May 5, 2024, 4:04 pm

Vĩnh Yên – đất tụ khí sinh văn

 

Sách Lĩnh Nam chích quái được xem là cổ thư sớm nhất của nước ta cho rằng, Văn Lang là tên nước đầu tiên của nước ta với sự trị vì của các vị Vua Hùng. Kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang đóng ở Bạch Hạc - Việt Trì.

Nước Văn Lang bị nước Nam Cường phía bắc dòm ngó nhiều lần rồi cất quân đánh chiếm, đặt tên nước là Âu Lạc, đóng đô tại Loa Thành. Thời gian từ nước Văn Lang kéo dài đến nước Âu Lạc là bao nhiêu năm, tôi đã tra cứu nhiều sách nhưng chưa tìm thấy sử liệu nào nói đến. Chỉ có một điều hầu như chắc chắn là kinh đô của hai nhà nước Văn Lang và Âu Lạc đều đóng trên đất Vĩnh Phúc (trước khi huyện Đông Anh được sáp nhập vào Hà Nội). Như vậy Vĩnh Phúc được coi là đất đế đô của hai vương triều, dịch chuyển từ phía Tây sang phía Đông. 

 

Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Internet

Theo sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh thì nước Văn Lang được chia làm 15 đơn vị hành chính, gọi là 15 bộ. Trong đó có quận Tân Xương gồm Phú Thọ, Sơn Tây, Vĩnh Phúc ngày nay (thuộc bộ Giao Chỉ). Đến nhà nước Âu Lạc, dưới ách đô hộ của nhà Hán bắt đầu từ năm 111 (tr.CN) thì nước ta bị chia làm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam là đất thuộc Bắc bộ và Trung Bộ ngày nay. Đến đời Tấn thì đất Tân Xương chia làm 6 huyện và mới có 3.000 hộ dân. Đến đời Hán quận Tân Xương thuộc phần lớn tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, trong đó huyện Mê Linh huyện lỵ vẫn ở làng Hạ Lôi. Đến đời Trần với tên được đổi là nước Đại Việt và được chia làm 21 đơn vị hành chính, gọi là 21 lộ. Dưới lộ là các châu. Thời kỳ này Vĩnh Phúc thuộc Châu Tam Đới gồm huyện Phù Long (?), Yên Lãng, Phù Ninh, Yên Lạc, Lập Thạch và huyện Nguyên Lang (?). Đến đời Nguyễn công cuộc cải cách hành chính diễn ra dồn dập, với quy mô lớn nhất diễn ra ở thời Minh Mệnh. Theo đó, Vĩnh Phúc thuộc Phủ Tam Đới rồi phủ Quảng Oai, đến năm Minh Mệnh thứ 2 đổi thành huyện Tam Đa, năm thứ ba đổi thành huyện Vĩnh Tường có thêm huyện Tam Dương cắt từ phủ Đoan Hùng. Đến năm 1891 lấy đất Phủ Vĩnh Tường đặt tên là đạo Vĩnh Yên. Đến năm 1899 đổi thành tỉnh Vĩnh Yên gồm một phủ là Vĩnh Tường và bốn huyện là Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương và Bình Xuyên. Như vậy, Vĩnh Yên, chính thức được công nhận là đơn vị hành chính cấp tỉnh, tính đến nay vừa tròn 120 năm. Đến năm 1905 nhà Nguyễn lấy tám huyện Yên Lãng của Sơn Tây, các huyện Kim Anh, Đông Anh, Đa Phúc từ tỉnh Bắc Ninh để lập một tỉnh mới là tỉnh Phúc Yên với hai phủ Yên Lãng, Đa Phúc và hai huyện Kim Anh và Đông Anh.

Sau cách mạng tháng Tám, 1945, dưới chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tỉnh Phúc Yên được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Yên với tên gọi Vĩnh Phúc ngày nay.

Mấy nghìn năm nằm trên trục chuyển dịch trung tâm chính trị từ Tây sang Đông của đất nước, Vĩnh Phúc trở thành mảnh đất hội tụ nhiều nhân tài, tiếp thu tinh hoa của nhiều vùng đất, từ đó mà trở thành một địa phương năng động, sáng tạo, hào hiệp, thích ứng nhanh với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bên cạnh các làng nghề phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt của triều đình, còn xuất hiện nhiều làng học nhằm đào tạo nhân lực cho bộ máy hành chính quốc gia. Đó là các làng học ở Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Dương, với nhiều thầy đồ từ xứ Nghệ ra. Thời đó, nền giáo dục rất uyển chuyển, chủ yếu là các lớp học gia sư, thế mà sản sinh biết bao bậc khoa bảng. Đặc biệt có lưỡng quốc tiến sĩ Triệu Thái ở Lập Thạch.

Nếu lấy thành phố Vĩnh Yên làm tâm điểm, quay một hình tròn 50 km, chúng ta sẽ thấy có biết bao địa danh lịch sử gắn với các tên tuổi tiêu biểu cho hào khí của một thời. Về phía Nam, đó là Mê Linh, quê hương của Hai Bà Trưng với cuộc khởi nghĩa lẫy lừng chống quân Đông Hán. Vẫn theo sách của cụ Đào Duy Anh, nhà nước Âu Lạc thời Hai Bà Trưng bao gồm cả miền bắc nước ta và một dải miền nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Điều này làm rõ thêm không gian trường trận rộng lớn của Hai Bà Trưng. Lại thêm một chi tiết thú vị bổ sung từ một số nhà sử học và khách du lịch cho biết, hiện vẫn có khá nhiều đền thờ Hai Bà Trưng trên đất Trung Quốc bây giờ. Đó quả là một sự phát hiện quá bất ngờ và thú vị. Đối xứng với Mê Linh về phía Bắc là ngọn núi Sáng thuộc huyện Lập Thạch, nơi vẫn được cho là căn cứ của Lí Bí (Lý Bôn), người đã dấy binh chống lại chế độ thống trị hà khắc của nhà Lương, chiếm thành Long Biên, lên ngôi  năm 544, đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm 546 Lý Nam Đế (Lý Bí), bị quân Lương đánh úp, ngài đã kéo quân lui về núi Khuất Lão (được cho là núi Sáng, huyện Lập Thạch) để củng cố lực lượng. Trước khi qua đời, ngài đã kịp trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc chiến đấu. Cách núi Sáng không xa về phía Đông là dãy Tam Đảo hùng vĩ, nơi có thời đã trở thành đại bản doanh của thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo) với một hệ thống đồn trú kiên cố từ Hương Canh đến Thanh Canh, Ngọc Bội. Nghĩa quân của Nguyễn Danh Phương có đến hàng vạn người, nhiều lần đẩy lui các cuộc đàn áp của triều đình, có cơ sở vững mạnh ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Cuộc khởi nghĩa kéo dài tới 10 năm. Quê hương của Nguyễn Danh Phương chính là đất Cói, nay là Phường Hội Hợp thành phố Vĩnh Yên. Vẫn Tam Đảo, sang cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX là nơi trụ lại cuối cùng của Hoàng Hoa Thám, người anh hùng áo vải trong cuộc khởi nghĩa lớn nhất vào thời cận đại. Nhắc đến Vĩnh Phúc, không ai có thể quên xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, quê hương của vị Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, danh tướng kiệt xuất của Nhà Lê. Tài năng công lao đức độ của ông làm nghiêng lệch cả trời đất và cái chết oan nghiệt của ông đã làm cho muôn đời nhỏ lệ. Nói đến lòng yêu nước là một hằng số của dân tộc, thì Nguyễn Thái Học thuộc hằng số đó. Sự nghiệp của ông không thành nhưng tiếng súng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái do ông làm chủ tướng đã làm rung động sang tận nước Pháp.

Xét về mặt địa lý, trong tỉnh Vĩnh Phúc không có nơi nào thích hợp để chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh bằng thành phố Vĩnh Yên. Trước khi có tỉnh Vĩnh Yên, có hai địa danh từng được chọn là kinh đô, đó là Bạch Hạc, kinh đô của các Vua Hùng và Cổ Loa (Đông Anh) là thủ đô của An Dương Vương nhà nước Âu Lạc. Hai đất ấy thích hợp là trung tâm của một quốc gia lớn nhưng với riêng Vĩnh Phúc thì một là lệch hẳn về phía Tây, một lệch hẳn về phía Đông, không thuận về nhiều mặt. Còn hai "ứng của viên" khác là Mê Linh và Vĩnh Tường. Mê Linh là một trong những bộ lạc lớn nhất và sớm nhất có từ thời nước Âu Lạc, có thành Hạ Lôi (thuộc Mê Linh ngày nay) được chọn làm trung tâm hành chính của huyện. Còn Vĩnh Tường nhiều thế kỷ được sáp vào đất của tỉnh Sơn Tây. Cả hai đất ấy có thể thích hợp làm trung tâm cho một huyện, nhưng không có nhiều ưu thế để trở thành trung tâm hành chính của một tỉnh.

Còn Phúc Yên tuy có thời gian được chọn là thủ phủ của tỉnh Phúc Yên, nhưng xét địa lý không thuận cho việc mở mang lâu dài. Phía Đông Nam có dãy núi Thanh Tước có thể làm bức bình phong nhưng lại bị xẻ làm đôi, án ngữ trước mặt, hạn chế đến sự trường phát.

Vậy thì chỉ còn có Vĩnh Yên, là phương án tối ưu.

Thành phố Vĩnh Yên lưng tựa dãy Tam Đảo hùng vĩ, có chùa Tây Thiên thờ Mẫu quốc, kéo dài về phía Tây có dòng núi Sáng của Lập Thạch, kéo về phía Đông có dãy núi của Ngọc Thanh, hình thành một chiếc ngai vững chắc. Mặt Đông và Tây Nam, Vĩnh Yên nhìn ra dòng sông Hồng, là một trong những con sông lớn của thế giới với những cánh đồng phì nhiêu, tươi tốt, là vựa thóc lớn nhất của tỉnh. Còn những cánh đồi trung du chạy miên man từ chân núi Tam Đảo đến sát kề phía đông bắc thành phố là đất tiềm năng từ bao đời đợi sẵn kỷ nguyên công nghiệp của Vĩnh Yên.

Ở vào thế chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng lại nằm trên trục chuyển dịch trung tâm hành chính quốc gia từ Tây sang Đông, Vĩnh Phúc vừa là đất tụ khí vừa là đất sinh văn. Hiện vật có giá trị nhất về văn hóa bác học của Vĩnh Phúc là tấm bia Văn chỉ được dựng ở Phủ Vĩnh Tường, sau chuyển về trung tâm thành phố  Vĩnh Yên. Trong một buổi khơi móng hệ thống giảng đường mới của trường Trần Phú, các công nhân xây dựng đã phát hiện ra tấm Văn chỉ nói trên và được lập nhà thờ ngay cạnh sân trường. Một tấm bia Văn chỉ được dựng lên ở trung tâm một trường phổ thông trung học có truyền thống nhất của tỉnh, đó là sự ngẫu nhiên, hay là sự sắp sẵn của lịch sử? Thật là một biểu tượng có ý nghĩa.

Qua tiến trình của lịch sử, đã có rất nhiều tao nhân mặc khách đến Vĩnh Yên. Trường hợp đặc biệt nhất là Trần Nguyên Hãn. Để tránh hoạn nạn của gia tộc, mẹ ông lúc đó đang mang thai ông đang đêm phải nhờ người trốn quê, đi ngược bờ đê sông Hồng, cuối cùng thì trụ lại ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Trần Nguyên Hãn sinh ra và lớn lên bên bờ sông Lô, từng là người bán dầu khắp các chợ trong vùng. Nhờ đi đây đi đó mà ông chiêu tụ được một lớp trai tráng và cùng với họ luyện võ để trở thành một đạo quân tinh nhuệ tìm vào Lũng Nhai giúp Lê Lợi. Trong bốn nhà thơ nữ nổi tiếng của văn học cổ cận đại: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, bà huyện Thanh Quan và bà Tương Phố thì đã có hai người đã làm dâu của Vĩnh Phúc. Đó là Hồ Xuân Hương và bà Tương Phố. Nhà thơ Hồ Xuân Hương trước lấy lẽ ông Phủ Vĩnh Tường, sau đi bước nữa với ông Tổng Cóc (có tài liệu nói là bà là vợ bé của Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiến (theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam). Có ý kiến cho rằng đó chỉ là truyền thuyết. Nhưng tôi tra cứu sách của cụ Đào Duy Anh thì ở cuối thế kỷ 18, và thế kỷ 19 không thấy có địa danh nào trùng với huyện Vĩnh Tường của Vĩnh Phúc.Vậy có thể tin Hồ Xuân Hương làm lẽ ông Phủ Vĩnh Tường (Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi - thơ bà viết vậy). Còn bà Tương Phố thì Từ điển Bách khoa Việt Nam ghi rõ như sau: “Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đào, sinh năm 1896, quê ở tỉnh Bắc Giang. Bà có đời chồng thứ nhất là bác sĩ bị đưa sang Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 khi trở về bị bệnh phổi và mất tại Huế năm 1920. Bà góa chồng năm 22 tuổi. Đến năm 27 tuổi bà tái giá với tuần phủ Phạm Khắc Chánh ở Phúc Yên”. Như vậy, theo phỏng đoán của tôi, bà Tương Phố, lúc đã là vợ một ông quan lớn đầu tỉnh thể nào cũng qua lại đất Vĩnh Yên và lên thưởng lãm ở Tam Đảo nhiều lần. Nhà thơ Bàng Bá Lân, người đồng hương với bà Tương Phố cũng nhiều năm dạy học ở Phúc Yên. Còn nhà thơ Tản Đà đã hai lần đến ở Vĩnh Yên dựng một căn nhà tranh ở chân đồi Láp, thời gian lâu nhất là hơn một năm rưỡi. Trong Hồi ký song đôi, nhà thơ Huy Cận có kể là ông cùng với nhóm Tự lực văn đoàn đã nhiều lần đến Vĩnh Yên trong điền trang của một ông chủ lớn (nhiều người cho rằng đó là điền chủ Đỗ Đình Đạo). Năm 1947, nhà thơ Tố Hữu đang làm Bí thư tỉnh Thanh Hóa, được Trung ương điều ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ lãnh đạo công tác văn nghệ. Vừa nhận nhiệm vụ xong thì thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cùng với các đoàn tầu chiến ngược sông Lô hình thành hai gọng kìm đánh lên Việt Bắc hòng vây bắt đầu não kháng chiến của ta. Nhà thơ Tố Hữu cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Thanh đeo ba lô từ Thái Nguyên tìm xuống Bắc Giang, gặp địch lại từ Bắc Giang vòng về Thái Nguyên, vượt Tam Đảo đến Vĩnh Yên và định lập đại bản doanh văn nghệ kháng chiến tại đây. Nhưng chưa ấm chỗ, địch lại đánh lên Vĩnh Yên, nhà thơ đành vượt sông Lô tìm sang đất Hạ Hòa, Phú Thọ. Chính trong chuyến chạy giặc này, Tố Hữu đã viết bài thơ Cá nước:

Tôi ở Vĩnh Yên lên

Anh trên Sơn Cốt xuống

Gặp nhau lưng đèo Nhe

Bóng tre chùm mát rượi.

 Năm 1969, sau lễ truy điệu Bác, nhà thơ Tố Hữu lên dưỡng bệnh ở Tam Đảo và tại đây ông viết trường ca Theo chân Bác nổi tiếng. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hải Như và một số văn nghệ sĩ khác sau thời gian trụ lại ở Phố Me, Tam Dương, cũng phải nhổ trại qua Pha Lương để sang Phú Thọ. Vì thế mới có địa danh "Pha Lương" trong trường ca Sông Lô của ông. Trong chiến dịch Trần Hưng Đạo 1951, nhà văn Nguyễn Đình Thi đi với bộ đội đại đoàn 312, sống nhiều ngày ở các xã bắc Tam Dương, về đến tận núi Tam Lộng để lấy tư liệu viết cuốn tiểu thuyết Xung kích nổi tiếng.

Hòa bình lần thứ nhất (1954), Vĩnh Yên có điều kiện đón tiếp nhiều nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Bảo Định Giang, Hà Xuân Trường, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Hữu Mai, Vĩnh Mai, Lưu Trùng Dương, Nguyễn Thành Long, Hoàng Tố Nguyên, Cầm Giang... lên thăm và sáng tác. Bạn đọc còn nhớ một câu thơ của Vĩnh Mai:

Mùa thu dừng lại ở Long Biên

Để một mình tôi lên Vĩnh Yên

Trong số các khách văn có nhà thơ Hoàng Tố Nguyên làm rể Hương Canh còn Cầm Giang làm rể Vĩnh Tường. Tôi còn nhớ năm 1963, Nhà hát Vĩnh Yên, một công trình lớn nhất được xây dựng thời bấy giờ, sau lễ khánh thành đã diễn ra cuộc bình thơ của nhà thơ Xuân Diệu trước hàng ngàn công chúng. Khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ mở rộng ra miền Bắc, không quân Mỹ đã chọn Nhà hát Vĩnh Yên là nơi trút bom đầu tiên. Cả một công trình đồ sộ và hiện đại bị san phẳng. Đó là một tội ác và nổi nhục không bao giờ quên đối với nước Mỹ. Trong những năm đầu chống Mỹ, nhà văn Đỗ Chu là chiến sĩ đeo kính trinh sát đo xa thuộc trung đoàn cao xạ 204 đóng tại xã Liên Bảo của Vĩnh Yên. Anh có một truyện ngắn Ga Trung du viết về Vĩnh Yên.

Sẽ rất thiếu sót nếu tôi không nhắc đến các nhà văn sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Phúc. Đó là một đội ngũ đông đảo gồm nhiều thế hệ viết chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Riêng văn học quốc ngữ đã có 29 nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú, Phùng Cung, Trần Đình Hiền, Hữu Thỉnh, Vũ Duy Thông, Ngân Vịnh, Trương Vĩnh Tuấn, Thái Vượng, Xuân Mai, Quách Liêu, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Hữu Hà, Đăng Bảy, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Ngọc Tung, Hải Thanh, Nguyễn Đăng Sâm, Nguyễn Nhuận Hồng Phương, Nguyễn Văn Dân, Đỗ Hàn, Nguyễn Đức Dũng, Dương Kiểu Minh, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Hòa Bình, Lâm Quý, Hoàng Tá, Vũ Đình Minh, Nguyễn Minh Châu (dịch giả) và đông đảo văn nghệ sĩ nhiều tài năng và tâm huyết đang bám trụ và sáng tác tại quê nhà.

Làng tôi cách thành phố Vĩnh Yên chừng 5km. Đó là một vùng đất cổ, tuy nghèo nhưng thanh bình và nề nếp. Năm 1952 thực dân Pháp bắt tất cả dân làng phá hết nhà cửa, chặt hết cây cối, san phẳng thành một vành đại trắng. Không có gì đau đớn hơn những người dân quê tôi phải tự tay đập phá ngôi nhà của mình mà cả đời lam lũ, tích cóp, dè sẻn mới dựng lên dược. Tất cả phải rời bỏ để vào dựng những túp lều tại một khu đồi trọc ở xã Thanh Vân. Đó là một trại tập trung, để tách dân với cán bộ, du kích, theo kiểu tát nước bắt cá, một thể nghiệm đầu tiên của ấp chiến lược của Mỹ áp dụng tại miền Nam sau này. Cả làng tôi phải bán đổ bán tháo mọi thứ gia dụng, để lấy vốn dắt lưng về sống tại trại tập trung. Lúc đó tôi đang ở với bác cả. Bác trai đi kháng chiến. Năm 1945, bác tôi dẫn đầu, một đoàn biểu tình vào lật chính quyền của Pháp tại Vĩnh Yên. Khi đến Cầu Lính, bị địch bắn ra dữ dội, đoàn biểu tình bị bất ngờ, không tiến lên được. Bác tôi bị ngã xuống suối, may có người cứu và phải phục thuốc cả tháng mới bình phục. Ở nhà chỉ có ông tôi, bác gái và các anh chị còn nhỏ. Một buổi sáng bác bảo tôi theo bác đi chợ tỉnh (tức chợ Vĩnh Yên). Bác thì quẩy một bu gà và mấy nải chuối xanh ra chợ bán. Còn tôi vác một chiếc đòn tay dài lướt thướt. Đi gần đến ngã tư Tam Dương (ngã tư Đông Đạo) tôi giật mình vì phía sau xầm xầm lao tới một đoàn xe thiết giáp chở đầy lính đi càn từ phía Vĩnh Tường về Vĩnh Yên. Tiếng xích tiếng máy gầm rít điên loạn. Tôi nép sát vào một bên đường thế mà vẫn bị chiếc xe đi sau hất vào đuôi đòn tay rúi đẩy tôi ngã vật xuống đám ruộng cày ải. Bùn đất và mùi xăng khét lẹt, bảo với tôi vừa thoát nạn. Đường vào chợ tỉnh còn phải đi qua hai bốt cầu Oai và bốt Cống tỉnh. Những lớp rào kẽm gai, những rừng chông tua tủa và những lỗ châu mai sâu tối như mắt quỷ tôi không còn lạ. Vì tôi đã đi phu bốt Vàng, bốt Thứa, bốt Thanh Vân, bốt Vân Tập nhiều ngày. Cảnh lính Tây lính ta mũ nồi đỏ, mũ nồi đen vác súng nghênh ngang tôi cũng từng chạm mặt quá nhiều. Chỉ điều lạ nhất là có quá nhiều cửa hiệu và hàng quà bánh mùi thơm phức mà bụng tôi thì đói meo.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bị vây bọc bởi hệ thống đồn, bốt dày đặc, kiên cố và với đạo quân đồn trú, cơ động tinh nhuệ nhất, nhưng chúng vẫn không thể ngăn được lòng dân Vĩnh Yên hướng ra kháng chiến. Đêm đêm, dưới ánh đèn dù đèn pha, từng đoàn dân công vẫn lặng lẽ gánh gạo vượt sông Đáy ra vùng Lập Thạch là đất tự do. Riêng thị xã Vĩnh Yên là thị trường rộng lớn nhất để cung cấp muối, dầu hỏa, thuốc men, vải vóc, giấy mực và cả những chiếc xe đạp mới nguyên được cả một đạo quân hùng mạnh và khôn khéo của chiến tranh nhân dân tiếp tế cho kháng chiến. Biết bao chàng trai, cô gái từ các vùng tạm chiếm được móc nối để gia nhập hàng ngũ anh bộ đội Cụ Hồ. Có hàng nghìn dân công Vĩnh Yên tham gia tải gạo, làm đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lòng yêu nước của người dân quê Hai Bà Trưng là kết tinh cao đẹp của đất sinh văn góp phần làm nên nghiệp lớn của Cách mạng và kháng chiến.

Trong quá trình đi sưu tầm, lấy tài liệu viết trường ca Trăng Tân Trào tôi đã được nghe các lão đồng chí ở Tuyên Quang kể rằng: Dù bận dồn hết trí tuệ và sức lực lãnh đạo kháng chiến, Bác vẫn dành thời gian để tăng gia và luyện tập thân thể. Một lần Bác ngỏ ý với các đồng chí giúp việc làm một sân bóng chuyền. Tìm ra sân bóng bằng phẳng và kín đáo thì không khó. Nhưng khó nhất là kiếm đâu ra lưới và bóng? Tìm khắp các chợ kháng chiến đều không có, các đồng chí giúp việc Bác mới liên hệ với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đang đóng tại Ngọc Kỳ, thuộc huyện Lập Thạch. Lãnh đạo tỉnh đặt vấn đề với các cơ sở ở Vĩnh Yên. Và chỉ trong một thời gian ngắn, trái bóng chuyền và cả tấm lưới đã được người dân Vĩnh Yên bí mật chuyển ra vùng giải phóng. Một món quà nhỏ mà nói lên tất cả lòng kính yêu và tin tưởng của người dân Vĩnh Yên đối với Bác. Nhiều năm qua khán giả trong ngoài nước đều xúc động được xem một trường đoạn phim Bác đánh bóng chuyền trong kháng chiến, một nét sinh hoạt bình dị, ung dung nói lên phong thái rất đặc biệt của Bác.

Sau Hiệp định Giơ ne vơ, thị xã Vĩnh Yên được tiếp quản nguyên vẹn. Nói nguyên vẹn là nói cảnh nhà các khu phố nghèo của người dân. Và còn nguyên vẹn tất cả hệ thống đồn bốt với boong-ke cốt thép, những tầng rào kẽm gai, chông tre, bãi mìn, những phòng giam, những phòng hỏi cung với đầy đủ các dụng cụ tra tấn, cực hình rất man rợ. Tất cả tội ác trời không dung đất không tha của kẻ cướp nước, những thứ làm nhục nhã nền văn minh Pháp do đạo quân viễn chinh vì quá hốt hoảng mà chưa kịp xóa bỏ dấu vết.

Vĩnh Yên đứng lên từ cảnh hoang tàn đó, coi như làm lại từ đầu, biến một thị xã phục vụ cho một đạo quân xâm lược với đủ thứ ăn chơi đồi bại thành một thị xã lao động, an bình theo đời sống mới. Chỉ tính riêng khu vực bốt Bầu, phải hơn mười năm mới tháo gỡ hết hệ thống bom mìn. Thay vào đó, một nền văn hóa mới được dựng lên tuy lúc đầu còn thô sơ nhưng giàu sức sống. Có bãi chiếu phim ngoài trời, sau làm nhà hát 19-5. Có thư viện công và tư nhân. Có đoàn cải lương Bến Tre và đoàn chèo Vĩnh Phúc với nhiều vở diễn đặc sắc, đêm nào công diễn cũng đông nghịt người mến mộ. Tôi đã nhiều lần bớt tiền mua thức ăn để thuê sách hiệu Bảo Thịnh. Nhiều đêm tôi ngồi đọc sách dưới chân cột đèn điện, bị đám thiêu thân rơi đầy mặt. Lúc đó, toàn thị xã có hai trường trung học. Trường Tô Hiệu là công lập, trường Hoàng Hữu Nam tư thục. Trường Tô Hiệu lợp lá, có gần 20 lớp, một thời gian dài do thầy Trần Gia Nông làm hiệu trưởng, thầy Trần Thiện Tường làm hiệu phó. Tôi rất thích những bài phát biểu khai mạc hay bế mạc năm học của thầy Tường. Bài nói của thầy rất hay, hút lấy tôi như một giờ giảng văn chính thức. Thầy rất đẹp, giọng sang, nét mặt luôn bừng sáng. Tôi nghe các anh lớp trên nói thầy là con quan ở phủ Hưng Hóa. Vợ thầy là giáo viên cấp một. Đó là một cô giáo đẹp nhất trong vùng. Con đầu của thầy là Trần Bình Minh, học lớp 5A, còn tôi học lớp 5Đ. Ở trường Hoàng Hữu Nam có một thầy rất đặc biệt đó là thầy Từ Bộ Hứa, con ông Từ Bộ Thực là điền chủ ở xã Kim Long, huyện Tam Dương. Ông Từ Bộ Thực là một trí thức, có thời gian tham gia làm một tờ báo tiến bộ bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Các nhà văn nói báo ấy khó in nhưng nhuận bút lại nhỉnh hơn nhiều báo khác. Thầy Từ Bộ Hứa gầy yếu, luôn đội chiếc mũ phớt sờn cũ, dáng đi luôn cúi xuống, trầm ngâm, đặc biệt là thấy có hàm răng nhiều mẻ vỡ. Người ta bảo do một hoàn cảnh nào đó, thầy uống thuốc tự sát, người tuy cứu được nhưng bị hỏng mất hàm răng. Thầy rất được học sinh kính trọng. Tuy không học thầy Hứa, nhưng mỗi khi ngẫu nhiên gặp thầy trên đường, tôi đều dừng bước cúi chào thầy. Chính hai trường Tô Hiệu, Hoàng Hữu Nam và sau này có thêm trường Trần Phú nữa, là những chiếc nôi đào tạo nên cả một thế hệ thanh niên mới góp phần vào nguồn nhân lực to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Ở trường Trần Phú, có biết bao thầy cô rất giỏi, yêu học trò như con, quý trường như nhà mình. Vì bài viết không thể kéo dài, tôi xin kể về thầy Nguyễn Trọng Trân. Thầy tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm, nói thạo cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Khi tham gia kháng chiến, thầy được cử phụ trách trường Nguyễn Thái Học, tiền thân của trường Trần Phú ngày nay. Trường mới lập, nghèo quá, ngoài giờ lên lớp, thầy phải mở một hiệu cắt tóc để lấy tiền chi cho hoạt động của nhà trường. Sau khi trường chuyển về Phúc Yên rồi Vĩnh Yên, thầy được chuyển lên làm phó Ty giáo dục của tỉnh. Hiện thầy vẫn còn sống ở nhà riêng gần chợ Bưởi, Hà Nội. Trước khi đặt bút viết bài này, tôi đã đến thăm thầy vào đúng ngày 20 tháng 11.

Xây dựng thành phố là công sức của bao nhiêu thế hệ lãnh đạo, của cán bộ và nhân dân, trong đó có phần đóng góp nhỏ bé của thầy trò trường Tô Hiệu. Hồi ấy, mỗi tuần có một buổi lao động xã hội chủ nghĩa. Thầy chủ nhiệm Phạm Văn Nam, quê Ninh Bình, đã nhiều lần đưa chúng tôi đi đào móng, xây nền cho Viện quân y 109, thuộc địa phận xã Đông Đạo, phía đông nam Cầu Oai. Xong việc ở viện 109 thì thầy trò Tô Hiệu lại lên đào móng xây trường Trần Phú. Đất đồi rắn như bê tông, nhiều đứa bổ phồng tay. Nhưng thú vị nhất là đào ở chỗ nào cũng nhặt lên được những mảnh mê-ca dày từng mảng như bánh tráng cuốn. Chúng tôi bảo nhau phải viết thư về báo Khoa học và Đời sống báo tin ở Vĩnh Yên có mỏ mê-ca. Bàn nhau thì hăng hái, nhưng sau lại có đứa bảo: Ôi dào, mỏ mê-ca ở ngay giữa thị xã, bao lâu rồi làm gì người ta không biết. Nếu viết thư chẳng khác nào cầm đèn chạy trước ô tô. Thế là sẹp. Lại có đứa than: Mình cuốc móng rộp cả tay, không biết bao nhiêu đứa có may mắn lọt vào trường Trần Phú. Đúng thế thật. Nhiều học sinh Tô Hiệu không có cơ hội học tiếp, nhưng những buổi lao động ấy cũng góp phần rèn rũa chúng tôi như những buổi lên lớp thực sự.

Năm 1960, các cơ quan lãnh đạo, quản lý của tỉnh chuyển từ Phúc Yên lên Vĩnh Yên. Từ đó, Vĩnh Yên có bước phát triển nhảy vọt. Bệnh viện 109 đóng trên núi An Sơn chuyển ra xã Đông Đạo nhường lại cho cơ quan Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Phía bên trái núi, là một công viên rộng lớn với những thảm cỏ và những cây cổ thụ che rợp cả một khoảng trời. Cò bay về đậu trắng trên các vòm cây. Công viên đầy tiếng chim. Chúng tôi ngồi ôn thi, trao đổi bài từng tốp từng tốp dâng đầy một không khí mộng mơ trước ngưỡng của của cuộc đời. Chính tại công viên này, Bác đã nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong tỉnh, trong đó có trung tá Lê Xuân Kiên, tham mưu trưởng và Đào Văn Xuân, phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn xe tăng 202 đơn vị mà sau này tôi được làm lính suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Là tuổi đến trường, chúng tôi chú mục vào sách vở là chính, ít được tham gia các hoạt động xã hội rộng lớn. Nhưng trong các cuộc mít tinh, chúng tôi rất trân trọng ngắm nhìn hình ảnh các bác Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy, bác Hồ Ngọc Thu, Chủ tịch tỉnh và các bác lãnh đạo khác như Bạch Văn Sản, Trần Quốc Phi, Đặng Đình Dưỡng, Bùi Quế, Nguyễn Thị Đồng, bác Nguyễn Thị Hồng Nhung... Ở Vĩnh Yên, tôi nhớ nhất bác Nguyễn Sơn Hà, chủ tịch thị xã. Bác dong dỏng cao, dáng trí thức và đọc diễn văn các cuộc mít tinh rất hay.

Bao nhiêu tên tuổi họp thành một thế hệ vàng xứng đáng là những vầng trán trí tuệ và nhân cách cao đẹp, trọng dân, tất cả vì dân, trọng kẻ sĩ, biết thu hút và tập hợp bao nhiêu trí thức, nhân tài từ mọi miền đất nước về xây dựng tỉnh. Với các thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau, Vĩnh Yên trở thành biểu tượng của sự gắn kết giữa Đảng với dân, dân với Đảng. Bài học về khoán hộ của bác Kim Ngọc đã đi vào lịch sử, trở thành phẩm cách cao đẹp. Tôi thích ngắm vầng trán và đôi mắt của bác Kim Ngọc, tỏa khí chất một người có tầm vóc lãnh đạo quốc gia. Nếu không phải một người luôn đặt cuộc sống của nhân dân lên trên hết, một người chỉ co lại lo an toàn cho chiếc ghế của mình thì không sao có được một tầm vóc kinh bang tế thế như vậy. Một con người làm vẻ vang cho một vùng đất, đó là bác Kim Ngọc.

Những năm đi học, tôi ở trọ từ xóm Khâu, xóm Tiếc, xóm Gẩu, xóm Bầu đến phố Chiền. Sau này vào lính xe tăng, tôi vẫn thường được ra Vĩnh Yên thăm lại trường và bè bạn. Rồi tôi lại có một căn nhà nhỏ trên phố Mê Linh. Biết bao kỷ niệm tình đất, tình người. Tôi mang theo suốt đời những ngõ phố thoảng hương dạ lan vào các đêm trăng, những gương mặt vô cùng thân thiết của các thầy cô, những cử chỉ ân cần, đùm bọc của các gia đình khi tôi đến ở. Tôi nhớ những lần đi gánh thóc thuế nghĩa vụ nộp vào kho Nhà nước ở Căng Vĩnh Yên cũ. Tại đó, bố tôi đã bị tù và bị tra tấn rất dã man vì hoạt động kháng chiến chống Pháp. Và tôi nhớ, những đêm đông lạnh buốt, khi cả thị xã đã chìm vào giấc ngủ thì tôi vẫn đang phục vụ đưa từng đoàn xe tăng lên xe hỏa xuất phát từ ga Vĩnh Yên vào chiến trường. Trên những chiếc xe tăng đó, có những người bạn cùng trường Trần Phú năm xưa. Lúc chúng tôi đi có 64 người, sau chiến tranh chỉ còn chưa đầy nửa. Sự hy sinh của họ cùng với bao nhiêu sự hy sinh khác của Đảng bộ và nhân dân đã góp vào bề dày lịch sử 120 năm vẻ vang của thành phố.

Từ một thị xã chủ yếu là buôn bán nhỏ và làm nghề thủ công, cùng với thời gian, Vĩnh Yên đang cất cánh. Nhớ thời đi học, không biết ai đã đặt ra câu ca dao vui mà rất thực:

Vĩnh Yên grat thân yêu

Thủ đô nồi đất sớm chiều khói bay

Câu ca dao của một thời nghèo khó. Nhưng có trải qua nghèo khó mới thấy hết tầm vóc vươn vai của thành phố bây giờ, mới biết yêu, biết quý, biết giữ gìn những giọt máu, những giọt mồ hôi của bao thế hệ.

120 năm qua, là một cuốn sử với biết bao thăng trầm, bao nhiêu sự tích, bao nhiêu phận người. Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, Vĩnh Yên vươn lên tầm một thành phố nổi bật của Trung du, từng ngày mở mang, phát triển. Có những điều mà ngay cả các thế hệ đi trước cũng không dám mơ ước tới. Thành phố được mở rộng gấp 2 lần, số dân tăng gấp gần 4 lần, tỉ lệ công nghiệp và dịch vụ chiếm 95%. Tôi tin không xa nữa, thành phố Vĩnh Yên sẽ trở thành trung tâm của thành phố Vĩnh Phúc vươn lên trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa./.

Hà Nội, 20/11/2019

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020

 


Có thể bạn quan tâm