May 5, 2024, 4:17 pm

Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” đúng dịp toàn quốc chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm thống nhất đất nước và 80 năm thành lập Quận đội Nhân dân Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã lắng nghe 28 bản tham luận trên tổng số 124 bản tham luận được gửi tới BTC. Các tham luận tập trung vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng của Văn học Nghệ thuật (VHNT), trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong suốt 80 năm qua. Đặc biệt, là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, đồng thời đi sâu phân tích, đánh giá VHNT tham gia vào việc phản ánh tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và hiện tại cũng như tương lai. Ngoài ra, còn đánh giá vai trò của VHNT trong việc phản ánh hiện thực thời chiến tranh và hậu chiến, vai trò của văn nghệ sĩ sáng tác trong việc khắc họa hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang khác qua các cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, và chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc. Hội thảo còn đề cập đến các vấn đề  bảo tồn giá trị các tác phẩm trước đó đồng thời phát huy những giá trị mới, khich lệ dòng VHNT đề tài này trong thời đại mới. Đồng thời, đề xuất các hướng đi, cách thức trong công tác nghiên cứu lý luận phê bình, giảng dạy và tiếp nhận các tác phẩm VHNT chủ đề này.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, TP. Hồ Chí Minh: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh… Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng; TS. Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng và gần 200 đại biều toàn quốc, gồm các đồng chí lãnh đạo VHNT các tỉnh thành và các văn nghệ sĩ trong lĩnh vực phê bình lý luận VHNT.

Tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyền Trọng Nghĩa, khẳng định “Sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền VHNT Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thằng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nên VHNT Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”

Cũng tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Hồ Hải ghi nhận, những bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tại hội thảo sẽ là những kinh nghiệm để đội ngũ những người làm công tác Lý luận, phê bình VHNT cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các đại biểu tham gia hội thảo có những đúc kết sâu sắc về vai trò của VHNT và công tác lý luận, phê bình, quảng bá VHNT đối với sự phát triển văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Trong kỷ yếu cuộc Hội thảo là sự tập hợp, tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các ủy viên hội đồng qua các thời kỳ, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình VHNT, các văn nghê sĩ sáng tác thuộc nhiều thế hệ. Tuy nhiên, từ kỷ yếu cũng cho thấy, hiện trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, phổ biến tác phẩm VHNT, mặc dù điều kiện đã được mở rộng, song vẫn tồn tại những hạn chế, kìm hãm bước tiến xa và nhanh đối với hoạt động VHNT đề tài quân đội và chiến tranh giải phóng. Trước đây, trong giai đoạn chiến tranh, từng xuất hiện những tác phẩm VHNT về lục lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sâu sắc, thuyết phục, động viên toàn quân toàn dân quyết chiến quyết thằng. Nhưng hiện nay, khi lực lượng vũ trang vẫn đang tiến lên chính quy hiện đại, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên cương Tổ quốc, lại có quá ít tác phẩm về đề tài này, đặc biệt rất thiều tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật - nội dung. Thậm chí, có nhiều tác phẩm yếu, giá trị cổ vũ, tuyên truyền không cao.

Toàn cảnh Hội thảo

Một số tham luận của PGS-TS Trần Luân Kim, GS Đinh Xuân Dũng, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Trần Quốc Dũng, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, TS Bùi Thế Đức, PGS-TS Thái Phan Vàng Anh, PGS-TS Bùi Thanh Truyền... đã đặt ra nhiều vần đề cho việc sáng tác và phổ biến các tác phẩm đề tài này.

Được biết, kết quả hội thảo sẽ là cơ sở, luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư; Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn./.

Hoài Hương


Có thể bạn quan tâm