April 27, 2024, 9:55 am

Xuân Diệu và bài thơ dang dở về Cồn Cỏ

 

Đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được nhân dân cả nước yêu thương và ngưỡng mộ, bởi vị trí như một vọng gác tiền tiêu nơi địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh, được ví như “con mắt” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chỉ với diện tích hơn 2 cây số vuông, nhưng ngay từ những ngày đầu đánh phá miền Bắc, giặc Mỹ đã trút xuống nơi này hàng vạn tấn đạn bom các loại. Không nao núng trước đạn bom của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã kiên cường bám đảo, chiến đấu anh dũng, lập nên bao chiến công oanh liệt. Đã bắn cháy 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền các loại của địch. Cồn Cỏ đã vinh dự 2 lần được tuyên dương danh hiệu anh hùng; 5 cán bộ, chiến sĩ của đảo: Thái Văn A, Nguyễn Văn Mật, Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 5 tháng 6 năm 1968, đảo Cồn Cỏ vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và tặng thơ…

Với những chiến công lẫy lừng đó, nên ngay từ những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ… từ Hà Nội và các tỉnh ở miền Bắc đã trực tiếp vào Vĩnh Linh, thậm chí ra tận đảo để tìm hiểu tư liệu viết bài ngợi ca Cồn Cỏ. Những nhà văn, nhà thơ từng đến Vĩnh Linh viết nhiều về Vĩnh Linh, viết nhiều về Cồn Cỏ trong những năm đầu chiến tranh, có thể kể đến: Nguyễn Trọng Oánh, Hải Bằng, Hồ Khải Đại, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Cảnh Trà… Sau mỗi chuyến đi thực tế vào Vĩnh Linh, các tác giả lại có ngay tác phẩm nóng hổi tính thời sự về người và đất Cồn Cỏ, kịp thời biểu dương tinh thần anh dũng của quân và dân ta trên tuyến đầu chống Mỹ.

Nhà thơ Hải Bằng trong kháng chiến chống Mỹ nhiều năm sống ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, đã có bài thơ về Cồn Cỏ ngay từ những ngày đầu chiến tranh. Đó là một bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu của quân và dân Cồn Cỏ, để rồi sau đó không lâu bài thơ ấy đã nhận được Giải thưởng cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1965. Bài thơ có những câu mạnh mẽ, sục sôi ý chí đánh Mỹ:

        Đảo nhìn lên trời rộng

        Đá quật máy bay nhào

        Đảo nhìn xuống biển sâu

        Đá dìm tàu giặc Mỹ…

Nhà thơ Hồ Khải Đại từ Nghệ An cũng đi thực tế vào tuyến lửa Vĩnh Linh, khi trở ra Vinh cũng có bài thơ về Cồn Cỏ. Xin trích:

        Sóng gọi hồn ta về đảo nhỏ

        Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi

        Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió

        Mang những trái tim vàng ngọc chói ngời…

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh từng sống với các chiến sĩ cao xạ pháo ở Bến Thủy, sông Gianh và đảo Cồn Cỏ. Trong tác phẩm thơ của mình, ông cũng có bài thơ Cồn Cỏ rất nổi tiếng hồi ấy. Nhà văn Hồ Phương và nhà văn Nguyễn Khải vào Vĩnh Linh, về tận hai xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, là nơi đất liền gần nhất với Cồn Cỏ, nơi trực tiếp chi viện sức người, sức của cho Cồn Cỏ, cùng sống với quân dân giới tuyến để thu thập tư liệu sáng tác các phẩm văn học. Sau những chuyến vào đất lửa Vĩnh Linh, “ăn dầm nằm dề” với bộ đội và dân quân, nhà văn Hồ Phương đã hoàn thành tập ký sự Chúng tôi ở Cồn Cỏ, nhà văn Nguyễn Khải cũng viết xong Họ sống và chiến đấu. Cả hai tác phẩm văn học thể loại ký dài hơi đầu tiên viết về Cồn Cỏ cùng xuất bản năm 1966. Nhà văn Nguyễn Khải sau này còn viết thêm cuốn tiểu thuyết Ra đảo (xuất bản năm 1970) phản ánh sự chi viện, tiếp tế của quân và dân Vĩnh Linh cho hòn đảo nhỏ anh hùng.

Có một nhà thơ nổi tiếng cũng rất yêu Cồn Cỏ và đã từng làm thơ về Cồn Cỏ. Đó là nhà thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu từng xem Cồn Cỏ và Nam Ngạn - Hàm Rồng ở Thanh Hóa là hai chiến công hàng đầu, hai chiến công xuất sắc nhất của miền Bắc lúc bấy giờ. Ông đã có những bài ký, những bài thơ viết về Hàm Rồng rất hay. Ông nuôi dự định sẽ viết một cái gì đó về Cồn Cỏ. Và ông đã bắt tay vào làm một bài thơ về hòn đảo đang được cả thế giới ngưỡng vọng này. Nhưng công việc đối với ông không mấy thuận lợi, suôn sẻ. Và cho đến nay, dù thời gian đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, bài thơ về Cồn Cỏ của Xuân Diệu ngày ấy, bây giờ đã mấy ai được đọc và biết đến. Đó là cả một câu chuyện “bếp núc” của người làm thơ, mà chỉ sau này Xuân Diệu mới có dịp bọc bạch cùng bạn đọc.

Trong tập tiểu luận - phê bình Đi trên đường lớn, Nhà xuất bản Văn học năm 1968, có bài Một chút tâm sự về làm thơ chiến đấu, viết xong ngày 27 tháng 7 năm 1966, nhà thơ Xuân Diệu nhớ lại: “Cuối tháng 5 năm 1965, trên đường vào hỏa tuyến Khu Bốn, tôi đã dừng lại ở phòng bưu điện Sầm Sơn, trước khi qua phà Ghép. Lúc này, tôi đã viết bài lục bát, nói vợ chuẩn bị hành trang cho chồng vào tuyến lửa, có câu thơ “Một người chiến đấu với hai tâm hồn”… Đồng thời, tôi bắt đầu viết bài thơ Cồn Cỏ. Cồn Cỏ là chiến công đầu, chiến công bậc nhất của miền Bắc, danh vang cả nước, danh vang thế giới. Tôi rất cảm động khi đọc những bài báo đầu tiên về Cồn Cỏ đăng trên báo Nhân dân và báo Tiền phong. Tôi lọc chép vào bản thảo thơ những nét hay nhất, để ghi nhớ cho đỡ bề bộn, và cho dễ nhập tâm. Tôi ghi cả vào sổ làm thơ cái cảm tưởng khi xem ảnh bốn chiến sĩ Cồn Cỏ đăng trên báo. Ảnh các chiến sĩ rất tươi tắn, cả bốn đều cười. Đó là Nguyễn Văn Tảo, thanh niên lao động, pháo thủ số 1, đã chiến đấu 30 trận. Nguyễn Văn Dinh, thanh niên lao động, khẩu đội trưởng, đã chỉ huy gan dạ. Là Bùi Thanh Phong, phảo thủ số 1, đã chiến đấu 40 trận. Và Nguyễn Hữu Cầu, thanh niên lao động, phảo thủ số 1, đã chiến đấu 37 trận… Đó là tài liệu từ tháng 5 năm 1965, đến nay thì không biết bao nhiêu trận. Tôi ghi về các chiến sĩ như thế, vì con người là hồn của sự vật. Và bài thơ Cồn Cỏ của tôi bắt đầu:

        Cồn Cỏ! Cồn Cỏ! Bốn cây số vuông[1]

        Bé hạt tiêu trên vời biển cả…

        Cỏ trên cồn vẫy gió đại dương

        Đá chênh vênh rợp tàn đu đủ…

 

        Một chiến thuyền thả neo bất dịch

        Một pháo đài sóng vỗ muôn trùng

        Giặc hóc phải mảnh cồn vô địch

        Khi yêu thương đã hóa thép, đồng!

 

        Khi đất nước tin vào Cồn Cỏ

        Như mắt mình canh ngó đại dương

        Khi con mắt ngày đêm đảo nhỏ

        Dõi đất liền, dựa cả non sông.

 

        Thái Văn A! Mảnh bom vào giữa thịt…”.

Xuân Diệu viết tiếp: “Được ba đoạn, đến bắt đầu đoạn thứ tư, là bài thơ tôi loay hoay sa lầy. Nó sa lầy từ đó cho đến bây giờ (tháng 7/1967). Nay tôi nhìn lại, sau một năm hai tháng ngắc ngứ, thì thấy rằng bài thơ sa lầy khi tôi bắt đầu tự sự:

        Thái Văn A! Mảnh bom vào giữa thịt

        Đất dưới chân đã nghiêng ngả, tròng trành

        Anh vẫn đứng, vững cao, nhìn thẳng địch

        Sáng mắt, tai, vì đội pháo cần anh…

Bắt đầu tự sự, thì sự việc ào đến nhiều quá. Vô tình mà tôi mở rộng khổ thơ, từ 7 chữ đã sang 8 chữ lúc nào không biết. Rất cần thơ tự sự. Chúng ta đang cần thơ sử thi. Tuy nhiên, cũng từ gạo, nhưng là cháo, là cơm hay là bún, là bánh đúc… mỗi cách chế biến có phép tắc, hương vị riêng của nó. Một là bắt đầu vào tự sự thì không biết chọn sự kiện nào, bỏ sự kiện nào, bối rối, phân vân. Hai là hương vị đoạn thơ tự sự (thứ tư) không hợp với hương vị ba đoạn thơ trên, là loại thơ tổng hợp, rút lấy tinh chất, thành ra bốn đoạn thơ kia không có chung một dáng điệu thống nhất chi phối toàn bài. Tư tưởng đã có, nhiệt tình rất có, tài liệu cũng có, nhưng tác phẩm thơ còn có quy luật nội tại của nó nữa. Viết đến đoạn thứ tư, tôi cảm thấy dưới ngòi bút không ổn, và cảm thấy nếu cứ làm nữa như đoạn thứ tư, thì bài thơ hứa hẹn sẽ dài. Mà đã dài rồi, thì sẽ làm thế nào để quay về với bút pháp của ba đoạn mở đầu? Tôi có thể tung hô lên trước cả thế giới niềm kính phục, thương yêu vô hạn của tôi đối với Cồn Cỏ, nhưng bài thơ của tôi vẫn chưa xong. Và hiện nay, tôi đã đọc thêm sách mới về Cồn Cỏ của Nguyễn Khải, của Hồ Phương, cả bài báo của Thái Văn A nữa, tôi đang tính làm thế nào để cho ra bài thơ Cồn Cỏ. Có lẽ khi đọc xong nhiều tài liệu nữa, tôi sẽ nói cái cảm nghĩ chung của tôi trong 8 hay 10 đoạn thơ bốn câu. Có lẽ làm cách ấy thì mới xong bài thơ. Tuy nhiên, cách ấy lại là một cách tốn sức suy nghĩ, sức tiêu hóa hơn cả…”. Cuối cùng, Xuân Diệu kết luận: “Hiện nay, tôi còn hai món nợ: Bài thơ Cồn Cỏ và bài thơ Hải Phòng…”.

Cái lý do khiến bài thơ sa lầy, sau này trong nhiều bài viết, dù không đề cập trực tiếp đến bài thơ Cồn Cỏ, nhưng bằng kinh nghiệm của bản thân, Xuân Diệu cũng chỉ ra rằng: “Làm thơ là phải lọc lấy tinh chất (tức cảm xúc), lấy cái hồn sự vật, tuy nhiên, không có xác thì làm gì có hồn, và nên đề phòng chỉ chuyên lấy tinh chất, chỉ chú trọng về cảm xúc, đến nỗi bài thơ như con chim không còn chỗ đậu nữa, thế là bay đi mất tăm…”. Vì vậy, ông khuyên: “Phải đi, phải đến được tận nơi. Phải chịu khó ghi chép, lấy tài liệu, thậm chí vẽ cả sơ đồ vào sổ tay, dù là làm thơ. Phải biết kỹ, biết sâu, để lấy chất sống cho bài thơ…”. Xuân Diệu làm thơ về Cồn Cỏ, nhưng khi ấy ông mới chỉ vào đến Thanh Hóa, và tư liệu về Cồn Cỏ, ông cũng chỉ lấy từ báo chí là chủ yếu. Không đến được tận nơi, không chứng kiến được cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của quân dân trên đảo, nên bài thơ “thiếu chất sống”, lâm vào tình cảnh bế tắc, đành chấp nhận dở dang, không thành…

Không biết sau đó, trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn đang tiếp tục, nhà thơ Xuân Diệu có kịp làm xong bài thơ để cỗ vũ bộ đội ta ở Cồn Cỏ hay không? Tìm trong các tập thơ của Xuân Diệu và các tác phẩm viết về Vĩnh Linh, Cồn Cỏ đều không thấy. Tôi đã đem chuyện này hỏi rất nhiều người, nhất là các cựu chiến binh từng sống và chiến đấu ở Cồn Cỏ trong những năm tháng ác liệt ấy. Ai cũng bảo, hồi ấy có rất nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật, như thơ, ca khúc, thậm chí cả tiểu thuyết viết về Cồn Cỏ, nhưng chưa từng thấy bài thơ Cồn Cỏ của Xuân Diệu bao giờ. Ngày ấy, dù chiến tranh rất ác liệt, nhưng bộ đội, dân quân ta rất say mê văn nghệ, yêu thích đọc sách. Vì vậy mà mỗi tác phẩm văn thơ ca ngợi Vĩnh Linh, ca ngợi Cồn Cỏ… có bài nào, in ở đâu, là người ta tìm cho bằng được rồi chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát cả tờ báo. Thơ về Cồn Cỏ, bất kể của ai, dù hay, dù chưa hay, ngày ấy đã đọc là nhớ, huống hồ thơ của một nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, đã đọc, sao có thể quên được.

        Vậy là bài thơ Cồn Cỏ của nhà thơ Xuân Diệu mới chỉ dừng lại dưới dạng bản nháp, chỉ có trong sổ tay của nhà thơ, mà chưa từng được công bố bao giờ. Chỉ sau này, khi viết bài tiểu luận trao đổi về sự thành bại của bản thân trong sáng tác thơ về đề tài chiến đấu, Xuân Diệu mới dẫn dắt bài thơ dở dang này ra để làm dẫn chứng. Bài thơ mới chỉ có bốn khổ, vừa đúng mười sáu câu, vẫn chỉ là một bài thơ dở dang, nhưng đọc nó, ta cũng hình dung được phần nào vị trí chiến lược quan trọng của đảo Cồn Cỏ lúc bấy giờ đối với Vĩnh Linh nói riêng và miền Bắc nói chung.

        Xuân Diệu là nhà thơ lớn, mà ròng rã hai năm trời không làm xong một bài thơ, để rồi ông xem đó như là món nợ chưa trả được đối với những hy sinh, xương máu của đồng bào, đồng chí ở Cồn Cỏ. Ông không xem mình là người đứng ngoài cuộc, tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng ông cầm bút, và biết hòa mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trân trọng biết bao một tấm lòng thơ giành cho đất nước những năm khói lửa chiến tranh, trong đó có Cồn Cỏ anh hùng. Mỗi người trong cuộc đời, không phải ai hễ muốn làm gì là thành công được ngay, dù đã dốc toàn tâm toàn ý, với một tình cảm yêu thương vô bờ bến. Có những cái hoàn tất mỹ mãn, nhưng cũng có những cái đành chấp nhận dở dang giữa chừng, đầy tiếc nuối. Văn học nghệ thuật cũng vậy. Nhiều tác phẩm ra đời trong chiến tranh đã trở thành tài sản chung của đất nước, trường tồn cùng năm tháng. Nhưng cũng có những tác phẩm, như trường hợp bài thơ Cồn Cỏ dở dang của nhà thơ Xuân Diệu lại trở thành một hiện tượng đặc biệt. Và vì thế nó cũng trở nên quý giá biết bao đối với tất cả chúng ta khi tìm hiểu về Cồn Cỏ và những câu chuyện xoay quanh hòn đảo nhỏ này…

 

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019


Có thể bạn quan tâm