April 26, 2024, 5:24 pm

Vội vã liệu có thành công?

 

Dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng, nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 của Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ bỏ điểm sàn, thí sinh được đăng ký “n” nguyện vọng vào nhiều trường đã trở thành tâm điểm của dư luận xã hội với nhiều quan điểm trái chiều khi cho rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo đang đẩy cái khó cho các trường Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào chỗ phá sản do không thể tuyển được học sinh theo học, (do tâm lý của số đông học sinh chỉ thích thi vào đại học). Thậm chí đã có không ít diễn đàn còn công kích trực tiếp vào dự thảo khi cho rằng với việc bỏ điểm sàn, Bộ Giáo dục & Đạo tạo chỉ chú ý thu phần ngọn, bỏ mặc phần gốc. Song nếu nhìn nhận ở một góc độ khác tích cực hơn thì  với chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ đưa các trường tới gần hơn với quyền tự chủ, tự do lựa chọn việc định nghĩa họ là ai, tồn tại bằng cách gì và hình dung như thế nào về tương lai của mình.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có hay không sự cần thiết tồn tại một điểm sàn do Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định  vốn là vấn đề đã được nâng lên đặt xuống tại không ít các kỳ tuyển Đại học, Cao đẳng. Và  ở mỗi kỳ rút kinh nghiệm sau tuyển sinh, những bất hợp lý về mức điểm sản, về khống chế nguyện vọng đối với thí sinh đã được đặt ra một cách rốt ráo?... Ghi nhận chung, việc tồn tại một điểm sàn có mặt tích cực là giúp các trường top trên có một thang điểm định sẵn để làm căn cứ cho công tác tuyển sinh. Còn hạn chế là nhiều trường top dưới sẽ gặp khó khăn khi không tuyển đủ thí sinh theo điểm sàn quy định. Và thực tế đã có không ít trường “xé rào” hạ thấp điểm, nhằm thu hút thí sinh như chúng ta đã biết: một thí sinh có ba đến bốn trường gọi nhập học chỉ với số điểm trung bình 3 điểm/môn.

Với việc tồn tại điểm sàn như vậy, ở một góc độ nhất định  hẳn là không cần thiết Có lẽ, vì lý do này Bộ Giáo dục & đào tạo đã quyết định bỏ điểm sàn trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017. Nghĩa là Bộ Giáo dục & Đào tạo không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định do Bộ đặt ra, mà thay vào đó khuyến khích các trường tự quy định điểm sàn cho mình. Đây là một bài toán khó  đang được trao về cho các trường bởi Điểm sàn chính là một trong những dấu hiệu của “đẳng cấp” của trường đó. Chỉ có điều, để không rơi vào tình trạng chỉ chú trọng ngọn mà quên gốc, đẩy cái khó cho các trường top dưới và hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo nên quản chặt chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cường công tác hậu kiểm sau quá trình đào tạo, từ đó có những quyết định sáng suốt có hay không duy trì các trường yếu kém.

Đã đến lúc sự phân luồng giáo dục cần phải làm mạnh mẽ hơn bao giờ hết và người học cũng phải nhìn nhận đúng năng lực, sở trường để quyết định học cái gì, học ở đâu để không lãng phí thời gian, tiền của.

Hiện cả nước đang có hơn 400 trường đại học, cao đẳng tồn tại theo lối đào tạo truyền thống là siết chặt đầu vào nhưng thả lỏng đầu ra. Điều này đã để lại hậu quả là hàng nghìn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, gia tăng gánh nặng xã hội, đồng thời đăt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, đổi mới phải được tiến hành đồng bộ, có lộ trình từ thấp đến cao, chứ không phải cắt khúc như lâu nay vẫn làm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng đại học. Nhưng năm 2017 mới chỉ là khởi động quá trình đánh giá,  chưa thể nói lên điều gì, vì vậy bỏ điểm sàn vẫn chưa phải là lựa chọn sáng suốt, e rằng vội vã ắt sẽ không thể thành công

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm