April 26, 2024, 11:48 am

Yury Bondarev: Nhà văn cổ điển Xô viết cuối cùng

Nhà văn Nga nổi tiếng, Anh hùng lao động XHCN, cựu chiến bình Yury Vasilyevich Bondarev sinh ngày 15/3/1924 thành phố Orsk, tỉnh Orenburg. Ông nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh như: Các tiểu đoàn xin chi viện (1957), Tuyết bỏng (1969), Bến bờ (1975), Lựa chọn (1980), Những khoảnh khắc (1981)... Sách của ông đã được dịch ra hơn 70 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Ngày 29/3/2020 vừa qua, Yury Bondarev vừa qua đời tại Moskva, hưởng thọ 96 tuổi. Ông là nhà văn Xô viết cuối cùng ra đi. Đ tưởng nhớ ông, chúng tôi xin trân trọng giới cùng bạn đọc cuộc trò chuyện của Yury Bondarev với nhà văn Sergey Shargunov được đăng tải trên báo chí Nga.

Nhà văn Yury Bondarev (1924-2020)

* Sergey Shargunov: Thưa Yury Vasilyevich, cảm ơn ông đã nhận lời trò chuyện.

- Yury Vasilyevich Bondarev: Tôi ít khi trả lời phỏng vấn. Sau cuộc gặp gỡ, tôi thường tự hỏi: “Điều mình nói có căn bản không? Câu chuyện có cần thiết và quan trọng không?”...

* Điều gì khiến ông vui sướng trong cuộc đời?

- Buổi sáng. Bình minh. Đêm sao.

* Ông thích những bộ phim nào được chuyển thể từ tác phẩm của mình?

- Có một số phim yêu thích – Im lặng, Tuyết bỏng, Các tiểu đoàn xin chi viện, Bến bờ. Tôi còn thích lời bài hát Tuyết bỏng của Mikhail Lvov, đồng đội của tôi.

* Bố mẹ ông là những người như thế nào?

- Tôi thường hồi tưởng về bố mẹ tôi. Họ đã làm tất cả để chúng tôi lớn lên thành những con người có lương tâm. Mẹ là tình yêu, sự ấm áp, dịu dàng ... Bố là dự thẩm viên nhân dân. Ông thích đưa tôi đi công tác cùng. Ông là một người đàn ông đích thực, một con người mạnh mẽ, không biết sợ hãi. Ông dạy tôi sự kiên nhẫn. Hồi ở Moskva thường xảy ra các vụ cướp, hễ đâu có chuyện là ông xuất hiện. Sau chiến tranh (năm 1949), ông bị vu khống nên phải ngồi tù 8 năm, ra tù ông bị bệnh lao. Một bác sĩ quen biết, Vika, vợ của nhà văn thiếu nhi Mikhail Korshunov, đã chữa cho ông khỏi bệnh (sau đó ông sống thêm ba mươi năm nữa).

* Ông được trao tặng hai huy chươngVì lòng dũng cảm”. Ông còn nhớ các chiến hữu của mình không? Họ là những con người như thế nào?

- Tất nhiên. Tôi thường xuyên nhớ tới họ. Chúng tôi đã chiến đấu với ý nghĩ rằng nước Nga đứng sau chúng tôi. Ngoài lòng dũng cảm và sự quên mình, tôi muốn nói riêng về trình độ văn hóa của họ. Họ là những pháo thủ, hầu như tất cả đều xuất thân từ nông thôn. Cả khẩu đội chúng tôi chỉ có ba sĩ quan là dân thành phố. Những chàng trai này đến từ khắp mọi miền tổ quốc, họ chưa học đại học, nhưng rất ham hiểu biết, và tôi đồ rằng họ còn giỏi hơn nhiều sinh viên hiện nay. Thời ấy, ở đâu cũng có các tổ, nhóm, câu lạc bộ, cung thiếu nhi, họ đọc nhiều và am hiểu văn học cổ điển. Họ là những con người có nhân phẩm, nhạy cảm và tinh tế.

Có lẽ, đến tận cuối đời, tôi cũng không thể diễn tả hết tình bạn vô cùng thân thiết và sự gắn bó thủy chung của những người lính trong chiến tranh. Chúng tôi đã đi qua tất cả các vòng địa ngục, tràn đầy hy vọng và cảm thấy mình là những con người bảo vệ ngôi nhà của mình, những người thân yêu của mình. Chúng tôi tự thấy mình là những con người rất trưởng thành, không còn ngạc nhiên điều gì nữa. Thế nhưng, trở về sau chiến tranh, những người bạn cùng trang lứa của tôi tưởng như không sợ hãi điều gì, lại không dám hôn một cô gái. Bây giờ không còn những con người như vậy.

* Cuộc đời ông có nhiều điều kỳ diệu không?

- Điều kỳ diệu ư? Cả cuộc đời tôi là một điều kỳ diệu. Hôm nay tôi nhìn những hàng cây. Mới hôm nào lá còn xanh mà nay tất cả đã một màu vàng rực, còn sắp tới chỉ còn cành trơ trụi. Đó chính là sự kỳ diệu.

* Năm 1946, ông vào học trường Viết văn, và năm 1949, ông được đăng truyện ngắn đầu tiên?

- Khi xin vào Trường Viết văn, tôi mang theo một số bài thơ và hai truyện ngắn, mỗi truyện bốn trang. Trở về sau chiến tranh, tôi viết về chiến tranh.

Tôi bước vào phòng, cô thư ký đang ngồi, một phụ nữ trẻ khá xinh. “Hãy cho tôi xem anh viết gì: Thơ, văn xuôi?”- “Cả hai”. Cô ta đọc thơ và nói: “Này nhé, thơ không đạt. Thùng rác kia, anh xé giúp và vứt vào đấy. Còn đây là truyện ngắn phải không?”. Cô ta đọc và nói: “Anh có thể về. Chúng tôi sẽ gọi điện thoại cho anh”. Hai ngày sau, cô ta gọi điện thoại tới: “Xin chúc mừng. Tôi đã chuyển truyện ngắn của anh cho Paustovsky, ông ấy nói: “Nhận vào trường không cần thi”. Hầu hết học viên khóa ấy đều là cựu chiến binh.

Konstantin Georgyevich Paustovsky chú ý đến tôi, ông thích các truyện ngắn của tôi. Chẳng hạn, ông đánh giá rất cao truyện ngắn Chiều muộn viết về một đứa trẻ đợi mẹ về. Ông chính là người đầu tiên nhận xét tốt về tiểu thuyết Im lặng của tôi. Ông nói: “Yura ạ, hãy làm việc đi! Hãy quên tất cả những thú vui của cuộc sống phù phiếm này. Hãy làm việc, hãy tìm tòi hình tượng, ẩn dụ, ngôn từ”. Ông là con người tinh tế, thân thiện, rất thi sĩ, hay bàn về chữ nghĩa, về sự tinh tế, độ chính xác, sư tươi mới của chúng. Ông cũng kể rất nhiều về các nhà văn khác, mô tả giọng điệu của họ, trích dẫn những từ ngữ yêu thích của họ. Tôi thường đến nhà ông chơi, chúng tôi nói nhiều về văn chương, ông sống rất giản dị.

* Tác phẩm của ông được gọi là “dòng văn học trung úy”.

- Các nhân vật của tôi từ ghế nhà trường đi thẳng ra mặt trận. Nhưng thuật ngữ “dòng văn học trung úy” do các nhà phê bình nghĩ ra. Tôi muốn nhắc tới Viktor Nekrasov, anh ấy là bạn thân của tôi trong số các nhà văn quân đội. Tôi cũng muốn nói tới Konstantin Vorobyov, Vasil Bykov và Konstantin Simonov. Ban đầu, tôi được gọi là “nhà văn hiện thực tàn nhẫn”.  Quả thật, tôi là người theo chủ nghĩa hiện thực trong các tác phẩm của mình, tôi tuân thủ sự thật cuộc sống. Nhưng đồng thời, mỗi cuốn sách của tôi là một sự khám phá bí mật. Đối với tôi ký ức là một trách nhiệm. Tất cả những gì tôi viết về chiến tranh là để trả nợ cho những người ở lại đó... Tôi đã cố gắng thấu hiểu số phận của họ.

* Ông viết tay hay đánh máy

- Tôi luôn luôn viết tay. Bàn tay là người trợ thủ đắc lực. Các tác giả trẻ phải biết điều này: Tài năng không tự xuất hiện. Nó chỉ đến sau sự lao động nặng nhọc bên bàn viết… Tôi đọc nhiều, bất chấp tuổi tác. Tôi luôn luôn trở lại với các nhà văn yêu thích của mình: Bunin, Paustovsky, Sholokhov, Tvardovsky. Và tất nhiên, Tolstoy. Thần tượng văn học của tôi là Lev Nikolayevich Tolstoy. Tôi cảm thấy ông đã nói hết về cuộc đời. Chẳng hạn, ông nói thế này: “Tất cả sẽ trôi qua, tất cả... Tất cả sẽ thay đổi và từ đám xương cốt của chúng ta sẽ không còn lại gì. Nhưng nếu trong các tác phẩm của chúng ta có dù chỉ một hạt cát nghệ thuật đích thực, thì chúng sẽ sống mãi”. Tolstoy nói rằng con người phải học cả đời, đến lúc chết. Tôi đã học và đến bây giờ vẫn học từ cuộc sống. Điều này rất quan trọng đối với nhà văn.

Đã có không ít tác phẩm hay được xuất bản, nhưng dù sao vẫn thiếu những cuốn tiểu thuyết quan trọng và đặc sắc, có ý nghĩa phổ quát, phản ánh lịch sử thông qua bi kịch của con người.

* Trong số các nhà văn ông chơi thân với ai?

- Tôi chơi với nhà thơ Sergey Vikulov, ông từng là một pháo thủ đã kinh qua nhiều thử thách khốc liệt. Một nhà ái quốc thực sự, tổng biên tập tạp chí Người đương thời của chúng ta. Một con người trong sạch và có phần ngây thơ. Tôi cũng chơi thân với Yura Trifonov. Và nhiều người nữa...

* Nhìn lại cuộc đời mình, ông tự hào về điều gì?

- Tôi đã lên tiếng bảo vệ thiên nhiên chúng ta khỏi sự tàn phá. Đã chiến thắng những kẻ muốn uốn dòng chảy  các con sông phía bắc và đào một con kênh xuyên qua thảo nguyên Kalmyk, xoay chiều sông Volga, mà không tính đến tác hại đối với dòng sông vĩ đại. Tôi không im lặng. Và khi đất nước gặp tai họa, tôi cũng không thể im lặng... Bất chấp những lời oán giận đổ lên đầu tôi.

* Tháng 6 năm 1988, từ diễn đàn hội nghị đảng toàn Liên bang, ông đã ví xã hội thời cải tổ như một chiếc máy bay cất cánh nhưng không biết có hay không bãi hạ cánh tại điểm đến. Nó vẫn còn bay?

- Vâng, nó vẫn đang bay. Bay về nơi vô định. Lúc bấy giờ tôi dẫn lời một công nhân trẻ ở nông trang: “Hiện nay, con người và con ruồi có khác gì nhau không? Cả con ruồi và con người đều có thể bị đập chết bằng một tờ báo. Anh ta rất dễ bị coi là kẻ chống cải tổ”. Vâng, cuộc cải tổ được sử dụng như một cái cớ để gây bất ổn, và sau đó phá hoại đất nước.

Ở nông thôn, người ta biết xây nhà một cách khôn ngoan: Ngôi nhà mới được xây bên cạnh ngôi nhà cũ, chứ không phá đi ngôi nhà cũ, còn chúng ta phá ngôi nhà tổ phụ của mình và không xây gì cả. Một quốc gia khổng lồ đã bị tàn phá. Sự tồn tại của nó không phải là một thử nghiệm. Nó từng có một tương lai.

* Điều gì hiện nay làm ông đau lòng?

      - Quá nhiều sự dối trá và nỗi đau. Quá nhiều người ăn xin và mất tích. Đối với tôi, ý nghĩa của cuộc sống nằm trong câu nói nổi tiếng của Kant: “Bầu trời đầy sao trên đầu và quy luật đạo đức bên trong”. Ở đâu thiếu vắng đạo đức, ở đấy các bộ luật là vô nghĩa. Bạn có biết thời nào các bộ luật được ban hành nhiều nhất không? Thời loạn!

* Điều gì quan trọng đối với nhà văn?

- Nhà văn phụ thuộc vào toàn bộ nền văn hóa thế giới, chứ không phụ thuộc vào một người nào riêng biệt. Tôi đã xác định rõ ràng điều đó từ lâu.

* Điều gì quan trọng trong cuộc đời?

- Tôi từng nghe một vị thống soái nói: “Tôi sẽ tự sát ngay lập tức, nếu cuộc sống không có ý nghĩa”. Từ nhỏ, tôi đã cảm thấy có một cái gì đó cao cả và không thể nhận thức được. Đi qua đói khát và tù tội, Oscar Wilde rút ra rằng: “Tất cả chúng ta đều sống trong rãnh thoát nước, nhưng có một số người trong chúng ta nhìn lên các vì sao”. Đáng buồn khi cả cuộc đời đắm chìm trong sự đơn điệu, tẻ nhạt. Nhưng thật tự nhiên, nếu một con người được sinh ra, khát khao nhận thức cuộc sống. Cuộc sống của bạn là một giây trong vũ trụ. Và bạn phải sung sướng vì được ban tặng cái giây phút đó. Chỉ một giây thôi - tôi nói điều này từ tầm cao tuổi tác.

Trần Hậu (Theo báo Nga)

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Có thể bạn quan tâm