April 26, 2024, 10:00 am

XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT - NHÌN LẠI VÀ HƯỚNG TỚI

 

Từ 1986 trở về trước, cũng như các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội, sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng, được vận hành theo cơ chế tập trung, bao cấp. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, văn học, nghệ thuật vẫn phát triển, đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng từ 1986 trở đi, khi các quy luật thời chiến dần trở nên hết hiệu lực, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, nhất là từ khi cơ chế thị trường vận hành đến nay thì cũng như tất cả các lĩnh vực khác, sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng từng bước chuyển đổi để tìm kiếm mô hình phát triển và phương thức hoạt động mới phù hợp với xu thế vận động của xã hội. Ngay từ đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, chủ trương xã hội hóa đã được chỉ ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đó là cơ sở để đến năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP được xem là dấu mốc quan trọng của tiến trình xã hội hóa. Như vậy, có thể nói chủ trương xã hội hóa được thai nghén và khai sinh ngay trong lòng của quá trình đổi mới toàn diện đất nước.

 

ảnh Internet

Sau 21 năm vận hành, dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm. Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, song, không thể phủ nhận được rằng quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu như: kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của nhân dân lao động và yêu cầu phát triển đất nước. So với các thời kỳ trước, có thể xem đây là thời kỳ phát triển mới của văn hóa nghệ thuật với rất nhiều mô hình, phương thức hoạt động đa dạng, gánh nặng nhà nước được san sẻ, thu hút được mọi nguồn lực xã hội để phát triển v.v…

Thực tiễn sôi động, phong phú và không kém phần phức tạp này từ khi ra đời chủ trương đến nay, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cùng các Nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh đang triển khai thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật đã khẳng định đây là chủ trương lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực, có tác động sâu sắc, toàn diện tới đời sống văn hóa nghệ thuật trong một thời gian dài, và đang trong quá trình vận động, va đập với thực tiễn làm nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có một sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và khoa học.

Từ các ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các chuyên gia khoa học, nhà báo và văn nghệ sĩ từ các cơ quan, tỉnh, thành, các lĩnh vực hoạt động văn học, nghệ thuật trong cả nước, đặc biệt là những ý kiến thuộc những lĩnh vực nghệ thuật đang phát triển nóng như Điện ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kiến trúc v.v… được tham luận trong hội thảo với chủ đề Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức cuối năm 2018 vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy chủ trương xã hội hóa tác động đến mỗi lĩnh vực một cách khác nhau, với những cách thức và mức độ khác nhau. Nếu như ở lĩnh vực văn học, chủ trương xã hội hóa dường như chỉ tác động thông qua cơ chế thị trường và chủ yếu ở khâu xuất bản, phát hành và quảng bá tác phẩm, thì ở các lĩnh vực t khác, nó lại tác động mạnh và trực tiếp lên toàn bộ các khâu của quá trình tổ chức, sáng tạo. Do vậy, sự quan tâm của từng lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật đến chủ trương này cũng không giống nhau.

Với tiêu chí là một Hội thảo khoa học được xác định bởi phương pháp tiếp cận và thao tác nghiên cứu hướng đến các mục tiêu khoa học:

  • Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt thực tiễn văn học nghệ thuật từ khi vận hành chủ trương xã hội hóa đến nay, tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá, lý giải thực trạng, chỉ ra các nguyên nhân, từ đó khẳng định mặt tích cực và tiêu cực, những điểm phù hợp và chưa phù hợp của chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
  • Dựa trên các kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm lý luận; chỉ ra các mô hình phù hợp cần xây dựng và phát triển; nêu lên các bất cập, tồn tại, những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn; đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa việc thực hiện chủ trương; dự báo xu thế vận động và phát triển của văn học nghệ thuật dưới tác động của chủ trương này.
  • Từ kết quả của Hội thảo, xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm tư vấn giúp Đảng và Nhà nước có những quyết sách kịp thời để giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn văn học, nghệ thuật.

Cuộc Hội thảo, trên cơ sở tiếp cận bước đầu nội dung các tham luận, đã hệ thống lại một số vấn đề để Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ một số vấn đề:

  1. Về khái niệm xã hội hóa, trước tình trạng còn tồn tại nhiều cách hiểu, cách nhận thức khác nhau, được tham chiếu từ những khái niệm xã hội hóa thuộc các lĩnh vực khác như Triết học, Xã hội học, Chính trị - kinh tế học, Nhân chủng học v.v…   Tuy nhiên, để tránh sa đà vào việc duy danh định nghĩa, chúng ta cần thống nhất sử dụng khái niệm xã hội hóa mà nội hàm của nó đã được giải thích khá rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về chủ trương xã hội hóa, nhất là Nghị quyết số 90 của Chính phủ. Đối tượng của Hội thảo được xác định là việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, còn giới hạn phạm vi là lĩnh vực văn học, nghệ thuật để không lẫn với các lĩnh vực khác như văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo… vốn cũng là đối tượng áp dụng chủ trương này.
  2. Mặc dù khẳng định tính đúng đắn, phù hợp và xu thế tất yếu của chủ trương xã hội hóa. Nhưng quá trình đi vào cuộc sống còn nhiều vướng mắc và nảy sinh không ít vấn đề.

Trước hết, nhiều bản tham luận chỉ ra, về nhận thức, còn tồn tại nhiều cách hiểu, mỗi nơi mỗi lúc, mỗi hoàn cảnh, mỗi lĩnh vực một khác. Sau 21 năm thực hiện, cho đến nay, tình hình vẫn không khả quan hơn. Từ cách hiểu khác nhau dẫn đến những cách làm khác nhau. Do đó, cách nhìn nhận, đánh giá cũng còn nhiều khác biệt. Nếu như về mặt khoa học, sự khác biệt là bình thường, thậm chí là cần thiết thì về chủ trương, chính sách không nên có nhận thức khác biệt vì như thế sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất, nảy sinh nhiều hệ lụy cần phải giải quyết, đặc biệt là khó đánh giá.

Thứ hai là về thực trạng, bên cạnh những kết quả bước đầu đã được tóm lược ở trên, rất nhiều bản tham luận cho rằng mặc dù xã hội hóa đã đi được một chặng đường dài nhưng đến nay có thể nói là vẫn chưa đi hết lộ trình của nó và vẫn chưa đến đích. Quá trình triển khai thực hiện còn cho thấy nhiều lúng túng, bất cập, thiếu thống nhất, thể hiện ở chỗ:

  • Nhận thức mỗi nơi mỗi khác.
  • Cách làm, phương thức hoạt động còn mang tính tùy tiện.
  • Hệ thống thiết chế quản lý thiếu đồng bộ, cụ thể và chưa phù hợp.
  • Tiêu chí đánh giá, thẩm định nghệ thuật chưa có, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
  • Vai trò của nhà nước và tư nhân chưa được xác định rõ ràng.
  • Thiếu sự định hướng của nhà nước.
  • Tình trạng nghiệp dư hóa văn học, nghệ thuật đang trở thành hiện tượng đáng báo động.
  • V.v…

Hệ quả là quá trình xã hội hóa chưa xác định được mô hình hợp lý để nhân rộng, phát triển. Không ít trường hợp bị đồng nhất với tư nhân hóa đơn thuần. Nhiều đơn vị xã hội hóa hoạt động được một thời gian rồi rơi vào bế tắc. Các hiện tượng tiêu cực như: thương mại hóa, nghiệp dư hóa… xuất hiện ngày càng phổ biến. Các giá trị nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương và nhạc cổ truyền không có cơ hội để được đầu tư thích đáng, dẫn đến nguy cơ mai một. Tình trạng thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vẫn đang hiện hữu… Trước thực trạng đó đã có ý kiến đánh giá kết quả xã hội hóa là “năm ăn, năm thua”, thậm chí có người quả quyết tỷ lệ thua còn lớn hơn… Vậy đâu là chân lý? Câu hỏi đang cần được trả lời.

Thứ ba, về nguyên nhân, tựu trung có các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

  • Ít nhiều vẫn còn tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước.
  • Chủ trương chưa được thể chế hóa cụ thể, rõ ràng, chưa có chiến lược lâu dài và bước đi cụ thể.
  • Dường như Nhà nước có xu hướng thả nổi, để mặc tư nhân tự lo, tự xoay xở, tự tung tự tác.
  • Thực tiễn xã hội hóa phong phú, phức tạp nhưng chậm được tổng kết, đúc kết, đánh giá để rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
  • Chưa đầu tư nghiên cứu thích đáng về mặt lý luận. Chưa tạo ra được các mô hình tiêu biểu để nhân rộng.
  • Chưa coi trọng việc tổ chức khảo sát, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nhất là ở các nước có thành tựu về xã hội hóa trên lĩnh vực này.

Thứ tư, về giải pháp. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, có thể tổng hợp thành 3 nhóm giải pháp chính:

  • Nhóm giải pháp tăng cường nhận thức lý luận nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động.
  • Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trong đó chú trọng khâu thể chế hóa, làm rõ vai trò của từng chủ thể, khuyến khích đầu tư v.v…
  • Nhóm giải pháp về hoạt động thực tiễn (xây dựng mô hình, tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm v.v…)

*

Xã hội hóa là chủ trương lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa xã hội, trong đó có văn học, nghệ thuật. Cũng như bất kỳ chủ trương, chính sách nào, khi mới ban hành cũng gây sự bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn trong quá trình đi vào cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, tâm trạng còn phân vân, nhận thức về xã hội hóa còn chưa thông suốt. Ngay khái niệm xã hội hóa cũng gây không ít những ngộ nhận, hiểu lầm. Song, chính nhờ sự hào hứng và niềm tin vào sự nghiệp đổi mới mà chủ trương xã hội hóa đã từng bước thâm nhập được vào lĩnh vực vốn mang nặng tính chất sự nghiệp và đặc thù này. Tuy còn bề bộn, ngổn ngang, nhưng tiến trình xã hội hóa đã đi được chặng đường đầu tiên và được xem là “xu thế không thể đảo ngược”, là tất yếu nghệ thuật trong cơ chế thị trường. Hy vọng với những nhận thức và kiến giải mới, chủ trương xã hội hóa đối với các hoạt động văn học nghệ thuật của chúng ta sẽ sớm đem lại những thành quả thiết thực và phù hợp với quá trình đổi mới của đất nước

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019

 

 

 


Có thể bạn quan tâm