April 26, 2024, 1:21 pm

Vùng cao duyên nợ

Ở vùng đất xứ Thanh này, mỗi tên làng, tên bản đều góp phần dệt nên bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc, khiến ai đó một lần dừng chân đều khó lòng lãng quên. Tôi từng yêu cái sôi động, ồn ào nơi cửa bể mỗi khi hè về, yêu cái vắng lặng, heo hút của miền sơn cước khi đông đến, yêu cái “khúc khuỷu”, “chơi vơi” của một Mường Lát khi vào thu… Với bản nghèo Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) lại là một niềm yêu khác.

Một trong mấy chục ngôi nhà sàn khang trang, xinh đẹp được xây dựng lại ở khu tái định cư bản Sa Ná

Bản nghèo gặp nạn

Sa Ná là một bản nghèo thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Xưa nay, hình ảnh Sa Ná in đậm trong trái tim tôi là một bản nhỏ, côi cút, nằm lọt thỏm giữa núi rừng âm u, trầm mặc. Bản nằm cạnh dòng suối Son hiền lành, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi. Người dân nơi đây chủ yếu là người dân tộc Thái, họ vẫn còn lưu giữ được những nếp nhà sàn truyền thống. Vào những ngày đẹp trời, khi hoàng hôn buông xuống, bản Sa Ná xinh đẹp ẩn hiện trong khói lam chiều. Dòng suối Son chảy qua bản không phải mùa lũ, nước cạn trong vắt, nắng rọi xuống lòng suối lấp lánh muôn ngàn những viên đá cuội đủ mọi kích cỡ. Chiều về, suối Son lại hóa thành bức tranh thủy mặc huyền bí, ẩn hiện thấp thoáng giữa núi rừng hoang sơ và yên bình… Vậy mà vào một ngày định mệnh, thiên nhiên đã “mượn” con suối này để gieo rắc nỗi kinh hoàng. Cả một bản làng hiền lành, bé nhỏ bị suối Son cuốn phăng trong chớp mắt.

Duyên nợ với Sa Ná trong tôi đến từ cái trận lũ lịch sử ấy, trận lũ chỉ qua một đêm xóa sổ cả một bản làng giống như trong một trận đại hồng thủy. Cũng như triệu trái tim khác trên dải đất hình chữ S, tôi muốn có mặt ở nơi đây trong thời khắc này. Và rồi, thật may mắn, cơ hội đã đưa tôi đến với bản làng tang thương để được chứng kiến bức tranh Sa Ná hoang tàn, đổ nát vì lũ dữ…

Được tin lũ dữ về, cánh phóng viên chúng tôi hẹn nhau tức tốc lên đường. 9h đêm chiếc xe lăn bánh. Trời mưa bão như trút nước. Càng đi trời càng mưa to, cái gạt nước bọt tung trắng xóa, chiếc xe vẫn phăng phăng lao về phía trước. Bởi đêm nay chúng tôi phải có mặt tại thị trấn Quan Sơn, để sáng sớm ngày mai sẽ lên đường vào với Sa Ná. Trên đường đi một đồng nghiệp đã nhờ người quen mượn hai chiếc xe máy ở thị trấn Quan Sơn để chúng tôi đi vào bản. Lộ trình về và đưa tin nơi tâm bão đã rõ ràng. Ngồi trên xe, ngoài trời mưa giông bão trong lòng chúng tôi cũng bão giông không kém. Chặng đường đi còn dài, nỗi thương cảm và niềm đau xót về bản nghèo lại dày thêm.

Như dự tính, sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi có mặt tại UBND xã Na Mèo. Từ trung tâm xã vào tới Sa Ná là 5 cây số. Lúc này, hành trang vào bản chỉ vẻn vẹn có bộ áo mưa mặc người và chiếc điện thoại cầm tay. Chúng tôi men theo con đường cùng với rất nhiều đoàn để vào bản vì không đi được xe máy. Trước mắt chúng tôi là dòng sông Luồng đục ngầu, đỏ au đang cuồn cuộn, gầm ghè đổ về phía hạ lưu. Con sông Luồng, biểu tượng của huyện Quan Sơn vốn trong xanh, hiền hoà là vậy nhưng khi mưa lũ về lại trở nên hung tợn hơn bao giờ hết, nó giống như một con quái vật với cái miệng đỏ ngầu có thể nuốt chứng bất cứ vật gì trên đường đi.

Bản Sa Ná nằm phía bên kia con sông Luồng. Màn đêm dần buông, chúng tôi không qua được sông. Chỉ biết rằng, bản nhỏ bên kia sông, trong một thời gian ngắn đã trở nên hoang tàn đến khủng khiếp. Hàng chục ngôi nhà bị san phẳng chỉ còn lại bãi bùn lầy hoặc những bãi đá trơ trọi. Bản nghèo lọt thỏm giữa rừng già, ngổn ngang những cây đổ, nhà trôi, nhiều người mất tích trong vô vọng. Người dân Sa Ná vốn đã nghèo, nay gần như trắng tay qua cơn lũ dữ. Thực trạng ấy để lại cho chính quyền và nhân dân nơi đây nỗi khổ trăm bề. Nhiều người mất người thân, đang bơ vơ một mình không nhà cửa giữa bão lũ thiên nhiên và giông gió cuộc đời.

Ông Lương Văn Chon, người dân bản Sa Ná, từ cõi chết trở về, đang nằm trong bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn  kể lại cho chúng tôi nghe về trận chiến “thập tử nhất sinh” ấy:

“Khoảng 5h sáng ngày 3/8 (năm 2019), trời mưa to, lũ bắt đầu dâng lên, nước suối Son và sông Luồng dâng cao, tôi và người dân vội vàng khiêng đồ đạc, gạo thóc lên cao. Một lúc sau lũ rút nhanh, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng khoảng 7 h sáng một trận lũ khác lại ào về mạnh gấp nhiều lần trận lũ trước đó. Lũ đến như một cơn lốc với tầng tầng, lớp lớp những cây cổ thụ từ thượng nguồn lao xuống khiến người dân bản Sa Ná chúng tôi không kịp trở tay. Phút chốc nước đã ngập ngang thắt lưng, rồi tràn ngay lên cổ. Vợ tôi đứng bên với tay theo tôi mà không sao tới được. Bà ấy vội trèo lên thành nhà tắm. Lúc đó mà chúng tôi với được tay nhau chắc là cả hai đều không qua nổi” - Ông Chon bàng hoàng kể lại.

“Tôi cố gắng chống chọi với dòng nước lũ, cố ngoi lên để thở và bị cuốn nhanh ra dòng sông Luồng. Lúc này tôi vớ được tấm đệm nên trườn lên trên nằm thở. Một phút sau, con sóng lớn lại nhấn tôi xuống đáy sông”…

May mắn lúc đó ông Chon túm được một bụi cây giữa dòng sông, leo lên bụi luồng và túm lấy cây xoan. Cứ như vậy người đàn ông Sa Ná đu người trên dòng sông nhiều giờ đồng hồ. Lũ dữ cộng với đói và rét, ông xác định chỉ còn con đường chết. Trời càng mưa to, nước sông luồng mỗi lúc một dâng cao, phải đợi đến khoảng 3h chiều, một thanh niên xã Sơn Điện đã anh dũng lao ra dòng nước lũ cứu ông Chon. Nếu chậm hơn chút nữa, chắc ông đã trôi theo dòng nước lũ hung hãn này.

Lũ qua đi, hình ảnh nhiều người dân nơi đây gầy rộc với khuôn mặt hốc hác, bất thần hướng ánh mắt về phía hạ lưu nơi người thân bị cuốn trôi là nỗi kinh hoàng khủng khiếp về thiên tai. Giờ đây, Sa Ná lại trở về với vạch xuất phát ban đầu với biết bao nhiêu khó khăn chồng chất. Một con số Không to tướng, một không khí tang tóc, u ám bao trùm lên nhiều mảnh đời nơi bản nghèo hẻo lánh...

Những tấm lòng thiện nguyện

Những tưởng Sa Ná chỉ còn là nước mắt và sự tuyệt vọng không gì xoa dịu được. Song, nỗi đau này được bà con cả nước chia sẻ. Ngay lập tức các đoàn thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm đã có mặt, những gói mì tôm, những bình nước sạch và các nhu yếu phẩm khác đã đến tận tay bà con. Cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng của chính quyền địa phương các cấp làm cho bản làng này đang dần được hồi sinh ở một vùng đất mới. Sau cái ngày định mệnh ấy chừng 2 tháng, chúng tôi lại khăn gói lên đường về Sa Ná để được mục sở thị cuộc sống đang hồi sinh nơi đây.

Trên khu tái định cư, chúng tôi bắt gặp những màu áo xanh tình nguyện. Họ là những thanh niên của huyện Quan Sơn đang chung tay cùng mọi người xây dựng nhà cửa cho bà con: “Chương trình tình nguyện này là do địa phương phát động, nhưng cũng do tình cảm thôi thúc chúng em là phần nhiều. Em đang đi làm ở Bắc Ninh nhưng cũng thu xếp về quê tranh thủ giúp bà con nơi đây” - Một bạn trẻ đã nói với tôi như vậy. Nhìn khuôn mặt tươi vui cùng với sự nhiệt thành trong công việc của các tình nguyện viên, chúng tôi thực sự cảm động và mong các em có chuyến tình nguyện hiệu quả, ý nghĩa trên khu tái định cư này.

Gặp lại anh Hà Văn Vân trong dáng người gầy gò, làn da đen sạm, khuôn mặt vẫn chưa hết hốc hác, thẫn thờ khi mất tới 6 người thân trong cơn lũ kinh hoàng. Buổi sáng hôm nay, anh đang cùng với mọi người tất bật cho việc dựng lại ngôi nhà nơi tái định cư mới. Anh Vân là hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ lịch sử ở Sa Ná… Bên căn nhà đang được xây dựng, anh tâm sự: “Cơn lũ ấy là một sự khủng khiếp, tưởng chừng như tôi không thể vượt qua nổi. Tôi thật sự xúc động và biết ơn những người đã giúp đỡ cá nhân tôi và các hộ có chung hoạn nạn. Giờ đây tôi chỉ mong tìm được thi thể của bố và con tôi. Sau này tôi sẽ chăm chỉ làm ăn, sẵn sàng giúp đỡ những người không may gặp cảnh khó khăn bằng chính sức lao động của mình. Nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm, tôi sẽ có ngôi nhà kiên cố để yên tâm lao động sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai. Mặc dù biết trước cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Trên con dốc đến với khu đất được cấp để dựng lại nhà, anh Nguyễn Minh Ơ, 37 tuổi cho biết: “Nhà tôi bị cuốn trôi rồi, vợ mất, đứa con bị trôi may mắn vớt được, tài sản không còn gì nữa. Hiện, gia đình tôi đang sống tại nhà người quen. Rất cảm ơn Nhà nước đã tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình tôi. Sắp tới, tôi và hai con sẽ có nhà mới để ổn định cuộc sống, làm ăn và nuôi con cái ăn học...”.

Chuyến trở về với Sa Ná lần này, chúng tôi được thấy tận mắt và cảm nhận rất rõ sự hồi sinh đang dần hiển hiện. Đường lên Sa Ná vẫn còn rất khó khăn, bởi sự ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, nhiều đoạn đường đất đá lổng chổng, nham nhở. Song, vượt qua tất cả, trước mắt chúng tôi công cuộc kiến thiết lại sau lũ đang diễn ra một cách khẩn trương, những ngôi nhà mới đang được xây dựng bên cạnh con suối và được bao phủ bởi những cánh rừng xanh mướt. Đó là một khu tái định cư cách Sa Ná cũ chưa đầy một cây số…

 

Bản nghèo hồi sinh

Những ngày cuối năm 2019 vừa rồi, nhận được thông tin 51 hộ dân bản Sa Ná sẽ chính thức chuyển về khu tái định cư để ổn định cuộc sống, tôi cùng một đồng nghiệp phấn khởi khoác chiếc ba lô lên đường. Không vội vàng tức tốc trong giông bão như lần đầu tiên, cũng không hồi hộp, lo lắng như lần thứ 2, lần này mang theo tâm trạng vui vẻ và đủng đỉnh hơn về mặt thời gian nên chúng tôi đi xe khách. Màn đêm buông xuống là lúc chiếc xe đến thị trấn Quan Sơn.

Sáng sớm, mặt trời vừa ló rạng đông, chúng tôi cùng đoàn lãnh đạo huyện về với Sa Ná trong cái rét ngọt của những ngày cuối đông. Vừa bước chân xuống xe, niềm hạnh phúc mãnh liệt bỗng vỡ òa. Một không khí vui tươi, ấm cúng, phấn khởi tràn ngập khu Poom Ngồ. Những ngôi nhà khang trang, lợp tôn xanh ẩn hiện giữa núi rừng trùng điệp. Những cụ già râu tóc bạc phơ, vui cười như mùa thu tỏa nắng, các em thơ đá bóng cười đùa trước sân nhà văn hóa bản Sa Ná,… Cả bản làng khoác lên mình bộ áo mới với sắc màu tươi sáng lung linh trong ánh nắng vàng rực rỡ. Một khu tái định cư rực rỡ sắc xuân, căng tràn nhựa sống đang hiển hiện trước mắt chúng tôi. Dường như cái tết Nguyên đán đến sớm hơn, nơi này như chưa hề có lũ tràn qua, bà con phấn khởi vui như ngày hội trong bộ váy áo truyền thống. Không ai có thể ngờ cách đây hơn 3 tháng nơi này là rừng luồng, ngổn ngang khó khăn trăm bề.

Gặp ông Lương Văn Chon, người từ cõi chết trở về đang cùng bà con chơi bóng chuyền ở sân thể thao của bản, ông tươi cười: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình lại có ngôi nhà thế này. Không thể tin nổi, chỉ sau có mấy tháng mà chúng tôi đã có nhà văn hóa, có sân bóng chuyền để chơi. Thật là quá vui”.

Rời Sa Ná và miền biên viễn Quan Sơn khi trời đã nhá nhem tối, đoàn chúng tôi mỗi người một tâm trạng. Nhưng có chung niềm tin về một cuộc sống nơi đây sẽ hồi sinh nhanh chóng sau những mất mát, đau thương. Khu Poom Ngồ sẽ mang đến một màu xanh, một cuộc đời mới cho nhân dân Sa Ná… Vết thương thiên tai đã và đang liền sẹo bởi tình thương yêu của đồng bào cả nước. Chưa ra khỏi đất Quan Sơn, nhưng lòng đã hẹn sẽ trở lại để uống rượu cần với bà con bản vùng cao đầy yêu thương và duyên nợ này!

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Có thể bạn quan tâm