May 21, 2024, 11:44 pm

Trào lưu triển lãm tranh kinh điển dưới định dạng kỹ thuật số

Những triển lãm nghệ thuật định dạng số digital, hay thậm chí Immersive art, có là cách mới để nhìn ngắm những nghệ phẩm kinh điển cũ? Công chúng sẽ thưởng ngoạn và tiếp nhận điều gì khi những tác phẩm bị tước đoạt vẻ đẹp vốn có sau khi được “san phẳng, cán dẹp” và chiếu lên màn hình, tường, trần… tại những buổi triển lãm?

Ước mơ của một khán giả phổ thông được nhìn ngắm trực tiếp những tác phẩm hội họa kinh điển thế giới là điều khá khó khăn. Công chúng không dễ tiếp cận là bởi lâu nay những tác phẩm này vẫn được đặt trong những bảo tàng lớn trên thế giới hoặc nằm trong các bộ sưu tập cá nhân. Nhưng uớc mơ này không phải là bất khả.

Cùng với sách vở, các cuốn catalogue về nghệ thuật và Internet, ngày nay, trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều hình thức triển lãm các tác phẩm hội hoạ kinh điển dưới hình thức định dạng số. Nó mở ra cơ hội tiếp cận những tác phẩm xuất sắc của những nghệ sĩ xuất chúng, đồng thời đẩy ra xa trải nghiệm vẻ đẹp đích thực của các tác phẩm phẩm này.

Hình ảnh “Van Gogh Art Lighting Experience” tại TP.HCM diễn ra vào tháng 12/2023

Nở rộ kỹ thuật số hóa nghệ phẩm kinh điển

Mới nhất và thu hút sự quan tâm của công chúng chính là Triển lãm định dạng kỹ thuật số mang tên Tái Hình Lập Ảnh của Trung tâm Nghệ thuật Đương Đại Vincom (VCCA), mở cửa đón khách từ ngày 20/4. Sự kiện này sẽ giới thiệu kho tàng hơn 130 tác phẩm kinh điển thuộc trường phái Lập thể của 6 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới gồm Pablo Picasso, George Braque, Jean Metzinger, Fernand Leger, Marie Laurencin và Marcel Duchamp.

Đây là lần đầu có một triển lãm các nghệ phẩm thuộc trường phái lập thể với những tác phẩm xuất sắc nhất tại Việt Nam. Nhưng đây không phải là lần đầu hình thức trưng bày nghệ phẩm dưới định dạng kỹ thuật số được thực hiện. Trước đó, chính VCCA cũng từng tổ chức triển lãm “Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm” dưới định dạng số từ 8/3 đến 9/4/2019.

Mới hơn và đang là xu hướng trên toàn thế giới chính là hình thức trưng bày triển lãm tương tác đa giác quan (Immersive Exhibition). Ở đó, các tác phẩm không chỉ được “chuyển đổi” thành định dạng số chiếu lên tường, trần, sàn không gian triển lãm mà có sự tham gia công phu hơn thế về mặt công nghệ. Nhiều triển lãm tương tác đa giác quan các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Vincent Van Gogh, Salvador Dali, Gustav Klimt… gây được sự tò mò cho đại chúng những năm gần đây.

Cuối năm ngoái, trung tâm thương mại Gigamall (TP.HCM) đã tổ chức triển lãm nghệ thuật tương tác đa giác quan “Van Gogh Art Lighting Experience”. Dù choáng ngợp trước sự lung linh thế giới trong tranh của Van Gogh mang lại, nhiều khán giả cũng so sánh với các triển lãm tương tự tại Thái Lan, Singapore, Malaysia và cho rằng sự kiện tại Việt Nam còn nhiều điểm yếu.

Dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa, xu hướng triển lãm định dạng kỹ thuật số sẽ còn tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, thay vì chỉ dưới hình thức kỹ thuật số (digital) thì hình thức tương tác đa giác quan (Immersive art) và thực tế ảo (virtual exhibition) sẽ phổ biến và thu hút sự quan tâm hơn của đại chúng. Không chỉ bởi mới mẻ và chi phí rẻ, các hình thức triển lãm này đáp ứng được đối tượng công chúng trẻ vốn quen thuộc hơn với việc thưởng thức nghệ thuật hiện đại ngày nay.

Tác phẩm The City - Thành phố - Sơn dầu trên toan - 1919 của nghệ sĩ Fernand Léger

Ngắm gần và nhìn xa

Dù chỉ trưng bày các tác phẩm phiên bản điện tử hay tái tạo và dàn dựng tương tác mang đến các trải nghiệm cảm giác khác nhau, những triển lãm này đều mang đến nỗ lực giới thiệu nghệ sĩ và tác phẩm hội hoạ kinh điển đến đại chúng.

Nhưng có thật là những triển lãm nghệ thuật định dạng số (digital) là cách mới để nhìn ngắm những nghệ phẩm kinh điển cũ? Và công chúng sẽ thưởng ngoạn gì khi những tác phẩm bị tước đoạt vẻ đẹp của nó sau khi được “san phẳng, cán dẹp” và chiếu lên màn hình điện tử tại những buổi triển lãm? Những câu hỏi này không phải là vô lý bởi nhiều người cho rằng, đây là một hình thức kiếm lợi nhuận hơn là mang đến không gian thưởng thức nghệ thuật đích thực.

Một giám tuyển trẻ và là người điều phối một phòng tranh có tiếng tại TP.HCM chia sẻ, thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ nên những hình thức trưng bày định dạng kỹ thuật số các tác phẩm kinh điển sẽ còn diễn ra trong vài năm tới.

Cô cũng cho biết, hình thức trưng bày phiên bản kỹ thuật số các tác phẩm hội họa kinh điển đã khá lỗi thời. Ngày nay, thế giới chuộng hình thức triển lãm tương tác đa giác quan hơn. Nhưng dù dưới hình thức nào, đó không chỉ đơn giản là câu chuyện phóng to - thu nhỏ, chuyển đổi “định dạng” mà còn có sự tham gia sâu sắc hơn nữa về mặt tuyển chọn, bố cục và tổ chức.

Hình thức triển lãm mới này cũng cho thấy những tiềm năng mà nó có thể mang lại. Ở mặt tích cực, chúng ta có thể thấy rõ hai điều: 1, thay thế những trải nghiệm tác phẩm gốc thuần tuý bằng trải nghiệm “nhập vai” khi bước vào triển lãm và 2, yếu tố giáo dục về lịch sử và tiến trình nghệ thuật cũng như thúc đẩy phát triển du lịch. 

Nếu “ngắm gần”, đây là cơ hội để khán giả có thể nhìn ngắm thật gần các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Dù dưới tỉ lệ 1:1 (kích thước chuẩn so với tác phẩm gốc) hay phóng to, thu nhỏ, kết hợp hiệu ứng vẫn mang lại những trải nghiệm thưởng thức mới mẻ, khác với việc đến một tác phẩm nguyên bản. Nó cũng phản ánh được một thế giới nghệ thuật xoay quanh công chúng (người tiêu dùng) đồng thời ưu tiên những trải nghiệm mới.

Nhìn xa hơn, những triển lãm này còn mở ra những giá trị về giáo dục, đặc biệt là về lịch sử và tiến trình nghệ thuật. Điều này là khả thi và nên được hoan nghênh nếu các không gian triển lãm, bằng cách nào đó có thể cung cấp thông tin, câu chuyện và bối cảnh của tác giả, tác phẩm đến người thưởng ngoạn. Trên thực tế, điều này vẫn chưa diễn ra đúng như mong muốn bởi nhiều khán giả tham dự triển lãm chủ yếu biến nó thành phông nền để chụp ảnh sống ảo (selfie museum).

Mặt khác, những hoạt động nghệ thuật định dạng kỹ thuật số cũng nằm trong dòng chảy phát triển sản phẩm văn hóa nhằm thu hút du khách, thúc đẩy du lịch. Nó là xu hướng phát triển nghệ thuật dễ nhìn thấy, không chỉ trên thế giới mà ngay ở các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore cũng đang áp dụng khá thành công.

Triển lãm Van Gogh Art Lighting Experience tại TP.HCM kể trên cũng có giá vé không hề nhỏ (900.000 vnđ) nhưng vẫn thu hút một lượng khán giả khá đông đảo, mở ra hình thức khai thác thương mại. Tuy nhiên, để có một triển lãm kỹ thuật số, trải nghiệm nghệ thuật tương tác đa giác quan, các đơn vị tổ chức phải đầu tư nhiều hơn nữa, về cả mặt chất xám con người lẫn máy móc, công nghệ. Bởi virtual exhibition (triển lãm thực tế ảo) của các danh họa tài ba như Leonardo da Vinci, Gustav Klimt, Rembrandt Harmenszoon van Rijn… đều có thể xem miễn phí trong một không gian triển lãm tại nhà.

Phan Linh

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024


Có thể bạn quan tâm