April 27, 2024, 2:25 am

Xã hội nhìn từ con đường đến trường của trẻ

 

Hầu hết những người đàn bà có con sẽ chỉ hết lo lắng cho con khi đã nhắm mắt xuôi tay. Với người mẹ, con cái dù đã lớn bao nhiêu thì trong mắt họ vẫn luôn là những đứa trẻ. Xưa nay đã thế, trong cuộc sống hiện nay, trước vô vàn những bất an ngay trên con đường đến trường hằng ngày, sự lo lắng đó lại càng có cơ sở… Nhà văn Y Ban tâm sự:  “Cậu con trai thứ hai của tôi vẫn đang đi học. Dù cháu đã lớn, nhưng mỗi lần dắt xe ra khỏi nhà là tim tôi đã phập phồng rồi. Chỉ đến khi nào cạch cửa một cái, đặc biệt những buổi tối đi học ngoại ngữ về, cu cậu vui vẻ hát hò, thì tôi bắt đầu ngủ. Còn nếu không, một giờ đêm đến hai giờ sáng, tôi vẫn chờ tiếng cạch cửa như thế. Bởi vì tôi nghĩ, con đường nào của chúng ta bây giờ cũng đầy bất trắc, tai nạn giao thông không lường trước được. Cả thế giới lên án chiến tranh, vì sự phi lý và đau đớn. Nhưng thử hỏi tai nạn giao thông ở nước ta, số người chết còn hơn cả một cuộc chiến tranh…”

Nhà văn Y Ban. Ảnh Interet 

Trong mắt nhà văn, cũng là một người mẹ, thì con đường từ nhà đến trường của mỗi đứa trẻ cũng tiềm ẩn rất nhiều bất trắc mang màu sắc xã hội, mà những người cầm bút có trách nhiệm và tâm huyết không thể không lên tiếng. Và chị đã bày tỏ điều ấy trong cuộc trò chuyện dưới đây

Vượt sông đến trường. Ảnh Internet

* Vấn đề giao thông hiện nay, nhất là giao thông ở thành phố, rất phức tạp. Song đó cũng không phải là tất cả nguy hiểm mà các bạn học sinh, nhất là các bạn nhỏ độ tuổi mới đến trường phải đối diện?…

- Câu hỏi này làm tôi nhớ khoảng thời gian từ 1997, nhà tôi ở sân vận động Hàng Đẫy và con gái tôi học trường Đoàn Thị Điểm. Hàng ngày cháu cũng phải đợi xe đến trường. Tôi quá thấu hiểu việc con đến trường bằng xe bus. Rõ ràng xe đưa đón học sinh cũng có đến mấy chục năm rồi, chứ không mới mẻ gì. Cho nên khi tôi nghe tin rằng có một cháu bé tử vong vì bị bỏ quên trên xe bus của một trường quốc tế ngay giữa thủ đô, tim tôi đau khủng khiếp. Trời ơi! Là một nhà văn, trí não tôi hay tưởng tượng. Song tôi không dám tưởng tượng để đưa mình vào giấc ngủ. Dù vậy, tiếng khóc của bé cứ vang lên trong tôi, ban đầu gọi bố ơi mẹ ơi, sau đó một mình bé phải đối mặt trong không gian không một tiếng vọng nào. Tôi không ngủ được và thử đặt mình vào trường hợp như thế. Và lúc ấy tôi chỉ cầu mong“Bé ơi đau một giây chết một giờ”. Nửa đêm tôi trở dậy viết một bài thơ cho bé, nhưng sau tôi lại xóa đi. Tôi tự nhủ, thôi, đây là một thiên thần, em không muốn sống với chúng ta, em bay rồi, em để lại cho chúng ta nỗi đau quá lớn, không lời nào nói hết được…

 

* Còn bao nhiêu số phận trẻ thơ ở những vùng miền khác, đặc biệt ở vùng xa xôi hẻo lánh, cuộc sống của các em còn tiềm ẩn những nguy cơ như thế nào! Trách nhiệm chính, lỗi lớn nhất thuộc về đâu?

- Thực ra chúng ta phải hiểu rằng tất cả lỗi thuộc về chúng ta. “Lỗi tại tôi tại tôi mọi bề”. Cho dù có gấp gáp thế nào, khi mình đã nhận nhiệm vụ, nhất là đối với các bé thì phải hết sức chu đáo. Còn những trường hợp khác, ví dụ mẹ đèo con bằng xe máy mà không có dây bảo hiểm, và khi tai nạn xảy ra, con thì mất rồi, còn mẹ ngất nằm ôm chặt con không gỡ ra được nữa. Từ khi các bé 0 tuổi, cho đến khoảng 9-10 tuổi các bé mới có nhận thức để tự bảo vệ. Khoảng thời gian đó tôi gọi các bé là những thiên thần. Các bé sẵn sàng rời bỏ chúng ta, chỉ một tích tắc nếu chúng ta sơ sảy, để lại cho chúng ta nỗi đau đớn vô cùng tận, ám ảnh cả đời. Ở những vùng nông thôn nghèo, hộ nghèo, nuôi ăn còn chưa đủ, làm sao nuôi con được đến trường. Thế là cứ để cho các bé, một nhóm đi học về, đường xa vắng vẻ, đầy bất trắc. Cuộc đến trường ấy, lắm lúc mình không dám nghĩ rộng ra nữa.

 

* Phải chăng người lớn đang quá bàng quan?

- Chúng ta đang sống nhanh quá. Vội vã kiếm tiền vội vã tiêu tiền. Tôi chỉ nghĩ cái cuộc vội vã chả bao giờ làm nên sự chắc chắn nào cả. Vì trẻ em là tương lai, nên những người lớn hãy ngoái đầu nhìn lại. Đôi khi phía trước chả có gì đâu mà ở phía sau cơ. Và chúng ta đừng vô cảm. Những người thân yêu nhất của chúng ta đừng vô cảm. Đừng vì ghét bỏ con dâu hay con gái nào mà không bảo vệ được cháu mình. Hàng xóm xung quanh đừng vì ghét bỏ nhau mà ghét bỏ những đứa trẻ. Thấy các cháu có vấn đề gì, nghi ngờ gì thì chúng ta cần xông vào bảo vệ các cháu. Rồi ở ngoài đường, vì tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn, nên những người đưa đón trẻ luôn phải tuân thủ luật giao thông trước đã, từ mình dạy cho con mình. Khi chúng ta đèo một vật dễ vỡ, chúng ta “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa”. Một đứa trẻ cần nâng niu hơn rất nhiều. Đó là chưa kể bao vấn đề khác nữa: đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em, nạn bắt cóc tống tiền, bạo lực học đường…

 

* Trong khi đó thì kỹ năng phòng vệ của các em còn quá non nớt?

- Chúng ta hoàn toàn hổng kiến thức về kỹ năng sống. Chương trình giáo dục phổ thông nhồi nhét cho các em đủ mọi thứ. Nhưng các cháu đi bơi, một đứa sa chân, tất cả cùng lao vào cứu bạn và dẫn đến chết chùm. Rồi một cháu không giải quyết được vấn đề tâm lý tuổi dậy thì, rủ rê bạn cùng chết. Tôi đã chứng kiến những cảnh như thế, đau đớn vô cùng, lấy khăn đỏ buộc vào nhau, đến khi thợ lặn đưa các cháu ở dưới đáy sông lên, các cháu nằm như một chùm hoa. Đấy, toàn bộ kỹ năng sống gần như không có. Tại sao cứ phải nhồi nhét, học đủ mọi thứ trên đời, cái gì cũng đòi giỏi, nhưng để một cách thoát thân khỏi yêu râu xanh, một cách cứu bạn để không chết mình thì không biết. Cuộc sống này, xã hội này, cái tốt đẹp manh mún, mà cái yếu kém lại đồng bộ như thế. Tôi từng viết trong một truyện ngắn mini của tôi là “Cái đẹp thì manh mún, xấu xa một cách đồng bộ, yếu kém một cách bền vững”. Chúng ta phải xem lại, các nhà chuyên gia các nhà giáo dục phải xem lại đi, cả một tương lai của đất nước. Con đường đến trường của các em nhiều bất trắc quá!

 

* Và nếu như ở góc nhìn về môi trường sống của trẻ em với sự bất an như thế thì chúng ta có thể giải mã được rất nhiều điều. Hình như chúng ta đang bị trả giá?

- Lại nói đến môi trường bất an thì rõ ràng từ năm 1986 đất nước mở cửa đến nay đã có độ lùi để so sánh rồi. Thời bao cấp cuộc sống vô cùng khó khăn, chạy ăn từng bữa, nhưng hình như con người đối với con người tốt đẹp hơn. Hồi đó, những đứa bé mới ba bốn tháng tuổi đã phải đi gửi hàng xóm cho mẹ đi làm, vì đâu có nhiều nhà trẻ mà trông các cháu. Cũng làm gì có giúp việc. Mình gửi hàng xóm. Người hàng xóm đó nhận là người ta có trách nhiệm chăm sóc, vỗ về, cho ăn uống, cả gia đình họ đều nâng niu. Còn bây giờ, nếu chúng ta nhãng đi một chút, gửi con cho ông hàng xóm là bị ông hàng xóm xâm hại. Rồi giúp việc ở nhà trông con cũng không yên tâm. Đó là chưa kể tức lên là đánh một cái. Tại sao con người bây giờ lại trở nên ác độc như vậy. Và họ không nghĩ rằng họ làm cho bao nhiêu người đau khổ. Gia đình bị hại đau khổ, gia đình hại người cũng đau khổ. Nó làm cho cả một xã hội băng hoại đạo đức. Tôi cũng đang cố lý giải. Phải chăng trong cuộc sống hiện đại này chúng ta đủ ăn đủ mặc quá, nói như các cụ là “ăn no dửng mỡ” chăng. Xã hội đang chịu hậu quả của nhiều cái xấu quá. Ai cũng có lỗi trong những vấn đề này, người tốt thấy cái xấu mà không nói ra, không dám đấu tranh. Chúng ta bàng quan, tự nhủ nó không xấu với mình không ác với mình, nhưng rõ ràng ngày mai nó sẽ xấu với mình sẽ ác với mình. Và đó là cái giá chúng ta phải trả. Một sự bất ổn, thấp thỏm, mất niềm tin.

 

* Với những điều nhà văn Y Ban vừa chia sẻ thì nhà văn càng phải dấn thân hơn trong những trang viết, để từ đó góp phần cảnh tỉnh, làm thay đổi nhận thức xã hội. Xin cảm ơn nhà văn Y Ban về cuộc trò chuyện này./.

Anh Thư thực hiện

 

 


Có thể bạn quan tâm