May 6, 2024, 3:34 pm

Biểu tượng “lòng quả cảm chân trần chí thép” sẽ không là phế tích

 

Những biến động bi hùng của lịch sử dân tộc, sự tàn phá (ngày càng khủng khiếp)  của thiên tai, yêu cầu quy hoạch, chỉnh trang, rồi quy hoạch lại để tạo không gian mới cho phát triển … Những tác động “không khoan nhượng” ấy đã, đang (và sẽ) bào mòn,thậm chí xóa sạch không còn dấu vết các di tích lịch sử, là bằng chứng “rất thật” về tinh thần anh dũng của ông cha ta, trong những cuộc chiến chng ngoi xâm, bảo vệ chủ quyền và độc lập.

Tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - 1860” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, đúng trong dịp kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023), lại tiếp tục gióng lên những hồi chuông khẩn báo. Di tích nào còn có thể xác định được qua những gì còn sót lại, phải khẩn trương xúc tiến gìn giữ, quy hoạch, trùng tu tôn tạo ngay. Bởi sẽ có ngày hậu thế không còn thấy gì, mà chỉ còn … có nghe kể lại.

Ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng. Ảnh: Khánh Ly

Chậm chân một chút thôi, di tích sẽ bị phá hủy ngay

Nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô - Phó Chủ tịch Thường trực,Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng – nhấn mạnh rằng, phải “khẩn trương bảo vệ, xây dựng hồ sơ cho di tích trạm Nam Chơn để đưa vào quản lý kịp thời, tránh để nhà đầu tư Vinhomes hoặc VinGroup biến thành của riêng, hoặc phá hủy nó, bởi đây là “trạm” duy nhất còn sót lại khá nguyên vẹn. Dấu tích trạm Nam Chơn hiện còn rất rõ; các vòng thành bằng đá xếp chồng lên nhau là một ví dụ”.

Khắp các trạm ở trên cung đường Thiên Lý Bắc - Nam ngày xưa (dưới thời các vua Nguyễn), ngày nay, chỉ có trạm Nam Chơn là còn khá rõ hình thù nguyên vẹn, sau hàng mấy trăm năm. Trạm Nam Chơn thực sự gây kinh ngạc cho hậu thế bởi tính qui mô, sự quý giá liên quan mật thiết đến lịch sử, văn hoá của dân tộc. Hiện nay, Ban quản lý dự án Vinhomes đã thiết lập một trụ sở bên cạnh di tích trạm Nam Chân, nếu chậm chân sẽ phá hủy di tích này, cần nhanh chóng bảo vệ, trùng tu, khai thác di tích quí giá này.

TS.Lưu Anh Rô đề nghị thêm “Cần xem xét đưa tất cả các di tích lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng vùng tây bắc Đà Nẵng, nhất là các di tích nằm trên con đường Thiên Lý xưa gồm: Hải Vân quan, đồn Chân Sảng, pháo đài Định Hải, trạm Nam Chơn, tấn Cu Đê, trạm Nam Ô, nghĩa trủng Nam Ô vào hệ thống di tích cấp thành phố; chú trọng và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên đường Cái Quan (đường đèo Hải Vân, còn gọi là đường Thuộc địa), gồm: Di tích Đồn Nhất, các di tích 3 lần chiến thắng trên đèo Hải Vân…,hình thành một chỉnh thể thống nhất các “Con đường lịch sử” kháng chiến.

Vì sao lại là đồn Chân Sảng, … trạm Nam Chơn ?

Nghiên cứu của Ths. Nguyễn Quang Trung Tiến - Nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế cho biết: Đồn Chơn Sảng (đây là cách gọi quen thuộc. Người dân địa phương ở Cu Đê và cửa Hàn thường gọi là Đồn Nhất. Một tên gọi khác nữa là Chân Sảng. Người Pháp gọi và ghi chép là Kien Chan), được đắp bằng đất và cật tre ở bên bờ vịnh Nam Chơn (cách gọi khác là Nam Chân), gần pháo đài Định Hải, án ngữ con đường lên đèo Hải Vân, đồn gần dịch trạm Nam Chơn giữ vai trò liên lạc giữa Đà Nẵng với Kinh đô Huế. Vị trí chính xác của đồn này có trên bản đồ quân sự triều Tự Đức (đã bị Pháp tịch thu), giới nghiên cứu đã tìm thấy được (phiên bản của bản đồ) và đánh số 16 (vị trí đồn) trên bản đồ (trích đoạn).

Trích đoạn vị trí Pagoda fortifiée [dịch trạm Nam Chơn], xã và đồn Kien-Chan [Chơn Sảng], pháo đài Fort du Mamelon [pháo đài Núm vú/Định Hải] trên bản đồ chiến sự Pháp ngày 18/11/1859. Nguồn: Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858 - 1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris, 1896, tr. 217. Minh họa của Ths. Nguyễn Quang Trung Tiến.

“Đồn Chân Sảng nằm về phía Nam chân núi Hải Vân, cạnh núi Thông Sơn (tục gọi là Hòn Hành), năm Minh Mạng thứ 4 đặt là núi Định Hải và dựng pháo đài ở đây gọi là pháo đài Định Hải, nghiên cứu điền dã của TS Lưu Anh Rô, cho biết. Còn UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã khảo sát và cho biết “Đồn Chân Sảng nằm trên một đồi núi lưng dựa vào dãy núi Hải Vân, hướng nhìn ra Vịnh Nam Chơn. Công trình gồm ba cấp, trên cùng là cấp chỉ huy, mỗi cấp đều bố trí 4 bệ súng Thần Công ở mỗi góc, mỗi cấp được kẻ bằng đá núi tự nhiên. Đây là công trình chính, là trung tâm chỉ huy, là điểm cuối cùng của con đường Thiên Lý, diện tích khoảng 30.000m2”.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Đà Nẵng, do bế tắc trước sức chống trả kiên cường của quân và dân Việt Nam (quanh khu vực hạ lưu sông Hàn), ngày 18/11/1859 , liên quân Pháp - Tây Ban Nha quyết định mở cuộc tấn công đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải (nằm trên Hòn Hành bên bờ vịnh Nam Chơn) ý đồ của giặc là làm chủ con đường đèo Hải Vân, đánh chiếm Hải Vân quan, chặn đường liên lạc giữa Đà Nẵng với Kinh đô Huế.

“Ngày 24 tháng này, thuyền quân Pháp vụt kéo đến pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng. Quân địch chia nhau bắn bừa vào đồn”. Quân ta ở đồn Chân Sảng đã bắn đại bác trúng đích chiến hạm Némésis do Page trực tiếp chỉ huy, y thoát chết nhưng trung tá Duppré Déroulède và một số lính thiệt mạng; còn “Chỉ huy tàu chiến, ông Barry bị thương ở thái dương phải; hai chuẩn úy là Waldner và Fitz James bị thương. Có một nửa đội bị thương và một phần tư đội bị tử trận”- trích báo cáo của viên sĩ quan chỉ huy tàu Némésis, tại vịnh Đà Nẵng, ngày 08/8/1860. Tài liệu mang ký hiệu AB XIX 3970. Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Bản dịch của Cù Thị Dung; Châu bản ngày 26/10 năm Tự Đức thứ 12 (tức 20/11/1859) cũng ghi chép lại đầy đủ chi tiết.

Ụ súng bắn đá của đồn Chơn Sảng đã tham gia chiến đấu cùng pháo đài Định Hải, (…) đạn trái phá từ các tàu giặc làm cháy bùng đồn Chơn Sảng và tan nát pháo đài Định Hải; những kho thuốc súng nổ tung lên,(...). Quân Pháp - Tây Ban Nha dùng sà lúp đổ bộ vào bờ,(…). Khu làng Chơn Sảng đang còn nguyên vẹn đã bị liên quân đốt rụi. Đến giữa trưa, những toán lính Pháp khác tiến sang chiếm đóng dịch trạm Nam Chơn.

Trích đoạn hình ảnh hạm đội của liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải ngày 18/11/1859, theo tranh của sĩ quan hải quân Napoléon Montebello, do Durand Brager họa lại. Nguồn: Le Monde illustré, No 145, 21/01/1860, Paris, p. 45. Minh họa của Ths. Nguyễn Quang Trung Tiến.

Sau hơn 3 tháng (kể từ ngày chiếm đóng) nhưng lại cứ bế tắc (vì luôn thất bại trong nỗ lực đánh chiếm đường đèo Hải Vân), vào 7 giờ sáng 29/2/1860 (trận đánh trước diễn ra ngày 18/11/1859, tức 3 tháng 11 ngày sau đó), liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã đánh mìn giật sập đồn Chơn Sảng và dịch trạm Nam Chơn [cùng với pháo đài Định Hải], rồi rút về những tiền đồn ở chân núi Sơn Trà, trước khi di tản toàn bộ khỏi Đà Nẵng vào 23/3/1860.

“Cuộc chiến tranh vệ quốc tại Đà Nẵng xứng đáng là biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu đầy quả cảm của dân tộc Việt Nam, trước sự đe dọa và tấn công của một trong những liên minh tư bản thực dân mạnh nhất lúc bấy giờ (liên quân Pháp - Tây Ban Nha). Và tinh thần ấy, lại được quần chúng nhân dân Đà Nẵng tiếp tục nuôi dưỡng, củng cố và phát huy vào phong trào Nghĩa Hội, Duy Tân, cao trào chống thuế hồi đầu thế kỷ XX; trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân, chống đế quốc xâm lược (1945 - 1975)”, ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, tổng kết.

 “Nếu nói rằng trận “thư hùng đích thực” giữa quân dân Việt Nam tại Đà Nẵng với liên quân Pháp - Tây Ban Nha thì trận nào? Đó chính là trận đồn Chân Sảng (ngày 18/11/1859); Nếu hỏi rằng hiện nay tại Đà Nẵng cần gấp rút bảo vệ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử nào liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha, thì đó là chuyện phải làm đối với trạm Nam Chân !”, TS Lưu Anh Rô khẳng định thêm.

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Cửa Hàn năm 1858 - 1860, Nam Chơn, Chơn Sảng nằm trong một khu vực phòng thủ rộng lớn (của triều đình Huế), phủ khắp vùng tây bắc Đà Nẵng, vòng qua vịnh đến bán đảo Sơn Trà. Hệ thống phòng thủ ngày ấy bao gồm pháo đài Định Hải, nằm trên ngọn núi thấp sát mé biển về phía đông bắc làng Chân Sảng, cạnh đó là đồn Chơn Sảng (nằm gần bên đường Thiên lý từ Hải Vân quan đi xuống - nay làm trạm Biên phòng); rồi đến trạm Nam Chơn (nằm phía nam đồn Chơn Sảng, dấu tích nay vẫn còn khá rõ).

Khu vực này được chốt chặn bởi Hải Vân quan - điểm chốt chặn cuối cùng ranh giới hai tỉnh để ra Huế. Kế tiếp là khu vực Cu Đê bao gồm các đồn, lũy, tấn Cu Đê và Hóa Ổ. Phía Nam đồn Hóa Ổ có trạm Nam Ô. Về phía Tây, về phía thượng nguồn Cu Đê thì sau ngày Pháp đánh Đà Nẵng, nhà Nguyễn thiết lập thêm 2 đồn Quan Nam và Trường Định.

Giới nghiên cứu khẩn thiết yêu cầu sớm xúc tiến đầu tư nghiên cứu, khảo sát các nguồn tư liệu Hán nôm, tư liệu tiếng Pháp và khảo sát điền dã trạm Nam Chân cũng như pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng, nghĩa trủng Nam Ô… để chuẩn bị tích cực cho việc trưng bày, giới thiệu các di vật, hiện vật liên quan cho du khách tham quan. Sau này khu nghỉ dưỡng Làng Vân đi vào hoạt động, các di tích này đóng góp rất nhiều cho yêu cầu tái hiện lịch sử (một giai đoạn thật đầy oanh liệt), “cốt cách” văn hoá của con người Đà Nẵng xưa. Du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch tìm lại chiến trường xưa ngày nào, chính là đây !

Giữ gìn những biểu tượng “lòng quả cảm chân trần chí thép” của dân tộc Việt

TS. NGUYỄN MINH PHƯƠNG (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng), phân tích rằng, với một vị thế đặc biệt, kể từ thế kỷ XVII, Đà Nẵng đã sớm trở thành một thương cảng vô cùng hấp dẫn đối với các nhà buôn và hàng hải phương Tây cũng như các nước bên bờ vùng biển Thái Bình Dương. Ngay từ buổi đầu thiết lập, năm 1802 (triều vua Gia Long  nhà Nguyễn đã chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ đối ngoại chính thức của Việt Nam đối với các nước phương Tây.Điểm neo Nhưng khi âm mưu bành trướng xâm lược của phương Tây ngày càng lộ rõ, nhà Nguyễn đã hạn chế giao thương, và không muốn mở rộng quan hệ với các nước phương Tây; đặc biệt, tăng cường phòng thủ ngay vị trí Đà Nẵng. Cuộc tấn công vào của Hàn (ngày 1/9/1858, của liên quân Pháp - Tây Ban Nha), mở đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam, là kết quả tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất phát từ vị trí chiến lược của Đà Nẵng.

 

Chính cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (khởi đầu tháng 9/1858, kết thức tháng 3/1860) cũng đã mở ra trang sử mới, khúc tráng ca mới về cuộc chiến của quân và dân ta “vì chủ quyền, vì nền độc lập xứ sở” quyết chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Cuộc chiến đã kéo dài đến 96 năm (1858-1954), nghĩa là gần một thế kỷ “từ đánh đuổi thực dân ngoại xâm đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp”.

Cách đây vừa đúng 165 năm (1858-2023), liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sứ mệnh vệ quốc, bằng những cuộc chiến anh dũng ở Thành Điện Hải (Thành Điện Hải đã có lịch sử tròn 200 năm xây dựng, 1823 - 2023). “Nhưng một thời gian dài sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi sau là thành phố Đà Nẵng chỉ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đó là việc cần thiết nhưng chưa đủ. Thậm chí là sai lầm nếu xem nhẹ yếu tố văn hoá trong phát triển, để xảy ra tình trạng xâm phạm các di tích văn hoá, lịch sử như ở thành Điện Hải, và thành Điện Hải (từ 1975 đến cuối năm 2016), có nguy cơ cao chỉ còn là phế tích.

Tôi cho rằng, nếu không cắm chắc bước chân vào quá khứ thì chắc chắn chúng ta sẽ chệch choạc hoặc mất phương hướng trên đường đi tới tương lai. Những sai lầm trong việc xem nhẹ yếu tố văn hoá và xâm phạm di tích văn hoá, lịch sử cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để không lặp lại, bởi lặp lại sẽ bị hậu thế chê trách, thậm chí phải trả giá như một nhà văn đã nói: “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, Nghệ sỹ nhân dân Huỳnh Hùng – Nguyên Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng, khi nói về trách nhiệm “bảo tồn thành Điện Hải, góp phần phát huy truyền thống và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau”, đã thẳng thắn chia sẻ.

Câu chuyện “Thành Điện Hải từng thất thủ trong thời bình”, với Đà Nẵng, sẽ không lặp lại./.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm