April 26, 2024, 12:57 pm

Vườn ổi trong xóm chổi. Truyện ngắn của Lệ Hằng

1.

Cái thứ chết trấp, mày dám lủi khi tao đang nói với mày hả?” Rồi nó cũng đi, chỉ thấy nhúm nhỏ màu đen pha trắng lấp ló nơi lỗ thông gió, và mất hút ngay sau đó. Đương lúc tôi đang kể dở dang câu chuyện thì nó bỏ đi. Con mèo chết trấp, sẽ có ngày tôi bịt cái lỗ thông gió kia đi.

4 giờ 40 phút.

Cái đồng hồ chết trấp. Từng giây lê lết chậm rì.

4 giờ 45 phút.

Minh họa Đỗ Dũng 

Đã đến lúc lấy ví tiền và khóa cửa lại. Bà Lan, hàng xóm sát vách với tôi vừa về đến, bà đi đón hai thằng cháu sinh đôi đang học mẫu giáo. Hôm nào cũng thế. Tôi gặp bà ngay trước cửa căn hộ. Bà tay xách nách mang sau khi ghé chợ xép bên kia đường mua hoa quả, bà bảo tầm này mua mới rẻ. Bà ta là người duy nhất mà tôi có thể nói chuyện trong khu chung cư này. Lý do là bởi bà ta mới lên thành phố, nhiều thói quen ở quê vẫn còn giữ, gặp ai cũng tám tiếc rôm rả được. Cứ hỏi đến quê là bà nói như bị thôi miên. Kể cũng lạ, tôi lại thích nghe.

Ồ, hôm nay bà mua ổi. Loại ổi cao sản ít hạt, giòn và không chát. Tôi nhìn túi ổi trên tay bà, hỏi: “Bà mua ổi đấy à? Giống ổi này nó hợp với đất quê tôi ghê lắm. Để tôi kể bà nghe chuyện cái vườn ổi to nhất xóm Chổi của tôi. Xóm Chổi của tôi ở làng Thủy Bài ấy, chắc bà không biết đâu.”

Tôi vào đề luôn. Lần này tôi quyết sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện, một câu chuyện thật trọn vẹn, cũng về một làng quê, điều mà tôi chắc chắn bà sẽ thích. Tôi đã nghe từ bà hàng tá chuyện, hôm nay sẽ đến lượt tôi.

“Làm sao mà tôi biết được. Làng của tôi là làng Phú Hòa cơ mà. Mà ông biết không nhà tôi có thời cũng trồng ổi này đấy. Kể thì tôi cũng mát tay trồng cây nào là y như rằng cây đó trĩu xuống. Trái nó trĩu đến thế này nè…”

Bà ta vừa nói vừa diễn tả, tôi thấy mắt bà ta sáng lên như đang đứng trước vườn ổi trái to trái nhỏ lúc nhúc trong tán lá vậy. Nhưng sao bằng cái vườn ổi ở làng tôi được. “Đó là cái vườn ổi chuyên nghiệp đầu tiên ở làng tôi. Tức là khu vườn đó chỉ trồng toàn ổi thôi đấy, không phải chỉ có một hai cây hay một hai hàng đâu. Ổi thì hồi đó lắm nhà có nhưng lẻ tẻ thôi làm gì có ai kiếm ra tiền từ ổi chứ. Bởi vậy nó mới thành chuyện, để tôi kể bà nghe.”

Tôi nói. Bà ta nghe rất chăm chú. Đoạn, bà ta cắt lời tôi.

“Phải, phải. Hồi trước ba cái thứ trái cây này có khi nào biết mua biết bán là gì đâu. Bởi thế cái lần đầu tiên tôi mang ra chợ huyện, ui dào, tôi cứ nghĩ không ma nào sờ đến. Chẳng là dạo ấy tôi kẹt quá…”

Rồi bà ta bắt đầu kể, kể say sưa về mấy cái mẹt trái cây của bà trên chợ huyện với cả cái sự mát tay của bà. Hai tai tôi ù ù. Câu chuyện của tôi bị cái miệng cử động liên hồi của bà đánh úp và bức tử. Trước mắt tôi bây giờ là hai miếng thịt đỏ chói mở ra chúm vào rồi chúm vào mở ra, cái chấm nốt ruồi đen bên cạnh cũng cử động, nó giễu nhại tôi. Bất chợt tôi ước gì tôi có thể lấy tay bụp một phát cho hai miếng thịt đó dừng lại. Nhưng tôi không cần phải làm gì cả, hai thằng cháu tranh nhau cái ô tô đồ chơi khóc ré lên. Vậy là bà ta vào nhà.

Bà ta không biết được cái vườn ổi ấy nó tuyệt đến thế nào đâu. Đó là một khu vườn ở cuối xóm Chổi, xóm Chổi nằm cheo leo trên một cái dốc hai bên là bờ tre hóp rậm rì. Tôi vẫn còn nhớ rõ cái lần mẹ tôi đèo tôi lên xóm Chổi, đến chỗ con dốc bà đạp không nổi phải đẩy bộ xe lên. Đến giờ tôi cũng không biết năm ấy tôi mấy tuổi, tôi chỉ nhớ tôi ngồi trên yên sau xòe hai chân ra để không bị đút vào tăm, tôi ngồi cùng lỉnh kỉnh đồ đạc, ghi-đông trước cũng treo hai giỏ đùm đề. Mẹ tôi bặm môi đẩy xe lên dốc.

Rồi tôi có một cái nhà mái bằng cỏ tranh, vách bằng đất sét trộn cứt trâu. Cái giường thì bằng tre còn cái bàn thì bằng gỗ tạp. Mẹ tôi trồng mấy cây bầu cây mướp quanh nhà, rồi còn định nuôi thêm cả gà nữa nhưng bà vẫn đi bán ở chợ đến tối mịt mới về. Tôi không hiểu tại sao chúng tôi phải chuyển lên đó, bà chẳng nói gì với tôi ngay cả sau này khi tôi đã lớn. Mẹ tôi đi chợ từ sớm, tôi ở nhà tự chơi. Buổi trưa, tôi ăn cơm bà chuẩn bị sẵn. Gần chạng vạng, tôi sang nhà cụ Mẫn chơi đợi mẹ về thì ghé đón. Hoặc là nếu không sợ tối thì tôi chỉ việc ngồi trong nhà đợi. Cứ thế cho đến khi tôi biết tự châm đèn rồi tự thổi lửa nấu cơm. Mấy người trong xóm cũng thường cho tôi ăn.

Ngoài việc được cho ăn ra thì xóm này nói chung là chán so với xóm chợ của tôi lúc trước, cho đến ngày tôi khám phá ra cái vườn ổi ấy. Nó kỳ diệu cỡ như tìm ra một châu lục mới. Mười mấy hàng ổi thẳng tắp, cây nào cây nấy thâm thấp mà trái thì to đùng láng lẩy. Những cây ổi khác mà tôi đã thấy toàn cao chót vót, có cho không cũng chưa chắc hái được mà ăn. Vậy là tôi ăn một mạch quên mất đó không phải là vườn của nhà mình. Tôi quên cho đến khi một người đàn ông phương phi râu ria lồm xồm như ông Kẹ bất thình lình xuất hiện bên cạnh tôi, ổng hỏi như thét: “Con ai?”. Tôi thất kinh bạt vía, giữ nguyên trái ổi đang cắn dở trong miệng, hai chân đánh vào nhau.

“Con ai, nói mau?”

Tôi òa khóc. Khóc lấm la lấm lét khóc bốn phương tám hướng. Khi tôi mở mắt ra thì không thấy ông Kẹ đâu cả nhưng tôi không dám chạy. Lát sau, ông xuất hiện bảo tôi đi vào trong.

“Con mụ Lài phải không?”

Tôi gật đầu.

“Ăn cơm chưa?”

Tôi lắc đầu.

Ông đưa cho tôi một chén cơm với cá mại kho. Tôi bưng cơm ăn. Ông nói:

“Cơm không ăn mà ăn ổi sống bón chết cha mày.”

Từ đó tôi được ăn ổi thường xuyên mà không phải lẻn vào vườn ăn cắp nữa. Tôi chỉ việc mom mem bên hàng rào mỗi lần thấy ông xuất hiện trong vườn, thể nào tôi cũng được vài quả. Và khi mùa ổi chưa đến, tôi vẫn thường sang đó xem. Đơn giản là tôi thích nhìn mấy cây ổi thẳng hàng kia, dần dần tôi vào ra như vườn nhà mình. Có lần, ổi còn “sống” lắm mà ông vẫn hái cho tôi.

“Ăn ổi sống bón chết cha mày.” Ông nói khi đưa mấy quả ổi đầu mùa ấy.

Tôi ăn ngon lành. Tôi chẳng có cha.

 

2.

Đây rồi. Cái màu xanh lơ bạc đặc trưng của hắn đây rồi. Tôi nhận ra hắn ngay. Hắn đang hút thuốc. Ừm, lúc nào hắn chẳng hút thuốc. Hắn làm bảo vệ cho công ty bất động sản này, vợ con hắn thì đều ở quê. Tôi gặp hắn trong một quán cơm bình dân, cũng một buổi chiều tầm giờ này, hắn xong việc và có vẻ cần người nói chuyện vậy là tôi để cho hắn nói. Hắn toàn nói còn tôi toàn nghe. Lâu lâu hắn lại mời tôi một bữa nhậu có lẽ để nói cho sướng miệng hoặc là để trả công cho tôi vì tôi đã nghe hắn nói. Nhưng mà hôm nay tôi sẽ là người nói. Có thể tôi cũng sẽ mời hắn một bữa nhậu. Nên thế lắm chứ.

“Này, nhậu chứ? Hôm nay đằng này sẽ mời nhé.” Tôi nói.

Hắn cười mà chẳng quay sang nhìn tôi. Hắn vừa rít xong một hơi và đang phiêu theo khói thuốc. Tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh hắn.

“Không, không.”

Giờ thì hắn quay sang nhìn tôi, con mắt phải nhấp lên một cái.

“Tôi đang có cảm giác là hôm nay tôi trúng bở. Cái số này tối qua tôi nằm mơ rõ thấy sợ luôn.”

Bộ dạng này, ăn nói kiểu này… chắc chắn là một tay đánh đề chuyên nghiệp, vậy mà giờ tôi mới biết. Hắn nói với tôi cả bầu trời chuyện, khi hắn tỉnh cũng có, lúc hắn say cũng có vậy mà chưa lần nào hắn hé với tôi một câu gì về chuyện đánh đề của hắn. Có lẽ hắn sắp trúng thật. Hoặc là hắn sắp đổ nợ. Thôi kệ hắn, vậy cũng hay, tôi cũng đang muốn kể cho hắn nghe một chuyện có dính đến đánh đề. Tôi nói ngay luôn bây giờ cũng được.

“Cái món này nó y như thuốc phiện ấy nhỉ? Không ai giải nghĩa giấc mơ được rành rọt như mấy người đánh đề đâu. Tôi biết lắm chứ. Mẹ tôi ấy, cái hồi tôi ở xóm Chổi ấy, hình như đêm nào bà cũng mơ. Mà bà không mơ hoặc mơ không rõ thì bà hỏi tôi. Hỏi xem tôi thấy gì. Rồi có cái lần ấy hai con rắn học trò bò vô nhà tôi, vậy là mẹ tôi…”

“Con 22. Đánh con 22 trúng chứ?” Hắn cắt lời tôi.

“Tôi không biết. Nhưng mà để tôi kể cho nghe...”

“Này nhé, giấc mơ nó linh lắm nhưng mà ông phải giải mã được nó, ông hiểu không? Có lần tôi nằm mơ thấy con chó mực rất rõ ràng, hôm đó tôi đánh cái trúng luôn…”

Hắn bắt đầu nói về những con số và hắn không dừng được. Hai tai tôi lại ù ù. Tròng mắt hắn như sáng lên. Hai miếng thịt thâm sì trên gương mặt hắn cử động liên tục, thỉnh thoảng hắn nhếch mép, mấy cái răng vàng xỉn bày ra giễu nhại tôi. Có lẽ tôi phải bụp cho hắn một phát mới được.

“Rầm!”

Tai nạn.

Ngoài kia có một vụ tai nạn. Hắn đứng dậy chạy ra. Tôi cũng đứng dậy.

Hắn không biết được là cái hôm hai con rắn học trò bò vô nhà tôi ấy mẹ tôi vui vẻ thế nào đâu. Rắn học trò thì ở xóm Chổi tôi thấy thường xuyên, mẹ tôi cũng thế chỉ khác là hôm ấy mẹ tôi thấy chúng ngay trước giờ bà đi chợ. Bà dặn tôi ở nhà ngoan rồi còn thơm má tôi nữa. Tôi đinh ninh chiều tối mẹ tôi về thể nào tôi cũng có được cái bánh ram vàng rộm. Cả ngày tôi cứ nghĩ đến bánh ram rồi rệu nước miếng. Nhưng mẹ tôi về giỏ trống không. Tôi thiểu não nhưng chẳng dám hỏi câu nào. Rồi hai ngày sau đó bỗng dưng đang giữa buổi chiều tôi thấy bà đạp xe lên dốc.

“A, mẹ về. Mẹ bán xong sớm vậy ạ?” Tôi chạy theo sau xe mẹ hỏi.

Mẹ tôi dựng xe, đi vào nhà, ngồi ở đầu giường. Tôi liếc nhìn, xách giỏ mẹ trống không. Lát sau, có mấy người nào đó tới kiếm mẹ tôi. Họ vừa đi vừa gọi tên mẹ tôi, họ réo vang cả xóm. Có lẽ họ không biết nhà chúng tôi nên phải tìm.

“Ai vậy mẹ? Con ra đón nhé.” Tôi nói.

“Đừng. Họ đánh mẹ đó.”

Mẹ tôi nói rồi bỏ chạy.

“Qua nhà cụ Mẫn đi.” Bà quay lại dặn tôi trước khi mất hút sau lùm cây.

Tôi không qua nhà cụ Mẫn, tôi sang vườn ổi ăn ba trái ổi, hai chén cơm rồi ngủ lại bên ấy luôn.

Mấy hôm sau, mẹ tôi đi chợ bán trở lại. Tôi không dám lăn tăn hỏi gì nhưng tôi nhớ có lần bà nói những người trong xóm thật tốt. Có lẽ họ đã giúp mẹ tôi điều gì đó.

Rồi đùng một cái tôi về xóm Chổi đã mấy năm, đã ăn hết mấy mùa ổi. Tụi con nít trong xóm lần lượt đi học hết chỉ còn mình tôi, hình như tôi không có giấy khai sinh nên không được đi học. Tôi hỏi mẹ mà bà chẳng trả lời. Rồi tụi nó kháo nhau là tôi không có cha. Tôi lại hỏi mẹ và cũng như lần trước, bà chẳng nói lời nào. Một buổi chiều, đang lúc thi bắn ná thì có một thằng nhạo tôi vì tôi không cha. Tôi mặc kệ không thèm để ý đến nó. Nó là thằng bắn tồi nhất. Tôi càng im nó càng nói. Nó nghênh ngang xỉa xói trước mặt tôi. Bực quá, tôi cầm cái cán ná bụp cho nó một phát, đầu nó chảy máu. Nó ré lên, thằng anh nó chạy đến. Tôi đứng im chịu trận, thằng anh nó đã học cấp hai cao hơn tôi cả cái đầu. Nhưng tôi không phải chịu trận nhiều lắm vì khi đó tôi đang ở sát bên vườn ổi và tôi cũng ré lên. Thế là tôi được bế xốc vào nhà.

Buổi tối, tôi ngồi trong góc nhà ăn ổi và nghe hai người lớn nói chuyện với nhau. Chuyện thứ nhất là tôi cần phải đi học cho nên người. Chuyện thứ hai là tôi sẽ có cha.

Sáng hôm sau, mẹ tôi vừa thức dậy tôi hỏi ngay.

“Mình có dọn qua bên ấy ở không mẹ?”

Mẹ tôi nghiêm nét mặt.

“Không. Không bao giờ được hỏi tào lao như vậy nữa, nghe chưa!”

Tôi chưa kịp dạ thì mẹ tôi đã tiếp.

“Ông ấy nhận con làm con nuôi, ông ấy làm cha đỡ đầu cho con. Chuyện học hành của con mẹ nhờ ông ấy cả, lo mà học, nghe chưa.”

Tôi tiếc hùi hụi. Vậy mà cứ tưởng có cha thì sẽ ở nhà cha chứ. Cha nuôi thì cũng là cha mà. Cái nhà bên ấy rộng thênh mà ở có một người, thật phí. Còn cái vườn ổi nữa.

 

3.

Vụ tai nạn có vẻ nghiêm trọng. Theo kinh nhiệm của tôi, người bị tai nạn máu me đầm đìa bất tỉnh rồi chợt tỉnh lại nói năng tỉnh queo như thế thì dễ nguy lắm. Tôi phân tích cho một bà đang ngồi đợi xe buýt hiểu tình hình khi đám đông đã dạt ra hết. Trong những lúc phải ngồi chờ thế này, người ta thường muốn có cái gì đó để làm nên bà ta tiếp chuyện tôi và chăm chú nghe tôi nói.

“Để tôi kể bà nghe. Hồi xưa, lâu lắm rồi, hồi mà tôi còn ở cái xóm Chổi ấy, có lần tôi đã cõng một người bị thương chảy máu trên đầu, chảy nhiều cỡ như người lúc nãy ấy. Hôm ấy là Hai Ba tháng Chạp, trời mưa lâm thâm. Tôi chạy một lúc thì người nóng ran toát cả mồ hôi. Mưa bắt đầu ướt tóc chảy xuống thành dòng trên mặt trên cổ tôi, nhưng mà không phải toàn nước mưa. Thỉnh thoảng lại có một dòng âm ấm, tôi biết nó không phải nước mưa. Tôi đã chạy nhưng mà không kịp, bà biết không, không kịp nữa. Bà biết không, cái người đó…”

“Úi dào, trời kêu ai nấy dạ ông ơi. Giày dép còn có số huống chi người. Để tôi kể ông nghe, tôi đã mấy lần chết đi sống lại rồi đây mà ghê nhất là cái lần ấy. Tôi cũng bị tai nạn nhưng mà tôi phúc lớn mạng lớn. Cái ngày đó là tôi đi lấy hàng…”

Bà ta bắt đầu kể và không thể dừng lại được. Bà ta kể lại cảnh bà té xuống ra làm sao, bà ta tỉnh dậy, đau đầu, chóng mặt ra làm sao, rồi thì y tá chăm làm sao, bác sỹ nói thế nào rồi thì bà ta phanh cả tóc ra cho tôi coi cái sẹo trên đầu, cứ thế, cứ thế bà ta nói. Hai miếng thịt xăm màu đỏ thẫm trên mặt bà nhảy lên nhảy xuống. Bà ta là người nói nhanh nhất mà tôi từng biết. Tai tôi bắt đầu ù ù.

“Im!” Tôi hét lên. “Tôi nói là để tôi kể. Hôm nay phải để tôi kể, các người không biết nghe là gì hả?”

Bà ta im thật. Hai miếng thịt đỏ thẫm tạo thành một cái hình méo mó. Bà ta nhìn tôi ánh mắt khó hiểu rồi chẳng biết nghĩ gì mà bà ta ôm xách đứng dậy. Tôi đứng dậy đi theo, bà ta đi nhanh hơn, đi như chạy. Vừa lúc ấy thì xe buýt tới, xe chỉ mới phanh lại bên đường vẫn đang còn đà bà ta đã nhảy phắt lên, lủi tuốt xuống hàng ghế cuối cùng. Chiếc xe rời đi, tôi vẫn thấy thấp thoáng dáng bà ta, hình như bà ta có quay lại nhìn tôi. Tôi không hiểu gì cả. Tôi chỉ muốn bà ta nghe tôi kể thôi mà. Kể một câu chuyện. Một câu chuyện thật dài mà chắc chắn bà ta và cả cái xứ này chưa ai từng biết.

Vẫn còn tiếc, tôi quay lại chỗ đợi xe buýt ngồi. Bây giờ thì đèn đường đã bật. Thứ Bảy, người xe nườm nượp. Tôi thấy mình cứ như vừa bị quăng vào một cái rừng người mà con người là cái giống kỳ quái, ai cũng nói, nói, nói mà chẳng ai chịu nghe. Không một ai. Không một ai giữa cái rừng này.

 

4.

Tôi nhìn một lúc thấy người ta kéo nhau đổ xô vào một chỗ, đông lắm. Có đàn ông, đàn bà, người già, con nít. Tôi đứng dậy đi qua bên kia đường theo chân họ. Thật ra thì tôi cũng biết họ đi lễ nhưng mà tôi chưa thực sự chứng kiến cảnh này bao giờ. Đông lắm và nom mặt mũi ai cũng nghiêm nghiêm thế nào ấy. Có vài người ngồi trên ghế đá, tôi lại ngồi với họ nhưng chẳng ai để ý gì đến tôi. Họ làm như tôi vô hình, họ vẫn cứ tiếp tục lầm bầm trong miệng dù tôi ngồi sát bên. Tôi đã đổi từ ghế này sang ghế khác mà chẳng ai nhìn tôi lấy một cái. Rồi tất cả đồng loạt bước vào trong hội trường. Tôi cũng vào. Một rừng người. Lại là một rừng người, họ rên rồi họ hát. Không một ai nhìn tôi lấy một cái. Nhìn một cái thì đã làm sao chứ, vậy mà không một ai. Tôi đi ra.

Mỏi chân, tôi tìm ghế đá. Giữa tiếng hát rì rầm, tôi thấy nơi đây có một vẻ yên ắng lạ kỳ như thể nó chỉ nằm ở bìa cái rừng người nhộn nhạo ngoài kia và cả trong kia nữa. Đằng kia, ở góc xa xa có một bức tượng màu như màu đồng đen không lớn lắm. Có một bóng đèn đang rọi vào nó khiến tôi chú ý. Tôi lại gần xem. Tượng một người râu tóc lùm xùm vác cái thập tự. Tôi đi quanh cái tượng sờ nắn một lúc rồi thì lại mỏi, tôi ngồi xuống chân tượng ngước nhìn lên. Người đàn ông râu tóc lùm xùm nhìn lại tôi.

“Ông là Giê-su nhỉ? Chúa Giê-su?” Tôi nói. “Tôi cũng có biết Chúa Giê-su đấy, biết sơ sơ.”

Giờ thì tôi dựa lưng vào đôi chân ấy.

“Giống thật lắm.” Tôi lại nói. “Nhưng chỉ là tượng thôi, Chúa Giê-su chỉ là một bức tượng. Vậy cũng tốt. Ông sẽ không cắt lời tôi khi tôi nói. Hay đấy, ông sẽ nghe tôi nói cho bằng hết, phải không nào.”

Tôi bắt đầu kể.

“Ông biết không, cái người mà đêm Hai Ba Tết tôi cõng ấy là cha nuôi tôi. Tôi cõng được nửa đường thì chân như rụng rồi. Cả cái người chạy theo rọi đèn pin cho tôi cũng thở không ra hơi. Vừa lúc ấy thì có người đến giúp mang cha nuôi tôi đi nhưng đến trạm xá thì họ bảo ông đã tắt thở rồi, có lẽ là đã chết trên đường đưa đến trạm xá. Mà tôi kể thế này thì ông không thể hiểu được đâu. Tôi phải kể từ đầu cho ông hiểu.”

Vậy là tôi kể từ đầu, từ cái ngày mẹ tôi đẩy tôi cùng đồ đạc lên con dốc tới xóm Chổi làm nhà ở. Chốc chốc, tôi nhìn lên. Lần đầu tiên tôi nói mà không bị ai cắt ngang.

“Hôm Hai Ba tháng Chạp ấy trời cũng mưa nhưng nặng hơn thế này một chút”, tôi hứng mấy giọt nước vừa rớt qua mặt. Tôi kể tiếp.

Chiều hôm ấy, tôi với thằng Khánh uống rượu ở nhà tôi. Khi ấy tôi mười lăm, thằng Khánh mười bảy. Nó học trên tôi hai lớp nhưng cùng hội bida với tôi. Nhà nó không phải ở xóm Chổi mà là ở xóm Chuối, gần xóm Chợ. Rượu là của nó mang lên. Mồi là tôi chuẩn bị. Rượu hết, mồi hết, tôi thấy cần làm cái gì đó cho sảng khoái nên tôi rủ nó ra dốc. Nó có chiếc xe đạp bộ dàn cứng cáp, tôi rủ nó thả dốc. Con dốc rất đứng, tôi đã thử cảm giác này trước đó vài lần, phê khủng khiếp. Lúc ấy cũng đã quá chiều, tháng Chạp trời tối sớm. Dưới dốc, lác đác vài nhà bắt đầu lên đèn. Trên dốc cũng thế. Chỉ có đoạn dốc này tre hóp hai bên vẫn rậm rì, bao năm rồi vẫn không có ngôi nhà nào mọc lên bên dốc, có lẽ vì ngay đó có cái trụ điện cao thế. Thằng Khánh là cái thằng thỏ đế. Ban đầu nó nhìn con dốc rồi xua tay. Tôi mỉa vài câu xong nó nhảy lên yên. Sợ nó sẽ bấm phanh làm tôi mất hứng nên tôi kêu nó ngồi trước dàn sải tay ra còn tôi cầm lái. Không ai có thể tin nổi là nó phê pha kiểu gì đâu.

“Rầm”, chiếc xe lao vào một người. Tụi tôi ngã chỏng vó. Nó lồm cồm bò dậy rồi quíu người lại níu áo tôi. Ngã xe đạp thì cũng là chuyện thường thôi, gì mà phải xoắn. Nhưng tôi chưa kịp quát nó thì tôi cũng quíu. Chiếc xe đâm vào một người, người ấy ngã đầu đập vào tảng đá bên đường. Người ấy bất tỉnh, máu rỉ ra từ chân tóc. Dù trời chập choạng chúng tôi vẫn nhìn thấy máu. Tôi tỉnh hẳn rượu khi nhận ra người đàn ông phương phi ấy. Trời ạ, là cha nuôi tôi.

Thằng Khánh đỡ xe dậy, nhảy lên yên, chạy biến. Đến giờ, tôi chưa một lần gặp lại nó. Tôi cũng bỏ chạy. Lúc ấy là tôi chỉ… chỉ biết sợ thôi chứ không còn một cảm xúc nào khác. Tôi chạy về nhà, lần đầu tiên trong đời tôi ngồi co ro trong bóng tối. Tôi ngồi một lúc thì bừng tỉnh. Khi cái phút bừng tỉnh ấy ập đến, hình ảnh hiện ra đầu tiên là lần cha nuôi tôi mắng tôi khi tôi dẫn tụi con nít trong xóm Chổi vào vườn hái mấy trái ổi. Tôi chẳng hào phóng với bất kỳ ai đến thế đâu, chẳng qua là khi ấy ông đã là cha nuôi của tôi nên tôi nghĩ tôi có quyền với cái vườn ổi ấy. Tôi chỉ muốn thị uy với chúng nó thôi. Và tôi đã thất bại. Chính xác hơn là chuốc nhục. Chỉ mấy trái ổi mà ông lớn tiếng mắng tôi ngay trước mặt tụi nó và kêu tôi vào nhà ngồi im để suy nghĩ cái này, cái nọ. Dù sau đó ông cũng cho mỗi đứa vài trái nhưng tôi vẫn không hết nhục được. Là cuộc đời bất công hay công bằng, tôi chẳng rõ nhưng có cha tôi không thấy sướng lên tí nào. Trước đây, tôi lẻn vào vườn ăn trộm ổi ông chẳng đánh còn cho tôi ăn cơm, tôi hái ổi non ổi sống bao lần ông chẳng mắng lấy một tiếng vậy mà lần đó tôi hái mấy trái ổi khi chưa xin phép đã phải chịu trận.

Tôi không hiểu. Thực sự không hiểu. Đùng một cái tôi có cha. Đùng một cái tôi làm gì cũng bị la. Một lần, tôi đánh nhau với thằng kia, ông đã lôi tôi về nhà quất nát một cái bẹ chuối rồi còn lôi tôi đến nhà thằng kia để nói chuyện lỗi phải. Ông đã cho cuộc đời tôi được những gì? Chỉ có điều này, đúng vậy, có điều này tôi chưa bao giờ phủ nhận, đó là cảm giác hãnh diện của tôi mỗi khi trường tôi họp phụ huynh. Cha tôi luôn đến đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề, nói năng lưu loát, cha tôi còn được bầu làm ban chấp hành hội phụ huynh. Nhờ niềm hãnh diện này mà tôi đã không bỏ học. Và cũng không bỏ cha. Mấy lần tôi muốn bước vào căn nhà đó để nói rằng tôi chẳng việc gì phải làm con của ông cả nhưng chẳng lần nào đủ can đảm.

Tôi không biết giữa việc có cha và không có cha thì bên nào hạnh phúc hơn.

Nhưng mà đó là một người cha thật. Tôi đã có cha. Tôi vùng chạy.

Trời đã bắt đầu tối, có một ngọn đèn pin lấp ló rồi chĩa vào tảng đá và hai người khác đang ở đó. Tôi lao đến.

“Cứu cha tôi với. Xin hãy cứu cha tôi.”

Một người đàn ông xé cái áo băng cho cha tôi. Máu đã chảy ra thành một vũng. Tôi ôm cha trong tay. “Cha, cha.” Tôi gọi, lần đầu tiên trong đời tôi biết gọi một tiếng “cha”. Ông tỉnh. Đột nhiên ông tỉnh giống như là tỉnh hẳn. Mắt ông sáng lắm, tôi không bao giờ quên. Ông nói.

“Mấy con gà cha nhốt sẵn, có con đẹp nhất để cúng, con biết chứ?”

Tôi gật đầu. Tôi mừng quá, cha tôi tỉnh rồi. Ông nói sang vườn ổi, thu hoạch nó lần lượt thế nào, thế nào, ông cứ thế một lúc, chuyện nọ xỏ chuyện kia. Có tiếng thở dài sau lưng tôi, một người bảo thế này chắc sẽ nguy. Điên quá, tôi hét lên bảo họ im đi để cha tôi nói. Họ im thật và cha tôi cũng lịm luôn. Tôi xốc ông lên lưng, cứ thế chạy giữa cơn mưa lâm thâm đêm Hai Ba tháng Chạp.

Khi người ta đặt cha tôi vào quan tài, tôi không còn có thể im lặng được nữa, tôi gào lên.

“Là con, là con đã giết cha. Con giết cha rồi, cha ơi.”

Nhưng chẳng ai nghe tôi nói, họ kéo tôi ra. Họ bảo tôi thương cha quá hóa khùng. Họ nói đúng là “khóc như cha chết”, họ thương cảm, họ khen tôi có tình có nghĩa. Hôm ấy cha tôi đi ăn tất niên ở nhà người bà con và có nhậu, người cha đầy mùi men, hai người đã tìm thấy cha tôi bên tảng đá kết luận là ông xỉn nên té đập đầu vào đó. Và ai nấy đều tin.

Cái bí mật ấy cùng vườn ổi của cha tôi đã nuôi tôi lớn cho đến tận hôm nay. Tôi đã một đống tuổi và đã bán cái vườn ổi ấy đi nhưng linh hồn tội lỗi của tôi chưa bao giờ bước ra khỏi nó. Tôi luôn tự hỏi liệu ông có hối hận khi đã nhận tôi làm con? Liệu tôi không bỏ chạy thì ông có chết?

Tôi ngước nhìn lên, hai mắt tôi nhòa đi, nước từ đầu tượng rỏ xuống mặt tôi, như là nước mắt.

“Liệu cha tôi có biết tôi là đứa cầm lái chiếc xe đạp ấy khi nó tông vào người ông? Liệu có biết không? Tôi đã dành cả cuộc đời để cố gắng trả lời nhưng bây giờ tôi nghĩ tôi sai rồi. Câu hỏi đó không thực sự quan trọng. Cha tôi có thể không biết nhưng tôi biết. Tôi biết việc tôi làm.”

5.

Từ thăm thẳm tội lỗi tôi gục xuống, gục xuống như thế trong bao lâu không biết nữa, cho đến khi có một luồng hơi ấm sà vào người tôi. Dường như là ai đó đang cúi xuống...

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm