April 27, 2024, 6:28 am

Việt Nam – Israel: Tương lai và tiềm năng

Theo phóng viên TTX Việt Nam tại Tel Aviv, ngày 6/4/2021 vừa qua, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã chỉ định Chủ tịch đảng Likud, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng ra đàm phán thành lập chính phủ. Theo luật pháp Israel, sau khi được Tổng thống chỉ định, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có 28 ngày để tiến hành đàm phán, tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng đồng minh, đối tác nhằm thành lập chính phủ liên hiệp. Trong trường hợp không lãnh đạo đảng nào có thể đàm phán thành công, hội đủ thế đa số ghế tại Quốc hội để thành lập chính phủ mới, Israel buộc phải tổ chức cuộc bầu cử tiếp theo. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội thứ tư trong vòng 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, bang giao Israel – Việt Nam không vì thế mà bị ảnh hưởng. Trong một cuộc Tọa đàm tại Hà Nội, với chủ đề “Israel – Việt Nam: Lịch sử và tiềm năng cho tương lai”, ngài Nadav Eshcar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Israel tại Việt Nam đã nhấn mạnh những điểm chung trong lịch sử mỗi nước và mối quan hệ hữu nghị đa dạng và phát triển trong nhiều năm qua giữa hai nước.

Tổng thống Israel tham vấn các đảng để thành lập chính phủ mới.

Chính sách hướng Đông

“Chính sách hướng Đông” của Israel những năm qua do Thủ tướng Israel B. Netanyahu dẫn dắt, chính sách đó cho rằng, trọng tâm của quan hệ ngoại giao, kinh tế cho Israel trong tương lai gần nên đặt vào châu Á. Đường lối này mang lại lợi ích trên thực tế cho cả nhà nước Israel cũng như cho cách tiếp cận thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa Israel với các nước hàng đầu ở Đông Á. Việt Nam là một trong những bên tham gia tích cực trong “Chính sách hướng Đông” của Israel. Theo Đại sứ Israel tại Hà Nội, Việt Nam là một trong những nước đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, ngay trong hai năm nay, Việt Nam ứng phó khá ấn tượng với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Với những gì Việt Nam đã thành tựu, Đại sứ Nadav Eshcar cho rằng, Việt Nam đã đạt được vị thế vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới tới mức trở thành một nhân tố chính mà Israel hướng tới trong “Chính sách hướng Đông” của mình. Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Israel và Việt Nam trong năm qua có nhiều nét nổi bật. Việt Nam, về cơ bản, là một trung tâm sản xuất về công nghiệp, nông nghiệp, lương thực, may mặc, thiết bị điện tử. Đó là những sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Israel. Trong khi đó, Israel chủ yếu là trung tâm của công nghệ, nên có thể xuất khẩu công nghệ cao, phức tạp sang Việt Nam, như công nghệ trong nông nghiệp, y tế, an ninh mạng, nhiều lĩnh vực khác. Với công nghệ Israel, sản lượng của Việt Nam có thể tăng và có chất lượng tốt hơn.

Các doanh nhân Israel đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đến Việt Nam và tổ chức nhiều chuyến công tác tới đất nước này để khám phá các cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, khai thác và sản xuất dầu khí, viễn thông và dược phẩm. Từ tháng 8/2004, Israel và Việt Nam đã ký Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại, một cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển thương mại hơn nữa. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 70 triệu USD vào năm 2005. Hai tập đoàn của Israel là Agronet và Astraco đã mở văn phòng tại Hà Nội. Trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn của kinh tế thế giới, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel vẫn tiếp tục tăng trưởng, từ khoảng 68 triệu USD (2005) lên tới hơn 600 triệu USD (năm 2013).

Công nghệ và bí quyết phát triển từ các đại nông trại (Moshav) và làng nông nghiệp (Kibbutz) sẽ được sử dụng trong các dự án sản xuất sữa trị giá nửa tỷ đô la tại Việt Nam. Dự án này bao gồm việc thiết lập 30.000 con bò sữa để cung cấp 500.000 lít sữa mỗi ngày, khoảng 40% lượng tiêu thụ sữa hiện tại của Việt Nam. Kibbutz sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các giai đoạn của doanh nghiệp, bao gồm cả chăn nuôi và chuẩn bị đất cho các loại cây trồng sẽ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Việt Nam và Israel đã ký thỏa thuận về tránh thuế hai lần tại Hà Nội vào ngày 4/8/2009, tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và lành mạnh cho các doanh nghiệp của họ để tăng các giao dịch. Cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Israel và Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thành một hiệp định thương mại tự do, điều đó sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước.

Nhìn chung trong 7 tháng đầu năm 2020, tính cả mặt hàng kim cương thô và chế tác, Israel xuất khẩu đạt 27,69 tỷ USD; nhập khẩu đạt 38,99 tỷ USD, giảm 13,51 so với cùng kỳ năm trước. Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, tính chung, trong 7 tháng đầu năm, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 915,55 triệu USD. Đây là những con số thống kê gần đây và rất có ý nghĩa cho tương lai. Israel càng cung cấp nhiều công nghệ cho Việt Nam, Việt Nam càng có thể tổ chức sản xuất tốt hơn. Hai nước hoàn toàn có thể phối hợp trong rất nhiều ngành. Ngoài kinh tế, còn có các các ngành khác như trao đổi công nghệ, kiến thức... Israel và Việt Nam đã hợp tác để xây dựng hệ sinh thái cho các nhà khởi nghiệp, trao đổi về quy chuẩn trong nhiều lĩnh vực.

FTA với Việt Nam

Về diễn tiến đàm phán FTA giữa Israel và Việt Nam: Vì đây là một thỏa thuận thương mại song phương quan trọng, hai nước đã đàm phán gần 4 năm, có nghĩa là đang ở giai đoạn cuối. Nền kinh tế Israel và Việt Nam có tính chất bổ sung chứ không phải cạnh tranh với nhau, do đó quá trình đàm phán diễn ra khá suôn sẻ. Điểm vướng mắc cuối cùng trong đàm phán có liên quan tới bảo hộ nông nghiệp nhưng có cơ sở để tin rằng, thỏa thuận sẽ sớm được hiện thực hóa, thậm chí trong những tháng tới. Về đường bay thẳng Israel – Việt Nam cũng đang ở giai đoạn có nhiều tiến triển. Theo kế hoạch, việc thử nghiệm bay thẳng sẽ diễn ra trong năm 2020 nhưng do dịch Covid-19 nên hiện hai bên chưa kết thúc thảo luận sâu về vấn đề này. Có lẽ phải chờ cho tới khi dịch bệnh qua đi và vấn đề này sẽ được bàn tiếp.

Sau đại dịch, số du khách Israel tới Việt Nam được dự báo là sẽ tăng nhanh. Sau khi có chuyến bay thẳng, nhiều du khách hai bên sẽ thăm quan lẫn nhau. Không dừng lại ở đó, hai bên còn tìm kiếm được các cơ hội kinh doanh thông qua đường bay này. Đây là một kênh quan trọng cần được chú trọng. Đại sứ Nadav Eshcar bày tỏ lạc quan rằng, sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết cùng việc thực thi các hiệp định trước đó như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa.

Có thể thấy rõ trong các Hiệp định thương mại tự do kể trên, một số mang tính kinh tế hơn tính chính trị và ngược lại, nhưng đều nhằm giúp thị trường Việt Nam dễ tiếp cận hơn cho các thị trường khác và ngược lại. Cách tiếp cận này cũng đúng với Israel, như đã được phía Việt Nam đề cập trong quá trình đàm phán về Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) Israel – Việt Nam. Với Israel, thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam là một bước ngoặt. Dường như từ cả hai phía đều cùng chung nhận định rằng, thỏa thuận thương mại với Israel là một trong những điều còn thiếu trong bản đồ FTA của Việt Nam.

Đối tác quân sự sau Nga

Việt Nam và Israel thiết lập bang giao trước cả mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington, ngay từ năm 1993 khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Trong bối cảnh ấy, nhiều thỏa thuận đã được Hà Nội nhanh chóng ký kết với Israel, nhưng tập trung chủ yếu vào thương mại, kinh tế và nông nghiệp. Quan hệ giữa hai nước vẫn chủ yếu liên quan đến kinh tế, sau đó mới mở rộng sang lĩnh vực chính trị trong thập niên 2000. Vào năm 2005, Bộ Ngoại giao hai nước đã có cuộc đối thoại chính trị đầu tiên, rồi nhanh chóng tập trung vào các vấn đề quốc phòng trong những năm 2010. Đây là điểm thú vị để hiểu được những gì đang diễn ra hiện nay giữa Israel và Việt Nam. Một biên bản ghi nhớ về vấn đề quốc phòng đã được hai bên ký vào năm 2015. Đến năm 2018, hai nước đã tổ chức đối thoại quốc phòng và hiện giờ, Israel trở thành đối tác quân sự thực sự của Việt Nam, chỉ sau Nga.

Nếu lật lại lịch sử quan hệ Việt Nam, Israel và Palestine thì trong cánh tả quốc tế chống thực dân có một truyền thống gần gũi giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và lý tưởng của Palestine. Thế nhưng trong những năm 1990, quan điểm thực tiễn về chính trị đã thúc đẩy Việt Nam thiết lập quan hệ với Israel mà trên hết là vì lý do kinh tế. Trở lại thời điểm năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris, Bác Hồ đã ở cùng khách sạn với Ben Gourion, người sáng lập Nhà nước Israel sau này, vào năm 1948. Chuyện này được nhắc lại trong những năm 1990 rằng hai nhà lãnh đạo lúc đó rất tâm đồng ý hợp. Vì thế, với Việt Nam, không hề mâu thuẫn khi có quan hệ hữu nghị với Palestine mà vẫn duy trì đối thoại với Israel.

Theo nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Giám đốc khu vực châu Phi – châu Á – Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), bang giao Việt Nam – Israel trở nên thuận lợi hơn sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam… Trong bối cảnh địa - chính trị và công nghiệp quốc phòng hiện nay, những mặt hàng được đề xuất từ phía Israel phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Có thể nói là tất cả những gì mà các tập đoàn công nghiệp lớn của Israel chào bán đều đáp ứng được nhu cầu chiến lược, cũng như về mặt chiến tranh trên thực địa. Chiến tranh điện tử ngày càng cần đến những loại thiết bị mà Israel có thể cung cấp cho Việt Nam.

Israel là quốc gia có dân số 8,5 triệu người với diện tích phần lớn sa mạc khô hạn, rất phát triển về nền nông nghiệp công nghệ cao. Những điểm chung trong lịch sử của Israel và Việt Nam là cơ sở cho mối quan hệ hữu nghị đa dạng và phát triển trong nhiều năm qua giữa hai nước, trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben Gurion. Hiện nay, mối quan hệ hợp tác Israel – Việt Nam đang ngày càng trên đà phát triển. Hai nước sẽ tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.

Nguồn Văn nghệ số 16/2021


Có thể bạn quan tâm