April 26, 2024, 2:10 pm

Xóm sông

Họa sĩ Lưu Nguyễn ngồi trước giá vẽ và tấm toan trắng trơn, nét mặt bần thần. Từ sáng đến giờ anh chỉ ngồi rít thuốc vặt, nghĩ vẩn vơ, thi thoảng bật ho khúc khắc. Bên ngoài mưa đập rào rào trên cành cây, những đám mây đen sũng nước nặng nề kéo qua cửa sổ. Trong vườn, cái hồ hình bán nguyệt nước đục ngầu sủi bọt, cặp mắt thủy tinh lồi hẳn ra của chú ếch gốm ngồi chồm chỗm trên trụ xi măng bậc tam cấp như đang nhìn Nguyễn với vẻ chế nhạo. Dường như con ếch láu cá biết tỏng anh đang bất lực. Nguyễn luôn cảm thấy một sự cô đơn dễ chịu khi làm việc một mình. Nhưng hôm nay, anh làm gì cũng không xong. Nguyễn vừa nhận được thư của một đồng nghiệp cũ, gửi qua email: “Hiệu trưởng bay chức rồi. Vì biển thủ. Trường mình được Bộ cho nâng lên cao đẳng. Đang thiếu giáo viên giỏi. Trường muốn mời anh trở lại dạy hợp đồng”. Nếu cái thư email này đến sớm hơn, có thể mọi việc đã khác, còn giờ đây, nó khiến anh bứt rứt…

*

Minh họa của NGÔ XUÂN KHÔI

Nguyễn về ở xóm Sông mới được vài năm, sau một chuỗi thất bại khiến lòng kiêu hãnh của anh bị đập vỡ tan tành. Thuở còn “cởi trần tắm mưa”, Nguyễn được cha mẹ cho học đủ các môn năng khiếu ở nhà thiếu nhi, anh học giỏi, vẽ đẹp, biết chơi ghi ta, biết sáng tác thơ văn. Nhưng dù nhiều tài lẻ và tràn đầy nhiệt huyết lẫn lòng tốt, tính tình Nguyễn lì lì, ngang ngang, hay tự ái. Vì cái tính kỳ quái, điên rồ mà anh lận đận cả sự nghiệp lẫn đường tình. Nguyễn là giáo viên dạy giỏi, con gà đẻ trứng vàng của trường văn hóa nghệ thuật tỉnh. Nhưng anh bất đồng với hiệu trưởng về quan điểm giáo dục, thậm chí công khai chống ngụy tạo thành tích, nâng điểm… Kết quả là Nguyễn bị coi như một kẻ đầu óc không bình thường, dạy được vài năm, anh phải… chuyển công tác. Ở môi trường mới, Nguyễn vẫn lạc điệu. Cũng bởi cái thói ngông, không biết nói dối và không chịu phục tùng. Thêm một lá đơn xin nghỉ việc. Sau vài lần chuyển tới chuyển lui, Nguyễn “về một cục”, tự làm, tự ăn, tự quản, không còn là “chướng ngại vật” của bất cứ vị hiệu trưởng nào.

Nguyễn quen Loan trong dịp về nông thôn vẽ phong cảnh. Đó là một chiều hè nóng bức và ngột ngạt. Loan đậm người, má lúm đồng tiền, hai tay hai thùng hoa sen đi phăng phăng giữa những luống rau xanh mởn. Dòng nước từ hai vòi sen phun ra như cầu vồng, chiếc quần đen của cô thôn nữ xắn cao để lộ đôi bắp chân trần trắng nõn. Trái tim si tình đã có vài vết sẹo của Nguyễn loạn nhịp. Bạn bè can gián, người bảo trình độ của họa sĩ và người mẫu không tương thích, người cảnh báo tốt mái hại trống. Nhưng Nguyễn phớt lờ. Anh vẫn đưa Loan về nhà sau một đám cưới tràn đầy sự tự tin vào tình yêu vĩnh cửu. Cuộc sống đô thị hào nhoáng nhanh chóng hút hồn “nàng thơ” của Nguyễn. Loan không bằng cấp, chỉ biết trồng và gánh rau ra chợ bán nhưng nàng lại muốn làm công việc văn phòng nhàn nhã, ở nhà đẹp, đi xe sang. Dĩ nhiên, Nguyễn không “hiện thực hóa” được giấc mơ của vợ. Anh không kiếm được nhiều tiền. Tâm hồn anh được nuôi dưỡng bởi văn học, âm nhạc và hội họa. Loan đá thúng đụng nia, mắng chó chửi mèo vì vỡ mộng. Cô không hiểu và không chia sẻ được với ông chồng dùng cả ngày để tán gẫu, rồi thức suốt đêm lọ mọ với cái máy tính. Đôi khi, ngồi trước tấm toan trắng, mặt anh thần ra, ngơ ngẩn như bị ai bắt mất hồn. Loan giận mình bất lực, không thể lèo lái con người lặng tăm, kiêu hãnh đến ngông cuồng mà trước đây cô tưởng rất hiền lành, dễ khiến. Thi thoảng vài người bạn của Nguyễn đến nhà, đàn hát, nói chuyện thời sự, “chém gió”. Một lũ dở hơi. Loan rủa thầm khi dọn dẹp mớ chén bát rếch, thức ăn dở mua về từ một nhà hàng bình dân, cô chán ngấy cả chồng lẫn mấy ông bạn của chồng. Trong mắt Loan, họ là những kẻ ương gàn, vô tích sự.

Quan hệ giữa hai vợ chồng như chiếc cầu ván mưa nắng đã mục, rệu rã, sẵn sàng gãy ụp, và nó gẵy hẳn vào hôm Nguyễn phát hiện ra vợ anh đã ngã vào vòng tay gã bạn, người phong lưu nhất trong số những ông bạn vẫn tới nhà anh chém gió. Tối đó, quán cà phê ẩn trong con hẻm chăng đầy dây điện nhấp nháy như ma trơi. Những mặt người mờ nhòa trong ánh sáng phiêu bồng từ chùm đèn trang trí. Nguyễn xộc tới trước mặt hai kẻ phản bội. Anh vớ ly cà phê sữa nóng trên bàn, hắt thẳng vào mặt gã tội đồ…

Cú đánh bất ngờ của số phận khiến Nguyễn nhận ra mình tối tăm và ngu ngốc thảm hại. Họ ly hôn. Bé Thảo sống cùng mẹ. Nguyễn chạy trốn hệ lụy từ cá tính, những sai lầm kinh khủng của anh và cái vòng kim cô đầy ma lực của kim tiền. Sau lời tư vấn của một người quen cùng máu phiêu lưu sẵn có, Nguyễn trở thành cư dân xóm sông.

Xóm sông là cách gọi nôm na, còn trên giấy tờ hành chính xóm có tên Thiên Tân, ra đời từ thế kỷ 17, khi những lưu dân ngũ Quảng vào khai khẩn vùng đất phương Nam. Dân trong xóm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, làm thợ trong các xưởng gốm, đục đá, trồng bưởi và làm những việc vô danh khác. Những năm gần đây, du lịch sinh thái phát triển. Các homestay hình thành. Du khách nườm nượp từ thành phố đổ về đây ngắm vườn bưởi và thưởng thức đặc sản từ bưởi. Những vườn bưởi kế tiếp nhau, trái trĩu cành sà sát xuống mặt đất dấp dính phù sa, tỏa vào không gian phảng phất hơi mát của nước sông một mùi thơm nồng đượm, át hẳn mùi cây trái xung quanh.

Nguyễn đã bỏ công tìm hiểu “quê mới” và đi đến kết luận rằng anh may mắn được sống trên vùng đất quánh đặc dấu ấn lịch sử. Nhiều ngày anh sục sạo vào mọi ngõ ngách với sự tò mò của một lãng tử yêu cái đẹp và thích xê dịch. Nguyễn đặc biệt yêu thích dòng sông, anh thường ngồi trong một quán cà phê ngắm cây cầu sắt bốn nhịp như những chiếc lược bằng bạch kim khổng lồ nối vào nhau. Một cây đa cổ thụ trùm bóng lên đoạn sông hơi hõm vào như cái vịnh nhỏ, nước mát rượi. Xuôi xuống hạ nguồn, sông trải ra mênh mông, trên bãi phù sa phủ đầy cỏ dại và dừa nước. Đôi khi Nguyễn rảo vào những khu vườn thâm u, nao nao nhìn những ngôi mộ cổ rêu đã phủ dày chỉ còn lờ mờ nét chữ khắc trên bia đá. Vùng đất này xa xưa từng là một thương cảng tấp nập. Nó lụi tàn vì thời gian và vì những cuộc giao tranh. Vật đổi sao dời, cảnh trên bến dưới thuyền giờ chỉ còn trong những cuốn sách phủ bụi trên các kệ sách ở thư viện. Nhưng dòng sông căng tràn nước, những mái chùa cong vút, ngôi đền xập xòe lũ dơi trở về lúc chạng vạng, cây cầu sắt xinh đẹp do người Pháp xây dựng và bức tượng danh nhân bằng đá hoa cương tay cầm đốc kiếm… chứng tích của một quá vãng huy hoàng thì vẫn còn đây.

Vẻ đẹp của đình chùa, những vườn bưởi, dòng sông bình lặng dưới ánh hoàng hôn và bãi phù sa rập rờn cỏ lông chồn… lay động tâm hồn Nguyễn. Anh cảm thấy vùng đất này thật bí ẩn, cuốn hút, nó làm anh nguôi dần những vết bỏng trong tâm hồn. Lâu rồi anh không còn mơ thấy gương mặt chan hòa nước mắt của đứa con gái, tương phản với vẻ lạnh băng của Loan hôm tòa xử ly dị. Những buổi sáng đứng bên hàng rào hít thở bầu không khí phảng phất mùi hương dịu dàng của hoa bưởi, anh cảm thấy lòng thư thái, lâng lâng. Cái chợ chồm hổm xanh đỏ tím vàng đủ loại thực phẩm và hàng tiêu dùng bày ra ngay đầu xóm chiều nào cũng đông đặc công nhân nói đủ thứ giọng, vội vã bán mua, vội vã trở về các khu nhà trọ. Nhìn những gương mặt trẻ in hằn nỗi vất vả tay xách nách mang, nói cười ríu rít, con tim Nguyễn se lại. Anh nhận ra trong cảnh bươn chải tất bật của đời sống lao động ẩn chứa một sức sống bền bỉ, mãnh liệt và can trường không gì dập tắt được, nó khiến những vui buồn, được mất của anh trở nên bé nhỏ và vô nghĩa.

Nhà Nguyễn hơi xa khu dân cư, láng giềng gần nhất của anh là nhà ông Hai Đáng và nhà vợ chồng Tư Cảnh. Ông Hai Đáng gầy guộc, cổ khẳng khiu, bàn tay xương xẩu với những ngón dài, sống cùng cô con gái tên Trang. Ngày đầu tiên phát hiện ra ông hàng xóm dạy đàn dân tộc bị cụt chân trái đến quá đầu gối, Nguyễn có chút ngỡ ngàng. Sự ngỡ ngàng chuyển thành kính phục khi anh vô tình nhận ra, ông Hai Đáng chính là “ca” thương binh đặc biệt khi còn ở chiến khu mà báo chí từng nhắc đến với sự nể trọng. Anh chiến sĩ trẻ Hai Đáng bị thương nặng trong một trận càn, được đưa xuống “bệnh viện dã chiến” là căn hầm đào sâu dưới lòng đất. Để cứu sống anh, các bác sĩ buộc phải cưa cái chân dập nát, tím bầm trong tình trạng hết cả thuốc mê lẫn thuốc tê. Nước mắt họ tuôn rơi khi anh lính nắm chặt tay trên bàn mổ, miệng hát vang bài quốc ca bằng cái giọng méo đi vì đau đớn. Câu chuyện như huyền thoại ấy đã vinh danh tên tuổi ông Hai Đáng. Nhưng chẳng mấy người biết, thời bình ông lui về ẩn dật, truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho đám trẻ sinh ra ở cái xóm nhỏ được vỗ về quanh năm bởi những nhịp sóng yên ả của dòng sông. Trên cái “chòi mát” sàn bằng gỗ, mái lợp lá dừa nước dựng de ra con kênh đào, chúng vừa đàn, vừa hát hồ xự xang xê cống bằng cái giọng non nớt. Hòa vào tiếng đàn hát của lũ trẻ là tiếng lá rơi lạt sạt và tiếng cá quẫy lóc bóc….

Thi thoảng, Nguyễn bắt gặp Hai Đáng ngồi chơi đàn kìm một mình. Tiếng đàn nỉ non của ông làm Nguyễn xúc động. Anh hiểu tâm tư của ông. Ông cố Hai Đáng là Tư Nghĩa từng tham gia đội nghĩa binh kháng Pháp. Anh có tài thổi sáo trúc, những tối sáng trăng thường ra gốc cây bình bát ven sông, ngồi thổi sáo. Tiếng sáo réo rắt, thấm đẫm ánh trăng làm thổn thức trái tim cô gái làng bưởi xinh đẹp. Cặp trai tài gái sắc hạnh phúc chẳng được bao lâu. Trong lần chặn đánh tàu Pháp trên sông, Tư Nghĩa dính đạn pháo của địch. Trong đêm vượt cạn vợ anh cũng bị lật xuồng, may mắn đứa trẻ sơ sinh được cứu sống. Hai Đáng là hậu duệ đời thứ ba của Tư Nghĩa, vào chiến khu từ thuở đôi mươi. Vợ Hai Đáng làm y tá cùng đơn vị. Cuộc sống gian khổ, chạy càn liên miên khiến bà Hai Đáng liên tục hỏng thai. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhiều năm phục thuốc bà vẫn như cái cây khô không hoa, không trái. Qua tuổi bốn mươi, phép lạ xảy ra: bà Hai có bầu, sanh được mụn con gái. Chính là cô Trang. Sanh đẻ trễ tràng, thể trạng lại ốm yếu nên bà Hai bị hậu sản. Ông Hai Đáng gà trống nuôi con. Cô Trang lớn lên trong tiếng đờn kìm đau đáu nỗi niềm của cha. Cô có đôi mắt biết nói và giọng ca cải lương mùi mẫn thừa hưởng của bên nội. Dòng họ nhà cô bẩm sinh đã có máu nghệ sĩ nên đời nào cũng lận đận.

Kế nhà Hai Đáng là nhà vợ chồng Tư Cảnh. Bầy con lăn lóc kiếm ăn bằng đủ nghề, giờ đã yên bề gia thất, vợ chồng Tư Cảnh sống cùng Út Thà. Cậu bưu tá bị thải hồi vì cái tật “di truyền” từ cha, nhậu quên trời đất. Về nhà anh ta làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy. Thi thoảng Nguyễn mướn Út Thà đóng khung tranh, rửa bút lông, có khi ngồi làm mẫu cho anh vẽ.  

Một sáng chủ nhật, tạnh ráo. Ông Hai Đáng mời Nguyễn qua nhà, ngồi uống trà trong “chòi mát”, lắng nghe tiếng trái cây rớt lõm bõm xuống dòng kênh. Giữa buổi, Út Thà lử thử đi vào, gãi cái đầu bù xù: Con chào chú Hai. Chào anh họa sĩ. Tui thấy anh vẽ thứ gì cũng đẹp. Nhưng sao anh không… vẽ tiền. Hôm nay anh vẽ giùm tui… chục tờ trăm đô la coi. Để tui đi kiếm con vợ. Xấu hoắc cũng được”. Ông Hai Đáng lắc đầu nhìn nụ cười ngây dại, quái gở và bộ dạng như con gà mắc mưa của chàng thanh niên bị rượu hành. Thằng Út xỉn quá rồi. Về nghỉ đi con. Chừng nào mầy tỉnh rượu qua đây, anh Nguyễn vẽ cho mầy tờ trăm đô đi cưới vợ. Cái thằng thiệt là... Chú nói thì giữ lời nghe. Út Thà giơ ngón tay giao hẹn rồi quay lưng về. Ông Hai Đáng thở dài, nhìn theo dáng chàng trai xiêu vẹo bước đi, quẩn theo bước chân gã là mùi hèm pha lẫn mùi mồ hôi thành thứ mùi nồng nồng găn gắt. Út Thà mê Trang từ lâu nhưng không được cô chiếu cố. Tình yêu càng vô vọng, anh ta càng đắm đuối. Có lần Nguyễn bảo, phụ nữ không ưa người rượu chè, chú ít nhậu đi thì sẽ lấy được vợ. Út Thà gằm mặt nhìn anh, nhổ toẹt một bãi nước bọt, không trả lời. Ông Hai Đáng thương con gái tình duyên lận đận nhưng không chấp nhận gã trai triền miên say. ..

- Vùng nầy ngày trước hơi buồn nhưng thanh bình. Giờ lộn xộn quá. Thanh niên đua xe lạng lách, ăn nhậu, đánh nhau. Đủ hết. Nghe nói mới có mấy vụ ngáo đá xông vô cướp tiền quán cà phê cô Ngân, may mà công an bắt được. Nhà thầy neo người, cũng nên cẩn thận.

Ông Hai Đáng nói, nhấp một ngụm trà ô long. Nhà con cướp không thèm vào đâu chú. Chỉ có mỗi tranh, sách báo, nó lấy bán ve chai cũng không được giá. Nguyễn mỉm cười nói. Sáng nay anh vừa nói chuyện với con gái, lại vừa bán online được hai bức tranh sơn dầu, trong lòng cảm thấy phấn chấn. Ông Hai Đáng cầm tập bản thảo chi chít chữ bằng bút bic đưa cho Nguyễn:

- Nhờ thầy đọc giùm tôi cái nầy. Coi viết vầy được không? Chánh quyền muốn in lịch sử địa phương, nhờ tôi viết một khúc, trào… trong rừng lận. Nhưng mình ít chữ, sợ làm không đặng. Ông Hai Đáng nói như phân bua. Ông trọng Nguyễn vì anh có học thức, cư xử lễ độ, và có lẽ trong đáy sâu tâm hồn, ông thấy anh tương đồng với ông về nhiều điểm.

- Dạ. Con sẽ đọc. Nguyễn cầm tập bản thảo, nói với vẻ ân cần. Anh luôn kính trọng người bạn vong niên. Sau giải phóng, chính quyền địa phương muốn cất nhắc Hai Đáng vào một vị trí lãnh đạo, gọi là đền đáp người có công. Nhưng ông từ chối. Tôi học trong rừng, chữ đặng chữ mất, làm sao đủ tài mà làm lãnh đạo. Lỡ tôi “quyết” cái gì sai thì hại cho dân, cho nước. Thôi. Hổng tham. Làm dân cho lành. Ông trầm ngâm nói với Nguyễn. Thái độ bình thản, xem nhẹ công danh của Hai Đáng khiến Nguyễn hiểu ra vì sao dân xóm sông coi ông là người “khác đời”.

Cô Trang có chiếc răng mọc lẫy bên khóe miệng, dáng cao, có tiếng xinh đẹp, giỏi giang. Đầu hàng “băm”, sau vài lần yêu không thành, cô ngó lơ đám bạn cùng trang lứa và những ông sồn sồn muộn vợ, coi những lời bóng gió, úp mở, cả lối cợt nhả trơ trẽn của họ về “gái lỡ thì” như tiếng vo ve của lũ ong ruồi. Nhìn cô ngồi gói nem bưởi nhanh thoăn thoắt, hàng trăm cái nem nhỏ nhắn đều y khuôn, dưới lớp giấy bóng hiện rõ những lát ớt tươi, người khó tính mấy cũng phải hài lòng. Những đêm đờn ca tài tử tổ chức trong sân nhà văn hóa, cô vận xiêm y lộng lẫy, cúi chào khán giả, vừa chơi đàn tranh, vừa ca cải lương. Giọng ca ngọt ngào, hòa với tiếng đàn thánh thót mỗi lần “xuống xề” có chút nức nở làm khán giả vỗ tay rần rần. Nguyễn đi nghe Trang hát đúng hôm cô chọn bài Dạ cổ hoài lang. Anh đứng dưới gốc cây dầu, nhìn cô từ xa, lòng xao xuyến. Trang đang là chủ nhiệm hợp tác xã trái cây Vietgap.

Một lần nghe cô trò chuyện với ông Hai Đáng về việc xây dựng thương hiệu cho vùng bưởi và phát triển món nem bưởi đặc sản địa phương, Nguyễn thở dài. Anh thèm được như cô, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Vài lần cô đến nhà Nguyễn, hướng dẫn anh cách nấu các món ăn Nam Bộ. Nguyễn quen dần với dáng dấp nhanh nhẹn, mái tóc dày búi cao sau gáy của cô mỗi khi giúp anh trồng cây bên hàng rào, gieo hạt giống rau trong vườn hay xuống bếp làm cơm đãi khách. Giữa thời buổi nhan sắc phụ nữ gắn với dao kéo và hóa chất, vẻ đẹp thuần hậu của Trang khiến Nguyễn có cảm xúc kỳ lạ, gần như là lòng biết ơn. Dù vậy, sau ly hôn, anh ngại phái đẹp. Nguyễn không muốn làm họ thất vọng, tựa như gã thợ gốm vụng về không muốn nặn ra những sản phẩm lỗi. Ngoài giờ dạy, anh vẽ tranh, minh họa cho các tờ báo hoặc ngồi chơi đàn ghi ta một mình. Trang có cảm tình với người đàn ông ít nói và hay đọc sách. Cô cảm thấy con người anh có cái gì đó thật cao vời, mơ mộng xen một chút bí ẩn. Nhưng Nguyễn cứ lặng lờ như con cá bơi qua vùng nước tối, dường như anh có ý lảng tránh cô.

Công việc thường ngày của Nguyễn bây giờ là dạy vẽ cho nhà thiếu nhi. Ở nhà, anh mở một lớp học vẽ miễn phí. Sau những buổi lên lớp, bọn trẻ bôi màu bê bết lên mặt như những chú hề. Nguyễn nhìn bọn nhóc, mỉm cười, thấy lòng trẻ lại. Cuộc sống tối giản giữa những bảng màu, toan, những ống chì quăn queo, tấm kính dính từng mảng tròn sơn dầu và những chiếc bút lông mang lại cho anh cảm giác bình yên. Lúc rảnh, anh thích vác máy ảnh đi chụp dạo. Nhiều lần Nguyễn mang đồ nghề ra bờ sông, chui rúc trong bờ bụi, tìm chỗ chụp mặt trời. Tấm ảnh đẹp sẽ giúp anh vẽ được bức tranh sơn dầu như ý. Nhưng lắm hôm ngồi đến ê mông trong đám cỏ sắc như lưỡi hái, chịu cho côn trùng đốt sưng người mà Nguyễn vẫn chẳng thấy tăm hơi vầng dương, nó đã trốn biệt dưới lớp mây xám ùn lên phía chân trời. 

Có lần bắt gặp Nguyễn đi “săn” ảnh, Trang hỏi đố anh Nguyễn biết, lúc nào bầu trời có màu đẹp nhất? Mắt cô ánh lên tinh nghịch. Nguyễn lắc, mặt đỏ lên. Quả thật anh không biết lúc nào thì bầu trời có màu đẹp nhất. Hoàng hôn hay bình minh, thậm chí là giữa trưa đều có thể có những khoảnh khắc tuyệt vời. Không đâu. Tin em đi. Anh hãy căn ngày rằm tháng giêng, chịu khó chờ đến hoàng hôn. Lúc trăng vừa nhú còn mặt trời thì chưa lặn xuống hết, ánh sáng giao thoa của chúng sẽ tạo nên một màu tím ngát. Đẹp không thể tả. Thật đấy. Nguyễn nửa tin nửa ngờ. Nhưng vẫn nghe lời Trang. Quả nhiên anh đã mục sở thị một bầu trời phủ tràn màu tím kỳ ảo. Bên dưới không gian bao la tím, cánh đồng lúa chưa thu hoạch xong, còn sót lại những mảng màu vàng đồng. Bức tranh thiên nhiên hoàn hảo khiến Nguyễn xúc động đến nghẹn thở. Anh chụp hình và chạy vội về nhà, cố gắng tái hiện trên tấm toan vẻ đẹp kỳ ảo của bầu trời, của cánh đồng lúa đang mùa gặt. Anh chợt hiểu, tâm hồn nghệ sĩ đã giúp Trang cảm nhận được vẻ đẹp thần tiên trong khoảnh khắc giao nhau giữa ngày và đêm, sáng và tối. Sự mến phục cô gái khiến anh bâng khuâng…

*

Mưa tạnh. Tiếng chim ríu rít trên cành cây trước cửa nhà và những làn gió đẫm hơi nước từ sông thổi vào khiến Nguyễn bừng tỉnh, ra khỏi trạng thái suy tưởng. Anh rời phòng vẽ vào bếp pha ấm trà đặc, mang ra cái bàn gỗ đóng vụng để trên thềm nhà có lót chiếu, ngồi bệt xuống mở cuốn sách đọc dở. Nhưng anh mới đọc vài trang con chó Bim đã khực khực, đuôi ngoáy tít. Nguyễn ngẩng lên, thoáng giật mình. Người mới đến để xe máy ngoài ngõ, đi bộ vào sân là Trang, cô xách chiếc giỏ lớn nặng trĩu.

- Em... mang bưởi qua để anh thắp nhang cho ông bà nè. Trang chào Nguyễn và đi thẳng xuống bếp, lấy từ trong giỏ ra mấy trái bưởi thoảng mùi thơm cay, những chiếc lá dính vào cuống còn tươi, cô để tất cả lên bàn ăn rồi mang giỏ trở ra, ngồi lên chiếc ghế đá dưới mái hiên. Mắt Trang sáng rỡ, cặp mày đen nhánh hơi vát hình cánh chim nổi bật trên vầng trán trắng trẻo.

- Bưởi chợ hay bưởi nhà, cô Trang? Nguyễn gập sách lại, hỏi cho có để che dấu sự lúng túng. Anh có chút mất tự nhiên khi một mình đối diện với Trang. Cô ngần ngại một thoáng rồi nói:

- Dạ. Bưởi nhà đó anh. Mấy bữa nay mưa dữ quá, trái non rụng nhiều. Đây là trái cây bưởi cỗi. Ba em nói mang cho anh vài trái để thắp nhang, sắp rằm rồi.

Hất mái tóc xõa xuống trán, Trang xuống giọng buồn buồn. Thôi em dìa. Anh rảnh qua chơi với ba em. Ông già nhắc anh hoài. Trang rất muốn nói, em cũng mong anh qua chơi, nhưng cô không đủ can đảm và vội vàng xách giỏ đứng lên, quay đầu xe. Ừ. Chút nữa tôi sang. Tôi cũng đang muốn gặp bác. Nguyễn nói với theo cô gái. Trong anh đột nhiên tràn ngập một nỗi áy náy, dù chính Nguyễn cũng chưa hiểu anh áy náy vì lẽ gì. 

Tiếng xe máy của Trang dần xa.

Nguyễn lại hướng mắt ra vườn. Chú ếch gốm vẫn nhìn anh chòng chọc, ra ý hỏi: “Thầy định thế nào? Ở lại với xóm sông hay về trường cũ?”. Nguyễn bất giác lắc đầu. Anh đã dấn thân vào con đường khó khăn để tìm lại mình. Những vui buồn một thuở đã lùi sâu vào vùng ký ức mờ tối của anh. Giờ đây anh đã quen với không gian phảng phất mùi hương quê kiểng mà nồng nàn của hoa bưởi, con tim anh dạt dào tình yêu đối với xóm nhỏ, nơi mỗi hoàng hôn lấp lánh ánh mặt trời trên sông, anh lại nghe thấy tiếng đàn kìm đầy tâm trạng của ông Hai Đáng. Trong lòng anh luôn hiển hiện nụ cười răng khểnh của Trang, thậm chí cả tướng đi ngật ngưỡng của út Thà. Nguyễn đã gửi cảm hứng xốn xang, tình yêu lặng lẽ mà say mê của anh vào những bức tranh mà với anh, nó gần như là lẽ sống. Một tiếng nói sâu thẳm cất lên từ đâu đó, như từ trong tiềm thức, rằng anh đã thuộc về vùng đất này và không thể rời xa…

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm