April 26, 2024, 7:07 am

Xây dựng không gian văn hóa trong nhà trường

 

Sự phát triển của nền giáo dục gắn liền với lịch sử loài người. Giáo dục là phương thức bảo tồn và bảo vệ kho tàng tri thức văn hoá xã hội. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học với một nền giáo dục lâu đời. Trải qua các thời kỳ lịch sử, cộng đồng người Việt đã tiếp thu có chọn lọc, hình thành nên đạo đức, tư tưởng văn hóa Việt Nam. Nền tảng văn hóa ấy đã tạo nên bản sắc về nhân cách con người Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Cũng như giáo dục, văn hoá xuất hiện từ khi có xã hội loài người. Văn hoá tồn tại khách quan và tác động vào con người sống trong nó. Nếu môi trường tự nhiên là cái nôi đầu tiên nuôi sống con người, để loài người hình thành và sinh tồn thì văn hóa là cái nôi thứ hai giúp con người trở thành “người” theo đúng nghĩa, hoàn thiện con người, hướng con người khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ.

           Bản thân văn hóa rất đa dạng và phức tạp. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản nhất văn hóa nhà trường là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử… Văn hóa nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lí, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lí… thể hiện thành hệ thống được xem là tốt đẹp và được được các thành viên trong nhà trường cùng chia sẻ và tạo nên bản sắc của nhà trường đó. Văn hóa nhà trường thể hiện ở phần nổi có thể nhìn thấy như: không gian cảnh quan nhà trường, lôgô, khẩu hiệu, hành vi giao tiếp... và phần chìm không dễ quan sát được như: niềm tin, cảm xúc, thái độ...

Văn hoá nhà trường có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục. Có thể coi văn hóa nhà trường là kỹ năng sống của học sinh, giúp học sinh thích nghi với xã hội, có thể tự điều chỉnh mình phù hợp với hoàn cảnh, ứng xử hợp lẽ với cuộc sống xung quanh. Trong mỗi nhà trường, văn hóa được xây dựng trên các mối quan hệ: quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan; quan hệ giữa con người với con người (thầy – thầy, thầy – trò, thầy – phụ huynh, trò –trò). Trong đó, quan hệ thầy – thầy, thầy – trò có vai trò quan trọng nhất bởi hoạt động giáo dục trong nhà trường chủ yếu diễn ra hai chiều giữa hai mối quan hệ này và ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác.

Mỗi nhà trường đều có quá trình tồn tại và phát triển. Sự tồn tại và phát triển qua thời gian đã tạo ra những giá trị văn hóa nhất định. Những biểu hiện tích cực của văn hóa nhà trường là: Tạo dựng và nuôi dưỡng “bầu khí quyển” cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau; Mỗi cán bộ, giáo viên đều biết rõ công việc mình phải làm, hiểu rõ trách nhiệm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia vào việc dạy và học; Coi trọng con người, cổ vũ sự nổ lực hoàn thành công việc và công nhận sự thành công của mỗi người; Nhà trường có những chuẩn mực để luôn luôn cải tiến, vươn tới; Sáng tạo và đổi mới; Khuyến khích giáo viên cải tiến phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học, giáo viên được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến trong các họat động của nhà trường; Khuyến khích hợp tác, làm việc nhóm; Chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên môn; Xây dựng mối quan hệ ứng xử, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau giữa thầy và trò. Khuyến khích học sinh phát biểu, bày tỏ quan điểm cá nhân, xây dựng mối quan hệ ứng xử tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau giữa thầy và trò; xây dựng và thực hiện nội quy nhà trường, nội quy lớp học… Những biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh (phi văn hóa) trong nhà trường: Thiếu sự tôn trọng; Sự buộc tội đổ lỗi cho nhau; Sự kiểm soát quá chặt chẽ đánh mất quyền tự chủ của cá nhân; Quan liêu, nguyên tắc một cách máy móc; Trách mắng học sinh vì không có sự tiến bộ; Thiếu sự động viên khuyến khích; Thiếu sự cởi mở, thiếu sự tin cậy; Thiếu sự hợp tác, thiếu sự chia sẻ học hỏi lẫn nhau; Mâu thuẫn nội bộ…

              Văn hóa nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên trong nhà trường. Đối với giáo viên, văn hoá nhà trường có tác động ảnh hưởng khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Giáo viên cảm thấy thoải mái dễ dàng thảo luận về những vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, trao đổi phương pháp và kỹ năng giảng dạy, quan tâm đến công việc của nhau. Giáo viên cùng hợp tác với lãnh đạo nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra, tạo bầu không khí tin cậy thúc đẩy giáo viên quan tâm đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập. Tạo bầu không khí cởi mở, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, tạo động lực để giáo viên quan tâm cải tiến nâng cao chất lượng dạy và học, cải thiện thành tích giảng dạy và học tập của trường… Đối với học sinh, văn hoá nhà trường có tác động tạo ra một bầu không khí học tập tích cực. Học sinh cảm thấy tự tin, thoải mái, vui vẻ, ham học, được thừa nhận, được tôn trọng, cảm thấy mình có giá trị. Học sinh thấy rõ trách nhiệm của mình, tích cực khám phá và tích cực tương tác với giáo viên, nhóm bạn. Học sinh nỗ lực đạt thành tích học tập tốt nhất, tạo ra môi trường thân thiện an toàn, cởi mở, tôn trọng và chấp nhận các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của học sinh…

              Đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ,... nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường. Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt văn hóa xã hội, trong đó có văn hóa học đường. Mặt khác, lâu nay giáo dục chúng ta coi trọng dạy chữ mà chưa thực sự chú ý việc dạy người; coi trọng số lượng hơn là chất lượng…Những điều đó đã dẫn đến môt thực tế là ngày càng xuất hiện những biểu hiện lệch chuẩn trong giới học đường: Học sinh đánh nhau, xử lý nhau theo kiểu “xã hội đen”, thiếu tôn trọng thầy, sa đà vào các loại “ma túy” như game, chat; trang phục không phù hợp; bộc lộ tình cảm khác giới trước tuổi để dẫn đến việc “giải quyết nhau” rất bạo lực và tiêu cực như học sinh nữ lột quần áo của nhau giữa đường trước con mắt dửng dưng hoặc cổ vũ của bạn bè, nhục mạ nhau, tung clip xấu lên mạng; tình trạng thiếu công bằng, gian lận trong thi cử… Tất cả điều đó đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. Văn hóa nhà trường bị biến dạng.

              Sự hình thành văn hóa của học sinh chịu sự giáo dục từ gia đình – nhà trường – xã hội và luôn luôn cần sự hỗ trợ, kết hợp của 3 nhân tố này. Hiện nay, quan niệm sống “hiện đại’ đã làm thay đổi giá trị gia đình (lối sống tự do, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, phụ huynh mê mải mưu sinh…) cùng tác động trực tiếp từ môi trường xã hội (sự vô cảm, đề cao quá mức cái Tôi cá nhân, quá coi trọng giá trị vật chất, ưa hưởng thụ, sự hấp dẫn của những đam mê lệch chuẩn…) đã ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ khiến những ứng xử văn hóa của một bộ phận học sinh ngày càng xuống cấp. Trong việc hình thành “phông văn hóa” của học sinh, vai trò của người thầy là trung tâm, quan trọng nhất. Nhiều học sinh "ấn tượng" đối với những hành vi ứng xử tiêu cực của thầy cô giáo như chửi mắng, trừng phạt khiến các em bị đau khổ về thể xác, tinh thần... Trong nhiều trường hợp, thầy cô giáo đã "cậy" vào sức mạnh của kỷ luật, quyền lực, thậm chí là bạo lực... khiến học sinh thiếu tự tin, bất an…dẫn đến khả năng hòa nhập cộng đồng và tiếp thu kiến thức bị hạn chế. Nghiêm trọng hơn, những hình thức kỷ luật tiêu cực đã dẫn đến những rối loạn tâm lý cho học sinh, thậm chí là hủy hoại bản thân mình. Như vậy, có lúc, có nơi, chính giáo viên đã “dạy” cho học sinh cách ứng xử theo kiểu hễ sai là chửi, mắng, đánh. Học sinh lại mang bài học này áp dụng với bạn và rất có thể "bài học" ấy sẽ "di truyền" sang thế hệ sau, khi các em trở thành cha mẹ, thầy cô giáo…

              Năm học 2019-2020 sẽ tạo khí thế mới cho ngành Giáo dục & Đào tạo. Với việc tiếp tục thực hiện các cuộc vận động “Đổi mới phương pháp dạy học và quản lý”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…trong đó việc vận dụng rộng rãi và đẩy mạnh phương pháp giáo dục “kỷ luật tích cực” đã thực sự là “chất xúc tác” quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường hiện nay. Để làm tốt nhiệm vụ này, theo tôi, các nhà trường cần thực hiện các công vệc sau đây:

- Xây dựng quy chế văn hóa để thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định.

- Đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với mô hình văn hoá tổ chức nhà trường như không gian, trang thiết bị làm việc, trang phục... sẽ giúp giáo viên và học sinh dễ cảm nhận vì tính trực quan, hữu hình của nó, giúp tin tưởng và gắn bó hơn với nhà trường.

- Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường trong việc học tập, nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện văn hóa nhà trường.

- Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đây là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời của ngành Giáo dục và Đào tạo trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Việc “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phải được cụ thể hóa. Nếu chúng ta xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực một cách hiệu quả và thực chất thì mỗi nhà trường sẽ là một nhà trường văn hóa.

Một không khí bình đẳng, dân chủ, tình thương và bao dung; một thái độ thân thiện, tin cậy, tôn trọng, không áp đặt; đối xử công bằng, quan tâm đúng mực, giải quyết mọi vấn đề khách quan, có tình có lý…là môi trường giáo dục có văn hóa – môi trường giáo dục lý tưởng. Môi trường giáo dục đó sẽ phát huy tối đa tính chủ động, tự giác, tích cực và sáng tạo của mọi giáo viên và học sinh. Từ đó, chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng trí dục của mỗi nhà trường sẽ nâng cao một cách bền vững.

Nói tóm lại, việc xây dựng văn hóa nhà trường là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm và cầu thị của các nhà trường. Để từ đó phát triển nền giáo dục toàn diện, đào tạo ra những con người “vừa hồng vừa chuyên”, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới quê hương, đất nước…

Nguồn Văn nghệ số 42/2019

 


Có thể bạn quan tâm