April 26, 2024, 10:55 pm

Viết dưới tượng nhà văn Xuân Thiều

 

Ngày 4/9 vừa qua, buổi lễ đặt tượng nhà văn Xuân Thiều trong khuôn viên ngôi trường mang tên ông tại xã Đức Bùi - Đức Thọ - Hà Tĩnh, quê hương nhà văn, đã diễn ra hết sức trang trọng, xúc động. Ngoài các thầy cô nhà trường, các vị lãnh đạo địa phương, là nhiều thế hệ các nhà văn quân đội từng là đồng đội, đồng chí với nhà văn Xuân Thiều về tham dự: Đỗ Chu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Ngô Vĩnh Bình, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Khoa, Phùng Văn Khai, Mai Năm, Mai Nam Thắng, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Minh Tâm…

Và rồi tôi đã viết những dòng này dưới chân tượng của ông

*

Xuân Thiều sinh ra trên mảnh đất bên dòng sông La bốn mùa nước trong xanh. Xa quê hương nhập ngũ năm 1947, khi vừa 17 tuổi, thực thụ sống đời chiến sỹ nơi mặt trận, từ một người lính đến cán bộ đại đội, rồi sau đó làm cán bộ chính trị, làm nhà văn. Suốt cuộc đời Xuân Thiều là ở trong quân ngũ, kể cả khi biệt phái sang làm chánh văn phòng Hội nhà văn Việt Nam. Đó cũng là điều dễ hiểu khi trọn cuộc đời chiến sỹ - nghệ sỹ của minh. Tâm niệm khi cầm bút của ông: “Với tôi, viết về chiến tranh cách mạng và người lính là thiên chức…”.

Năm 1959, Xuân Thiều từ lữ đoàn bảo vệ giới tuyến được gọi về công tác tại Tổng cục chính trị và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng ông vẫn hết mực gắn bó với mặt trận, thường xuyên khoác ba lô đi mặt trận, đặc biệt mặt trận Bình Trị Thiên - kể như ngôi nhà lớn nhiều gắn bó với ông. Gần như các tác phẩm văn học của ông đều xuất phát từ miền đất này, có những cuộc đời người lính, những hình ảnh người mẹ, người em… hết sức xúc động và đáng nhớ. Những tháng ngày lăn lộn này, như ông tâm sự: “Hòa nhập vào đời sống người lính ở chiến trường, trái tim ta trở nên đa cảm hơn, lòng ta trở nên nhân hậu ưu ái hơn, độ lượng hơn và nhất là bớt ích kỷ hơn. Tiếp xúc với đời sống chiến sĩ như được nghe một bản nhạc không lời. Không ai bảo ban ta từng câu từng ý cụ thể, nhưng ta cảm nhận được những điều tốt lành qua hành động, tâm tư của những người lính vào sống ra chết. Đấy là hương hoa của cuộc sống chiến trường. Hít thở được chút hương hoa này, cúi đầu bái phục vẻ đẹp người lính, ấy là nhà văn đã tự nâng mình lên…”.

Nhìn lại chặng đường dài 40 năm sáng tác của ông, từ truyện ngắn đầu tay Dưới hầm bí mật viết vào tháng 6/1958 đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến truyện ngắn Mười ngày cho cuộc đời viết tháng 7/1997, ông viết được 2 tập thơ, 16 tập tiểu thuyết và truyện ngắn, 1 tập tiểu luận - phê bình. Hầu hết các sáng tác của ông đều lấy bối cảnh từ vùng đất Bình Trị Thiên - nơi gắn bó với cuộc đời người lính của ông. Những sáng tác viết trong chiến tranh như: Trời xanh, Mặt trận kêu gọi, Đi xa, Thôn ven đường, Chiến đấu trên mặt đường… mang đậm chất sử thi và cảm hứng ngợi ca đã góp phần vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Trong những năm tháng chiến tranh với bút danh là Nguyễn Thiều Nam ông đã viết nhiều tác phẩm được người đọc chú ý đến như: Gieo mầm, Khúc sông, Chuyện làng Ra-Pồng… Trong đó Gieo mầm, Chuyện làng Ra-Pồng, Đêm hăm bảy là những truyện ngắn đầy máu lửa đã ghi dấu bước tiến mới trong truyện ngắn của ông.

Có thể nói với những sáng tác trong chiến tranh “Xuân Thiều đã hòa chung vào dàn đồng ca của một nền văn nghệ với ý thức ngòi bút cũng là vũ khí”. Sau chiến tranh ông vẫn bền bỉ sáng tạo từ nguồn cảm hứng về chiến tranh nhưng ông cũng là người sớm nhận ra con đường tất yếu của một nền văn học vì thế ông đã âm thầm tìm hướng đi mới, tự đổi mới mình trên trang viết điều đó được thể hiện qua sáng tác lẫn phê bình.Ông tâm sự “Viết về chiến tranh lúc này không chỉ là để cổ vũ, động viên mà nhằm khám phá hiện thực chiến tranh, tìm vẻ đẹp của con người Việt Nam như một sự lí giải vì sao dân tộc ta chiến thắng được những đội quân xâm lược khổng lồ”.

Nhà phê bình Nguyễn Hữu Sơn cho rằng “Nhà văn Xuân Thiều, trong đội hình chung ngày càng cố gắng suy nghiệm, đào xới sâu hơn về quá khứ, góp thêm một cách nhìn riêng tư sâu lắng mà biểu hiện rõ nhất ở Truyền thuyết về Quán Tiên và bộ tiểu thuyết Tư Thiên” (Tặng thưởng Hội nhà văn năm 1996), Và  xem bộ tiểu thuyết này là sự lắng lại những trải nghiệm thời gian chiến tranh của Xuân Thiều. Ông khẳng định tác phẩm chính là “một sự tổng kết và dấu hiệu vận động của tư duy nghệ thuật ở ngòi bút Xuân Thiều…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam có ý kiến: “Càng khám phá, chúng ta càng tìm thấy những vẻ đẹp của Xuân Thiều. Có thể nói những tác phẩm của Xuân Thiều mãi sẽ đi cùng năm tháng”… Và trong buổi lễ dựng tượng nhà văn Xuân Thiều, thêm một lần Nhà thơ Thần đồng lại trân trọng khẳng định điều này...

Nguồn Văn nghệ số 38/2019


Có thể bạn quan tâm