May 6, 2024, 12:04 pm

Kẻ Gỗ bồng bềnh mây trắng

Tôi đã có trải nghiệm “săn” mây Tam Đảo cùng bẹn bè nên lần này mấy vị nhiếp ảnh lên kế hoạch đi “săn” mây Kẻ Gỗ(1) là tôi hào hứng vào cuộc ngay từ đầu.

Anh Lê Đắc Thanh, sống gần Kẻ Gỗ cam kết rằng: Mây kẻ Gỗ thiên biến vạn hóa… Này nhé, khi cánh én chao liệng trên mặt hồ, núi non khoác màu xanh non tơ, mây mỏng mềm tơ lụa, khi là là trên mặt hồ lãng đãng sương khói, khi quàng khăn voan mỏng lên bốn bề núi non điệp trùng; Khi ve sôi sau vòm lá, nắng vàng mật ong, bầu trời xanh thẳm, mây trắng cuồn cuộn…; Khi sen thoang thoảng mặt hồ, trời xanh, nước xanh, gió Lào quạt lửa, mây như đàn ngựa trắng phi trên bầu trời, dừng chân ngụp lặn dưới làn nước thăm thẳm… Khi gió mùa Đông Bắc tràn về, chim hét đen, hét nâu ở đâu bay về rừng phòng hộ Kẻ Gỗ tránh rét, hồ như chảo sương bồng bềnh sương khói bay lên, mây như sữa vừa pha, rót xuống mặt hồ…

Mây trắng hồ Kẻ Gỗ. Ảnh Lê Văn Vỵ

Mờ sáng, mây ngủ nướng. Khi mặt trời tỉnh giấc, ánh nắng trải vàng mặt hồ, mây như chim ra ràng, vỗ cánh bay lên. Buổi trưa mây trắng muốt, từng đám, khi lấp ló trên đỉnh núi Len, khi ngang qua mặt hồ phiêu lãng. Khi hoàng hôn buông xuống, mây ngả màu, từ trắng, phơn phớt hồng, tím hồng rồi bỗng nhiên sẫm lại!.. Nhưng khác biệt của mây Kẻ Gỗ không phải ở tất cả những gì mắt thường thấy. Ông Nguyễn Phi Công; người gắn bó với hồ Kẻ Gỗ có lý khi trao đổi: Mây trắng hay linh hồn Anh hùng, Liệt sĩ đã hóa thân sớm hôm ôm ấp núi rừng, hồ nước quê hương?

Trước tháng 7, nhóm anh em văn nghệ sĩ Hà Tĩnh tổ chức du thuyền lòng hồ Kẻ Gỗ và đến đền thờ dâng hương cho anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Trước ngày đi, chúng tôi băn khoăn, thao thức về những chiến sĩ đã ngã xuống mà thi hài đang nằm ở đâu đó dưới lòng hồ, nên đã thiết kế lẵng hoa nổi trên nước. Sau khi dâng hương tại đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi bắt đầu hành trình. Khi thuyền nhổ neo, nổ máy, nhìn vào mênh mông  thăm thẳm, lòng chúng tôi không khỏi nôn nao. “Thuyền ơi! Lướt nhẹ nhé!”Tôi tự nhủ lòng mình…

Đến khoảng Km 17-19, người lái đò dừng lại. Đây là sân bay dã chiến. Ông Nguyễn Phi Công quả quyết: “Tôi không hiểu tại sao lại gọi sân bay Li Bi. Chính xác đây là Công trình Quốc phòng 723. Tôi đã cải chính đăng lên facbook”. Còn bà Lê Thị Kim Nhơn có lý do để nói: “Sân bay MI NI, chứ không phải sân bay LI BI như lâu nay báo chí đưa tin và chúng ta vẫn gọi. Đây là nhầm lẫn đáng tiếc! Hồi đó, đơn vị chúng tôi gọi sân bay mini. “Minni” là nhỏ ấy mà. Mà nhỏ thật! Lấy mặt đường làm chính, mở rộng thêm hai bên một ít nữa thành sân bay dã chiến!”.

Bà Lê Thị Kim Nhơn nguyên là nhân viên Thị đội Hà Tĩnh, được biên chế ở Đại đội 3 tăng cường cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 229 Bộ Tư lệnh Công binh thi công tuyến đường 21, 22 trong đó tuyến đường 22 nối Ngã ba Thình Thình (Thạch Điền) đến Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Quảng Bình vào Nam và sân bay MI NI tại Km 17-l9 trên tuyến đường 22. Lực lượng huy động trên 2.000 người, trong đó có lực lượng đến từ D2-E229 Bộ tư lệnh Công binh; thanh niên xung phong QP 723; đơn vị thi công sân bay dã chiến mini; Đại đội 4 (bộ đội chủ lực) và Đại đội 3 gồm 100 người thuộc Đội Thị chính (hàn gắn vết thương chiến tranh, lấp hố bom) của Thị đội Hà Tĩnh“Thời điểm đó, Km 17-19 đường 22 như một công trường. Máy ủi, máy xúc, máy đào, xe chở đất làm mặt bằng và đơn vị thi công được chia ca, chia kíp có mặt trên hiện trường... làm việc một cách khẩn trương… Để tránh phát hiện của địch, chúng tôi được giao nhiệm vụ chặt lá cây xanh trong rừng ngụy trang sân bay. Chúng tôi ăn ở dã chiến trong rừng. Vất vả vô cùng. Nhưng vui…”. Bà Nhơn nhớ lại.

“Mười bảy giờ ngày 6/1/1973, tôi cùng 3 chị em trong tiểu đội trên đường đi nhận gạo, thực phẩm ở tiểu đoàn 2 thì địch cho  máy bay trực thăng bay vè vè trinh sát khu vực sân bay. Chúng bay thấp lắm. Cánh quạt vỗ cây rừng ngả nghiêng. Chúng tôi nằm rạp cả xuống; 24 giờ cùng ngày, máy bay phản lực thả pháo sáng. Thấy có những dấu hiệu bất thường, nên lãnh đạo đơn vị chỉ đạo chúng tôi đề phòng cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 3h ngày 7/1, chớp sáng xanh lè, xé trời, rừng núi rung chuyển, đất đá rào rào, cây rừng ngổn ngang. B52 rải thảm! Chúng tôi đã kịp xuống hầm! Đau đớn vô cùng, tiểu đội 3 của tôi, Mai (Thạch Hà), Tân (Đức Thọ) hy sinh. Năm bạn khác bị thương... Suốt đêm hôm đó, chúng tôi cấp cứu thương binh, tìm kiếm đồng đội, thu gom tử sĩ... Đau xót quá, 30 đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Hàng chục người bị thương, trong đó 2 chiến sĩ bị thương nặng chuyển lên bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Suốt ngày 7/1/1973, chúng tôi đã cùng địa phương khâm liệm, mai táng đồng đội đến 2 giờ sáng ngày 8/1 mới xong… Thương gấp trăm vạn lần, vì đồng đội không được chứng kiến một tuần sau ngày 27/1/1973, Hiệp định đình chiến được ký kết!”. Bà Nhơn rơm rớm nước mắt.

Trả lời câu hỏi: “Theo bà còn bao đồng đội đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ!?”, bà Nhơn chậm rãi: “Theo tôi, nếu có cũng không còn nhiều, vì thi hài được mai táng tập trung, công tác quy tập mộ liệt sĩ tại đây không mấy khó khăn”. “Bà có biết thông tin năm 2005, khi nước hồ Kẻ Gỗ cạn, nhân dân đã phát hiện một số mộ và đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên?”. Bà Nhơn xác nhận: “Tôi có nghe nói. Sau đó đọc được trên mạng, có cả ảnh cất bốc, di dời nữa! Diện tích lòng hồ Kẻ Gỗ rất rộng, xung quanh núi bao bọc. Cách Kẻ Gỗ không xa là ngã Ba Thình Thình (Thạch Điền, Thạch Hà), huyết mạch giao thông, là “chảo lửa, túi bom”, nhiều bộ đội, Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã ngã xuống, cho nên lòng hồ Kẻ Gỗ vẫn là một bí ẩn…”

Theo chỉ dẫn của bạn bè, tôi đã tra Google và tìm được bức ảnh chụp từ vệ tinh. Bức ảnh lưu giữ hiện trạng tuyến đường, sân bay dã chiến sau đợt B52 ném bom rải thảm chi chít hố bom. Tôi đã in bức ảnh và mang đến cho bà Nhơn nhận diện. Người chiến sĩ năm nào; nhân chứng lịch sử, rưng rung xúc động hồi ức về một thời đau thương và anh dũng. Vâng đây là con đường; sân bay. Đây là rào Trường, rào Cái, rào Cời,  rào Len, rào Bưởi, rào Môn; kia là Đá Bạc. Dưới chân núi Trường, chúng tôi cùng nhau đi hái sim. Chưa chín. Đang bo bo, vị chát! Hoa dẻ, hoa mua, hoa chạc chìu, bao nhiêu là hoa dại trong rừng, mỗi lần đi cắt lá ngụy trang sân bay chúng tôi cài lên tóc “Đồng đội ơi! Giờ ở đâu cả rồi! Sao không về cùng nhau hái rau tàu bay, rau má, bên suối!?...”. Bà Nhơn nức nở.

Năm 2011, ghé qua Kẻ Gỗ, Cán bộ, nhân viên đơn vị giao thông đô thị 2 thành phố Hồ Chí Minh xúc động về khúc ca bi tráng của những liệt sĩ ngã xuống nơi đây đã cùng ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Lạc An (Tp. Hồ Chí Minh) quyên góp dựng nên đền thờ cho các anh hùng liệt sĩ cũng như những thân phận kém may mắn. Theo ông Công, cuối năm 2011 công trình khởi công, đầu năm 2012 đã khánh thành. Khi khánh thành, có đám mây trắng hình rồng lượn trên đỉnh núi Len rồi sà xuống bay qua vực Đá Bạc, bay quanh mặt hồ. Ai cũng nói có lẽ linh hồn các anh hùng liệt sĩ hóa thành mây trắng bay về… Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng kể từ khi có miếu thờ, người dân an tâm mưu sinh trên hồ Kẻ Gỗ và hiểm họa đuối nước cũng giảm thiểu.

Có phải được khơi gợi từ ông già báo mộng trong đêm về danh tính của các liệt sĩ hay từ miếu thờ mà ông Nguyễn Phi Công; quê Cẩm Mỹ; nhân chứng lịch sử, gắn bó gần hết cả cuộc đời với Kẻ Gỗ thao thức, trằn trọc ngược, xuôi thu thập và xác minh danh tính những liệt sĩ. Lần tìm địa chỉ những đồng đội đã tham gia công trình sân bay MI NI, ông Công đã tìm đến bà Nguyễn Thị Cư; sinh sống tại Đá Bạc, Cẩm Mỹ, Lê Thị Kim Nhơn, nguyên nhân viên Thị đội TP Hà Tĩnh, chiến sĩ Đại đội 3; hiện trú quán tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh; ông Lê Xuân Kỳ, nguyên Trợ lý quân nhu, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 229, Bộ Tư lệnh Công binh; quê ở Thanh Hóa, hiện sinh sống tại Xuân Lộc, Đồng Nai và  những nhân chứng sống khác trong Nam, ngoài Bắc. Sau 11 năm âm thầm lặng lẽ  xác minh, ông Công  bước đầu lập được 2 danh sách các liệt sĩ đã hy sinh.

Danh sách Thanh niên xung phong hy sinh gồm 30 chiến sĩ, trong đó có có 28 người thuộc C357 N35 quê Hà Nam và 2 thanh niên hỏa tuyến là Nguyễn Đình Hiếu, Vũ Thị Bình  đến từ Cẩm Dương, Cẩm Xuyên hy sinh ngày 26/7/1966, trên đường chiến lược 22. Tất cả Thanh niên xung phong đều hy sinh vào những năm 1966, 1967, 1968 chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất. Tuyến đường 22, quãng Đá Bạc là nơi nhiều chiến sĩ ngã xuống, nhất là ngày 19/2/1966 bảy chiến sĩ Thanh niên xung phong, ngày 30/6/1966 có 6 chiến sĩ thông đường quãng Đá Bạc đường đã bị bom Mỹ sát hại…

Danh sách liệt sĩ Công trình QP723 có 32 chiến sĩ, trong đó có 30 người hy sinh ngày 7/1/1973 trong trận B52 rải thảm. Hai người bị thương nặng là Trần Anh Sơn (quê Xuân Yên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hy sinh ngày 01/7/1973 và Nguyễn Viết Thanh, quê Thạch Liên, Thạch Hà, Hà Tĩnh, hy sinh ngày 12/1/1973. Hiện thi hài của các Liệt sĩ được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên, Nghĩa trang Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Liệt sĩ Hà Thị Thanh, quê Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã được gia đình đón về an táng tại quê hương.

Có được danh sách trên là nỗ lực đáng ghi nhận. Cuộc chiến đã đi qua nửa thế kỷ, hậu thế còn nhiều việc phải làm để tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh…

Tôi hỏi ông Công: “Bản danh sách ấy đủ tin cậy không?”, thì nhận được câu trả lời: “Những thông tin đưa lên hầu hết là chính xác. Thông tin năm sinh chưa thể đầy đủ vì chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn hồ sơ lưu trữ của đơn vị. Những Liệt sĩ quê Hà Tĩnh, chúng tôi đã tìm đến các Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện, tỉnh để tìm hồ sơ, nhưng chưa có kết quả”.

Chiều ngày 9/7/2023, tôi và Công bên ngồi với nhau bên hồ Kẻ Gỗ. Cả hai chúng tôi đều nhìn xuống mặt hồ. Sóng lăn tăn, xao động. Tôi biết Công rất tâm trạng. Ông đưa tôi về ký ức những năm 60, tuyến đường 21, 22, đặc biệt Ngã Ba Thình Thình trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Tám cô gái Thanh niên xung phong đã hy sinh sau loạt bom trúng hầm trú ẩn… Công nghẹn ngào khi kể về 42 chiến sĩ Đại đội pháo binh đã hy sinh trên trận địa (quãng KM2, KM3, tuyến đường 22) vào một ngày tháng 5/1968. “Thi hài các anh được đưa về sân kho Hợp tác xã Bắc Mỹ, Cẩm Mỹ khâm liệm và chôn cất tại nghĩa địa Cồn Rồng, Đá Bạc, sau đó quy tập lên nghĩa trang cạnh đường 17 xã Cẩm Mỹ. Đau đớn hơn là sau đó, 1 quả bom Mỹ trúng vào nghĩa trang, bố mẹ và nhân dân quê tôi xót xa nhặt từng mẩu xác, an táng Liệt sĩ lần nữa. Tôi đã cố gắng cất công đi tìm để lập danh sách, nhưng cho đến nay vẫn...”. Giọng Công chùng xuống.

Công đã vài lần về Sơn Tiến, Hương Sơn tìm đến gia đình chiến sĩ Nguyễn Hữu Thực. Bố mẹ Thực đã qua đời. Vợ Thực về Thanh Lâm, Thanh Chương; quê ngoại và đi bước nữa. Hài cốt Thực được di dời về nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên. Qua Nguyễn Duy Kiền (con chú) từ khi Thực mất đến nay, chưa hề thấy Bằng Tổ quốc ghi công và gia đình cũng không biết kê khai nhận tiền hương khói cho liệt sĩ Thực. Sáng 10/7/2023, tôi hẹn ông Công lên Hương Sơn xác minh thực hư ra sao. Chúng tôi đã đến Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Hương Sơn và được bà Lê Thị Kim Nhung, Trưởng phòng cung cấp đầy đủ các thông tin về liệt sĩ Nguyễn Hữu Thực. Bằng Tổ quốc ghi công cấp cho liệt sĩ Thực có số LA649 C; số Quyết định cấp bằng: 563 TTga 13/12/1973. Thân nhân: Nguyễn Thị Dần – Vợ liệt sĩ. Lần theo địa chỉ, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Dần và Nguyễn Duy Kiên. Bà Dần và Nguyễn Duy Kiên xác nhận chưa hề thấy tấm bằng đó và nửa thế kỷ trôi qua, chưa nhận được bất cứ khoản nào liên quan đến liệt sĩ Thực. Tôi đã kiểm tra Danh sách các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ xã Sơn Tiến cũng chưa có danh tính Nguyễn Hữu Thực. Dẫu bất cứ lí do gì, sai sót này thật đáng trách. Dọc đường về, Công than ngắn, thở dài, chẳng biết nói gì và đề nghị tôi đồng hành với ông cùng gia đình làm chế độ cho liệt sĩ Thực…

Công cũng đã lo hồ sơ, thủ tục gõ cửa một số ban ngành để làm chế độ cho nhân viên Nguyễn Hữu Tú, Công nhân Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, trên đường đi kiểm tra rừng đã bị lốc xoáy lật thuyền chết đuối tại khu vực Đá Bạc, nhưng đến nay, đồng đội bạc phận vẫn chưa được giải quyết chế độ. “Nhiều khi nhìn lên bầu trời Kẻ Gỗ, mây trắng bay, lòng tôi ngổn ngang trăm nỗi”. Công giải bày…

Ngày càng có nhiều đoàn du lịch đến hồ Kẻ Gỗ, không chỉ trải nghiệm thiên nhiên, du lịch sinh thái mà còn du lịch tâm linh. Nhu cầu đến miếu thờ tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày càng bức thiết. Hiểu được tâm nguyện đó, nhà báo Hoàng Anh Minh - Tạp chí Đầu tư Tài chính - Việt Nam time trong lần về Kẻ Gỗ đã nẩy sinh ý tưởng kêu gọi vốn đầu tư bằng nguồn xã hội hóa xây dựng Khu miếu thờ Liệt sĩ. Ý tưởng ấy được thành hiện thực bởi đồng nhất với chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Huyện ủy, UBND huyện Cẩm Xuyên mà đứng đầu là ông Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. Công trình do ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc Khu bảo tồn kẻ Gỗ làm chủ đầu tư. Đầu tháng 7/2023, phần khuôn viên đã xong cơ bản. Điện chính hoàn thành và đã làm lễ rước hương linh các anh hùng liệt sĩ về điện. Tả vu, Hữu vu đã hoàn thiện xây dựng cơ bản. Công trình phụ trợ sắp hoàn tất.

Cách đây mấy ngày, tôi đã cùng anh em Văn nghệ sĩ Hà Tĩnh đến miếu thờ Kẻ Gỗ. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện tâm linh mà người lái đò, công nhân Khu bảo tồn thiên nhiên, thợ xây dựng công trình kể cho nghe. Những câu chuyện thực hư như làn mây trắng mỏng manh lãng đãng dệt nên huyền thoại linh thiêng. “Đất có Thổ công, sông có Hạ Bá”. Núi sông đều có hồn thiêng. Cũng như các anh hùng liệt sĩ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”…

_______

1. Hồ kẻ Gỗ là công trình thủy lợi tại xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khởi công 1976. Hoàn thành 1980. Hồ dài 30km, sức chứa 300 triệu m3 nước.

Ghi chép của Lê Văn Vỵ

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm