April 26, 2024, 11:16 am

Xóm Bãi Ngọc

Dân Bãi Ngọc xì xào bàn tán, rỉ tai nhau, chắc là bị bùa ngải nên lão lái Thỏa mới bỏ vợ, bỏ con, bỏ quê lên xóm mình làm chồng cái Mắm. Phen này thì bố con nhà lão Đằm giàu to rồi. Thứ nhất lấy được lái bè, thứ nhì là lấy tài xe mà. Họ bàn tán thế cũng phải. Thỏa là lái buôn gỗ nổi tiếng nhất triền sông Chảy. Nghe đâu, hắn là người phủ Hà, mới 15 tuổi, đã vác sào theo chú ruột đi buôn bè khắp mạn sông Hồng. Có cửa mua gỗ, nứa suốt từ Mậu A, Lâm Giang, Trái Hút, Bảo Hà, Phố Lu, đến tận Thái Niên, Làng Giàng. Cũng nổi tiếng trăng hoa từ đó, 17 tuổi, cậu lái Thỏa đã khiến cô Sen Bảo Hà, dòng dõi vợ Tướng quân Hoàng Bảy đưa dân binh lên lập ấp, đặt Cửa trạm Bảo Hà, mặn mà đến mức mỗi lần ra sông, cá nhìn thấy quên bơi mà chìm dần, chồng con đàng hoàng vẫn vất bỏ tất cả, xuống bè theo không cậu lái kém hai tuổi về phủ Hà. Khi ông chú già gác sào, mở cửa hiệu bán gỗ xẻ ở phủ Hà, đã giao lại cho Thỏa tất cả các mối hàng. Từ khi thành ông chủ, Thỏa lấy sông làm quê, lấy bè làm nhà, lấy rượu làm nước uống, lấy gái làm thú vui, oai phong khét tiếng cả vùng thượng lưu sông Hồng. Bến gỗ nào cũng có nhân tình nhân ngãi. Song đi mãi một triền sông cũng thấy chán. Lái Thỏa liền chuyển sang sông Lô. Biết mạn sông Lô không có nhiều gỗ quý bằng sông Hồng nhưng nghe dân sành gái kháo nhau: “Chè Thái, gái Tuyên”. Nào gái Yên Sơn, gái Thành Tuyên, gái Na Hang, gái Chiêm Hóa…, đều có gốc gác từ thời nhà Mạc cát cứ Tuyên Quang, đưa mỹ nhân cả nước về làm thê thiếp. Khi nhà Mạc sụp đổ, thê thiếp phải thay tên, đổi họ trà trộn vào đám dân đen để giữ mạng. Cứ thế mà sinh sôi ra cả một miền gái đẹp. Nghe thế, lái Thỏa đã thấy máu trong người giần giật liên hồi, nước miếng trong miệng ứa ra.

Sang sông Lô mới được dăm chuyến hàng, không biết bằng cách nào, lái Thỏa đã kéo được một cô gái Thành Tuyên đài các, kém Thỏa tới 10 tuổi, lộng lẫy như cung nữ về làm bà hai. Ngày làm đám cưới với bà hai ở phủ Hà, lái Thỏa thẳng thừng tuyên bố với đám trai làng: Ngày xưa Vua Hùng cử ba người con gái lên trông giữ ở ba cửa rừng. Một ở Đông Cuông, sông Hồng, một ở núi Giùm, sông Lô, một ở Thác Bà, sông Chảy, gái ba triền sông này đều là cháu chắt của các bà. Ta mới kiếm được gái sông Hồng, sông Lô. Chuyến sau ta sẽ đi sông Chảy. Kiếm nốt sơn nữ sông Chảy về làm bà ba cho đủ bộ mĩ nữ tam giang. Nói là làm, hết tuần trăng mật với bà hai, lái Thỏa một mình khăn gói lên tận thượng nguồn sông Chảy tìm kiếm mối hàng. Hắn thấy, so với sông Hồng, sông Lô, thì sông Chảy bé hơn. Nó luồn lách vòng vèo qua những dải rừng già bạt ngàn của dãy Hoàng Liên Sơn. Chính vì vậy mà gỗ mạn này toàn là loại “tứ thiết”. Song không phải ai cũng dám đi bè mạn sông Chảy vì nó lắm thác ghềnh. Đặc biệt là Thác Bà. Giữa họng thác có một phiến đá lớn chặn ngang gọi là hòn Thuồng Luồng. Bè lao vào hòn Thuồng Luồng chỉ có tan tành, người cũng đập vào đá mà vỡ đầu, tan xác. Chỉ có một khe duy nhất qua được gọi là cửa Sinh nhưng đưa được bè vào đúng cửa Sinh không phải là dễ. Muốn vào được cửa Sinh bè dài phải cắt ra thành từng trạo, lái qua thác rồi mới đấu lại. Chỉ có những tay sào vừa giỏi, vừa can trường mưu trí, giàu kinh nghiệm mới dám chổ bè qua Thác Bà. Trước khi qua còn phải có ván xôi gà, chai rượu lên thắp hương ở Miếu Thần Thác, xin đài được nhất âm, nhất dương mới dám đi. Qua Thác Bà,  gặp ngay Thác Ông. Thác Ông không hung dữ như Thác Bà song lại dài tới non nửa cây số. Sự tích kể, một đêm có vợ chồng ông bà Khổng Lồ gánh trâu bò, lợn gà từ dưới xuôi ngược theo sông Chảy tìm nơi ở mới. Bà đi trước, ông đi sau. Khi đến đầu ngòi Xà, thấy một thung lũng rộng, đất đai mầu mỡ, bà nói thầm trong bụng: “Nơi ở của ta đây rồi!”. Rồi bà hạ quang gánh, lùa tất cả trâu bò ra nơi nối cửa ngòi với sông, lấy lúa, ngô, khoai, sắn ra ném vung vãi khắp các đồi xung quanh. Gần sáng ông mới đến, thấy trâu bò của bà, ông liền lùi lại một bước rồi hạ quang gánh, ném lợn gà trong gánh ra giữa lòng sông Chảy. Trâu bò của bà, gà lợn của ông đều hóa đá chẹn dòng chảy của sông. Dân bản sau này đặt tên thác là Thác Bà, Thác Ông. Sông nước hung dữ là thế, song dọc sông Chảy lại có rất nhiều chợ. Nào chợ Ngà, chợ Hiên, chợ Phủ, chợ Đồng, chợ Ngọc, chợ Lạng, chợ Lăn, chợ Lủ… Chợ nào cũng sầm uất, đầy của ngon, vật lạ, thỏa thích ăn chơi. Lái Thỏa liền về phủ Hà gọi lũ đàn em đến hùng hồn tuyên bố: Các chú cứ theo anh. Có tiền chợ Ngọc, chợ Ngà. Hết tiền ta lại Thác Bà, thác Ông, lo gì.

Làm ăn bên mạn sông Chảy đã vài năm, cửa rừng nào cũng là của lái Thỏa, chợ nào cũng có chỗ cho lái Thỏa ăn chơi, luồng lạch sông Chảy, lái Thỏa thuộc như lòng bàn tay vậy mà vẫn chưa tìm được bà ba. Không phải là sông Chảy không có gái đẹp mà là vì lái Thỏa muốn tìm người phải có nét đẹp khác với bà cả, bà hai. Phong trần, dầu dãi mãi, lái Thỏa bắt đầu ngán sự hừng hực của bà cả, ngán cả cái cái sắc sảo, ranh ma của bà hai. Giờ hắn thích được một bàn tay sơn nữ đẹp nhưng phải là dân dã, thôn quê, thơ ngây, chân chất ve vuốt, yêu chiều. Tìm mãi mài chưa cô gái nào làm lái Thỏa xiêu lòng, thì một chiều, bè đến bãi Ngọc bị mắc cạn. Cũng lạ, khúc sông này thông thoáng lắm, những chuyến trước qua đây chỉ cần đánh đầu bè tránh vật Sui là bè đi phăng phăng. Đám thợ hò nhau lội xuống nước mới biết một bãi cát ngầm rộng đến gần nửa sông chặn hết luồng chính. Kích đẩy thế nào bè gỗ 10 trạo vẫn không nhúc nhích. Lái Thỏa quát đám thợ lặn xuống gầm bè moi cát. Để lâu cát bị chặn lại đầy thì chỉ còn cách dỡ bè ra đóng lại. Đám thợ lội hết xuống sông chỉ còn mình lái Thỏa trên bè. Đang cáu bực bỗng lái Thỏa thấy mát cả người khi thấy một cô gái quảy đôi thùng gỗ ra sông gánh nước. Từ ngoài bè nhìn vào mới chỉ thấy cái vóc dáng tầm thước, mình trắm, eo thon bó khít trong chiếc áo gụ chít hông, quần nái đen, vo cao quá đầu gối, để lộ 2 bắp chân tròn, trắng, tim lái Thỏa  đã đập như gõ trống. Cô gái  quẩy gánh nước về nhà, lái Thỏa hút mắt dõi theo cho đến khi cô rẽ vào ngôi nhà nhỏ ngay đầu xóm. Đoán thể nào cô gái cũng quay ra, lái Thỏa vội lội vào bến. Lát sau cô gái quay ra. Lái Thỏa lấy giọng nhẹ nhàng cất tiếng chào và hỏi thăm đây là đâu. Có gái ngước mắt lên nhìn lái Thỏa. Trời, Phật! Đôi mắt nai ngơ ngác, khuôn mặt trái xoan thuần phác, làn da hơi nâu nhưng sáng mịn. Một vẻ đẹp trong trẻo, ấm áp đem lại cho lái Thỏa cảm giác thật dễ chịu. Lái Thỏa đến sát bên cô gái, bỗng cảm thấy có một mùi hương rất lạ giống như hương lúa khi trổ đòng. Đúng rồi, mùi hương hoa lúa. Gần gũi bao nhiêu con gái, đàn bà, vậy mà lái Thỏa chưa thấy hương vị ấy bao giờ. Mùi hương lúa toát ra từ cơ thể cô gái làm cho gã lái bè đã xơi bao sơn hào hải vị bỗng thấy xốn xang, rạo rực thật khác thường. Sơn nữ sông Chảy đây rồi! Lái Thỏa nuốt khan trong cổ họng. Chắc là duyên số. Không phải ngẫu nhiên mà cái bè lại mắc cạn ở đúng bến sông nhà cô. Để mặc cái bè mắc cạn cho đám thợ lo, lái Thỏa đi theo sau cô gái. Khi cô gái quẩy gánh nước xuống bếp, lái Thỏa tiến bên ông lão đang lúi húi vá vó ở góc sân, lễ độ:

- Dạ, thưa bác, bè cháu bị mắc cạn ngay bến sông nhà mình. Cháu lên thăm bác với gia đình, nhân thể hỏi bác nên đánh bè sang hướng nào thì thoát được cạn ạ?

Bố cô gái nhìn lái Thỏa từ đầu tới chân, rồi thủng thẳng:

- Chắc ông vẫn cho bè đi luồng giữa phải không? Non nửa tháng nay luồng giữa bỗng đùn bãi cát ngầm. Lẽ ra ông phải đánh bè đi vào vật Sui kia để tránh bãi cát rồi mới cắm cầy cho đầu bè ra luồng giữa. Giờ chỉ còn cách, đẩy mấy trạo ở cuối chưa bị cạn vào sát bờ rồi neo lại, bè xoay ngang, nước bị cản sẽ đẩy dần cát ở đầu bè ra…

Thấy ông lão nói có lý, lại xởi lởi, dễ gần, lái Thỏa mừng thầm trong bụng. Đã thế thì chưa kéo bè ra vội. Phải kiếm cớ ở lại bến này khi nào xong việc mới đi. Lái Thỏa xoa hai bàn tay vào nhau, chuyển sang xưng “con”:

- Dạ. con cảm ơn ông ạ. Thật may gặp ông, được ông dạy. Con sẽ cho anh em làm theo cái mẹo của ông. Nhưng giờ đã muộn, có đưa được bè ra được chắc cũng tối, mà luồng lạch chưa quen nên chúng con cũng không dám đi đêm. Phiền ông cho con gửi ít tiền nhờ bà với em làm giúp mâm cơm để tối anh em còn có cơm ăn. Có được không ạ.

Nói rồi chưa đợi bố cô gái trả lời, lái Thỏa đã rút ra một tập tiền dúi vào tay ông. Bố cô gái không nhìn xấp tiền, khuôn mạt tỏ vẻ không hài lòng, bảo:

- Sao ông đưa tiền, có bữa cơm quê thôi mà. Tôi có phải là người bán cơm đâu mà lấy tiền của ông. Chả lẽ bố con tôi không đãi được ông bữa cơm à.

- Dạ thì ông cứ cầm cho con đỡ áy náy. Ông già rồi, con không nỡ ăn không. Ông kiếm con gà ông con mình uống rượu là được, còn lại con biếu ông. Còn ngược xuôi sông Chảy này con còn phiền ông nhiều.

Ông lão tỏ vẻ kiên quyết, giọng dứt khoát: Ông cứ cất tiền đi - rồi gọi với xuống bếp - Cái Mắm đâu, lên thầy bảo.

Cô gái nghe bố gọi vội chạy lên nhà trên, cúi đầu chào khách rồi khẽ hỏi:

- Dạ, thầy bảo gì con ạ.

- Bè ông lái này mắc cạn, đêm nay chưa đi được. Con thổi cho ông ấy bữa cơm. Cá kho vẫn còn. Con bắt thêm con gà mà thịt. -  Rồi, ông lão lại quay sang lái Thỏa, hỏi - Mà các  ông có mấy người nhỉ?

- Dạ  chúng  con có 4 người thôi ạ.

Đợi cô gái xuống bếp, lái Thỏa mới khẽ hỏi ông lão:

- Dạ, bà nhà đi đâu ạ. Em Mắm năm nay bao tuổi rồi thưa ông?

Ông lão chép chép cái miệng rồi mới nói, giọng bồi hồi:

- Chả giấu gì ông, tên chính của nó là Ngọc. Trước nó còn một đứa anh, hai đứa chị nhưng đều không sống được quá 2 tuổi. Tôi là Đằm, nên gọi nó là Mắm cho dễ nuôi. Nó được ba tuổi thì nhà tôi mất vì ngã nước, năm nay nó 18 rồi đấy. Gọi nó bằng cái tên Mắm xấu xí quả là dễ nuôi. Hay ăn, chóng nhớn lắm, chẳng sài đẹn gì sất, bơi, lặn như rái cá, sáu, bảy tuổi đã theo bố đi thả cụp, thả dão. Giờ chỉ mong nó kiếm được tấm chồng tử tế, tôi nhắm mắt, xuôi tay cũng yên lòng.

Lái Thỏa khẽ đẩy chén nước về phía ông lão, rồi tỏ vẻ rụt rè hỏi:

- Dạ, trông ông vẫn còn khỏe lắm ạ, chưa đi được đâu, bà nhà mất lâu rồi, sao ông không đi bước nữa để có người đỡ đần…

Giọng ông Đằm bỗng chùng hẳn xuống:

- Là vì tôi đã hứa với bà nhà tôi trước lúc bà ấy khép mắt, tắt hơi là sẽ nuôi cái Mắm khôn lớn, gả chồng cho nó xong tính gì mới tính…

- Vậy em nó đã có đám nào chưa ạ? Lái Thỏa vội cắt lời lão Đằm.

Lão Đằm vẫn thủng thẳng:  

- Nói có cũng được, nói không cũng đúng. Thằng Chung con lão Chàng cùng xóm thích con Mắm lắm nhưng ngặt nỗi hai bố con nhà nó đi đóng cối quanh năm, ăn cơm thiên hạ, nhà cửa bỏ không. Hỏi tôi có nỡ để con mình vào đấy không…

Lão Đằm đang chuyện thì có tiếng đàn bà gọi từ ngoài ngõ:

- Ông Đằm có nhà không đới, sang giúp tôi lùa con lợn sề sổng chuồng vào với.

Lão Đằm vừa đứng dậy, vừa nói:

- Là mụ Lời hàng xóm. Mụ này chuyên nấu rượu, nuôi lợn. Để tôi sang giúp mụ lùa con lợn sổng chuồng, tiện thể lấy rượu về tối ta uống. Rượu mụ Lời nấu nổi tiếng khắp vùng này đấy.

Lái Thỏa tỏ ra sốt sắng, hỏi:

- Có cần con sang giúp không ạ?

Lão Đằm phảy tay:

- Thôi, mình tôi sang được rồi. Anh ở nhà giúp em nó cắt tiết con gà.

Thấy nhắc đến mụ Lời, bộ dạng lão Đằm có vẻ bối rối. Đích thị là ông bà này có chuyện với nhau. Giờ lại thấy lão Đằm gọi mình là anh, bảo ở nhà giúp Ngọc giết gà, không biết vô tình hay cố ý song bước đầu thế là thuận lợi. Lái Thỏa như mở cờ trong bụng, vội xuống bếp. Lão Đằm sang nhà mụ Lời chừng gần tiếng thì về. Ngọc cũng đã làm cơm xong. Lái Thỏa ra sông, thấy đám thợ vẫn hì hụi moi cát dưới gầm bè, vội bắc loa tay gọi: Này! Neo lại, để đấy mai tính. Giờ tắm rửa, thay quần áo cho tươm tất, lên xóm làm trận rượu đã.

Tối đó, cuộc rượu nhà lão Đằm, ngoài lái Thỏa và đám thợ, có thêm mụ Lời. Trông mụ chỉ ngót bốn mươi là cùng. Mụ nói với lái Thỏa chồng mụ đột tử mấy năm rồi mà cứ tỉnh như không. Nhìn cách mụ ngồi, đôi chân “trường túc” bắt chéo, hai bàn tay đan vào nhau bó lấy đầu gối, cặp đùi nần nẫn liên tục rung rung, lái Thỏa biết tỏng mụ này háo tình vào loại đệ nhất đàn bà. Chồng mụ bị vắt kiệt sức mà đột tử cũng nên. Lại thấy mụ liên tục đảo mắt nhìn lão Đằm tình tứ là lái Thỏa đã đi guốc trong bụng cả ông lẫn bà. Đúng là mạ già gặp ruộng ngấu, thài lài gặp cứt chó. Phải dùng chính mụ đàn bà háo tình này đẩy Mắm đến với mình. Hôm nay có cơ duyên rồi, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Lái Thỏa nháy mắt với đám thợ bè. Cả bọn hiểu ý chủ liền hùa vào chúc rượu lão Đằm, mụ Lời. Đủ các lý do để chúc. Ngọc cũng bị ép uống vài chén. Hết rượu, mụ Lời về nhà bê cả hũ nếp cái hạ thổ mang sang. Chưa tàn bữa mà lão Đằm, mụ Lời, đều say khướt, lử ra như cò bợ. Ngọc đi lại cũng có vẻ biêng biêng. Lái Thỏa liền bảo đám thợ, khiêng lão Đằm, mụ Lời vào buồng, đặt lên gường, cho nằm úp thìa vào nhau. Lái Thỏa kéo Ngọc ra ngõ, Ngọc định gỡ tay ra, lái Thỏa vội bế bổng Ngọc lên, chạy một thôi ra bến rồi lội phăm phăm xuống bè. Đám thợ bè, nhìn thấy thế nháy nhau thu dọn mâm bát rồi tản đi hết.

Đặt Ngọc nằm vật trên chiếc chiếu trong lều bè, lái Thỏa cuống cuồng cởi áo quần. Ngọc bỗng lao ra khỏi lều định nhảy xuống sông, lái Thỏa vội giữ tay Ngọc lại, hổn hển:

- Anh yêu em, anh sẽ cưới em làm vợ…

Vừa chực ghì Ngọc vào mình, bỗng lái Thỏa chững lại khi nghe thấy câu nói ráo hoảnh, sắc lạnh  của Ngọc:

- Yêu mà như ăn cướp thế à, muốn cưới tôi làm vợ mà làm thế này à? Tôi sẽ cắn lưỡi rồi nhảy xuống sông chết cho ông xem. Buông tôi ra!

Lái Thỏa vẫn gồng lên giữ chặt tay Ngọc. Bỗng cả cái bè gỗ 10 trạo đang bị mắc cạn chòng chành, rung lắc như gặp bão. Ngọc cũng dằn giọng: Ông buông tay tôi ra, nếu không đừng trách tôi. Ông bơi lội ở sông Chảy này không bằng tôi đâu.

Lái Thỏa cuống quýt:

- Đừng em! Đừng! Đừng! Thôi! Anh sẽ không làm gì em đâu. Em vào trong lều bè ngủ đi, anh ở đây canh cho. Đừng về nhà bây giờ, thầy em và bà Lời đang ở đấy. Em cứ vào trong lều ngủ đi…Anh thề…

Nói rồi lái Thỏa ra đầu lều bè ngồi canh. Trăng thượng tuần đã lên, gió thổi nhẹ, mặt nước sông Chảy lăn tăn sóng lóng lánh vàng. Ánh trăng chiếu xiên vào lều. Hình như Ngọc đã ngủ. Lái Thỏa nhìn bầu ngực căng tròn của Ngọc phập phồng theo nhịp thở, khao khát dục tình lại nổi lên cuồn cuộn trong người như có cả đàn rắn trườn. Lái Thỏa định nhổm dậy nhưng cái bè lại rung lắc như ma làm. Lái Thỏa sợ, toát cả mồ hôi. Ngọc là con gái Thủy thần sông Chảy hay sao mà mỗi lần lái Thỏa định lao vào vồ lấy Ngọc thì cái bè lại rung lắc dữ đến thế. Lái Thỏa đã nghe kể, Thủy thần sông Chảy có một cô con gái xinh đẹp như tiên sa nhưng đã trẫm mình xuống sông vì tình duyên trắc trở. Thân xác nàng hòa vào nước sông, hồn nàng lúc nào cũng chơi vơi trên sóng. Con gái sông Chảy bơi lội, tắm gội, vẫy vùng trong dòng nước ấy nên ai cũng xinh đẹp nhưng cũng sẵn sàng liều mình vì tình duyên. Lái Thỏa đã nghe kể, ở phủ Bình có đôi nam nữ yêu nhau nhưng hai bên bố mẹ ngăn cấm vậy là họ liền buộc tay nàng vào tay chàng, chân nàng vào chân chàng rồi lao xuống sông. Không thể đưa Ngọc về phủ Hà bằng cách chiếm đoạt được. Nghĩ thế rồi như có ma lực nào kéo lái Thỏa vào giấc ngủ mê mệt. Sáng sau, mặt trời đã lên cao bằng cây sào, lái Thỏa mới tỉnh dậy. Ngọc bỏ đi đâu không biết. Lái Thỏa mò lên nhà lão Đằm. Mụ Lời vẫn còn ở đó, đang đun nước. Mặt mụ tươi hơn hớn. Thấy lái Thỏa, lão Đằm hỏi ngay:

- Con gái tao đâu? Mày để con gái tao đâu rồi?

Lái Thỏa khẽ cười lấy lòng, rồi lấp lửng:

-  Dạ thưa thầy, em Ngọc đang ở dưới bè. Tối qua, con thấy thầy và gì Lời say quá. Em Ngọc cũng say. Con bảo anh em đưa thầy với ghì vào buồng nghỉ. Còn em Ngọc con đưa xuống bè cho em nghỉ, phòng nhỡ xảy ra việc gì. Con thề là không làm gì em nó cả. Con tính, nhân cơ hội này thầy đón gì Lời về cho có người chăm sóc…

Lái Thỏa chưa nói hết câu, lão Đằm đã gầm lên:

- Mày đánh bẫy tao để cướp con gái tao phải không? Bảo tao đón bà Lời về, để mầy đưa con gái tao về làm vợ bé mày hả? Mày có dám bỏ bè, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cơ ngơi dưới quê không mà dám đòi lấy con gái tao làm vợ?

Nói xong, lão Đằm gạt lái Thỏa ra, phăm phăm chạy xuống bè tìm con. Lái Thỏa chạy theo lúng búng thưa là lúc tỉnh dậy không thấy Ngọc đâu. Vậy là lão Đằm, mụ Lời, lái Thỏa, cả đám thợ bè và dân xóm bủa đi tìm Ngọc. Tốp đi dọc triền sông, tốp vào tận trong chân núi Voi, vẫn không thấy tăm hơi bóng dáng Ngọc đâu. Lão Đằm nghĩ, bè lái Thỏa còn đấy, cái Ngọc sẽ không về nên đêm ấy bắt lái Thỏa phải cho bè rời bãi Ngọc ngay. Sáng sớm hôm sau, Ngọc phờ phạc trở về nhà. Lão Đằm thấy con về thì mừng đến mức chạy tới ôm chầm lấy con gái, cử chỉ thân thiết nhất từ khi lão phải một mình gà trống nuôi con đến giờ. Lão cũng hề nhắc tới chuyện đêm qua Ngọc ở đâu. Lão cố làm mọi cách để cuộc sống hai bố con trở lại như trước đây nhưng Ngọc ngày càng ít nói, ít cười, nhiều lúc cứ như người mất vía.

Một tháng, rồi hai tháng, một hôm mụ Lời hớt hải chạy sang nhà lão Đằm, chỉ có hai người mà mụ vẫn thầm thì như sợ ai nghe thấy:

- Ông Đằm ơi, tôi đồ con Mắm nó có chửa hay sao mà trông người nó khác lắm.

Cái dỏ cá đang trên tão Đằm bỗng rơi phịch xuống đất mà lão vẫn đứng ngây. Mụ Lời đến sát bên, vừa bấu vào tay, vừa ghé cái miệng đỏ quyết trầu, vào sát tai lão Đằm thì thào: Chắc là của thằng lái Thỏa đêm ấy.

Lão Đằm vẫn đứng ngây như tượng, rồi loạng choạng suýt ngã. Mụ Lời phải dìu lão vào chiếc phản gỗ, đặt lão xuống, ngồi cạnh, nắn chân, nắn tay, xoa người. Lão Đằm vẫn mở tròn mắt trân trân nhìn lên trần nhà.

Những hình ảnh xảy ra đã mấy chục năm bỗng hiển hiện trong đầu lão.

Năm đói, lão phiêu bạt từ Nam Định lên chợ Ngọc. Thoạt đầu lão ăn xin ở chợ. Từ khi người đàn bà cũng là dân phiêu bạt ăn xin, trong một đêm mưa gió chạy ào vào lều lão Đằm trú mưa, thế là lão có vợ. Lão không ăn xin nữa mà nhận chân quét chợ. Ngoài ra, ai  mướn gì lão sẵn lòng làm, kể cả việc đào mồ, bốc mộ. Nhà chủ cho bao nhiêu thì tùy, lão không mặc cả bao giờ. Với lão, cuộc sống như thế là an lành lắm rồi, chỉ ngặt một nỗi vợ lão sinh ra đứa con nào là chết đứa ấy. Lão thầy bói ở chợ, phán với lão Đằm là miếng đất lão dựng lều mặn lắm, người không cao số không ở được. Vậy là lão bỏ quách cái nghề quét chợ kiếm ăn dễ, hai vợ chồng lên bãi soi này khai khẩn. Có chút vốn liếng tích cóp từ ngày quét chợ, lão làm cái bè vó ở ngay cửa ngòi Lự đón cá vào, cá ra. Còn vợ lão thì cuốc đất bãi soi trồng ngô, lạc, đỗ đổi lấy gạo. Một sáng lão dậy sớm ra bè vó, vừa bước xuống bè nghe thấy có tiếng trẻ oe oe khóc. Bước vội vào trong lều vó, thấy một đứa bé nằm gọn trong chiếc chăn chiên rách của lão đang giãy dụa. Chẳng kịp xem là con trai hay con gái, lão bế thốc đứa trẻ mới lọt lòng lên tay, chạy một mạch về nhà rối rít gọi vợ: Bà nó ơi! Bà nó ơi! Thủy thần cho mình con đây này bà ơi! Ra mà đón con này!

Vợ lão Đằm tay vẫn cầm cái cặp bếp lao ra. Rồi mụ vất cái cặp bếp chùi vội tay vào quần, ôm gọn đứa bé, reo lên: Ối giời ơi! Ở đâu ra của quý thế này hả ông?

Lão Đằm vẫn chưa hết sung sướng, run run bảo: Ở trong lều bè vó của tôi bà ạ. Thủy thần ban cho vợ chồng mình đấy. Nó là con trai, hay con gái hả bà?

- Con gái ông ạ. Ngọc ngà của nhà mình đây rồi. Thôi để tôi bế con vào nhà. Ông đặt tên cho con đi.- vợ lão Đằm cuống quýt.

Lão Đằm vò đầu bứt tai một chặp rồi bảo:

- Bà vừa gọi con bé là gì nhỉ?

- Tôi bảo nó là ngọc ngà.

Lão Đằm vội reo lên:

- Thế thì đặt tên con là Ngọc bà nó ạ, vừa sang lại vừa quý, lại hiếm nữa nhé.

Vậy là con bé bị bỏ rơi thành con gái vợ chồng lão Đằm từ đấy. Vợ lão nghỉ làm bãi để ở nhà trông nom con.  Cả hai vợ chồng giữ kín chuyện nhặt được con. Sau này dân ở các nơi thấy bãi soi này làm ăn được, lần lượt tụ về, đã thành xóm tới hơn 20 nóc nhà nhưng không ai biết cái Ngọc là con nuôi lão Đằm. Một hôm cả xóm tụ tập tại tại nhà lão Đằm bàn đặt tên cho xóm.

Mụ Lời hăng hái xin phát biểu trước:

- Theo tôi cứ lấy tên ông Đằm, người đầu tiên đến đây ở mà đặt tên xóm. Các ông bà có nhất trí không ạ.

Mụ Lời vừa nói xong, cả xóm vỗ tay rào rào tán đồng. Đợi tiếng vỗ tay dứt lão Đằm mới đứng dậy xin có lời. Lão bảo:

- Cảm ơn các ông các bà đã có nhã ý lấy tên tôi đặt tên cho xóm, Nhưng tôi xin có ý kiến thế này ạ. Là vì cái tên không được đẹp lắm, vậy tôi xin bà con lấy tên cái Ngọc con gái tôi. Ta gọi xóm mình là xóm Bãi Ngọc có được không ạ.

Cả xóm lại vỗ tay rầm rầm. Lão Đủng còn đứng hẳn dậy nói:  Bãi Ngọc. Hay quá! Dưới phố họ có Chợ Ngọc, ta trên này cũng có Bãi Ngọc. Cũng là Ngọc cả, kém gì. Tên xóm Bãi Ngọc có từ đó. Giờ con Ngọc có điều tiếng gì thì còn mặt mũi nào mà nhìn bà con. Nhưng 3 tháng, rồi 4 tháng sau, cái Ngọc chẳng có biểu hiện gì khác thường cả. Lão Đằm không dám hỏi con gái nhưng lão đoán cái Ngọc không như lời mụ Lời nói.

Vào một chiều, có một người đàn ông trung tuổi, mặc bộ đồ ta màu gụ, vai đeo chiếc tay nải vào nhà lão Đằm. Lão Đằm đang vá vó ở góc sân, Ngọc ra sông quảy nước. Người đàn ông đó chính là lái Thỏa. Vừa nhìn thấy lão Đằm, lái Thỏa đã quỳ sụp xuống: Con chào bố. Con đã bỏ nghề lái bè, buôn gỗ, giao lại toàn bộ cơ ngơi cho 2 bà vợ ở quê. Giờ con lên đây chỉ với hai bàn tay trắng, xin bố cho con được cưới em Ngọc làm vợ, xin được làm cư dân xóm Bãi Ngọc này cùng bố cùng em Ngọc, gì Lời và toàn thể  bà con. Xin bố chấp nhận con.

Nghe lái Thỏa nói, lão Đằm tròn mắt, sững sờ định quát đuổi đi nhưng lão chợt nhớ, đã từng thách lái Thỏa, có dám bỏ tất cả để lên đây không? Bây giờ lái Thỏa đã làm được điều ấy. Lại nghĩ đến cái đêm lái Thỏa đưa Ngọc xuống bè đúng là nó chỉ ngồi canh cho cái Ngọc ngủ mà thôi. Lão Đằm cũng thấy thương thương lái Thỏa. Vừa lúc đó Ngọc cũng quẩy gánh nước về đến sân. Nhìn thấy lái Thỏa, Ngọc giật mình suýt đánh đổ gánh nước. Lái Thỏa vội chạy ra, đón gánh nước từ vai Ngọc đổ vào cái chum sành ở dưới bếp tự nhiên như người trong nhà.

Lái Thỏa trở thành chồng Ngọc, thành người Bãi Ngọc từ đêm hôm ấy. Bãi Ngọc lại thêm một cặp vợ chồng, một gia đình nữa. Cứ vậy, họ cứ đến với nhau thành vợ chồng, sinh con đẻ cái thành gia đình làm cho xóm Bãi Ngọc ngày thêm đông  đúc…

*

Chuyện ấy xưa rồi. xóm Bãi Ngọc giờ là đáy hồ Thác Bà. Những cư dân hồi ấy ở Bãi Ngọc đã quy tiên cả, chỉ còn  thế hệ con cháu họ. Song mỗi lần đi ca nô qua đây lòng tôi lại xốn xang. Tuổi thơ tôi gắn bó với Bãi Ngọc. Tôi đã từng ra lều vó bè của cụ Đằm, cụ Lời chơi. Tôi đã từng nhìn thấy ông Thỏa cõng chị Ngọc lên nhà hộ sinh xã sinh thằng Mão, cái Tỵ, cái Dậu. Giờ nhìn xuống làn trong xanh, lại loang loáng trong đầu tôi bao điều dân giã mà kỳ diệu của cuộc sống người xóm bãi. Những điều ấy bây giờ sao khan hiếm thế.

Nguồn Văn nghệ số 33/2018

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm