ nghe tiếng rên nửa đau đớn nửa cam chịu của Ngân cho đến nửa đêm. Máu nóng trong người anh rừng rừng bốc lên đầu, lên khắp chân tay. Hải chạy ra chỗ vắng, đấm tay bầm dập lên bức tường đầy vết ói mửa. Anh vào nhà tắm, dội nước cho đến sáng. Từ nay, Ngân đã là “phu nhân” Trật tự trưởng.

*

Mấy đàn em Tấn sáu ngón ôm đâu về một bó toàn ống sắt, loại ống nhỏ bằng hai ngón tay, dài hàng mấy mét. Chúng cắt đầu nhọn, mài sắc thành cây giáo dài, trên gần mũi nhọn lại buộc một cái dải màu đỏ, trông y như cây giáo của quân đội thời xưa. Tấn sáu ngón quyết “khởi nghĩa”, thay đổi trật tự quyền lực của trại. Đàn em hắn và Phong lé đã chém nhau vài vụ. Các a sề hối hả chạy ra chạy vào mấy lượt khênh xác ra ngoài. Không khí trong trại căng như dây đàn, góc nào cũng thấy có người mài vũ khí. Người dùng ống kẽm làm giáo, người bẻ cả khung giường làm kiếm, những thùng đựng cơm bằng nhựa được cắt ra làm lá chắn. Những miệng cống thoát nước làm bằng gang cũng bị đập ra làm vũ khí. Những đêm dài sau đó trong trại không ai dám ngủ. Hai nhóm Tấn sáu ngón và Phong lé đang vờn nhau như hai con hổ sắp lao vào cắn xé nhau.

Hải không ngủ được, lại lang thang qua chỗ ông giáo Tuỳ. Anh hỏi:

– Nếu hai bên đánh nhau, bác có lao vào không?

- Không, nhục lắm- Ông giáo Tuỳ nói- Dù Tấn sáu ngón có đâm tôi, tôi cũng sẽ ngồi yên.

Ông giáo Tuỳ vỗ vai Hải, ra chiều thông cảm:

- Anh là một người Việt tốt. Hãy luôn sống như thế. Ở Shek Kong, tôi đã liệu việc thế này.

Hải nghe ông giáo Tuỳ nói xong liền về, trong lòng dậy lên một màu xanh.

Xung quanh anh, tiếng phá rào, tiếng hò hét chém giết vẫn vang động khắp trại.

*

Năm giờ sáng ngày hôm sau, mọi người rỉ tai nhau, rồi rủ nhau chuyển buồng, chọn phe. Ai ủng hộ chủ soái nào vác hành lý, tư trang đi theo chủ soái đó.

Giữa trưa, cổng duy nhất để đi lại giữa hai bên bị khoá chặt, bên nào cũng có “lính tráng” đứng canh phòng, tay lăm lăm vũ khí, mặt hầm hầm. Từ lúc đó dân hai bên không ai được qua lại nữa, ai cố tình trèo rào, vượt biên sẽ bị đâm chết ngay.

Hải buồn quá, sà vào đám thanh niên đang nốc rượu cuối buồng. Con người khi đối mặt với những trận chiến, băng tuyết tan vào trong máu cả, chữ người bị chữ con đè bẹp dí. Chiến trận với cái chết cô đặc lại, ngập cứng vào người nhanh và gọn như nhát dao lụi ngọt, chẳng đau dai dẳng. Những thứ ấy, Hải học từ chiến tranh. Hải lấy rượu ra tợm một ngụm lớn rồi cứ thế đổ ộc cả vào miệng. Hơi rượu bốc lên tê tê, anh lấy gói rubi xanh châm liền ba điếu thuốc, rít một lần tan khói. Rượu và những hơi thuốc đắng đủ làm anh bất mãn với chính mình trong trạng thái khật khựa khi giương mắt nhìn chằm chằm chiếc sọ người tóc rối lăn lóc sau trận pháo. Hải nhấc chân lên bỏ chạy khỏi con đường chết, chạy mãi, chạy miết, chạy đến lúc ngã quỵ úp mặt trên đường sỏi gồ ghề. Những tiếng thét vô hình nổ bùng trong đầu: “Tôi cũng có tội, tôi cũng có tội đấy, trời hỡi đất ơi! Tôi được sống, đồng bào tôi chết, tôi phạm tội. Tôi đốn mạt....”

*

Hai bên trại thi thoảng bắn sang những đạn pháo là những cục gang được đập vỡ từ những miệng cống quanh trại. Những quả đạn vô tình ấy làm bị thương mấy người già và trẻ con, những người vô tội. Hải quẳng gậy sắt, tham gia vào đội cứu thương băng bó do giáo Tuỳ đảm trách. Đội cứu thương xong nhiệm vụ lại họp nhau. Bên kia buồng A, Ngân cũng tập hợp chị em, lúc rảnh rang ngồi bên nhau giở mảnh giấy Hải chuyển sang môi thầm thì.

Tình hình càng ngày càng căng thẳng, phía khu B, Tấn sáu ngón ra lệnh “tổng động viên”. Nếu quân Phong lé phá rào đánh sang, tất cả già trẻ, gái trai khu B đều phải chiến đấu.

Một hôm vào đúng 2 giờ trưa, nắng như đổ lửa, trong nhà hầm hập hơi người, hơi nóng. Ngoài sân vắng teo, không một bóng người, lâu lâu có một bóng a sề đi dọc hàng rào trại xem có ai phá rào trốn trại không. Các a sề thấy giáo gươm gậy gộc trong các buồng chẳng thèm quan tâm báo cáo, sống chết ra sao kệ các người. Bỗng có tiếng người gác cổng chạy vào buồng hô lớn:

- Quân Phong lé tràn sang. Bọn nó tấn công thật rồi!

Tiếng hò hét của mấy ngàn con người vang trời, vang đất. Ai cũng lăm lăm vũ khí, khí thế tiến công hừng hực. Phong lé cởi trần, tay kiếm tay lá chắn đi đi lại lại hò hét... giết... chém… Đám đàn em múa may phụ hoạ dàn một hàng ngang trước khu B. Bên khu B, Tấn sáu ngón đầu trần chân đất, tay kiếm lăm lăm vừa đi vừa hô lệnh tập hợp chiến đấu. Không khí chém giết sực nức, mùi máu sực nức. Hai bên dàn hàng ngang đối mặt nhau, bên nào cũng hừng hực khí thế, gươm giáo tua tủa. Phong lé và Tấn sáu ngón thi nhau chửi rủa mấy đời trước khi động binh.

Lúc này cảnh sát Hồng Kông đã bao vây kín bốn xung quanh trại. Họ đã đến từ buổi sáng, khi họ quân Phong lé chuẩn bị phá rào. Nhưng họ không vào trại, không can thiệp chuyện nội tình, họ chỉ có nhiệm vụ không để ai xổng ra ngoài trại. Trên trời lúc đó, tiếng máy bay trực thăng bay phành phạch, có cả máy bay quân đội vòng đi vòng lại, có chiếc bay sát nóc nhà chụp ảnh, quay phim.

Chỉ cần một tiếng hô xung lên, chém, giết nữa thôi, Shek Kong sẽ đầy xác người. Tất cả hồi hộp chờ đợi. Bất thình lình, cụ Đính cùng các ông già bà cả hai bên hớt hơ hớt hải chạy ra giữa dang tay:

- Đừng! Đừng chém giết nhau bà con ơi! Mình là người một nhà! Đừng, xin đừng!

Nói rồi các cụ già chắp tay, vái bốn phía rất thảm thương. Bỗng nhiên, một tiếng kèn thê lương kéo lên khúc ca bừng vang hồn Việt. Có tiếng sáo trúc mơ màng trong không trung lời thề non nước. Một đoàn nam nữ bảy mươi hai người choàng những chiếc áo xanh da trời được may từ những rèm cửa. Đi đầu đoàn là ông giáo Tuỳ trịnh trọng nâng bức tranh quốc tổ Hùng Vương vận xiêm công lẫm liệt. Hải đi sát cùng một thanh niên dong khẩu hiệu: “Hãy yêu thương nhau!”. Phía sau, từng người một thắp một cây nhang trên tay như đang hộ niệm. Không khí trại Shek Kong lặng phắc. Đoàn ra giữa sân trại, đứng giữa lằn ranh giới tuyến hai khu A, B. Tiếng nhạc cất lên trầm hùng, tất cả cùng cất lời ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời”. Phong lé, Tấn sáu ngón và đàn em thả kiếm chống đất. Phong lé sững sờ thấy Ngân trong đội hình đồng ca áo xanh ấy, hắn bất ngờ há hốc. Nhiều bà con ngậm ngùi lau nước mắt. Tiếp sau, một đoàn các cháu thiếu nhi tay giương que thép nhỏ có gắn hình chim bồ câu giấy đi ra, quây tròn. Gương mặt các cháu thoáng chút sợ hãi trước Phong lé, Tấn sáu ngón và đám lưu manh mình mảnh rồng rắn, giáo gươm nhưng rồi tràn vỗ tay rầm trời của bà con cất lên, những bông hoa nhỏ ấy chúm chím môi cười, nghiêng người theo tiếng hát. Các “tướng tá”, “lính tráng” hai bên đứng một hồi cơ hồ mệt người, ngồi xuống bó gối… nghe hát rất chăm chú. Trận chiến đẫm máu phút chốc biến thành một chương trình văn nghệ. Các a sề mang khiên, mặc áo giáp đứng ngoài tưởng rằng sẽ có trận kịch chiến rồi vào dọn dẹp như mọi khi ai ngờ lại thành ra thế này. Họ dáo dác, tranh nhau ghé mắt vào ô cửa để xem. Hải nghe Ngân hát, lòng nhẹ hẳn, anh muốn Ngân hát nữa, hát mãi trong lòng anh.

*

Mưa vẫn rơi nặng hạt. Hải vẫn bước đi trong miên man suy nghĩ của mình. Sau vụ Shek Kong, nhiều người quyết định hồi hương, chính quyền Hồng Kông chấp nhận cấp vé máy bay miền phí về nước. Họ cũng thay đổi chính sách với người tỵ nạn để tránh xung đột. Hải cùng ông giáo Tùy về nươc. Khi xuống sân bay, ông nắm tay nói: “Làm lại từ đầu nhé!”. Hải mỉm cười. Mãi sau này, Hải mới nghe chuyện về Ngân từ những người hồi hương sau đó. Cô ở cùng Phong lé một thời gian nữa thì hắn bị một băng đảng đâm chết trong một đêm say rồi từ đó mất tung tích. Hải về quê khởi nghiệp từ chiếc máy cày, máy gặt và bây giờ trở thành ông chủ của một nhà máy chế biến gạo lớn ở miền Nam. Hải đứng dưới mái hiên trong khu Lan Quế Phường ngắm mưa, rút ra một điếu. Đoạn Hải châm thuốc hút, thấy Ngân kiều diễm bốc hơi theo làn khói trắng. Shek Kong ơi là… Shek Kong!

Nguồn Văn nghệ số 20/2022


Có thể bạn quan tâm