May 7, 2024, 10:45 am

Gã “Lãng tử Xứ Đoài”

“Gã” là Trần Hòa Bình, vốn dĩ được người đời tặng cho hai “cái hoa”, là Tài hoa xen chút Đào hoa. Cả hai “cái hoa” này ở Trần Hòa Bình chưa đến mức được xếp chiếu, liệt hạng song cũng đủ gây ấn tượng, để phải xuýt xoa, tiếc nuối mỗi khi nhớ về gã trai xứ Đoài, sau tròn 15 năm anh xa chúng ta.

Nhà thơ Trần Hòa Bình (1956-2008)

1.

Tài hoa ở Trần Hòa Bình thể hiện trước hết là một người đa-giê-năng. Nghĩa là cùng một lúc anh có thể phân thân cho nhiều việc. Vậy nên, có nhà báo khi phỏng vấn Bình đã hỏi “Thưa anh, nên gọi anh là gì, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà tư vấn…” thì họ Trần đã cười cười, rồi đánh bài… lảng. Tôi biết anh tâm đắc với thơ, muốn được gọi là nhà thơ, nhưng ngặt mỗi chưa là hội viên, lại cũng chưa in một tập thơ riêng nào, nên khó nói. Song, dù vậy, rõ ràng cái danh hiệu Trần Hòa Bình - nhà thơ, là đúng với anh nhất. Chỉ nội một bài Thêm một cũng đã đủ bầu cho anh, mà Bình đâu phải chỉ có thêm một, anh còn thêm nhiều nhiều nữa.

Tài hoa, khác với tài giời (thiên tài). Người tài hoa thường không có “đỉnh”. Nhưng Bình đâu có quan tâm đến chuyện đỉnh điếc, miễn làm sao tiêu cho hết cái “tài” đời tặng. Phân thân cho nhiều lĩnh vực, nên ở lĩnh vực nào tài hoa họ Trần cũng chỉ vừa đủ để gây ấn tượng… Là ông giáo đại học, thay vì mô phạm, chỉn chu, mực thước, thì họ Trần lại phóng túng, bay bướm. Mỗi khi “lên bục”, Bình chỉ quần bò, áp phông, kể cả khi đứng lớp. Cái sự chuẩn bị bài giảng, Bình cũng chẳng giống ai, chỉ phác có cái sườn rồi cứ thế vung vẩy tay chân, giảng thì ít “diễn” thì nhiều, mà diễn lại có duyên, hợp với dân báo chí, ôm mộng văn chương. Vui chuyện, tôi có lần hỏi Bình về cái sự lên lớp không giáo án, anh tặc lưỡi: “Có giáo trình rồi. Thì cứ “diễn” sao để sinh viên nó thích nghe là được. Cốt nhất là truyền cảm hứng yêu nghề, say nghề. Khi đã yêu đã say thì chúng sẽ sáng tạo. Nhồi nhét mà làm gì…”. Tôi biết là phong cách bùi bụi, bay bướm của Trần Hòa Bình có ảnh hưởng đến nhiều lớp học trò và lũ đàn em…

Ngoài dậy học là nghề “kiếm cơm” thì có hai lĩnh vực Bình tâm huyết nhất, mà ai cũng thấy, là viết báo và làm thơ. Song, ngay ở hai lĩnh vực này anh cũng rất chi tài tử. Tôi vẫn đùa với Bình, ông chỉ là kẻ “tán báo” chứ không là nhà báo thực thụ. Tôi chưa thấy một bài phóng sự hay ghi chép nào của Bình. Sở trường của anh, cũng là của dân sự phạm văn nói chung, là giảng giải và bình tán. Biết thế, nên Bình phát huy tối đa cái thế mạnh này. Anh đã có vài chục bài bình, từ ca dao đến những bài thơ anh thích để đăng báo và sau đó chọn lựa in chung thành sách. Những bài bình này gây ấn tượng chủ yếu không ở chiều sâu của sức nghĩ - dù anh là người cả nghĩ, hay ở sự mới lạ của những phát hiện - dù anh khá sắc sảo, mà ở sự bay bướm của câu chữ, sự dí dỏm trong nhận xét. Nhất là cái dư vị để lại sau mỗi bài bình, thường là man mác buồn, một nỗi buồn xa vắng phảng phất chất thơ, du dương chất nhạc.

Ngoài bình tán thơ, anh còn sắm vai một chuyên gia về bình tán tình yêu, hay nói một cách bài bản là “tư vấn tình yêu”, “gỡ rối tơ lòng”. Những bài trả lời trong mục “100 câu hỏi thường ngày” với bút danh “Tầm thư” trên báo Tiền phong chủ nhật mà anh đảm nhận cũng hút bạn đọc, nhất là lứa tuổi đang yêu… Có ý thức trong việc thu nạp kiến thức, làm giầu thêm kho từ vựng của mình. Đi lắm, đọc nhiều, giao tiếp rộng, nhất là với cánh trẻ, cộng với lao động say mê, hết mình đã làm nên cái lịch lãm, bặt thiệp và được việc của Bình.

 

2.

Chơi với Trần Hòa Bình, không dám nói là hiểu anh, song tôi nhận thấy Bình thuộc týp người lưỡng phân: vừa hướng ngoại vừa hướng nội, nửa phong trần nửa phong lưu, truyền thống trong cái dáng hiện đại. Hướng ngoại là dành cho báo chí, là bạn bè, là đi, là ăn uống, bù khú, chụp ảnh, vẽ vời... Người ta gọi anh là “kẻ lãng tử”, hay “tên nghiện đi” là vậy. Với cái ba lô lộn trái, hoặc túi thổ cẩm vắt vai cùng với đôi giày thể thao, chiếc mũ vải bò, là có thể “phiêu”, có thể “phượt” cùng với “vài thẳng con con” bám theo. Dù là chưa đến độ “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” nhưng cũng ít nhiều có cái “đề huề lưng túi gió trăng” của chàng Kim thuở chạm mặt nàng Kiều. Đi để khám phá quê hương, đất nước và cũng là để khám phá mình, để tìm tứ thơ và tất nhiên không thiếu chuyện tình tang, em út, kiểu như “Ném vào cửa sổ túm hoa/ Đường về hái vội làm quà tặng em”. Nghịch lý là, cái kẻ nghiện đi ấy lại là người, như trời bắt, có máu say xe. Cứ mỗi chuyến đi về, là một lần hành xác, say mềm, mệt lử, thốc tháo. Ấy vậy rồi, sáng mai có ai ới là lại tươi tỉnh khoác túi, buộc dây giày, chụp mũ lên đầu và lên đường. Rồi lại say xe, mệt lử, thốc tháo…

Thú nhất là lên vùng cao (thường là miền Tây Bắc), hay ra biển (thường là miền Trung), chí ít thì cũng lãng đãng đâu đó ở xứ đồi trung du, hay bãi bờ ngoại thành. Phiêu du và phiêu lãng là hai cụm từ thường thấy ở thơ Bình: “Chúng con như những chiếc lá vàng phiêu du trong gió”; “Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng/ Có lẽ phiêu du đến chót đời!”… Tôi đã có lần hỏi Bình: “Ông cứ suốt ngày đi lại bù khú bạn bè, em út thế thì viết vào lúc nào?”. “Đêm. Mình thuộc loài thú ăn đêm”. Anh nháy mắt vui vẻ. Đêm về, mà là đêm sâu, con gái yêu H.T ôm búp bê đã chìm vào giấc ngủ sau hồi nũng nịu cùng bố, là anh một mình ngồi vào bàn viết, sống với con chữ, cùng điếu thuốc lá trên tay, có thể thêm chén trà, hay cốc cà phê bên cạnh. Những bài báo gỡ rối tình yêu, cùng những tứ thơ ra đời, hay hoàn tất, thường ở vào thời điểm này. Thì đấy “Thôi em ạ anh lại làm thi sĩ/ Những câu thơ đập cửa mỗi đêm về” (Khúc giã biệt), chúng còn ranh ma len lỏi cả vào giấc ngủ anh “Những giấc mơ nát nhàu/ Những con chữ nảy mầm tí tách” (Lời hoa vàng). Câu thơ “đập cửa” đã hay nhưng con chữ “này mầm tí tách” thì mới lạ, nó có hơi điệu đà song lại rất rõ chất Trần Hòa Bình.

 

3.

Trần Hòa Bình tâm huyết với thơ, ký thác vui buồn đời mình vào thơ. Thơ Bình, về cơ bản, cũng gồm hai chặng, tạm gọi là hướng ngoại và hướng nội. Khởi đầu từ những năm 1970, dù còn là chàng sinh viên đẫm mộng mơ, hay đã là một thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết, anh đều dang hết tay, mở hết lòng để mọi hình khối, sắc màu, thanh âm của cuộc sống ùa vào mình. Thơ anh vang vọng tiếng máy nơi công trường, lấp lánh giọt mồ hôi của người nông dân nơi ruộng đồng, thánh thót tiếng giảng bài của cô giáo làng; Và, nhất là chùm bài thế sự hướng lên chiến sự nóng bỏng nơi biên giới phía Bắc những năm cuối 70 đầu 80.

Tuổi trẻ hồn nhiên như cơn mưa, phóng túng như ngọn gió, thơ Bình cũng đầy ắp gió và thấm đẫm mưa. “Đêm ấy chúng tôi đi như ngọn gió chuyển mùa/ Chùng chình qua các phố”; “Tôi mang đến nơi đây tâm hồn xao xác gió/ Và nụ cười sông nước của miền xuôi”; Chạm giọt mưa đầu mùa, anh hồn nhiên reo lên như trẻ nhỏ “Khi mùa mưa đến, mùa mưa đến/ Trống gõ vô hồi lá chuối tơ… Mưa như gót trẻ kéo nhau về”.

Tuổi đời nhiều lên, từng trải hơn, gánh nặng cơm áo cũng chất chồng hơn, như dòng sông đến độ lắng lại, thơ Bình chùng xuống, bắt đầu có cái xao xác, đượm buồn. Anh tự thú với cây duối hoa vàng quê nhà “Không sao quen được thành phố/ Có một cây duối vàng hoa rụng mãi trong ta”. Anh tạ lỗi với quê hương, với mẹ: “Con đã khác xưa rồi, thưa mẹ/ Tóc lút vai, dáng ngổ ngáo, bất cần/ Con đi giữa bạn bè mơ toàn nghiệp lớn/ Chẳng thấy ai nhắc nhắc quê xứ nhọc nhằn…”. Anh thừa nhận về sự nông cạn của mình “Cái cội gốc trong mơ sao giờ con mới thấy/ Như mẹ ta, như chị ta buồn bã trước hiên nhà!”, rồi anh tự hứa “Dẹp hết những đại ngôn, con thầm nói:/ Xin cảm ơn cây duối hoa vàng”… Những dòng thơ này của Bình có phảng phất ít nhiều cái tâm trạng trong “Lời tự thú của tên du đãng” của nhà thơ đồng quê người Nga S.Esenin đầu thế kỷ trước.

 

4.

Bài thơ Thêm một - “trời cho”, ra đời năm 1985, mang đậm dấu ấn Trần Hòa Bình, đã như cắm một cái mốc son đời thơ anh. Từ cái sự “thêm” “bớt” của lá thu, của tiếng chim, liên tưởng đến cái rắc rối, bí ẩn của cõi tình được anh cấu tứ khá thông minh, cùng với thể thơ năm chữ dễ nhớ, đã khiến cho Thêm một được tuổi trẻ nhiệt liệt đón nhận. Những trang sổ tay của cánh sinh viên thường không thiếu bài thơ này. Trong đó, hai câu “Thêm một người thứ ba/ Chuyện tình đâm dang dở”, trớ trêu thay, lại như vận vào đời tác giả. Đúng là “dao sắc không gọt được chuôi”, kẻ gỡ rối tơ lòng cho thiên hạ lại không gỡ rối được cho chính mình! Cái người thứ ba đâu đó trong thơ bỗng xuất hiện trong đời thực khiến cuộc sống gia đình của Bình rẽ sang một hướng khác, và thơ Bình cũng chuyển giọng: Từ trữ tình công dân sôi nổi, thơ Bình rẽ sang trữ tình cá nhân đượm buồn. Cũng từ đây, giọng trả lời của Tầm Thư trên báo cũng thay đổi: từ thông minh, dí dỏm, pha chút hài hước sang phía thâm trầm, sâu sắc, chiêm nghiệm…

Hoa và cỏ, hai thi ảnh lưu dấu thơ Bình với tần số hơi nhiều. Hoa là biểu tượng của cái đẹp, cái cao khiết, cỏ tượng trưng cho sức sống, sức vươn lên của cái man dại. Một bông hoa mua bắt gặp ở một triền đồi đâu đó, gợi nỗi hoang hoải “Tím mê mệt những bông hoa mua/ Nốt nhấn một tình yêu phiêu lãng”. Một bông hoa gạo tháng ba đủ đánh thức ký ức mướt mát buổi đầu đời “Còn đâu đó mộc miên mười sáu tuổi/ Vẫn đi về trong giấc ngủ xa quê”. Anh chạnh lòng trước một bông dã quỳ nở cô độc: “Anh cũng hệt dã quì ven nắng/ Đẹp thắt lòng trong tuyệt vọng yêu đương/ Người và trời bỏ quên bên đồi vắng”… Anh hát ru hoa sen cũng là hát ru để đưa tiễn cuộc tình “đến muộn” của mình “Những bông hoa ta hái về chậm trễ/ Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình em thức trong ta”.

Cùng với hoa, cỏ cũng lan man, rải rác suốt dọc đường thơ Bình. “Nếu nhớ anh thì em ra với cỏ/ Anh suốt đời như cỏ trước nhà em”; “Ừ thôi nhé hoa vàng và cỏ biếc/ Sẽ theo em đến tận cuối trời”; “Khe khẽ mà thương khe khẽ nhớ/ Chim ri bờ cỏ với hoa vàng/ Khe khẽ mà nghe khe khẽ thở/ Người rất buồn và hoa rất thương”... Hoa cỏ còn có dáng hình, chứ sương khói nó mới ma mị “Anh xa từ đó Thơ Dại ạ/ Hoa vàng ngơ ngẩn biết còn không/ Mắt em, ồ lạ, như chiều vắng/ Không khói mà cay khói đốt đồng”...

Bình là thi sĩ nhạy cảm với thời gian. Hăm hở ở chặng đầu - thời thanh niên sôi nổi, xao xác ở chặng giữa - tuổi trung niên điềm đạm, ở chặng cuối trung niên vắt sang tuổi già là lo âu, nghi ngại. Nhìn con rubic vận hành, anh không khỏi cảm thấy chóng mặt “Những kết cấu đổi thay như thời tiết/ Trong tầm tay rồi lại ngoài tầm tay”, “Em ẩn hiện giữa bão giông rubíc/ Anh kiếm tìm chóng mặt tuổi ba mươi” (Ru bíc và tình yêu). Đây đó đã xuất hiện chút thoáng mệt mỏi: “Sẽ qua đi tuổi mười tám đôi mươi/ Tuổi ba mươi rồi cũng dần trôi/ Đến trái đất cũng đang già đi đấy… Đáng sợ thật sẽ qua đi tất cả” (Rồi sẽ qua đi). Trong lời tự thú muộn mằn “Lần thứ nhất tôi biết mình chiến bại/ Đốt một núi thơ tình, ngọn lửa ấy mà thôi!”. Đã bộc lộ chút ngậm ngùi, luyến tiếc “Xa rồi/ Những điều lẽ ra ta hiểu/ Cúi mặt trên hai bàn tay/ Mất rồi lẽ ra ta có...”. Song, như một con chim thiêng dù bị trúng mũi tên tình ái, thì trong buồn thương, mất mát vẫn có chút ngạo nghễ “Anh lại bay dưới bầu trời đơn lẻ/ Với đôi cánh ba mươi đã bị trúng thương” (Khúc giã biệt). Thơ Bình giai đoạn sau hàm chứa nhiều trắc ẩn, thương mình, thương đời hơn, và những khúc hát ru, vừa dịu dàng, vừa đắng đót ra đời từ đây: ru tình, ru thế nhân, cũng là tự ru mình.

 

5.

Trần Hòa Bình, tuổi Ất Mùi, cầm tinh “con Dê”. Anh thú nhận mình là người lãng mạn, song không buông thả, sống vội, sống gấp. Là một chuyên gia “gỡ rối tơ lòng”, lại là một ông thầy, nên hơn ai hết anh hiểu cái mê hồn trận của tình ái, cũng như cái “làn ranh đỏ” mong manh giữa yêu và gét, hạnh phúc và khổ đau, yêu thương và thù hận, kính trọng và xem thường, thậm chí khinh bỉ. Anh có nguyên tắc sống của mình: “Không thể cười trên sự đau khổ của người khác”, và “không được đánh phụ nữ dù chỉ một cành hoa... Ra với cuộc đời “Quên Hà Nội ồn ào trăm giọng nói/ Trăm lời ngợi khen, trăm lời ngỏ tâm tình” anh bắt gặp nhiều miền hoa thơm cỏ lạ, trái tim Bình rung lên và thơ anh đã không quên ghi nhận. Ấy là em Châu Mộc: “Ôi! Châu Mộc có em tôi ở đó/ Nếu nhớ anh thì em ra với cỏ/ Anh suốt đời như cỏ trước nhà em”; Em sông Hàn: “Ta có người tình bé nhỏ/ Như giọt nước gieo trên bến sông Hàn”; Em sông Thương: “Em sông Thương tóc không còn dài nữa/ Tôi ôm mộng phiêu du như nước chảy chân cầu!”; Em sông Lô: “Cho ta khóc một lần bên dòng Lô, xin lỗi/ Khóc thầm thôi sông đừng kể chuyện này”; Em sông Hương: “Vỹ Dạ xa vời câu hát cũ/ Ngồi gốc cây hường ta hái hoa/ Nhớ thương mờ tỏ trăng hăm mốt/ Em đã qua đò, bến cũng xa”. Đó là chưa kể những “tóc thề huyền diệu đêm cổ tích/ Cổ tích hai người giữa cỏ êm”; “Tóc thề ảo ảnh đừng bay nữa/ Muốn khóc vì em giữa núi đồi!”.

Nhớ lắm thương nhiều, Bình có lúc thành lẩn thẩn: “Ta là gã con trai lẩn thẩn của xứ Đoài/ Nhìn mây trắng dở cười dở khóc”. Từ lẩn thẩn đến lẩm cẩm là đoạn rất gần “Những vui buồn như giấy thếp sang trang/ Khóc cũng thế mà hát thì cũng thế”. Lại có lúc anh như một con chiên mộ… đạo tình: “Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khâu Vai… Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/ Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình”. 

Thêm một, nổi tiếng, song mới thể hiện sự thông minh pha chút triết luận, là lời dự báo về tính bất toàn của tình yêu của “người ngoài cuộc”. Phải đến Thơ chiều, Lời hát ru hoa sen, nhất là Khâu Vai, thì lời dự báo đã mang tính số phận, có sự nghiệm sinh và thấm nước mắt đớn đau của “người trong cuộc”. Thơ “tán gái”, thậm chí “dại gái” đã thành ra “thơ tình”, theo đúng nghĩa của từ này. Thơ Bình nhiều yêu song nặng về lãng mạn, hư ảo, ít nhục tính, không thấy ám ảnh sex trong thơ anh.

 

6.

Hành trình 53 năm đời, hơn 30 năm thơ của Trần Hòa Bình có khúc vui, khúc buồn, khúc hướng nội, khúc hướng ngoại, song là một hành trình đẹp của một “tay chơi”. Nó đẹp không ở mục đích chơi, mà ở cách chơi. Bình không vội in thơ vào Hội để có tiếng, cũng không vội làm luận án để có danh, không vội sửa nhà để có tiện ích, không vội cưới lại vợ để chờ con gái trưởng thành.

Vội gì, chơi đã! Trong cuộc chơi nhiều mặt ấy, chơi thơ là thú vị nhất. Con rubic thơ - rubic tình yêu của Bình “Xoay và xoay/ Trụi trần rubic/ Xoay và xoay/ Biến hóa rubic/ Xoay và xoay/ Sòng phẳng rubic”. Bình có chóng mặt, có mệt mỏi song anh chấp nhận ném cả đời mình vào vòng xoay số phận “Xoay và xoay cái khối vung kỳ ảo/ Như tình yêu mãi bí ẩn, bất ngờ/ Anh mệt mỏi nhưng anh không bỏ cuộc…” (Ru bíc và tình yêu). Đây không phải là “cuộc chơi vô tăm tích” như một nhà văn nữ nổi tiếng đã dằn dỗi thế, hay là cuộc chơi “có tổng bằng không” như cách nói của các nhà kỹ trị thời nay, mà là cuộc “chơi có thưởng”. Phần thưởng là những câu thơ lưu dấu ấn vào trí nhớ bạn đọc để rồi nảy chồi sự sống, ra hoa tâm hồn, kết quả trí tuệ…

Nếu chọn một câu thơ lột tả thần thái Trần Hòa Bình, thì thiết nghĩ đó là “Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng/ Có lẽ phiêu du đến chót đời”... Và đúng như một định mệnh vậy. Chuyến phiêu du cuối cùng trên dương thế của anh là ở thị trấn Thịnh Long, một bãi biển khá xinh đẹp ở huyện Hải Hậu (Nam Định) vào đêm 16 rạng 17/8/2008, khi ấy anh mới 53 tuổi…

Mà nếu có nhiều cuộc đời, Bình cũng vẫn phiêu du thế thôi…

Phạm Công Trứ

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm