April 27, 2024, 4:47 am

Xuân về trên vùng rốn lũ

Ru rú trong nhà dễ gần nửa tháng do rét đậm, rét hại, nên mới hửng nắng là tôi lại lỉnh kỉnh máy quay, máy ảnh “tua” một vòng ngắm cảnh non nước cho đỡ cuồng chân. Kỳ lạ là chạm vào Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên), Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Vượng Lộc, Trung Lộc, Tùng Lộc hay Mỹ Điền (Hương Khê), Bồng Lĩnh, Đức Giang (Vũ Quang), Tân  Mỹ Hà, An Thịnh Hòa (Hương Sơn)… những vùng “rốn lũ” đã hồi sinh.

Vẫn còn đó những ngấn bùn bạc phếch trên những hàng cây, những con đường ổ gà do lũ xói chưa kịp khắc phục… nhưng bờ bãi hai bên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La đã ngăn ngắt màu xanh. Màu xanh phởn phơ của những bãi ngô vừa được tưới tắm phù sa. Màu xanh mơn mởn của những luống khoai, luống rau. Đến đâu, tôi cũng bắt gặp màu xanh sự sống hồi sinh sau lũ. Nếu như xuôi Yên Hòa, Cẩm Bình, thị trấn Cẩm Xuyên xao xuyến trong màu xanh non tơ của dưa lưới, bắp cải su hào trong nhà màng; nếu như ghé Can Lộc đắm chìm trong màu xanh lá mạ trên đồng thì ngược Hương Khê, Hương Sơn dễ lạc trong màu xanh bạt ngàn ngô đông ven bãi. Trong muôn sắc xanh ấy điểm xuyết những chấm vàng. Chấm vàng như tia nắng ấm nóng bất chợt bắt gặp ở vườn dưa chuột thị trấn Cẩm Xuyên, lại như những đèn lồng vàng rực chi chít trên cành cam ở khe Mây, Khe Giao (Hương Khê), Thanh Mai (Hương Sơn) là một minh chứng cho sự dẻo dai, sức sống tràn trề đi qua bão lũ để qua đông, góp cho xuân không chỉ thắm vàng nhan sắc mà còn hương vị ngọt ngào của tết.

Trong rét mướt mùa Đông, ta nhận ra xuân đã rón rén về. Bước xuân đâu chỉ là cánh én đưa thoi, mà ở bước chân ríu ran của trẻ đến trường, bước chân của các bà, các cô, các bác nông dân tơi nón, quấy mạ ra đồng. Tiếng cười, giọng nói xua đi băng giá…

Nhớ lại tháng mười, “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, Cẩm Xuyên, Thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Khê, hạ Hương Sơn chìm trong nước bạc. Có lẽ những người dân Điền Mỹ (Hương Khê) ngồi tránh lũ trên nhà phao hay nhà chòi, giữa bốn bề mênh mông nước bạc không nghỉ đến chỉ hơn một tháng sau, 200 ha đất Bến Trẹ, Cửa Đền, Vườn Làng sau lũ hoang tàn mà nay đã bạt ngàn xanh biếc! Những người dân Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Hà, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) trắng tay sau lũ, cũng khó có thể tưởng tượng được rằng, sau hơn một tháng, cuộc sống đã hồi sinh trở lại!

Ông Trần Văn Báu (65 tuổi) xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) táo bạo, vay nợ ngân hàng đầu tư trang trại nuôi hươu, lợn, gà cá. Trận đại hồng thủy đã nhấn chìm trang trại gia đình ông tan hoang. Đàn hươu 11 con, thảm thương chết trắng bụng. Lợn gà trong chuồng, cá dưới ao theo dòng nước lũ trôi xuôi. Trắng tay. Ông Báu rơm rớm nước mắt: “Tất cả, chỉ chờ tết này thu hoạch. Tôi hy vọng sẽ trả được một phần cho Ngân hàng. Cha ông bảo nợ nần như cháo húp quanh. Nhưng thiên tai đã đẩy gia đình tôi trắng tay. Khi mô thì gia đình tôi trả nợ cho ngân hàng được 200 triệu. Rồi ngay trong tháng 10 này đây, tiền mô để trả lãi môt triệu bảy cho Ngân hàng mỗi tháng?...”

Trong lúc khó khăn nhất, chắc ông Báu cũng không tin có phép mầu nhiệm, có cô Tiên về giúp ông trả sạch nợ cho ngân hàng, vực ông đứng dậy, làm lại từ đầu sau lũ. Cũng như vậy, bà Phan Thị Quế với hàng trăm người nông dân trong xã mất trâu bò, lợn gà, chưa biết nhìn vào đâu, thì “phép màu” là “lá lành đùm lá rách” của những mạnh thường quân, những tấm lòng khắp cả nước đã giúp bà và bao nhiêu người hoạn nạn có cái ăn cái mặc, có con giống để tái sản xuất. Sau lũ, bà con nông dân ở Cẩm Xuyên đã nhận được 380 triệu con tôm giống, 230 triệu con nhuyễn thể, 25 triệu con giống cá nước ngọt, và 1,7 triệu con giống cá nước lợ ước tính trên 80 tỷ đồng. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu rõ tấm lòng nhau”. Trong hoạn nạn, Đảng, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, đồng bào khắp cả nước, kiều bào ở nước ngoài đã chung lưng đấu cật, đã sẻ chia kịp thời với khúc ruột miền trung, trong đó có quê hương Hà Tĩnh. Hàng ngàn đoàn từ từ thiện khắp nơi đổ về Hà Tĩnh đã ấp iu ươm lên những mầm xuân hy vọng.

Khi bà con nông dân Vượng Lộc, Khánh Lộc, Thuận Lộc, Tiến Lộc, Trung Lộc (Can Lộc), Cẩm Duệ, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) xót của vì thóc gạo bị lũ ngâm, vật dụng bị trôi hoặc chôn trong lũ, chưa biết làm sao, thì lũ vừa rút, anh Trung Hiếu (Phú Lộc) và ba người nữa đã ra tay giải cứu thóc mọc mầm, bằng cách hoặc là mua cho bà con hoặc là không quản ngày đêm sấy lúa giúp bà con không chỉ trong huyện Can Lộc. “Trong cái khó ló cái khôn”, nông dân Vượng Lộc (Can Lộc) sau lũ “phất” lên nhờ nghề truyền thống bán giống rau màu. Nhà nhà người người ươm giống rau. Mưa lạnh thì ươm trong nhà, biến cái không thể thành cái có thể. Những mầm xanh hi vọng nẩy mầm, xòe lá từ cái đầu biết nghĩ, từ những đêm thao thức trăn trở, từ bàn tay chăm làm, từ những giọt mồ hôi, từ ý chí vượt lên đói nghèo, không dễ bị thiên tai khuất phục.

Tất cả nghị lực ấy được kích hoạt từ chủ trương của Tỉnh Đảng bộ. Đại hội Đại biểu Tỉnh Đảng bộ khóa XIX vừa xong, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tất cả Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đã trực tiếp xuống với dân vùng rốn lũ. Nghị quyết đi vào cuộc sống. Từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh đến Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, đâu đâu cũng hừng hực khí thế ra quân khắc phục hậu quả bão lũ. Nào là lo điện, đường trường trạm, giao thông; nào là tổ chức sản xuất; nào là lo cơm áo để nhân dân không ai bị đói. Có kế sách trước mắt, có kế sách lâu dài… Thế là sau một tháng, ngày 19/11/2020, Nghị quyết 01-NQ/TU Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tại năm 2020, một số định hướng mục tiêu, giải pháp phòng ngừa ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra ra đời, kích hoạt khí thế của toàn Đảng, toàn dân.

Cẩm Xuyên, Can Lộc ra quân phá bỏ mô hình thửa ruộng nhỏ kiến tạo thửa ruộng lớn. Nếu như vụ đông này Cẩm Xuyên thực hiện được 740,7 ha thì Can Lộc cũng xấp xỉ 1000 ha. Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc vui mừng báo tin nhờ chủ trương dồn điền, mở thửa mà Trung tâm Khuyến nông huyện Can Lộc đã ra tận Thái Bình tậu máy cấy về nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Năm xã Sơn Trà, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Lâm, Sơn Hồng thuộc huyện Hương Sơn tăng tốc, tiếp tục hoàn thành những chỉ tiêu Nông thôn mới để Hà Tĩnh có thêm huyện miền núi Hương Sơn sau tết cán  đích. Vượng Lộc, Trung Lộc, hai xã của huyện Can Lộc, đã sẵn sàng mặt bằng chỉ chờ khởi công nhà cộng đồng tránh lũ, và Cẩm Xuyên đã đưa vào kế hoạch 18 nhà tránh lũ cho cộng đồng với dự toán kinh phí 36 tỷ đồng. Trong khi đó, theo ông Lê Ngọc Huấn, Bí thư huyện ủy huyện Hương Khê, tại Khu 152 Cồn Hội, Điền Mỹ, bắt đầu từ tháng 12, năm 2020, máy móc đã san ủi làm mặt bằng 13,7 ha để chuẩn bị khu tái định cư cho 145 hộ dân vùng rốn lũ Tân Hạ và Trung Tiện…

Nước mắt đã chảy trong những ngày bão lũ. Đồng bào cả nước xót xa, đau đớn chia sẻ nỗi đau mất mát không chỉ với gia đình, vợ con, mà còn với đơn vị của 13 chiến sĩ bị mất tích ở Tiểu khu 67 và Thủy điện Rào Trăng; 22 chiến sĩ Đoàn 337, Quân khu 4 bị vùi lấp tại Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị; mà còn chia sẻ với gia đình hàng trăm người dân miền trung không may mắn bị lũ cuốn trôi… Sự chia sẻ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã làm vơi đi phần nào nỗi đau xót xa của những người bố, người mẹ, người vợ, người con… Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh trao quyết định tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp cho vợ của các Liệt sĩ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở tỉnh Quảng Trị. Theo đó, cô Nguyễn Thị Hoa (Cương Gián, Nghi Xuân) vợ Liệt sĩ Nguyễn Cao Cường được tuyển dụng làm nhân viên thống kê thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghi Xuân, phiên quân hàm Thiếu tá chuyên nghiệp. Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh cũng trao Quyết định tuyển dụng cho chị Thiều Thị Phương Nhung, vợ Liệt sĩ Trần Quốc Dũng, làm nhân viên hành chính thuộc Văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, phiên quân hàm Thượng úy chuyên nghiệp… Ngoài hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương, hàng trăm tổ chức cá nhân cùng những tấm lòng của nhân dân khắp nơi đã kịp thời chia sẻ với những gia đình các Liệt sĩ, những hoàn cảnh kém may mắn. Nhân dân vùng rốn lũ không ai bị bỏ rơi, không ai không được chia sẻ. Trong lũ đã không ai rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, và khi tết đến xuân về, đồng bào không ai không có tết. Nghị quyết của Đảng cũng chính là mệnh lệnh của trái tim.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm