April 27, 2024, 8:07 am

Vì dân mà viết

Nguyễn Bỉnh Khiêm húy là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Ông sinh ngày 6 tháng 4 năm Tân Hợi 1491 niên hiệu Hồng Đức thứ 22 triều Lê Thánh Tông, thời được coi là thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.

Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) 

Sinh ra thời cực thịnh, Nho giáo có vị trí độc tôn trong tư tưởng xã hội, mà tư tưởng Nho giáo là thiết lập về đức trị, nhân trị, lễ trị… những điều lẽ đó Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được học trong thời niên thiếu. Nhưng, khi ông vừa trưởng thành thì đời sống lại bắt đầu bước vào thời đại loạn. Mầm suy bại từ “Vua quỷ” (Lê Uy Mục), sự nguy vong từ “Vua lợn” (Lê Tương Dực). Do vậy, dù là cháu ngoại quan Thượng thư bộ Hộ triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không đi thi để kiếm một vị trí trong xã hội. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc (1527-1677). Rồi Nguyễn Kim lập con Lê Chiêu Tông là Ninh lên làm vua Lê Trang Tông năm 1533, tại Yên Trường, Thanh Hóa. Biến cố lịch sử này đã khởi lên cuộc chiến tranh Lê - Mạc đầy tao loạn làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của dân chúng, cũng khiến đảo lộn cả đời sống tinh thần và tư tưởng xã hội. Là người có tri thức lớn cùng tấm lòng ưu thời mẫn thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể không giõi theo thời thế, ngẫm ngợi về xã hội, nhưng vẫn ở chốn điền viên, dạy học, sống giữa dân chúng. Đến thời Mạc Đăng Doanh kế vị, xã hội có vẻ ổn định Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi và đỗ Trạng nguyên năm 1535 khi ông đã 45 tuổi, được bổ làm Đông các hiệu thư chuyên lo việc soạn thảo, sửa chữa văn thư triều đình... Ông bắt đầu nổi lên thành một nhân vật lịch sử, là nhà chiêm nghiệm đặc biệt, nhà thông thái tiêu biểu trong đời sống văn hóa tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVI. Ông là người mở đầu cho tư duy biện chứng dưới cái nhìn đậm tính triết học, và rất đặc biệt là triết học của ông thể hiện qua văn thơ. Như những nhà hiền triết có tư tưởng duy vật ở Á đông xưa, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng trong thế giới, mọi sự vật, sự việc luôn lưu chuyển, biến đổi, sinh ra rồi mất đi, rồi lại bắt đầu sinh ra… Tư tưởng đó vào thơ ông thật nhuần nhuyễn, xin đọc đôi câu trong Ngụ hứng quán Trung Tân, bài 11: Sinh sinh dục thức tiên cơ diệu/ Nhật thử hàn mai nghiệm nhất dương (Tạ Ngọc Liễn phiên âm, và dịch nghĩa: Muốn biết cơ trời thần diệu, sự sống cứ sinh ra mãi/ Xem mai nở tháng rét sẽ thấy một khí dương lại sinh ra). 

Triết gia Nguyễn Bỉnh Khiêm đã triển khai tư tưởng theo hướng lý khí, đi vào các vấn đề hình nhi tượng của triết học phương Đông, như khởi nguyên của trời đất, tính mâu thuẫn, đối lập của sự vật, nguyên lý lưu động, biến đổi của vạn vật.

Thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm sống là thời đại nảy sinh những mâu thẫn xã hội rất gay gắt. Ông muốn vận dụng biện chứng pháp để làm rõ những mâu thuẫn trong đời sống đang diễn ra trước mắt, với lý tưởng nhân văn cao trong căn tính “thi nhân” của ông khiến phần duy lý “nhà hiền triết” trong ông muốn xóa bỏ mâu thuẫn thì phải thủ tiêu một mặt của hai cực đối lập; do vậy đôi câu thơ như một tiếng thở dài không kìm nén nổi:

Dục vọng mà thắng thì lòng thiện tự nó mất đi

Tính khí mà kiêu thì ý chí trôi đi hết.

(Bài Ý xưa cảm khái về thời thế,

Tạ Ngọc Liễn dịch)

Thơ như người, như số phận vậy. Đầu năm 1540, Mạc Đăng Doanh qua đời, kết thúc giai đoạn được coi là thịnh trị nhất của triều Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm mất đi chỗ dựa vững chắc để thực thi hoài bão của mình. Thêm nữa, cuối năm 1540, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung cùng bề tôi thân tín đã làm cái việc sang Trấn Nam Quan đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh dâng biểu xin hàng. Đó là một cú sốc lớn đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Triều Mạc trở nên nhiễu nhương đến mức Nguyễn Bỉnh Khiêm phải dâng sớ xin trị tội 18 lộng thần (trong đó có con rể của ông là Phạm Giao). Nhưng tấu sớ của Nguyễn Bỉnh Khiêm không được vua Mạc Phúc Hải chấp thuận, năm 1542, ông về trí sĩ sau tám năm làm quan tại triều đình. Sự kiện này đã vào thơ ông, những câu dẫu đượm buồn nhưng điềm tĩnh mà ý tứ sâu xa:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá...

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

                (Nhân tình thế thái, bài 38)

Về trí sĩ trong quãng thời gian hai mươi năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm mở trường dạy học ở quê nhà Trung Am, hai mươi năm sống chan hòa giữa dân chúng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết được rất nhiều thơ, nhất là thơ Nôm, đó là đóng góp lớn lao cho nền văn chương cổ Việt Nam. Do hòa mình giữa dân gian, nhiều câu thơ của ông chứa đựng kinh nghiệm sống sâu sắc của tục ngữ; nói một cách khác, nhiều câu thơ ông như là tục ngữ, ví dụ hai câu trong bài Dại khôn: Khôn mà hiểm độc là khôn dại/ Dại vốn hiền lành ấy dại khôn, hoặc đôi câu trong bài Vô sự: Vụng bất tài nên kén bạn/ Già vô sự ấy là tiên... Sống chan hòa với dân chúng nơi xóm mạc nên thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đậm tính triết lý mà cũng thấm đượm phong vị thiên nhiên: Sen, mùa trước đổi, mùa sau mọc/ Triều, cửa này ròng, cửa khác cường/ Âm đã lại dương đành máy nhiệm/ Bỉ thôi thì thái ấy là thường... Tuy nhiên, do vẫn nặng lòng với triều Mạc, thi nhân - triết gia Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn chưa dứt được ý muốn uốn nắn dân để bảo vệ trật tự chế độ, đơn cử những câu trong Nhân tình thế thái, bài 2:

Giàu ba bữa khó hai niêu

An phận thì hơn hết mọi điều...

Thong thả hôm khuya nằm sớm thức

Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu

Cho đến năm bảy mươi ba tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thực sự sống quy ẩn. Sau rất nhiều chiêm nghiệm, trong tâm thức ông đã nảy sinh nhận thức mới về các “vị vua” và “đất nước”, về “quyền lợi vương tộc” và “quyền lợi dân tộc” đã không có sự trùng khớp nhau nữa. Và nhà nho quân tử sống giữa những người dân mà lời thơ của ông như vọng nói với thế lực đương quyền:

Non sông nào phải buổi bình thời

Thù đánh nhau chi khéo nực cười.

Cá vực, chim rừng ai khiến đuổi?

Núi xương, sông huyết thảm đầy vơi.

Ngựa phi chắc có hồi quay cổ,

Thú dữ nên phòng lúc cắn người...

 (Bài Cảm hứng, bản dịch của Ngô Lập Chi)

Từ giữa thế kỷ XVI, hình tượng các “ông vua” đã hết thiêng trong đời sống xã hội, có thể nói là đã bị hạ thấp trong tâm thức người đời. Thực chất vua, chúa thời này chỉ là người đứng đầu các tập đoàn phong kiến đang kịch chiến với nhau để tranh giành quyền lợi cho dòng tộc mình. Trước thực tế đó, các văn nhân không thể giữ mãi cái tư thế trọng vọng nhìn lên các bậc vua, chúa và hoàng tộc mà sáng tác. Do vậy, đã nảy sinh một vấn đề bức thiết đối với giới văn nhân, là viết về ai, viết cho ai? Cuộc lựa chọn mang tính lịch sử này đã tạo nên một bước tiến quan trọng cho văn chương Việt Nam, là văn nhân đã nhìn xuống, nhìn vào dân chúng mà sáng tác. Và người khởi đầu cho tư thế văn nhân nhìn vào đời sống thường tình của người dân mà viết, là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với tư thế thi ca đó, thơ của ông chứa đựng thật nhiều bài học nhân sinh:

Xe ngựa bụi không đến

Hoa trúc tự tay trồng…

Tính suy lẽ trời đất

Nghiền ngẫm việc xưa nay:

Đường đời rất gập ghềnh,

Chông gai cần phải cắt.

Lòng người rất hiểm nghèo,

Buông ra liền quái quắc.

 (Bài Ngụ hứng quán Trung Tân,

Ngô Lập Chi dịch)

Nhìn vào đời sống thường tình của dân chúng, văn nhân - hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy con người trong cái cõi nhân gian với biết bao thèm muốn, toan tính; thấp hèn cũng có, cao cả cũng có trong tình cảm riêng tư, cuộc sống cá nhân. Viết về họ, là phơi bày cuộc sống dưới góc nhìn đời tư, đời thường, nghĩa là bắt đầu viết về thực trạng cuộc sống con người đương thời.

Viết về thực trạng cuộc sống con người là xu thế rất mới, là bước tiến quan trọng của văn học nước Việt ta, bắt đầu hướng tới hiện thực. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về con đường trần thế, hơi thơ thật trữ tình mà sâu xa những lẽ đời:

Hoa mai bạc, vì trăng tỏ

Bóng trúc thưa bởi gió lay

Ưu ái chẳng quên niềm trước

Thị phi tiếng nói sự nay

Đã từng trải sơn hà hết

Đường thế nhiều nơi hiểm hóc thay

                 (Theo Bạch Vân quốc ngữ thi tập)

Vâng, đường trần thế thật nhiều hiểm hóc, như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thấu hiểu và bày tỏ trong văn thơ những năm quy ẩn. Và rồi, ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu 1585, ông tạ thế tại quê nhà, sau khi đi lại trên con dường trần gần trọn một thế kỷ nhiều biến động bậc nhất trong lịch sử.

Những năm cuối đời Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã hội Việt Nam không thuần nhất là xã hội nông nghiệp nữa. Đã có buôn bán giữa các vùng miền, có thủ công nghiệp với kỹ nghệ tinh mĩ như dòng gốm Chu Đậu, có cả ngoại thương tấp nập như vùng Phố Hiến...; và con người có nhiều phương cách làm giàu, nên cũng có vô vàn sự đời nảy sinh theo nó, như nhận định của Giáo sư Huệ Chi: ‘‘Một xã hội phong phú hơn rất nhiều so với bức tranh xã hội thời Lê sơ mà văn chương để lại’’. Vâng, bức tranh phong phú hơn rất nhiều về xã hội Việt Nam mà văn chương sẽ tạo nên, là sự nghiệp hết sức lớn lao của văn nhân Việt Nam những thế kỷ tiếp sau. Chúng tôi chi xin nói thêm một chút rằng, sự nghiệp đó được khởi đầu từ Nguyễn Bỉnh Khiêm (qua thơ) cùng Nguyễn Dữ (qua văn xuôi), bởi tư thế văn chương vì dân mà viết!

Nguồn Văn nghệ số 44/2022


Có thể bạn quan tâm