May 2, 2024, 4:56 am

Vị tướng và con đường huyền thoại

Vĩnh biệt Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ông ra đi khi không còn bao lâu nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh lịch sử, con đường chiến lược huyền thoại chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, được chính thức khai sinh vào ngày 19 tháng 5 năm 1959, nhân kỷ niệm lần thứ 69 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, và đơn vị đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn hoạt động trên con đường này, vì vậy mà được mang mật danh là Đoàn 559. Trong suốt 16 năm tiếp theo của cuộc kháng chiến, chiến trường Trường Sơn và con đường "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" mà giới truyền thông phương Tây từng gọi một cách nể trọng là "Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm" này, cùng với Bộ đội Trường Sơn, đã góp sức cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên biết bao kỳ tích.

            Gắn liền với những huyền thoại về con đường là tên tuổi của nhiều cán bộ chỉ huy tài ba, mưu lược, quả cảm của ngành hậu cần chiến lược, mà không ít người trong số đó sau này đã trở thành những danh tướng, những sỹ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, như Võ Bẩm, Trần Đăng Ninh, Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Đồng Sỹ Nguyên, Đặng Tính... Trong đó có lẽ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người để lại nhiều dấn ấn đặc biệt nhất. Sau chiến tranh, mặc dù đã từng được điều sang nắm giữ nhiều cương vị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IV), Uỷ viên Bộ Chính trị (Khoá V và VI); đã từng tham gia xây dựng nhiều công trình kinh tế quan trọng khác của quốc gia, như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Trị An, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, Bến Thuỷ... Song cho đến tận hôm nay, khi lịch sử đã sang một trang mới, và mặc dù đường Hồ Chí Minh đã trở thành con đường của Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá, thì mỗi khi nhắc đến ông, người ta vẫn gắn tên tuổi của vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn 559 ngày nào với con đường mà ông đã từng có hơn 11 năm gắn bó...

Bài phỏng vấn này được thực hiện vào dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh lịch sử. Khi đó ông còn khỏe, còn đầy tâm huyết với nhân dân, với đất nước và với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong cuộc đời mình cho đến lúc ấy chẳng biết ông đã tham gia bao nhiêu cuộc trả lời phỏng vấn, đã bao lần tiếp xúc với báo chí, truyền thông?... Nhưng có lẽ sự dạn dày, từng trải, và đặc biệt là sự tự tin của một con người đầy bản lĩnh và lịch duyệt, đã từng gánh vác bao trọng trách lớn lao, cộng với sự chân tình của ông đã giúp cho bài phỏng vấn đạt kết quả tốt đẹp, và để lại trong người phỏng vấn hôm ấy những ấn tượng hết sức sâu đậm và trân trọng

Vĩnh biệt ông, Văn nghệ xin giới thiệu lại nội dung bài phỏng vấn nói trên, như một kỷ niệm của ông với tờ báo, thay cho lời vĩnh biệt. Nhưng hơn thế, ấy là cho đến tận hôm nay, tất cả những đau đáu suy tư mà ông đã chia sẻ buổi ấy, dường như vẫn còn rất nhiều điều để ngẫm ngợi, băn khoăn

Văn nghệ

 

Vị tướng và con đường huyền thoại

            Đến thăm ông vào một chiều cuối năm se lạnh, tại căn biệt thự trên con phố mà đến giờ không còn gọi là yên tĩnh và vắng vẻ nữa, vị Tư lệnh oai phong và quyết đoán một thời, giờ đã vào tuổi ngoại bát tuần, song ở ông vẫn toát lên vẻ đĩnh đạc, hoạt bát mà vẫn gần gũi, cởi mở của một người lính dạn dày trận mạc, một nhà lãnh đạo sắc sảo và đầy bản lĩnh.

 

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TL

            * Thưa Trung tướng, Chiến trường Trường Sơn và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại của chúng ta sắp bước vào mốc kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Trong suốt thời gian qua, đã có không ít các công trình nghiên cứu, các bài viết về Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh lịch sử từ rất nhiều các góc độ khác nhau. Cũng đã có nhiều cuộc Hội thảo khoa học được mở ra nhằm bàn thảo, đánh giá về vị trí, vai trò cũng như ý nghĩa lịch sử của tuyến chi viện Trường Sơn này đối với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc Việt Nam, cũng như với cách mạng của hai nước bạn Lào và Campuchia. Trong cuốn sách 5 đường mòn Hồ Chí Minh mới đây của mình, Giáo sư Đặng Phong còn đưa ra ý kiến cho rằng ngoài tuyến đường trên bộ xuyên Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển, và đường ống dẫn xăng dầu, một con đường cũng đấy huyền thoại trên Trường Sơn mà ngay cả người Mỹ cũng chưa mấy biết đến; thì khái niệm Đường Hồ Chí Minh còn phải kể đến cả hình thức vận chuyển quá cảnh qua các cảng và sân bay Quốc tế; và đặc biệt là con đường chuyển ngân của những "Binh chủng tiền" (theo cách gọi của tác giả) nữa... Như vậy có thể nói khái niệm Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một khái niệm chung để chỉ tất cả mọi con đương, mọi phương thức vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam thời bấy giờ. Vậy theo Trung tướng, đâu là điểm chung nhất của tất cả những con đường này?

 

            - Có lẽ trước khi nói đến con đường, hãy nói về những con người của thời đại Hồ Chí Minh trước đã. Những con người của thời đại Hồ Chí Minh là những con người không hề biết khuất phục ai, không hề biết khất phục trước bất kỳ khó khăn nào...

            Đất nước Việt Nam đã trải qua một thời gian dài trong đêm trường nô lệ, người Việt Nam ai ai cũng mang một nỗi đau vong quốc. Trong suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc và hơn 100 năm Pháp thuộc, thời nào chúng ta cũng có những con người ưu tú dám đứng lên chống lại ngoại xâm và giành được những thắng lợi đáng kể; nhưng chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ, chúng ta mới giành được độc lập một cách triệt để. Khi người lãnh đạo cao nhất của một đất nước đã tuyên bố một cách đanh thép, rằng Cho dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập; thì chắc chắn sẽ không thể một sức mạnh nào có thể ngăn cản nổi. Bọn tư bản, đế quốc có thể ỷ vào sức mạnh của vũ khí, của tiền bạc, nhưng không bao giờ có thể vượt qua được ý chí của cả một dân tộc...

 

            Sau khúc đạo đầu cả quyết và lý trí ấy, dường như bỗng có một phút, con người kinh tế trong ông chợt trỗi dậy một cách hết sức ngẫu hứng, nhưng cũng rất thời sự:

 

            - Với bản chất của Chủ nghĩa Tư bản, thì khủng hoảng kinh tế là căn bệnh kinh niên, mà tình trạng suy thoái hiện nay cũng nằm trong chu kỳ của quy luật đó. Chính vì vậy mà chúng ta dù có đổi mới thế nào đi nữa, dù mục tiêu phát triển có thế nào đi nữa, thì cũng không thể nào đi theo con đường của chủ nghĩa Tư bản được. Kinh tế thị trường thì cũng phải theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Trong chiến tranh, Chủ nghĩa Tư Bản là kẻ thù không đội trời chung, nay trong hoà bình, chúng ta có thể hợp tác với các nước tư bản để cùng phát triển. Nhưng sự hợp tác phải dựa trên cơ sở bình đẳng, không được để mất đi vai trò tự chủ của chính mình. Sự chủ động chính là yếu tố để giúp cho chúng ta ứng phó được tốt nhất với mọi tình huống xảy ra. Là người quản lý, phải sẵn sàng có các giải pháp thay đổi cơ chế, chính sách khi cần thiết, tuyệt đối không được thụ động, bảo thủ khi thấy nó không còn phù hợp. Bài học trên con đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh cũng vậy...

 

            Và ông đã trở lại đề tài về con đường một cách tự nhiên, uyển chuyển và vô cùng khéo léo như thế

           

            - Nhất dạ sinh bá kế. Có thể nói bí quyết thành công lớn nhất trên tất cả mọi con đường Hồ Chí Minh là bí quyết của sự sáng tạo. Trong suốt cuộc chiến đấu lâu dài trên chiến trường, đối mặt với một kẻ thù mạnh và tàn bạo, thực tế luôn diễn biến khôn lường, đòi hỏi chúng ta phải biết làm chủ tình thế và sẵn sàng trả giá cần thiết cho chiến thắng. Các hình thức vận tải và phương án chiến đầu trên con đường Hồ Chí Minh vì thế cũng phải luôn thay đổi, thậm chí là từng ngày, để ứng phó với các tình huống cụ thể. Chúng ta không sợ lâu dài, chúng ta không sợ gian khổ, cách này làm không được thì tìm cách khác, miễn là thành công. Bằng quan điểm trên, ta đã dần dần thay đổi mối tương quan về lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, giành được thắng lợi từng bước trước kẻ thù, và cho đến năm 1975 thì ta đã chiếm được ưu thế toàn diện...

 

            * Bí quyết thành công lớn nhất là sự sáng tạo. Vậy sự sáng tạo lớn nhất trên chiến trường Trường Sơn và trên con đường Hồ Chí Minh là gì, thưa Trung tướng?

 

            - Có thể nói đó là việc tìm ra giải pháp để thay đổi hình thức và quy mô của vận tải quân sự trên chiến trường, thực hiện thành công hình thức vận tải bằng cơ giới thay cho hình thức vận tải gùi thồ trước đây trên toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là sự thay đổi trong quan điểm về vận tải quân sự trong chiến tranh. Từ khái niệm Đường dây 559 sang khái niệm Chiến trường 559 là một thay đổi mang tính chiến lược.

            Nếu như trước đây, nhiệm vụ của Đoàn 559 từ khi bắt đầu thành lập là đảm bảo con đường giao liên trên đất Việt Nam, đưa đón cán bộ, bộ đội vào chiến trường, và vận chuyển một số vũ khí nhẹ cho chiến trường Trị Thiên, Bắc khu V bằng cách gùi thồ, với phương châm triệt để giữ bí mật: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng"; thì sang đến năm 1963, nhu cầu vận chuyển hàng hoá phục vụ chiến trường miền Nam đòi hỏi phải sử dụng đến vận tải cơ giới. Trước tình hình đó, một số cung đường vận tải cơ giới đã được mở theo phương châm "Biến đường trinh sát thành đường gùi thồ, biến đường gùi thồ thành đường ôtô...". Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, địch đã phát hiện ra những con đường này và tiến hành chặn đánh.

            Trước tình hình như vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên "Nối đòn gánh cho dài" để quay trở lại hình thức vận tải gùi thồ như trước. Tuy nhiên có một thực tế, rằng khác với vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ trước đây, cung đường ngắn, thời gian ngắn, lại chỉ phục vụ cho một chiến dịch; vận tải trên đường Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là vận tải cho cả chiến trường miền Nam, cho cả 3 nước Đông Dương. Với khoảng gần 3.000 km chiều dài của tuyến đường, nếu sử dụng phương pháp gùi thồ này thì chỉ nguyên việc nuôi lực lượng vận tải đã không đủ, lấy đâu ra mà chi viện... Trong số những người phản đối kịch liệt hình thức gùi thồ lúc bấy giờ có các anh Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ và tôi...

 

Nhắc đến đồng chí Đinh Đức Thiện, giọng ông bỗng trở nên xa xăm, vừa như với người đang đối thoại, lại vừa như với chính mình. Một tình cảm vô cùng trìu mến và trân trọng:

 

- Con đường Hồ Chí Minh có đóng góp của rất nhiều người, nhưng không thể không nhắc đến vai trò của anh Đinh Đức Thiện. Đó thực sự là một con người luôn một lòng một dạ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Là Tư lệnh, tôi chỉ là người hoạt động trực tiếp trên tuyến, nhưng nếu đằng sau không có những người như anh Đinh Đức Thiện ủng hộ thì cũng không thể thành công được. Nên nhớ rằng đã có những thời gian cao điểm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh này có đến hàng vạn đầu xe, hơn 12 vạn người, cùng hàng loạt các loại trang bị khí tài khác hoạt động. Việc đảm bảo hậu cần cho một lực lượng như vậy hoàn toàn không phải là điều đơn giản. Anh Đinh Đức Thiện khi ấy đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, từ Liên Xô, Trung Quốc, đến các Bộ, các ngành ở Trung ương để tập trung, thậm chí là nhặt nhạnh từng tí một, đảm bảo chi viện cho chiến trường...

Một con người chí tình chí nghĩa như vậy mà tiếc thay, cho đến tận bây giờ cũng chưa có ai viết được một điều gì đó thật đầy đủ về anh...

 

Rồi ông say sưa kể về những việc làm, những hành động của người anh, người đồng chí Đinh Đức Thiện mà ông đã được chứng kiến ngay trong những ngày cùng sát cánh trên chiến trường Trường Sơn thuở ấy. Là một người năng nổ, bộc trực, nhưng Đinh Đức Thiện cũng lại là một người chỉ huy vô cùng thương yêu chiến sỹ của mình. Lo cho chiến sỹ trên chiến trường bị bom đạn, ông đã đôn đáo "chạy" sang tận Trung Quốc để mua áo giáp, mua mũ sắt về trang bị. Rồi cũng chính ông đã từng cởi chiếc áo bông đang mặc của mình để tặng cho một người lính ngay trên chiến trường... Còn tại thời điểm năm 1965, 1966, trên con đường Hồ Chí Minh này, trong một lần đi khảo sát để tìm phương án đưa  vận tải cơ giới vào chiến trường, bản thân chiếc xe chở đồng chí Đinh Đức Thiện cũng đã bị cháy, không đi được. Tuy nhiên sau đó ông vẫn quyết định phải tìm cách để đưa vận tải cơ giới vào Trường Sơn, chứ quyết không thể quay lại hình thức vận tải thô sơ, lạc hậu như trước đây được.

Chính từ sự quyết tâm của những con người như vậy, cộng với sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, sự động viên, khuyến khích của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng khi đó, việc đánh giá lại tình hình chiến trường để từ đó đề ra những giải pháp mang tầm chiến lược đã được bộ đội Trường Sơn thực hiện thành công

 

- Bắt đầu từ các năm 1965, 1966, trên tuyến đường Trường Sơn, địch đã hình thành cùng một lúc hai cuộc chiến tranh rõ rệt: Chiến tranh xâm lược và Chiến tranh ngăn chặn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong khi đó, nếu ta vẫn giữ hình thức vận tải quân sự đơn thuần, nghĩa là chỉ sử dụng những con đường độc đạo, không có lực lượng bảo vệ và luôn luôn phải phòng tránh một cách thụ động như trước đây, thì chắc chắn sẽ thất bại, và việc mất người, mất của là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy mà việc thay đổi trong tư duy, lấy tiến công làm cơ sở, thay cho hình thức phòng ngự luồn tránh chính là yếu tố có tính quyết định. Muốn làm được điều đó, chúng ta đã phải huy động được nguồn sức mạnh của nhiều binh chủng, như Pháo binh, Bộ binh, Công binh, Thông tin, Vận tải... để mở rộng quy mô tuyến đường, phá thế độc đạo của con đường vận tải chiến lược này. Phá được thế độc đạo chính là quyết sách để chống lại việc địch đánh vào cầu đường. Chính vì vậy mà Chiến trường Trường Sơn từ những năm 1972-1973 trở đi đã không còn cảnh những chiến sỹ lái xe đơn thương độc mà dưới bom đạn kẻ thù nữa. Tất cả đã được tập hợp lại thành một sức mạnh tổng hợp của một Binh chủng hợp thành...

 

Từ một đường dây giao liên 559, bộ đội Trường Sơn đã lớn mạnh lên trở thành một lực lượng với đầy đủ những sức mạnh tổng hợp. Con đường Hồ Chí Minh đã trở thành một mạng lưới liên hoàn và không chỉ còn là một tuyến vận tải đơn thuần nữa, mà đã trở thành một vùng căn cứ địa rộng lớn, vững chắc cho các chiến trường của ta và bạn...

 

* Như vậy có thể nói việc phá được thế độc đạo của con đường trong chiến tranh chính là yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng. Đây cũng là điều mà ngành giao thông vận tải nói chung luôn phải coi là quốc sách trong mọi hoàn cảnh; còn với Bộ đội Trường Sơn thì đây chính là kết quả của sự sáng tạo. Vậy trước và sau bài học sáng tạo đó, Trung tướng có thể có những tâm sự gì chia sẻ?...

 

- Có lẽ ít người biết được rằng ngay từ những năm 1970, 1971, chúng ta đã hoàn toàn có đủ sức mạnh quân sự để tiến công vào tận Đà Nẵng, chứ không phải chỉ tới Huế như trường hợp năm 1968 trước đó. Mà ai cũng hiểu rằng đánh được vào Đà Nẵng thì có nghĩa là cục diện chiến tranh sẽ có những thay đổi lớn theo hướng có lợi cho ta. Thế nhưng ngày ấy chúng ta đã không làm được điều đó chỉ vì không có đường để đưa quân, đưa vũ khí, khí tài và các phương tiện khác vào chiến trường. Đường Trường Sơn khi đó tuy đã có cả hai tuyến phía Đông và phía Tây, nhưng vẫn chỉ là những con đường độc đạo, nên chưa thể sử dụng cho những chiến dịch lớn như vậy được. Là người làm tướng, từng trải qua 2 cuộc chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi đã đau đớn đến phát khóc khi chứng kiến cảnh quân của ta không có đường để tiến công trong khi thời cơ chiến thắng đã nằm ngay trước mắt... Những lúc như thế, mọi sự hy sinh cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Chính vì vậy mà đến hôm nay, viêc Chính phủ quyết định xây dựng con đường Trường Sơn xưa kia thành quốc lộ Hồ Chí Minh, thực sự là một quyết sách hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Con đường mới sẽ không chỉ góp phần phá thế độc đạo trên tuyến giao thông của ta, mà còn góp phần đưa khu vực miền núi, Tây Nguyên và các địa phương dọc theo chiều dài của nó vào quỹ đạo chung trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Điều này có lẽ cũng là ước mơ của hàng vạn chiến sỹ đã ngã xuống Trường Sơn trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mà cho đến tận hôm nay vẫn còn hàng ngàn người đang biệt tích giữa đại ngàn...

 

            Cho đến ngày hôm nay, khi cuộc chiến tranh đã thực sự lùi xa, và đã có không biết bao nhiêu lời ca ngợi, đã có không biết bao nhiêu trang viết nói về sự kỳ diệu của con đường, cũng như về hy sinh của những người đã ngã xuống trên con đường này, và họ hoàn toàn xứng đáng với sự ngợi ca ấy; thì với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cuộc sống vẫn còn nhiều việc phải bận tâm lắm. Từ chuyện một nhà hoạt động Cách mạng ở một ở một quốc gia nọ bỗng chốc bị coi là tội phạm chiến tranh, và sự nghiệp của họ đã bị nhấn chìm, để từ đó có cái nhìn chính xác hơn về vai trò của Đảng, của Bác Hồ trong sự nghiệp Cách mạng của ta; cho đến việc phải nhìn nhận sao cho công bằng về chuyện tem phiếu thời bao cấp, hình thức phân phối hàng hoá mà sau đó ngay trong chúng ta đã có nhiều ý kiến phê phán, vậy mà cho đến gần đây, ở nhiều nước phương Tây cũng lại buộc phải sử dụng đến hình thức này? Rồi cả chuyện người nông dân làm ra hạt thóc, bán chỉ có 3,5.000 đến 4.000 đ/kg; trong khi đến chúng ta thì hạt gạo đã có giá từ 12.000 đến 18.000 đ/kg. Như vậy theo ông, người nông dân thiệt mà người ăn cũng thiệt. Mọi lợi nhuận đều nằm ở chỗ các chủ đầu cơ, những người buôn bán. Vậy giải pháp nào để đảm bảo sự công bằng cả cho người sản xuất, người sử dụng lẫn người buôn bán?... Tất cả cứ đau đáu, cứ bề bộn trong lòng, trong ánh mắt, và phảng phất cả trong suốt câu chuyện của vị tướng. Phải rồi, ở trong ông, cuộc sống vẫn luôn là những sự biến đổi khôn lường mà con người cần phải biết chủ động đối với nó. Có lẽ vì vậy mà bài học Nhất dạ sinh bá kế mãi vẫn là bài học tâm huyết của ông suốt từ cuộc chiến trên đường Trường Sơn năm xưa cho đến tận bây giờ.

            Và bài học đó ông đã không giữ cho riêng mình trong buổi chiều nay...

 

Lương Ngọc An thực hiện


Có thể bạn quan tâm