April 26, 2024, 7:34 pm

Viết từ khu phong tỏa

 

Từ tận đẩu tận đâu, trận dịch với cái tên gọi lạ hoắc COVID-19 hay SARS-CoV-2 mới đầu còn ở Vũ Hán, kế đến tạo thành làn sóng ở châu Âu, châu Mỹ…cứ có cảm giác như nó còn xa mình. Có không ít người cũng dễ tạo nên suy nghĩ “chắc nó trừ mình ra”, mở rộng ra “chắc nó trừ xứ sở, gia đình mình ra” v.v… (!) Suy nghĩ vậy cũng dễ hiểu, vì khi mới bùng phát, dịch còn đang ở khá xa! Tuy nhiên, sự cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời trên báo chí và có phần “hơi quá” trên mạng xã hội đã làm cho những ai thờ ơ với covid cũng phải dè chừng, dù nó chưa bùng phát mạnh ở Việt Nam.

 

Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Internet

Đến nay đã là đợt dịch lần thứ tư, tốc độ và “ác liệt” hơn nhiều so với 3 đợt trước.

Có cảm giác, dịch như vòng vây, siết chặt dần, chặt dần, và cuối cùng thì, nó đến ngay trước cửa căn hộ nhà mình!

Chiều hôm ấy về nhà sau giờ làm, vừa đưa chiếc xe máy vô nhà tôi đã nghe không khí khác thường râm ran bên ngoài đường hẻm. Nghe gì chưa? Có chị P. hàng thịt bị dương tính rồi! Là sao? Là F0 đó! Nguy hiểm lắm, bả hay tới lui tiệm tạp hóa mua đồ và nói chuyện cả buổi. Cô tạp hóa F1 rồi. Cả xóm hẻm mình không biết ai F mấy từ tiệm tạp hóa đó nữa? Trời ơi là trời! Không biết sao đây nữa?

Nghe họ bàn tán rộn bên ngoài, tôi đã hơi “điếng” với thông tin quá bất ngờ này, liền bước ra định hỏi thêm cho rõ vì nguồn tin chưa đăng báo và ngay cả mạng xã hội dù “nhanh nhảu” nhưng cũng chưa hề có ai đề cập! Những thông tin nóng gấp dạng này, khi báo đăng thì mọi việc đã an bài, trở tay không kịp nữa. Quả thật trở tay không kịp vì nhà tôi có kịp chuẩn bị gì đâu nếu xóm bị phong tỏa ngay lúc này. Điều tôi lo đã thành sự thật! Khi tôi bước ra, đập vào mắt tôi là chiếc rào chắn di động vừa được đặt tại chặng hẻm bên trên nhà! Anh khu phố trưởng đi cùng anh dân phòng và công an phường đang đứng đó bàn bạc. Các nhà gần đó cũng xúm ra góp lời: Ở đây nhà nào cũng có mua đồ ở tiệm tạp hóa đó hết á, chỉ có hẻm ngoài thì ít tới đây mua. Chỉ mươi phút sau, chiếc rào chắn di động được chuyển xuống đoạn hẻm bên dưới, thế là nhà tôi chính thức bị lọt vào khu phong tỏa vì nằm ở quãng giữa!

Bắt đầu có chút bấn loạn của những người trong cuộc. Nhà bên hàng xóm phát ra tiếng quát tháo “Đã nói rầu mà không nghe, cứ mua cho cố, giờ làm gì đấy thì làm, đổ đi đâu thì đổ”. “Ông nói sao? Tui làm cho mình tui ăn hả?” Số là, nhà họ mua bán rau củ quả, chị vợ mới nhập về mấy chuyến sáng nay! Nếu ứ đọng trong khu phong tỏa, thì vốn liếng đi đứt, rau củ quả úng thối không biết bỏ đi đâu! Biết nói gì trong lúc này! Tôi cảm được vị đắng chát mà không giúp gì họ được! Một lát sau thấy họ im tiếng, tôi ra định hỏi họ có cần gì chăng, thì thấy hai vợ chồng họ đang chất hàng lên xe đẩy, vợ chồng tôi cũng xúm vào phụ một tay, lần lượt chuyển ra phía ngoài chốt gác lúc này vẫn chưa “niêm” bảng cấm, còn khoảng hơn nửa tiếng nữa mới chốt hẳn. Họ nhờ người bà con bên ngoài tới chở hết về nhà bán giùm cho xong! Tôi thở phào, nhẹ lòng cùng họ!

Chưa kịp mừng trọn việc trên, thì lại se lòng vì một ông bạn khác. Người này là thợ sửa đồ gia dụng, đang làm nghề ở chợ trung tâm. Hằng ngày anh ta dậy từ sớm, đến chợ đón khách hàng tới cậy sửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về. Anh như con ong chăm chỉ ngày nào cũng như ngày nào, không gián đoạn ngày nắng hay ngày mưa, trời yên hay trời bão!

Giờ này hẻm phố đã lên đèn, ánh đèn buổi xẩm nó vàng vọt chứ không được lãng mạn như trong thơ trong nhạc mà tôi từng đọc từng nghe! Anh về nhìn bảng cấm rào chắn trong hẻm mà ngơ ngác, vợ để dành cơm về cùng ăn, anh quẳng va li đồ nghề đánh thịch, bỏ đi nằm, không nói tiếng nào! 14 ngày, 21 ngày hay hơn nữa, anh sẽ không còn đều đặn 6 giờ sáng đến 6 giờ tối hằng ngày đi và về vì cuộc mưu sinh, vì covid nó chặn thì phải dừng! Nghề sửa chữa của anh, cũng có nhiều người cùng nghề vây quanh trong cụm chợ làm cùng nhau, mà lạ, khách hàng khi tìm tới lại cứ đến ngay chỗ anh đang ngồi để cậy sửa đồ cho họ. Quả thật, cái duyên ngồi chợ không phải ai cũng có! Nhờ cái duyên đó mà mỗi ngày anh thu nhập cũng khá, một tay làm gánh cho cả hộ gia đình quanh năm không phải lo nghĩ gì về miếng cơm manh áo, nuôi con ăn học các thứ… Do đó chợ như ngôi nhà thứ hai của anh! Thế mà bây giờ anh phải xa ngôi nhà thân thiết này ít nhất 2 tuần, hỏi còn thiết gì đến ăn uống trong lúc này?

Từ anh thợ sửa đồ gia dụng, tôi chợt nhớ cách nay mấy tháng trong một chuyến đi Đà Nẵng, anh taxi kể tôi nghe: Hàng trăm đồng nghiệp của anh phải trả xe cho công ty để về làm việc khác, vì không có khách nữa, đặc biệt là không có khách Tây boa cho nữa (họ đổi tiền Việt chưa kịp tiêu hết, khi taxi đưa ra sân bay về nước, họ dốc túi có khi đến vài ba triệu còn lại tặng hết cho ai chở họ, bởi mang về nước cũng không hoặc khó sử dụng được); những khách sạn trăm phòng chỉ còn 7-8 phòng hoạt động gánh cho cả trăm phòng kia; giá nhà, giá đất giảm vì không kinh doanh được... Tất cả đều vì đợt dịch Covid lần 2 xảy ra tại thành phố sầm uất này.

 

*

 

Trời đã chuyển hẳn vào đêm. Xóm hẻm yên ắng lạ kỳ. Mẹ nó giục ăn cơm nhưng tôi cũng không còn tâm trạng nào ngồi vào dùng bữa, buồn lây với những nhà bên cạnh, và cũng bắt đầu dấy lên một chút ít lo lắng không rõ nét cho mình. Không biết mẹ nó mua gì ở hàng tạp hóa rồi, đi chợ có gặp bà hàng thịt kia không; hay xóm này bao nhiêu lượt người lui tới có mang “ẻm” covid nào thả trước ngõ nhà tôi, vào lúc mọi người trong nhà nghĩ là nhà mình nên không đeo khẩu trang không? Tôi lại nghĩ quẩn: lỡ trong nhà có ai xảy bệnh đột xuất (không có yếu tố covid), vào thời điểm mấy tuần phong tỏa này, biết xoay xở làm sao?

Còn đang thừ người nghĩ ngợi thì tiếng loa thông báo vẳng lên từ các nhánh hẻm, to dần, rõ dần…ra đến hẻm chòm xóm và cuối cùng ở ngay trước cửa nhà tôi:

Ủy ban nhân dân phường ta thông báo: Hiện nay khu phố này của phường đã có ca dương tính với COVID-19. Đề nghị bà con không hoang mang, lo lắng, tuyệt đối không ra khỏi nhà, thực hiện tốt các biện pháp 5K của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

Tôi hé cửa dòm (cứ như mở rộng là covid nó tuồn vào vậy!), thấy bên ngoài không một bóng người trong xóm, vì mọi nhà cũng đều đóng cửa im thít. Chỉ có chiếc “loa kẹo kéo” và hai người mặc đồ “bít bùng” đang đẩy đi để truyền thông báo. Ánh đèn đường vàng vọt như bóng trăng đang hắt sáng xuống mặt đường, cùng với bóng người mặc đồ bảo hộ không thấy mặt mũi, kèm nội dung phát “không hoang mang, lo lắng”, lại tạo nên một không khí lo lắng và một quang cảnh rất liêu trai.

Chừng mươi phút sau, tiếng loa xa dần rồi im hẳn. Điều đầu tiên, chúng tôi nghĩ đến là ông bà ngoại bọn trẻ. Tôi bảo mẹ nó gọi điện đừng nói gì đến phong tỏa, kẻo cụ ngoại tăng huyết áp. Máy mở loa ngoài:

- Ba à, thuốc huyết áp ba sai mua, giờ nhờ lại cô Sáu trển mua giùm nghen. Mai con mắc công việc rồi.

- Ủa chưa nghỉ hè na bay? Vậy để ba nhờ cô Sáu cũng được, có điều nhờ hoài ngại quá.

- Dạ nghỉ hè rồi chớ, nhưng công việc hè cũng nhiều. Ba nói cô Sáu thông cảm, con có về được chắc cũng nửa tháng nữa vì phong…trào hè… (nàng định nói phong tỏa, may mà lách kịp)

- Ờ thì ba với má bay cũng không sao mà. Nhớ giữ gìn nghen con, nhớ đeo khẩu trang khi ra đường. À mà đeo khẩu trang gọi điện thoại có bị lây với người nào nhiễm covid không con?

Trong không khí ủ dột, mà tôi không tài nào nhịn được cười. Mẹ nó lườm một cái, cuối cùng cũng phì cười theo sau khi kết thúc cuộc gọi. Covid đúng là “bóng ma”, ai cũng sợ, nhưng ai cũng nói đến nó, và cũng có nhiều thêu dệt buồn cười về nó.

 

*

 

Mặt trời đã lên vài cây sào, nắng gay gắt nhưng mấy “cha nội” đang nhàn cư vì không ra ngoài được, lại hú nhau ngồi ngoài hẻm nhâm nhi cà phê tự chế. Thấy tôi ra sân, họ thơm thảo kêu “Ra uống trà! Uống trà nghen!”. Tôi đang phân vân định khước từ sao cho phải, thì tiếng loa từ chốt chắn vang lên:

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất là căng thẳng, đề nghị nhà ai ở nhà nấy. Đề nghị bà con nhân dân chúng ta thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các hộ buôn bán nhỏ lẻ trong khu phố, đề nghị không được buôn bán; nếu buôn bán sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…

Thông báo nói “buôn bán nhỏ lẻ…”, ý là nhắc khéo vụ cà phê cà pháo đây mà. Tiếng loa phát chưa dứt 3 lần, không thấy bóng dáng ông nào ngồi đó nữa! Họ chưa quen “nếp sống mới”. Nhưng không sao, từ từ rồi khoai sẽ nhừ thôi mà, he he…

Nói vậy nhưng không phải “khoai” nào cũng nhừ sớm. Có một hộ gia đình, chính là gia đình anh thợ sửa đồ gia dụng, có thói quen không ăn thực phẩm đã qua tủ lạnh. Trước đó chị vợ than nhà không còn gì ăn, vì đi chợ không được. Hỏi ra mới biết tủ lạnh nhà anh chị chỉ đựng món ăn nhẹ và bia bọt, kem kiếc…thôi, còn ai rủ kêu ship hàng bên ngoài về trữ, nhà họ cũng lắc đầu: “ăn đồ tươi mới tốt cho sức khỏe, đồ bỏ tủ lạnh… không tốt”. Giờ này là giờ nào rồi? Câu nói của họ làm tôi cứ ngỡ qua nay chỉ là một giấc mơ.

Một người khác cũng có thói quen đã thành nếp. Ấy là một chị lớn tuổi, cứ 4 giờ sáng hằng ngày là đạp xe đi tắm biển. Những mùa có bão, chị cứ tiếc hùi hụi khi phải ngồi nhà, huống chi giờ phải bỏ tắm biển những mấy tuần! Nhà có bốn miệng ăn mà công việc làm chỉ có một người, chi tiêu tằn tiện cũng chỉ gói ghém đắp đổi là may. Mờ sáng sớm, chị đã loay hoay ngoài cửa, hổng lẽ tính đi tắm biển? Không phải, chị chờ nhà tôi cũng đang dậy sớm, hỏi tạm vài trăm vì “hôm qua chưa kịp mua gạo, giờ nhờ người bên kia rào mua đưa giúp! Lương thằng con cũng chưa có”. May, hôm qua nhà tôi cũng kịp rút thẻ, chứ giờ này đành ngồi bó gối làm sao đi rút? Cầm mấy trăm ngàn chị “cảm ơn cô, chú lắm” rồi ra chốt định nhờ người mua gạo, nhưng một bất ngờ đã xảy ra: Vừa khi có chuyến xe cứu trợ đưa gạo tới. Các anh gác chốt tưởng chị nghe có gạo nên ra sớm, liền lên tiếng: Chị cứ về đi, lát nữa chốt sẽ gọi tên từng hộ ra nhận, tránh tập trung đông người. Ai cũng có phần…

Nghe thật là vui. Chị lại quay về kêu nhà tôi ra trả lại tiền “có gạo rồi em!”. “Chị cứ giữ đi, đừng trả vội, phải ở nhà mấy tuần nữa đó chị ơi”, mẹ nó trấn an. “Ờ ờ, vậy thì từ từ nghen em”. Một lát sau, cả xóm lục tục ra nhận lần lượt mỗi nhà một bao khoảng 5 ký gạo. Tôi bảo mẹ nó: “Mình để dành, khi chị ấy hay nhà ai cần thì chia sẻ”. “Vậy sao không đưa luôn?”, “Khổ, chị tự ái thì chết. Lúc nãy nghe có gạo, chị trả tiền lại ngay không thấy à?”, “Hi hi, em quên…”

Tuy nhiên, ngày hôm sau lại có gạo và trứng, dầu ăn, mì gói, nước mắm, rau xanh của Phường đưa tới. Mỗi nhà lại lần lượt nhận phần của mình. Hôm sau nữa, thêm mỗi nhà một bao gạo khoảng chục ký, do các nhà hảo tâm trợ giúp; chiều hôm ấy, lại có mỗi nhà một thùng mì... Nhẩm ra, nếu nhà nào chưa kịp chuẩn bị, trung bình mỗi hộ 4 nhân khẩu, thì cũng sẽ qua thời gian phong tỏa một cách nhẹ nhàng về mặt này.

 

*

 

Lại nghe râm ran trong chòm xóm: “Hình như F1 thành F0 mấy ca nữa trong xóm mình?” Những tin này cũng chưa thấy cập nhật trong các bản tin Y tế. Đang bán tín bán nghi thì tiếng loa ngoài chốt lại thông báo khẳng định:

Ủy ban nhân dân Phường thông báo: Hiện nay, số ca lây nhiễm trong khu vực phong tỏa ở khu phố ta đang tăng nhanh. Đề nghị bà con nhân dân tuyệt đối không ra ngoài đường nếu không thật sự cần thiết; nếu có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở… đề nghị liên hệ ngay đến số điện thoại của Trạm Y tế Phường: 0257 ……., hoặc số điện thoại Bác sĩ H: 0814 ……..

Vậy là rõ rồi. Có thêm mấy ca F0 trong hẻm phố đã được đưa đi cách ly! Không khí lặng phắc như tờ, vì ai cũng có thể là F1, F2, rồi sau đó lại có thể “trở thành”…

Tiếng loa lại vang lên:

Ủy ban nhân dân Phường xin thông báo: Vào ngày 6 tháng 7 năm 2021, Trung tâm Y tế thành phố sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho nhân dân trong khu phong tỏa. Kính mong các hộ gia đình lập danh sách những người trong gia đình của mình, gửi về chốt kiểm dịch, để ngày 6 tháng 7 năm 2021 lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Đã đọc hoặc nghe nhiều về các cảnh báo: Hãy chuẩn bị va li sau khi xét nghiệm, hễ thấy số điện thoại lạ gọi tới là 90% phải “lên đường” về khu cách ly! Ác thay, điện thoại tôi để chế độ im lặng trong khi test, khi xong vẫn chưa trả lại bình thường. Đến lúc cần gọi người khác, tôi mở máy thì thấy có 3 cuộc gọi nhỡ từ 1 số lạ! Chao ôi, chẳng lẽ là việc tôi đang lo sao? Hoàn toàn có thể lắm chứ, bởi nguồn lây không chỉ từ khu phong tỏa, mà còn có thể từ những người mà tôi đã tiếp xúc bên ngoài trước đó… Đắn đo mãi, tôi bấm số gọi lại, bên kia không bắt máy. Ú tim dữ! Gần tiếng sau, chính số ấy gọi lại, tôi hồi hộp cầm nghe. “A lô, chú có thư chuyển nhanh, giờ cháu tới giao…”. Hóa ra, cái chứng chỉ mà hôm đi Đà Nẵng học, giờ đã tới giữa mùa dịch này, chẳng cũng vui sao! Đang nghĩ đến Kim Thánh Thán thì một cuộc gọi khác từ máy lạ nữa? Chẳng lẽ lần này sao? Tôi cũng hồi hộp không kém lúc nãy! Nhưng không. Lại ra chốt nhận thư chuyển nhanh, bên trong là cuốn tuyển thơ “Những mùa vàng xứ Tiên” của một bạn từ Quảng Nam gửi đến mà vài hôm trước bạn gọi xin địa chỉ, tôi bảo đang nghỉ phép nên cung cấp địa chỉ nhà. Mở cuốn sách bìa cứng rất đẹp ra, bên trong có 2 bài thơ của tôi được in. Nhắn tin cảm ơn cô bạn nhưng ngại quá chưa dám khoe quà lên phây búc, vì đang trong vùng dịch e không hợp cảnh lắm.

Đến nay đã trải qua 2 lần test, vẫn chưa thấy số điện thoại lạ nào khác hơn 2 số kia. Mừng cho mình, cho mọi người trong xóm, nhưng cũng vô cùng ái ngại cho bà con Tp. HCM và các nơi khác đang căng mình chống dịch, áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mong một ngày không xa, tất cả sớm được phục hồi...

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

 


Có thể bạn quan tâm