April 26, 2024, 11:20 pm

Với người “Ngửa mặt hỏi trăm năm”

Văn Trọng Hùng - một người con của quê hương Bình Định - như bao người con đất Việt yêu nước, suốt một thời trai trẻ ông đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc. Và khi quê hương sạch bóng quân thù, trong nỗi ngậm ngùi “cũng may còn có ngày về” (Xuân đến), ông hăm hở hòa mình vào xây dựng đất nước thời bình, nhưng cũng không tránh khỏi những thảng thốt khi nhận ra bao đổi thay của cuộc đời. Nỗi niềm đó của ông được bật ra đầu ngọn bút, phả vào trong kịch và thơ. Cả khi ông đang còn là một “ông quan” đến khi về hưu là một “phó thường dân” thì những trăn trở về nhân tình thế thái trong ông vẫn không nguôi thổn thức.

Tập thơ gần đây nhất của Văn Trọng Hùng là Ngửa mặt hỏi trăm năm - được xuất bản năm 2019 (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), là tập thơ thứ năm của ông sau Dạo khúc nhân tình (1991), Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006), Hầu chuyện tiền nhân (2012). Chẳng cầu kỳ gọt giũa, không hoa mỹ bóng bẩy trong cách sử dụng ngôn từ, Văn Trọng Hùng cứ lặng lẽ gửi gắm tâm tư, trăn trở của mình vào trong từng câu thơ. Để khi đọc lên, người đọc nhận thấy ở đó là sự khắc khoải về những nỗi niềm nhân thế.

Những khắc khoải riêng

Trong Ngửa mặt hỏi trăm năm, người đọc không khó để nhận ra những tâm tư của Văn Trọng Hùng, nghe như là tiếng thở dài buồn buồn của nhà thơ khi đọc những vần thơ trong Bỏ rượu:

Tháng ngày dài thượt ra

Bạn bè dường thưa thớt

Những buổi chiều say khướt

Cùng thơ vào xa xăm.

Bạn bè thưa thớt bởi người mất người còn hay bởi không tìm được tri kỷ giữa mênh mông nhân thế? Tác giả không nói đến. Người đọc cũng không cần cố công đi tìm hiểu điều đó làm gì! Chỉ biết bốn câu thơ đã vẽ lên hình ảnh một con người dường như đang cô đơn trước sự trôi đi mải miết của thời gian. Và rồi để khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn, người tìm đến rượu với Những buổi chiều say khướt để tự tình với thơ: Cùng thơ vào xa xăm. Nỗi buồn từ đó lan tỏa ra, giăng mắc, nhuốm cả vào thời gian: Ngửa mặt hỏi trăm năm/ Trăm năm cười lành lạnh/ Trắng đen chừng ảo ảnh/ Ta. Có phải ta! (Bỏ rượu)… Có chút gì đó hụt hẫng, man mác buồn khi nhìn vào thực tại nhưng chẳng thể phân ưu với ai bởi Bạn bè dường thưa thớt, đành Ngửa mặt hỏi trăm năm. Nỗi niềm đem hỏi trăm năm sau - trước. Hỏi điều gì? Câu trả lời là gì? Tất cả dường như chỉ là cái cớ để nỗi buồn thoát xác phả vào thơ. Cái lành lạnh của trăm năm hay cái lành lạnh của lòng người! Trắng - đen, được - mất, hơn - thua, vinh - nhục,… trải qua hết thảy chuyện trăm năm mới thấy tất cả cũng chỉ như ảo ảnh, mơ hồ, huyễn hoặc. Cái còn lại cuối cùng là “Ta”. Có phải ta! Đó không phải là sự trăn trở băn khoăn đi tìm bản thể mà là sự khẳng định về một con người Ùa vào hòa bình bộn bề cơm áo/ thật, giả khó phân/ cũng may còn giữ được thân/ đứng, đi không cúi mặt! (Xuân đến). Để lý giải cho việc giữa bộn bề cơm áo, giữa thật giả của cuộc đời, con người còn giữ được thân, tác giả đã nhiều lần thể hiện quan niệm của mình về công danh, tiền bạc trong Ngửa mặt hỏi trăm năm. Ví như khi Độc thoại, ông rằng:

Lợi danh - bọt nước trôi theo sóng

Quay đầu. Trăm mối cứ ngổn ngang

Ta đó, hay cây mắc cỡ

Thu mình. Lại dậy. Mặc thế gian!

 

Ừ. Thì uống. Cười khà. Ta uống

Tỉnh cũng là say chẳng thắng thua

Giữa sa mạc hoa sương rồng tỏa mát

Trần gian đâu chỉ những cơn mưa!

Danh lợi chỉ như bọt nước, chỉ là phù du, rồi cũng qua đi. Mặc thế gian chuyện thắng thua được mất, nhà thơ như thở phào khi cái còn lại cuối cùng là giữ được thân giữa bộn bề thời cuộc, là cái phong thái ung dung tự tại đứng, đi không cúi mặt, là cái cách cười khà sảng khoái.

Văn Trọng Hùng nói mặc thế gian không phải là ông thờ ơ, chọn tìm cho mình chỗ đứng ngoài thời cuộc, lẩn tránh, hay bỏ mặc mọi thứ mà là cách nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng. Bởi đối với ông: Ai chẳng phút đắng cay/ Ai không giây hạnh phúc/ Nặng lòng chi được mất/ Tất cả có mà không! (Em có hiểu ta không?). Hạnh phúc, đắng cay, ai mà không từng trải qua ít nhiều, nhưng nếu cứ ôm giữ mãi những giây phút đó thì khác gì khối đá tảng đè nặng lên tâm tư của con người. Ta sẽ khó lòng chấp nhận những sự đổi thay. Muốn được mà không muốn mất. Muốn hơn mà không muốn thua. Cuộc sống như vậy chẳng khác nào bể khổ. Nhưng ở đây chuyện được mất không hề quan trọng, tâm hồn ông luôn thung dung, thảnh thơi/ nhìn núi thấy núi/ Nhìn sông thấy sông (Em có hiểu ta không?), để nhận chân mọi đổi thay của cuộc đời:    

Bạn đừng nói với ta vương triều nào còn mất

Những ảo ảnh đánh lừa sự thật

Làm sao ở mãi với nhân gian!       (Ta và trăng).

Trong vòng xoay chuyển của đất trời, sự vần vũ của thời gian, có gì là trường tồn mãi mãi? Ngay cả các vương triều thì hưng - vong, bĩ - thái,… cũng là điều khó tránh khỏi. Vậy thì có gì phải nặng lòng với những được mất ở đời. Bởi vậy, tác giả vui vẻ Tự bạch: Nhà thơ là ta/ Nhà kịch là ta/ Nhà vườn… cũng là ta! Dù là một nhà viết kịch tài hoa hay là một nhà thơ được yêu mến phòng văn vương mùi giấy, hay khi chỉ là một nhà vườn như một lão nông tri điền Ban ngày đôi tay lọ lem/ một chút nắng/ một chút gió/ một chút mưa/ một chút rạ rơm bùn đất thì ông vẫn vui với thực tại của mình. Đó chính là tâm thế để ông nhẹ nhàng đón nhận mọi sự đổi thay của cuộc đời…

Trong Ngửa mặt hỏi trăm năm, ta bắt gặp hơn một lần nhà thơ nhắc đến chuyện công danh ở đời chỉ là hư danh, như bóng mây qua trời. Ấy vậy, nhưng với một con người đầy lòng nhiệt thành với cuộc đời, đôi khi tác giả cũng không tránh khỏi những xót xa khi nhìn vào sự thật: Ta ào ào đến/ Rồi lặng lẽ đi/ Người vẫn vậy/ Không vui – khi ta đến/ Không buồn – khi ta đi/ Ngoảnh lại trùng trùng gió/ Mới biết mình sân si! (Ngộ). Đón nhận tấm lòng nhiệt thành đó là sự dửng dưng, lạnh lùng không vui, không buồn, kiểu như chẳng liên quan gì, chẳng có nghĩa lý gì, đến cũng được, không đến cũng chẳng sao. Hụt hẫng. Buồn. Ông tìm đến văn chương để giãi bầu tâm sự, lại thất vọng khi nhận ra người hiền như sao buổi sớm…!

Nghiêng vào văn chương đèn sách

nơi ta yêu quý nhất

cũng gập ghềnh chiếu dưới chiếu trên

người hiền như sao buổi sớm…!        (Xuân đến).

Những tưởng tìm đến với văn chương đèn sách sẽ gặp được những cung đàn đồng điệu trong tâm hồn, nhưng rồi lại nhận thấy, ở đó cũng gập ghềnh chiếu dưới chiếu trên. Trong một bản nhạc đẹp vẫn xuất hiện những tạp âm không mong muốn. Ông thừa nhận: sao có thể say nắng vàng hương cúc/ khi hồn ta trống trải đến bơ vơ! (Xin lỗi mùa thu). Lúc này, ta có thể cảm nhận thấy sự cô đơn đến tột cùng. Có thể, những lúc như vậy, ông lại tìm về với những vàng son một thời của dân tộc để soi chiếu, để giữ được thân và để thể hiện niềm hy vọng:

Sau mấy mươi năm kẻ mất người còn

Thế sự thăng trầm đời bao đen trắng

Những chân dung kia vẫn vẹn nguyên

qua năm tháng

Cứ bừng lên, tỏa sáng

Người người một thuở… non sông!         (Di ảnh).

Những suy tư nhân thế

Trở về từ khói lửa đạn bom của chiến tranh, hăm hở góp sức xây dựng quê hương, đất nước nhưng đôi khi lại nhận ra những điều trông thấy mà đau đớn lòng (Truyện Kiều). Nhà thơ chua chát thốt lên: Ngủ một giấc của thời bao cấp/ Giật mình thức dậy giữa văn minh/ Ô kìa nhà cửa cao chất ngất/ Xe hơi thay xe đạp một thời/ Những quán cà phê những quán nhậu khắp nơi/ Những trường học những nhà thương dầy đặc/ Những vũ trường những quán bar chen chật/ Những nhà buôn những doanh nhân tất bật/ Những danh ca siêu đẹp áo quần/ Những bữa ăn như chào hội mùa xuân/ Điện thoại nối liền châu lục!/…/ Truyền hình phát:/ Lúc hai giờ ba phút/ Một kỹ sư giết chị đoạt gia tài!/ Báo đăng:/ Ông cán bộ phù phép giấy tờ để chiếm đất đai/ Côn đồ hãm hiếp sinh viên rồi giết chết!/…/ (Ước). Đó là hiện thực xã hội đương thời. Cùng với những văn minh, hiện đại, phát triển là những lố lăng, những tha hóa, biến chất… Chúng ta không khó để bắt gặp điều đó trên các phương tiện truyền thông. Báo giấy, báo đài, báo mạng,… ngày ngày đưa tin. Mỗi người tiếp nhận những thông tin đó sẽ hình thành trong mình những cảm xúc nhất định. Người vui sướng, hãnh diện, người buồn lo, người phẫn nộ,… Còn nhà thơ bàng hoàng trước sự thay đổi của cuộc đời và lòng người. Nên Ước: Giá mang những văn minh kia vào giấc ngủ một thời! Nhưng đó chỉ là ước, chỉ là mong muốn của một con người mong xã hội ngày càng tốt đẹp, lòng người ngày càng thiện chân. Thực tại, xã hội vẫn luôn luôn có những đấu tranh, loại trừ để thay đổi. Chính tác giả cũng khẳng định:

Rồi còn nữa những rời xa mất mát

Sau lưng tưởng lặng mà không yên

Trước mặt trắng đen xa xót

Đa mang sao khỏi ưu phiền              (Độc thoại).

Có lẽ những sóng đời cuộn trôi, những thật giả, trắng đen, những hơn thua, được mất,… là thường tình ở đời, vẫn xảy ra hàng ngày mà không ít người đều biết. Nhưng lo lắng, ưu phiền lại chỉ bởi sẵn lòng đa mang. Bởi nhà thơ không thể thờ ơ trước sự đời đang diễn ra trước mặt. Con người đa mang ấy, có khi chua chát mà thốt lên:

Ý nghĩ như sương giăng

Hư hư ảo ảo

Nghĩa nhân lảo đảo

Lòng thú hình người

Nụ cười vô đạo

Mập mờ ly rượu câu thơ!                        (Ý nghĩ).

Có thể do đã chứng kiến, bắt gặp một sự thật phũ phàng nào đó trong cuộc đời khiến ông phải thốt lên một cách mỉa mai, đớn đau như thế… Mọi ranh giới trở nên mờ nhòa, khó phân định. Đối với một người từng vào sinh ra tử nơi bom đạn chiến trường, từng sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình với hy vọng về một tương lai rạng ngời cho đất nước, chứng kiến những mặt trái của xã hội, hẳn rất buồn. Bởi vậy, trong bài Nghĩ về Giác Am cư sĩ, câu thơ ông nói với người hiền của hơn hai trăm năm về trước mà người đọc tưởng như ông đang “hỏi” thực tại: Còn chăng tấm lòng non nước/ Thao thức khôn nguôi! Để rồi thốt lên Mong đời nay trăm họ gặp… thanh quan! Đó là mong ước chính đáng của Văn Trọng Hùng cũng như bao con người có tấm lòng non nước khác. Trong dòng chảy thao thiết của cuộc đời, họ khó tránh khỏi những cơn đau thế thái nhân tình (Nỗi nhớ) khi nhìn về cõi thực. Nói vậy không có nghĩa nhà thơ chỉ nhìn về những mặt trái của cuộc đời với cái nhìn bi quan mà đó là bản lĩnh dám đối diện, dám nhìn vào sự thật, dám chỉ ra cái sai của nó, để rồi vui với những đổi mới:

Nghiêng nghiêng chiều Thị Nại

Mà thành phố như sức xuân bừng dậy

Như con tầu vượt cạn ra khơi

(Viết ở Quy Nhơn).

Văn Trọng Hùng rất giản dị trong việc sử dụng ngôn từ: không trau chuốt gọt giũa, không hoa mỹ bóng bẩy nhưng tầng sâu ý nghĩa trong thơ ông thì lại vô cùng. Mỗi bài thơ đọc lên, điều người đọc nhìn thấy ở âm thanh phát ra chỉ là bề nổi, ẩn bên trong những câu chữ đó là bao tâm tư, suy nghĩ của nhà thơ về cuộc đời cũng như về chính bản thân mình. Ngửa mặt hỏi trăm năm hay là đối diện với chính lòng mình để thấy những buồn vui trong cuộc đời dâu bể! Trải qua hết thảy, điều cuối cùng vẫn mà một mong ước rất nhẹ nhàng:

Ngày mai về với đất

Không biết Phật hay ma

Xin vẫn là thi sĩ

Vi vu mãi hồn ta! (Nguyện cầu)

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm