April 26, 2024, 12:53 pm

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ BÙI HẠNH CẨN, CÂY BÚT CUỐI CÙNG CỦA VĂN NGHỆ LIÊN KHU 3

 

LTS: Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, Hội viên sang lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) đã từ trần hồi 16 giờ 45 phút ngày 4/2/2020, hưởng thọ 102 tuổi.
Lễ viếng và truy điệu nhà văn Bùi Hạnh Cẩn được tổ chức lúc 10 giờ 30 phút đến 12 giờ 5 phút ngày 7/2/2020 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau lễ truy điệu, thi hài nhà văn sẽ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội). Lễ an táng được tổ chức lúc 10 giờ 30 phút ngày 10/2/2020 tại nghĩa trang quê nhà (thôn Vân Tập, xã Minh Tân, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

 

Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn (thứ 2, từ trái qua) và nhà văn Nguyễn Công Hoan (ngoài cùng, bên phải) - ảnh: Hồng Cơ. 
     

Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn là cây bút cuối cùng của Văn nghệ Liên khu 3 trong kháng chiến chống Pháp vừa từ biệt bạn đọc.      Ở Liên khu 3, Bùi Hạnh Cẩn phụ trách phần nội dung cho tờ Lúa Mới, tham gia ban Biên tập của tờ Văn nghệ Rạng Đông. Đây là những tờ báo có tính chất văn học nghệ thuật dành cho các cây bút trẻ.Những năm tháng làm báo, thỉnh thoảng nhận được từ trong vùng địch tạm chiếm Hà Nam, Phát Diệm gửi ra phóng sự ký tên tác giả Phạm Thế Hệ, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đã chú ý. Khi phụ trách báo chí của Đoàn ủy Cải cách Ruộng đất Liên khu 3, một lần nữa thấy tên Phạm Thế Hệ, ông đề nghị giữ lại để bồi dưỡng làm báo. Về sau, Phạm Thế Hệ chính là nhà văn Vũ Bãonổi danh. Nhớ chuyện xưa, Vũ Bão hồi ký lại: “Tôi lại càng nhớ ơn nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đã dạy tôi miếng võ đầu tiên để tạo thế trụ lại lâu dài trong làng báo”.  
Thời gian làm báo ở Liên khu 3 của Bùi Hạnh Cẩn tuy không dài nhưng đã giúp ông ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, giúp ông tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, gây dựng lòng say mê với nghề viết, tạo đức tính khiêm tốn, cẩn trọng, nghiêm khắc đối với những gì mình viết” (Tiến sĩ Hoàng Văn Quang - Học viện Báo chí và Tuyên truyền).  
  Theo lời nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn kể với người viết bài này, ban đầu tổ chức chọn tên Văn nghệ Mầm non, nhưng nhà thơ Lan Sơn phản ứng: “Các anh là Mầm non thế thì chúng tôi là mầm già à?”. Vì vậy, tổ chức lại đổi tên thành Văn nghệ Rạng Đông. Chuyện Văn nghệ ở Liên khu 3 khá dài. Xin tóm tắt một vài kỷ niệm sau đây… 

 

“Anh [Bùi Hạnh Cẩn] xử sự giống như người anh cả trong gia đình, phần việc gì bọn lính mới tò te chưa làm được lại rơi vào tay anh. Anh nhỏ nhẹ bảo ban chúng tôi tìm được từ chính xác thể hiện đúng tình huống đã xảy ra trong bài báo. Bọn chúng tôi lúc thì mải chơi, lúc thì làm ẩu nhưng tôi chưa thấy anh một lần nói nặng lời. Tôi mến anh ở chỗ tiếng rằng người phụ trách cơ quan nhưng chưa bao giờ anh tỏ ra hơn thưng anh em, điều mình nói là đúng, điều mình viết là hay” (Nhà văn Vũ Bão)

 

Để thông tin kịp thời tình hình kháng chiến kiến quốc, tháng 10/1946, tỉnh Nam Định ra chỉ thị thành lập một tờ báo. Sau gần 2 tháng chuẩn bị, ngày 21/12/1946, số đầu tiên của tờ Nam Định kháng chiếnđã ra mắt độc giả. Phụ trách chung là nhà báo Chu Hà, tòa soạn có Bùi Hạnh Cẩn, Sao Mai (Tân Khải Minh) cùng một vài cây bút khác. Địa bàn hoạt động chính của báo là Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Chẳng bao lâu, báo Nam Định kháng chiến toả đi khắp các xã, huyện, đưa vào thành phố, phát đến tận tay lính lê dương, làm tốt nhiệm vụ thông tin và địch vận.

Bước sang năm 1947, chiến sự tại Nam Định ngày càng diễn ra ác liệt. Nhận thấy tờ Nam Định kháng chiến không còn phù hợp với tình hình, Liên khu uỷ 3đề nghị tỉnh Nam Định đình bản tờ này và thay thế là một tờ báo khác ít có tính đối địch hơn. Thực hiện chủ trương của cấp trên, báo Công dân ra đời mang màu sắc trung lập. Nhà thơ Chu Hà tiếp tục làm Thư kí toà soạn báo Công dân. Tòa soạn có Nhà văn Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác), Sao Mai, Bùi Hạnh Cẩn, sau bổ sung thêm Trần Lê Văn, Lộng Chương… 

Cũng như phần lớn những nhà báo kháng chiến lúc đó, Bùi Hạnh Cẩn tỏ ra rất linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút của mình. Lúc ông viết truyện ngắn, kịch, làm thơ trữ tình, khi ông làm thơ trào phúng, kí, phóng sự, thậm chí đưa cả những tin chiến sự ngắn. Nội dung phản ánh chủ yếu là phơi bày tội ác của thực dân Pháp và bọn Việt gian phản động, nhưng cũng có khi ông lại nhẹ nhàng phê phán, góp ý về những lệch lạc trong tác phong sinh hoạt, lối sống của cán bộ, chiến sỹ, sự mất cảnh giác của đồng bào tản cư. Mục Trên đe dưới búa do ông phụ trách được bạn đọc rất hoan nghênh. Lối viết giản dị theo thể văn vần bắt đầu hình thành và ngày càng được thể hiện thường xuyên trong cách viết của Bùi Hạnh Cẩn. 
Báo Công dân ngày càng chiếm được tình cảm của bạn đọc, số lượng phát hành tăng cao. Ngày 16/10/1949 lính Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, báo hiệu một trận chiến khốc liệt diễn ra. Để bảo toàn lực lượng, cấp trên chủ trương đóng cửa tờ Công dân. Cuối tháng đó, báo ra số từ biệt độc giả.
Năm 1950, Bùi Hạnh Cẩn tham gia Ban Tuyên truyền kháng chiến, là phóng viên mặt trận cho báo Cứu quốc Liên khu III và một số tờ báo khác. Nhiều bài viết của ông trong thời kì này đã làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ và người dân vùng kháng chiến. 

Khi Cải cách Ruộng đất, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn được chỉ định tham gia công tác tuyên huấn của Đoàn ủy phụ trách báo chí. Nhà văn Vũ Bão kể lại, hồi ấy trong hệ thống tổ chức của ngành báo chí chưa có chức danh tổng biên tập, thư ký tòa soạn và các trưởng ban như bây giờ. Vì thế, Bùi Hạnh Cẩn vừa làm tổng biên tập, vừa làm thư ký tòa soạn, vừa làm trưởng ban phóng viên "Ba quân chỉ ngọn cờ đào/ Đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Truy". Đồng thời ông vừa làm trưởng ban biên tập, sửa toàn bộ bài vở của phóng viên đi cơ sở gửi về và của các cộng tác viên dưới đội gửi lên…
“Hàng ngày việc cứ bơi ra, nhưng tác phong Việt Minh, anh cứ lẳng lặng làm hết việc này đến việc khác. Nhiều đêm tôi ở trọng điểm về đến nhà vẫn thấy anh ngồi viết dưới ánh đèn Hoa Kỳ. Anh viết xã luận, anh làm ca dao, đọc lại bản in thử của nhà in vừa đem đến”, nhà văn Vũ Bão hồi ký./.
 


Có thể bạn quan tâm