April 27, 2024, 6:21 am

Về vùng đất khó Ia Kreng

Băng băng hơn 70km đường nhựa và bê tông từ trung tâm thành phố Pleiku qua những cung đường đèo dốc, quanh co với cảnh đẹp thung đồi mùa khô, chúng tôi đến trung tâm hành chính xã Ia Kreng, huyện Chư Păh. So với cách đây 10 năm đường vào Ia Kreng hôm nay đã thuận lợi vô cùng. Hệ thống giao thông được như bây giờ là nhờ có công trình thủy điện Sê San 3 và 3A được khởi công xây dựng từ những năm trước. Dọc hai bên đường vào xã thấp thoáng màu xanh của những rẫy cà phê, điều và thông. Xa xa phía dưới là lòng hồ thủy điện Ia Ly. Phong cảnh nơi đây bên núi đồi, bên thung lũng thật kỳ vĩ, thơ mộng.

 

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sê San 3A của người dân 2 làng Díp và Doch 1 xã Ia Kreng là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế

 

Trước đó, chúng tôi đã tìm hiểu về Ia Kreng qua một người anh từng làm cán bộ văn phòng huyện ủy Chư Păh gần 15 năm. Anh Nguyễn Văn Đức, nguyên chánh văn phòng huyện ủy là người rất am hiểu về vùng đất này, anh rất yêu văn hóa dân gian của hai tộc người Bahnar, Jrai. Hai anh em tôi từng tranh luận nhiều lần việc làm thế nào để khai thác được các giá trị di sản văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Gia Lai thành sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương, lôi cuốn du khách gần xa, tạo công việc bền vững cho bà con và giữ gìn được văn hóa truyền thống tộc người nơi đây trước nhịp độ phát triển của xã hội thời 4.0. Anh Đức kể rằng Ia Kreng là một xã rất đặc biệt của huyện Chư Păh. Đặc biệt vì xã chỉ có 3 làng và làng nào cũng đều là làng khó khăn với tỷ lệ người dân tộc thiểu số Jrai chiếm 98%. Vùng đất này có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội vì đất đai phù hợp để trồng một số loại cây như: điều, cà phê, bời lời và trồng rừng. Ngoài ra, xã còn có diện tích lớn mặt nước hồ thủy điện Sê San, đây là tiềm năng để nuôi trồng một số loài thủy sản. Đặc biệt, ở Ia Kreng có một sản phẩm đã trở thương hiệu của xã, đó là chuối hột rừng. Nhờ có đặc điểm riêng về khí hậu, thổ nhưỡng mà vùng đất này mọc rất nhiều cây chuối hột rừng và chuối hột ở đây phát triển rất tốt. Cũng chính vì thế mà người dân nơi đây đã biết khai thác nguồn lợi này và xây dựng cho mình một sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu riêng. Với tiềm năng sẵn có như vậy nhưng người dân nơi đây vẫn chưa thể thoát khỏi cái nghèo đeo bám dai dẳng. Đó cũng chính là nỗi niềm trăn trở lớn nhất trong anh dù giờ đây anh không còn công tác ở Chư Păh. Với những thông tin có được, lòng tôi và đồng nghiệp Tuệ Minh đầy chộn rộn, háo hức khi đến với Ia Kreng.

Xe vào đến xã, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân dân xã khá khang trang, quay mặt về hướng nam, phía dãy núi Chư Păh, các phòng làm việc được trang bị các trang thiết bị phục vụ công tác khá đầy đủ. Hội trường chung rộng rãi, thông thoáng, bàn ghế mới, đẹp đẽ, đặc biệt còn được trang bị máy chiếu hiện đại. Đón tiếp chúng tôi là các đồng chí lãnh đạo cùng anh em cán bộ, chuyên viên của xã và bà con thuộc hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng quà tri ân của trong dịp này.

Chúng tôi mời người già của làng Doch 1 và Doch 2 đến dưới những tán cây to trong khuôn viên trụ sở xã vừa uống nước vừa chuyện trò. Già làng Doch 1, ông Siu Klol, 81 tuổi, kể ngày xưa dân làng đói khổ, đất đai trồng cây không năng suất vì cằn cỗi đá sỏi, bà con men theo các triền suối, triền hồ trồng trọt nhưng đường từ làng đến những chỗ canh tác xa xôi, thu sản phẩm sau vụ mùa chẳng đủ ăn, trẻ con không học hành gì, quanh quẩn tảo hôn, cận huyết, hủ tục tang ma, cưới hỏi, sinh hoạt cúng lễ nhiều... giờ đời sống đỡ nhiều, không ai đói rét nữa, cán bộ xã giúp dân các làng trồng cây, nuôi gia súc gia cầm, ăn ở sinh hoạt vệ sinh, vận động con cháu đi học, sinh đẻ theo kế hoạch, giữ văn hóa truyền thống, biết tích lũy tiền bạc để phòng khi ốm đau, khi gia đình, dòng họ có việc lớn. Thay đổi nếp nghĩ cách làm dần dần cho bà con, vất vả lắm nhưng mừng lắm! Già làng Doch 2, ông Siu Bol, 66 tuổi khoe rằng, làng ông từ già đến trẻ đều ý thức tốt trong chuyện giữ gìn văn hóa truyền thống, ở làng ông lễ bỏ mả vẫn còn, vẫn có người biết làm tượng gỗ trang trí nhà mồ, nhà rông. Phụ nữ vẫn chăm chỉ dệt vải, ráp trang phục truyền thống vừa để mặc vừa bán lấy tiền trang trải đời sống gia đình, cồng chiêng vẫn giữ được vài bộ và dạy nhau đánh khi rảnh rỗi và khi xã, huyện có các hội thi, lễ kỉ niệm... Ánh mắt hai già làng lấp lánh khi nói về những điều hôm nay dân làng đang có, đang giữ gìn và tiếp nối đến tương lai. Mùi khói thuốc, mùi tóc khét nắng, mùi mồ hôi nồng nồng của hai già ở Ia Kreng làm tôi chợt nhớ về kí ức tuổi thơ vất vả trên những ruộng, đồi quê hương tôi xa ngái nơi vùng trung du Bắc bộ.

Trong chuyến về Ia Kreng hôm ấy, chúng tôi ấn tượng mãi với R’com Tâm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Tâm ngoài 30 tuổi, khuôn mặt rắn rỏi, cương trực, đôi mắt ánh lên sự thông minh. Ở Tâm chúng tôi thấy rõ sự gắn bó, tâm huyết với vùng đất này, qua cách trao đổi, giải đáp những vấn đề liên quan đến địa bàn quản lý đến đời sống đồng bào dân tộc Jrai nơi đây vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trẻ tuổi ấy khát khao biến vùng đất Ia Kreng, khu căn cứ cách mạng năm xưa, vùng đất đang còn nghèo khó hôm nay tiến lên từng bước để đổi thay, khởi sắc như bao xã khác trong huyện, trong tỉnh. 

Ia Kreng có tổng diện tích tự nhiên hơn 11.000ha, được tách ra từ xã Ia Mơ Nông từ năm 2009, dân số gần 2.000 người, trong đó người Jrai chiếm 98%. Xã Ia Kreng sau khi thành lập có 3 làng, chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai sinh sống từ lâu đời. Làng Dip và Doch (sau tách thành Doch 1 và Doch 2) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là căn cứ cách mạng của huyện 4 (khu 4), tỉnh Gia Lai. Những năm 1961-1962, thực hiện âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược, Mỹ - ngụy đã tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá vào vùng này để dồn xúc dân vào các khu đồn, ấp chiến lược. Nhưng với truyền thống yêu nước, đồng bào các làng Dip, Doch đã kiên trì bám đất, giữ nhà, bám rẫy, quyết không chịu dời làng vào ấp. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, làng Dip cùng với làng Doch 1, Doch 2 đã trở thành căn cứ địa cách mạng, nơi đứng chân của Ban cán sự khu 4 để chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Địa điểm của làng Dip cũ trước đây thuộc vùng hồ thủy điện Sê San 3, cách làng mới hiện nay khoảng 3km. Khi công trình thủy điện khởi công, làng Dip được di dời về khu tái định cư hiện nay với hơn 200 hộ dân. 

Ia Kreng là một xã đặc biệt khó khăn vì có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Chư Păh với gần 37% trên tổng số dân, hộ cận nghèo chiếm 34%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm. Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao nên trong những năm qua công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã đã được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Hệ thống giao thông của xã đã được bê tông hóa trên 90%. Một số cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây là cà phê với hơn 100ha, gần 70ha đang cho thu hoạch; các loại cây điều, bời lời, sắn, lúa nước, chuối hột, trong đó, cây bời lời là chủ lực. Gần đây, Ia Kreng đã bắt đầu đưa một số mô hình mới vào thử nghiệm để tạo nên sự đa dạng về sinh kế cho người dân như mô hình nuôi cá lồng trên mặt sông Sê San, mô hình trồng cây mắc ca, chuối rừng… Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình đồi núi, diện tích đất nông nghiệp ít, đất đai kém màu mỡ, nguồn nước tưới cho cây trồng hiếm hoi, phụ thuộc vào tự nhiên đã khiến cho sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn mãi dậm chân tại chỗ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Công tác triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng vì thế mà gặp không ít khó khăn, vướng mắc, các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đạt được chậm. Hỏi ra, Tâm chia sẻ: Xã mới chỉ đạt được 8/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đã 10 năm từ khi Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai, đến nay hiệu quả cũng chưa rõ nét trong cả nếp nghĩ lẫn cách làm bởi có một bộ phận không nhỏ đồng bào Jrai nơi đây còn lười lao động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức từ thiện nhân đạo, bà con chưa có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo. Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào tư duy của đồng bào bao đời đâu một sớm một chiều là được.

Có một nguồn tài nguyên ở đây còn khá phong phú đó là rừng với diện tích hơn 6.000ha. Hiện nay xã đang có diện tích rừng lớn nhất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Trong năm 2019, cộng đồng 3 làng đã ký hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly nhận khoán bảo vệ hơn 3.500ha, trong đó làng Doch 1 nhận khoán 985,5ha, làng Doch 2 nhận 1.212ha, làng Dip 1.351ha. Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, trải dài trên địa hình phức tạp, các đối tượng khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy ngày càng manh động đã gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.

Qua trò chuyện, chúng tôi biết được trước đây Tâm từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Em là lính tại một đơn vị trinh sát đặc nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tuệ Minh khi nghe thế, cười tươi bắt tay Tâm lắc mạnh bởi vì chồng cô ấy hiện là một sĩ quan trinh sát đặc nhiệm. Tuệ Minh bảo:  Giờ thì em biết vẻ rắn rỏi, sự cương trực, thông minh là do đâu rèn luyện nên rồi vì người chiến sĩ vốn đã vất vả, nhưng với người lính trinh sát đặc nhiệm thì vất vả, gian khổ còn gấp bội phần, bởi cường độ huấn luyện, diễn tập, trực sẵn sàng chiến đấu luôn ở trạng thái cao. Hơn nữa, để trở thành một chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm còn cần có một số tố chất nhất định. Tâm trải lòng: “Gắn bó với mảnh đất này, với con người nơi đây em mới thấy được một điều, dù xã, huyện và tỉnh đã quan tâm đầu tư về đường xá giao thông và cơ sở vật chất trường lớp. Nhà của dân đã được xây dựng theo dự án tái định cư, nhưng nhìn chung đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức, trình độ sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế”. Tôi hỏi: Vậy lãnh đạo xã tính làm gì thời gian đến để giải quyết câu chuyện này đây? Tâm chia sẻ: Ủy ban nhân dân xã đã thành lập tổ tư vấn về kỹ thuật và giao cho Phó Chủ tịch xã làm tổ trưởng, cán bộ nông nghiệp làm thành viên để tư vấn, hỗ trợ cho bà con. Giúp bà con dần tiếp cận với những kỹ thuật mới, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, bà con vẫn còn khá e dè trong việc tiếp nhận, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn nên thời gian tới anh em cán bộ công chức xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, 3 cùng với dân, cầm tay chỉ việc. Chúng tôi hỏi những người dân trong các làng, đa số bà con mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về giống cây, con giống, chỉ cho họ các mô hình phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và nhận thức của họ để làm, để có thu nhập cho gia đình, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm ăn được ấm no, có tích lũy.

Từ những điều được nghe và những điều được tận mắt “mục sở thị”, với thực trạng cái nghèo khó vẫn còn hiện diện nơi đây thì việc tìm ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vẫn là một vấn đề đang cần tìm nhiều lời giải ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã cần có một chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó tập trung thí điểm và nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây bời lời, nuôi cá lồng; đa dạng hóa các loại cây trồng, như triển khai trồng thí điểm một số loại cây ăn quả, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với diện tích mặt nước tự nhiên tương đối lớn và luôn duy trì ở mức ổn định của hồ thủy điện Sê San 3A là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Qua thời gian thực hiện dự án nuôi cá lồng đối với các loại cá: rô phi, diêu hồng, cá lăng đã mang lại hiệu quả bước đầu, đem đến thu nhập ổn định cho người dân. Mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới, giúp nhiều hộ đồng bào Jrai có nguồn thu nhập ổn định. Tôi nghĩ mô hình nuôi cá lồng rất cần nhân rộng, khuyến khích nhiều người dân tham gia, từng bước xây dựng vùng chuyên nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa.

Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chuối hột, sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xây dựng một thương hiệu riêng cho chuối hột Ia Kreng theo tiêu chí OCOP và quảng bá rộng rãi để nhiều người, nhiều nơi biết và dùng sản phẩm này. Bên cạnh đó, cây bời lời với đặc tính dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, lại rất phù hợp với địa hình đồi núi dốc cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Jrai ở Ia Kreng. Đây là loại cây rừng có khả năng tái sinh, tái tạo rất lớn, không hạn chế chu kỳ khai thác, sản phẩm từ cây bời lời không bỏ đi bất cứ thứ gì từ thân, lá, gốc, rễ và lại được thương lái vào tận nơi thu mua nên chỉ sau 2-3 năm người dân đã có nguồn thu nhập từ lá, cành, vỏ cây. Vì thế, xã đang tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng cây bời lời để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Với nguồn tài nguyên rừng còn dồi dào, xã đang có giải pháp đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện giúp người dân tạo thêm công ăn việc làm, mở rộng phương thức sản xuất để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Chia tay anh em cán bộ và bà con các làng ở Ia Kreng, nắng đầu chiều gay gắt, rát rạt da mặt, cái nóng nực mùa khô làm cơ thể mệt nhọc rã rời. Xe lướt qua những triền đồi khô cằn, phía dưới là thung lũng sâu thẳm lô nhô đá và cây, dây leo, đường về nhà cảm giác xa ngái. Lại nhớ mãi những tâm tư của em Tâm chủ tịch xã trẻ tuổi, yêu việc, thương dân nơi địa bàn mình phụ trách. Lại nhớ những tâm tư của hai già làng và ánh mắt lấp lánh như nắng. Chúng tôi tin chàng cử nhân kinh tế luật, người con Jrai của vùng đất phía Tây của Gia Lai ấy sẽ có nhiều sáng kiến để vận động, khuyến khích, hỗ trợ bà con ở Ia Kreng từng bước vươn lên xây dựng quê hương phát triển. Hy vọng trong tương lai không xa, cuộc sống của đồng bào Jrai nơi đây sẽ thoát nghèo bền vững và ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021

 


Có thể bạn quan tâm