April 27, 2024, 11:16 am

Việt Nam và ước vọng về một cường quốc biển

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII mới đây cho rằng, để trở thành quốc gia mạnh về biển, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể, dựa trên ba trụ cột quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng và hàng hải. Mục tiêu này được đưa ra trong Văn kiện Đại hội và được truyền thông nhà nước Việt Nam phổ biến rộng rãi. Trả lời truyền thông quốc tế, hôm 17/2/2021, từ Tp. Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Biển Đông lâu năm Đinh Kim Phúc cho rằng, khái niệm cường quốc biển có rất nhiều vấn đề, như cường quốc biển về kinh tế, cường quốc biển về hàng hải, hay cường quốc biển về quân sự... Đây cũng không phải là lần đầu tiên Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc biển. Trước đây, ngày 22/10/2018 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam... Trong đó khẳng định Việt Nam sẽ trở thành cường quốc biển vào năm 2030. Khi đó nghị quyết dự kiến kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển sẽ ước đạt 65-70% tổng GDP vào năm 2030. Theo Tổng cục thống kê, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam ba năm qua bình quân đạt khoảng 47-48% GDP toàn quốc, trong đó GDP của kinh tế thuần biển năm 2019 chỉ đạt 10% tổng GDP cả nước.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc sẽ dọn đường để nước này hành xử tùy tiện trên Biển Đông và là một dấu hiệu cho thấy tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục nóng trong năm 2021

Cần một chiến lược tổng thể

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cho rằng, để trở thành quốc gia mạnh về biển, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể, dựa trên ba trụ cột quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng và hàng hải. Theo giới chuyên gia, việc đặt ra mục đích, chỉ tiêu rất dễ, nhưng quan trọng là cơ sở hạ tầng để chúng ta đạt được mục tiêu đó như thế nào. Với lợi thế có bờ biển dài, văn kiện cho rằng về mặt chiến lược, vùng biển và ven biển Việt Nam có vị trí quan trọng, nằm trong tuyến hàng hải thông thương giữa các vùng biển khác và các nước khác trong khu vực, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hội nhập với các nước trên thế giới. Do đó Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một quốc gia mạnh về biển, từng bước trở thành cường quốc biển. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng nhận định: “Việt Nam muốn trở thành cường quốc biển thì đó là một yêu cầu về mặt kinh tế cũng như quốc phòng. Bởi vì hiện nay Việt Nam chưa tận dụng được các tiềm năng của kinh tế biển và việc khai thác thủy sản cũng như khoáng sản, nguồn lợi dầu khí của Việt Nam hiện nay ở vùng kinh tế biển chưa được tận dụng đầy đủ”. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh muốn đạt mục tiêu như vậy, Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ khoa học về biển, phải nghiên cứu thăm dò về biển và phải tăng cường tiềm năng về biển. “Đấy là những công việc rất đáng làm, rất cần thiết nhưng đòi hỏi phải có đầu tư, phải có phát triển kết cấu hạ tầng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Những việc đó đòi hỏi phải có sự hợp tác của các bên liên quan từ các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhằm nâng cao năng lực về kinh tế biển, cũng như năng lực để bảo đảm an ninh và ổn định của vùng biển Đông của Việt Nam”.

Nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh không phải là không có cơ sở khi thời gian qua, do không đủ tiềm lực, Việt Nam đã ký kết với nhiều tập đoàn đa quốc gia trong việc thăm dò khai thác dầu khí. Tuy nhiên, do những bất ổn trên biển đông, cũng những sức ép vô lý từ phía Trung Quốc, đã khiến Việt Nam phải hủy hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với nhiều công ty, thiệt hại kinh tế rất lớn. Mới nhất là vào tháng 9 năm 2020, Công ty dầu khí Nga Rosneft bị buộc phải huỷ bỏ hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation của Anh trong việc khai thác dự kiến ngoài khơi Việt Nam, vì sức ép nặng nề từ Trung Quốc. Trước đó vào năm 2017 một lần Việt Nam đã phải rút khỏi lô dầu 136.03 ở biển Đông. Đến năm 2018 thì Repsol lại được yêu cầu rút khỏi lô 07.03... Theo truyền thông Nga, PetroVietnam huỷ bỏ hợp đồng dàn khoan vì sức ép của Trung Quốc. Trả lời truyền thông quốc tế tháng 9/2020 liên quan việc Trung Quốc ép Việt Nam phải hủy hợp đồng thăm dò dầu khí với các công ty nước ngoài, Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông cho rằng, thật ra không thể tránh sức ép từ Trung Quốc; vấn đề phải đối mặt sức ép đó như thế nào?... Trung Quốc chưa kể ngoài cuộc chiến quân sự, còn có chiến dịch truyền thông tâm lý, là chiến dịch “tam chủng chiến pháp” (ba loại hình chiến tranh) đối với bên ngoài về Biển Đông.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng: “Việc quan trọng nhất là Việt Nam phải đối mặt nếu muốn tiếp tục tồn tại. Đương nhiên việc đối mặt này cũng không đơn giản… Nếu Việt Nam không có một kế hoạch rõ ràng, thống nhất từ trên xuống dưới, từ Chính phủ cho đến người dân, thì có lẽ Việt Nam không thể đối mặt Trung Quốc trong trường hợp bị ép tiếp theo...”.

Thực tế cho thấy từ năm 2019, nhiều tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu của Trung Quốc liên tục quấy nhiễu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đơn cử như vào đầu tháng 10 năm 2019, hàng chục tàu của Trung Quốc, trong đó có lực lượng hải cảnh vừa tiếp tục quấy phá giàn khoan của nước ngoài hợp tác với Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính, đồng thời ngăn cản hoạt động của các tàu dịch vụ thuộc ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.

Đối mặt với những sức ép

Liệu với những chiến lược đối phó sức ép từ Trung Quốc của Việt Nam như hiện nay, thì năm 2045 Việt Nam có trở thành cường quốc biển được không? Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng Cảnh sát biển của nước này bắn vào tầu thuyền nước ngoài trong trường hợp tranh chấp, xua đuổi thậm chí là bắt giữ tầu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền, như tại Biển Đông. Với Luật Hải cảnh có hiệu lực từ ngày 01/02/2021, từ một lực lượng có nhiệm vụ trị an, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng Cảnh sát biển giờ trở thành một công cụ hăm dọa của quân đội Trung Quốc, ép các nước láng giềng tuân thủ quy tắc do họ đặt ra nếu không muốn lĩnh hậu quả. Nói một cách khác, Trung Quốc dùng vũ lực để khẳng định là “ông chủ duy nhất” ở các vùng biển có tranh chấp. Hiện trạng mới này sẽ được ngấm ngầm duy trì với Luật Hải cảnh mới, được một nhà nghiên cứu Philippines ví như “quả bom nổ chậm”. Đây là “một mối nguy hiểm cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon, từ Trường ENS de Lyon (Pháp).

Luật Hải cảnh này được thông qua ngày 22/01/2021. Về mặt chính thức, Bắc Kinh nói rằng Luật Hải cảnh nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì được nêu trong 84 điều, được chia thành 11 chương, và cho dù luật cố định nghĩa chính xác bộ khung pháp lý can thiệp của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, thì vấn đề đặt ra là luật này vẫn không nêu rõ đâu là những vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Người ta có thể thấy không gian này được nhắc trong điều 3. Điều này ghi: Luật được áp dụng đối với các hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và ở phía trong và trên vùng biển nằm trong quyền tài phán của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng khu vực này lại không được nêu cụ thể.

Điều cần chú ý, đó là qua luật này, Trung Quốc gia tăng áp lực pháp lý, mà trên thực tế đã được đẩy mạnh với việc thông qua một số luật, trong đó có “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” năm 1992. Mục đích của những luật này là củng cố tính hợp pháp trên thực địa những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông, bởi vì luật cũng đề cập rõ đến các đảo và đá ngầm. Đây là điều cần lưu ý! Cụ thể, điều 12 ghi rằng Cảnh sát biển có thể tiến hành tuần tra để bảo vệ các đảo và đá ngầm và quản lý biên giới trên biển. Vẫn điều 12 quy định rằng lực lượng Cảnh sát biển có thể đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh cho các đảo và đá ngầm, cũng như các đảo nhân tạo và các công trình cơ sở hạ tầng. Điều đáng chú ý ở đây là các đảo nhân tạo nằm ở Biển Đông và không nằm trong vùng biển của Trung Quốc.

Cảnh sát biển Trung Quốc, từng là một nhánh của Tổng cục Hải dương Quốc gia vào năm 2013, hiện nằm dưới sự quản lý của Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình làm chủ tịch. Quy chế của lực lượng này rất mập mờ bởi vì trên thực tế, đây là một lực lượng bán quân sự hơn là một cơ cấu cảnh sát. Nhưng lực lượng này lại không được coi là một phần của Hải Quân Trung Quốc. Và điều này cho phép lực lượng hải cảnh tiến hành những chiến dịch mà nếu do các tầu chiến đảm nhiệm thì có nguy cơ dẫn đến các cuộc đối đầu vũ trang. Vì vậy việc sử dụng lực lượng này mang mục đích chính trị. Trung Quốc để quy chế mập mờ, nước đôi của lực lượng Cảnh sát biển vì điều đó cho phép Bắc Kinh giữ được thế mạnh trên thực địa mà vẫn tránh được các mâu thuẫn. Từ những yếu tố trên, có thể dự đoán, Cảnh sát biển Trung Quốc là một mối nguy hiểm tiềm tàng cho các nước láng giềng vì nó cho phép Trung Quốc chiếm ưu thế trên thực địa mà vẫn có thể tránh đối đầu trực diện với các nước trong vùng.

Cũng theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, với đường bờ biển dài 3.260 km kéo dài từ Móng Cái tới Hà Tiên, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế biển. Không chỉ du lịch, văn kiện còn cho rằng đối với Việt Nam, Biển Đông còn là kho tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng với khoảng 160.000 loài. Riêng trữ lượng động vật biển ước tính 32,5 tỷ tấn, trong đó cá chiếm tới 86%, vào khoảng 5 triệu tấn/năm và mỗi năm có thể đánh bắt khoảng 2,3 triệu tấn. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, khi trao đổi với truyền thông quốc tế vào tối 17/2 cho rằng, Việt Nam cũng có thể thành cường quốc biển vào năm 2045 do có bờ biển dài, có khai thác lợi thế vô hình từ bờ biển và thềm lục địa... như dầu khí, tài nguyên gió...: “Việt Nam khi đặt mục tiêu là một cường quốc về kinh tế biển, là muốn chú trọng đến lợi thế, lợi ích do vùng biển của Việt Nam mang lại. Việt Nam có bờ biển dài, có vị trí địa kinh tế rất tốt, do đó nếu muốn đưa nền kinh tế mạnh thì kinh tế biển phải mạnh, đóng góp phần lớn vào nền kinh tế. Còn đánh cá chỉ là một phần….

Nguồn Văn nghệ số 9/2021


Có thể bạn quan tâm