April 27, 2024, 2:27 am

Việt Nam – Ấn tượng 2018

 

Nếu nói năm 2017 là năm đầu tiên nhập cuộc của Chính phủ nhiệm kỳ mới, thì năm 2018 là năm nhận diện và phát huy nguồn nội lực, toàn diện của  cả hệ thống chính trị xã hội, để đạt được những mục tiêu phát triển đất nước quan trọng. Bước sang năm 2019, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định, là năm bản lề để Chính phủ có những bứt phá, ghi đậm dấu ấn nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2018 đã khẳng định  “Năm 2019 phải hơn năm 2018”.  Đó vừa là nhiệm vụ, là mệnh lệnh mà Đảng, Quốc hội đặt lên vai Chính phủ trong một năm được cho là còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức

 

Hội Thảo chuyên gia về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Ảnh Internet

Những chuyển động trong nước

Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của mình, Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận cao và hưởng ứng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân cả nước. Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, không chịu khuất phục khó khăn đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm “lò đã nóng đến củi tươi cũng phải cháy”, quyết không để “trên nóng, giữa ấm mà dưới lạnh”. Ngay từ những  ngày đầu năm 2018 (ngày 1/1/2018), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 9 nhóm giải pháp trọng tâm, 59 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể… Theo đó, kết quả đạt được của năm bản lề 2018, là tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016-2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước. Đặc biệt, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Dự  báo nền kinh tế sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Song song với NQ 01/NQ-CP, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 đến 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới... Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 07/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2018.

Xác định doanh nghiệp là hầu bao của đất nước, doanh nghiệp có mạnh thì sức khoẻ nền kinh tế mới được đảm bảo, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Có thể nói, những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã để lại dấu ấn trong năm 2018, thực sự đem lại những xung lực mới cho nền kinh tế và kết quả như chúng ta đều thấy, lần đầu tiên sau hơn 10 năm GDP đã tăng  một cách ngoạn mục 7,08%

 

Dấu ấn Quốc tế

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã trải qua hơn 30 năm và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sự nghiệp xây dựng đất nước đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý, những căng thẳng về chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông còn diễn ra gay gắt… Giữa muôn vàn thách thức và cơ hội đó, Đảng và Nhà nước ta đã vững vàng chèo lái đất nước, không chỉ trụ vững mà còn tăng vị thế Việt Nam trên trường Quốc tế.

Năm 2018, Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển đứng thứ 40/200 vùng quốc gia lãnh thổ đã tạo nên thế và lực mới cho đất nước. Xác định hội nhập sâu rộng, khép lại quá khứ và làm bạn với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều quyết sách mới được ra đời, trong đó có Chỉ thị 25 của Ban bí thư Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương, đặt một dấu  mốc quan trọng về tư duy đối ngoại và thể chế hóa chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Sau thành công của năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục nhận được sự tín nhiệm cao của cộng đồng Quốc tế, và trở thành quốc gia đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, cũng như hoà giải trong các xung đột kinh tế, tranh chấp lãnh thổ và những vấn đề có liên quan đến nhân quyền. Năm 2018, Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như: Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10... Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này.

Tháng 5/2018, Nhóm nước Châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tháng 12/2018, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL), tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia, định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu theo hướng phù hợp với lợi ích của đất  nước. Bên cạnh đó là những chuyến công du mang nhiều trọng trách của Thủ tướng Chính Phủ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội… Ghi nhận sau mỗi chuyến công du, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tại những cuộc gặp gỡ dù đa phương hay song phương, vị thế và tiếng nói của Việt Nam đã có những thay đổi hết sức tích cực.

 

Thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, đã định hình và ngày càng phát triển lớn mạnh. Đây chính là nền móng vững chắc để Việt Nam tiếp tục bứt phá trong năm 2019. Và nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Và để không ngủ quên,  Chính phủ đã đề ra phương châm hành động với 12 chữ vàng "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá", thông qua các Nghị quyết số 01 và 02 ngày 01/01/2019 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao thứ hạng trong xếp hạng quốc tế WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng 4.0... phấn đầu hết nhiệm kỳ lọt top ASEAN 4, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, tạo tiền đề vững chắc và điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm