May 8, 2024, 6:02 am

Đôi điều về sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại

 

Mười năm qua, một số tác giả nhiệt huyết với việc đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại, đã được báo chí nói đến nhiều. Ở đây, chúng tôi thấy cần nhắc tới hiện tượng Lãng Thanh. Tập thơ Hoa của anh, NXB Thanh niên ấn hành năm 2003, gồm 14 bài, Hội Nhà văn trao Giải thưởng năm 2004. Đây là tập thơ với bút pháp khá lạ, tác giả sinh năm 1977, và thật đau buồn, do một tai họa bi thảm, anh đã qua đời ngày 20 - 7 - 2002, khi mới 25 tuổi đời. Lãng Thanh thành một sự kiện, khá nhiều tác giả văn học và báo chí nhắc tới. Nhà thơ Trúc Thông: “Hẳn Lãng Thanh phải yêu thơ Hàn Mặc Tử lắm và để hồn thơ Hàn Mặc Tử thấm rất sâu vào mình”. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: “Lãng Thanh xứng đáng có một chỗ riêng. Anh mới mẻ mà không bệnh hoạn, táo bạo mà không dung tục như một số cây bút trẻ ôm mộng cách tân khác” (báo TTVH, 28/1/2005). Rồi Trịnh Thanh Sơn, Phạm Đức viết bài khen ngợi. Thiên Sơn thì coi Lãng Thanh là “Hạt mầm mới của một thời đại thi ca”. Ông trích thơ Lãng Thanh “Máu là các quy luật, chân lý hay tình yêu/ Nối giữa con người với đá, nối đá với bầu trời, dòng sông và nước mắt”, rồi bình: “Anh quan niệm vũ trụ có chung một huyết thống… Cho nên anh Ngờ phạm tội loạn luân từ nỗi cảm ruột thịt với bông Trà”… Trong sự phấn hứng, người bình thơ nói cả tới “quan niệm vũ trụ” của thi sĩ trẻ Lãng Thanh(!) Nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì viết một bài dồi dào cảm hứng: Lãng Thanh “Gương mặt em phi như điên cuồng” (báo Tiền Phong chủ nhật, 20/7/2003).


Có thể bạn quan tâm