April 26, 2024, 3:41 pm

Về quê

 

Bài thơ Bài học đầu đời cho con của Đỗ Trung Quân được nhạc sỹ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành ca khúc với tên gọi Quê hương, trong đó có những câu...“Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay...” lâu nay thành câu hát cửa miệng của không chỉ riêng giới trẻ. Hay thì có hay, cảm động và rất chi là ý nghĩa. Nhưng với tôi, quê hương là cái gì đó... rất gần gụi, thân thương, máu thịt và linh thiêng lắm lắm, chứ không chỉ là “chùm khế ngọt” mà cánh chị em nhà ta ăn chơi bời, ngồi tán dóc, rồi cười khúc khích với nhau đâu. Quê hương là nơi chôn rau, cắt rốn và là nơi ta nhồng nhồng lớn lên. Quê hương đầy ắp những kỉ niệm đầu đời và hơn thế, quê hương còn là nơi cất giấu hồn cốt, là nơi yên nghỉ giấc ngàn thu của ông bà, tổ tiên. Chả thế  ai đó có câu, đại ý: Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có duy nhất một nơi để về, đó là quê hương.

Nói thì thế, nhưng như các cụ nhà ta thường dạy: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người có điều kiện sống và số phận khác nhau. Ngay như tôi có đui què, mẻ sứt gì đâu, nhưng do miếng cơm, manh áo thúc bách, đưa đẩy, nên phải li hương, theo bà con bên ngoại vào mãi tận Lâm Đồng làm ăn, sinh sống. Thật tình quê tôi ở thập kỉ 80 nghèo lắm. Năm 1978 vừa đủ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, tôi tòng quân và năm 1979 cầm súng lên biên giới Vị Xuyên quần nhau với bọn bành trướng. Giặc tan, tự biết trình độ học vấn của mình mới hết cấp 2, tôi đành khoác ba lô về làng chấp nhận cầm cày theo đít trâu. Ôi chao, làng Thạch Gáp của tôi hồi ấy tiêu điều xác xơ như tầu lá cọ non trước gió. Chỗ nào cũng chỉ thấy nhà tranh vách đất và dân tình cơ cực, ngày ba, tháng tám nhai khoai sắn quẹo răng. Đói nghèo là thế, nhưng thấy mình đã trưởng thành khôn lớn và nhất là nghe các cụ khéo đổ mật ong vào tai, tôi liền mở “chiến dịch” tán gái và cuối cùng cô nàng Vũ Thị Cậy con ông Thanh Phượng chuyên nghề cắt tóc ở dốc chợ đẹp nức tiếng đã ngã vào lòng tôi. Thế là  đám cưới được diễn ra trong tiếng vỗ tay đôm đốp của đôi bên hai họ cùng tiếng nổ đì đoành của mấy bánh pháo tép và tiếng reo hò, nhảy tâng tâng như bị ong vò vẽ đốt của lũ trẻ xóm Trằm.

          Lấy vợ sướng thật đấy. Có lẽ hai đứa chúng tôi hợp tâm, hợp tính nên tối ngày cứ quấn lấy nhau như đôi rắn mồng vào mùa động dục. Cậy thuộc diện thắt đáy lưng ong và dẫu cuộc sống kham khổ, nhưng cô nàng mắn đẻ bẩm sinh. Thành ra mới năm năm, chúng tôi đã sớm cho ra đời ba sinh linh, đứa nào cũng chắc khỏe và ăn uống như ma đói, ma khát. Thì lúc hì hục “bơi” trong bể ái, nguồn ân tôi có mường tượng ra cảnh phải đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đâu. Tới khi có mấy chiếc tầu há mồm quấy phá rồi mới thấy lúc nào cuộc sống cũng khó khăn, eo hẹp, nhiều lúc tưởng muốn phát rồ, phát điên. Đêm nằm vắt óc, nặn trán, tôi quyết định xắm bộ đồ, xin theo cánh thợ xây trong xóm. Khổ nỗi ông giời ăn ở không cân, chẳng ban cho tôi chiếc hoa tay nào. Thành ra khi bập vào công việc mang đầy tính kỹ thuật mới biết việc gì cũng khó. Thấy tôi cầm chiếc bay lóng ngóng, mấy lần làm hỏng cả đường phào, đường chỉ, tay thợ cả nổi nóng, mắng như đổ tương vào mặt:

- Mày vụng thối ra thế, có chó nó cũng chả thuê. Bị mắng nhiếc, tôi thấy xây xẩm cả mặt mày, đang định thanh minh thì hắn ta gườm gườm, chì chiết:

- Mày làm rờ rờ như xẩm rờ (....) định lấy cứt đổ vào mồm à? Ôi chao, đau hơn bị bọ cạp chích, nhục nhã tới mức muốn tóe nước mắt. Tôi định thoi cho tay thợ cả mấy quả vào mặt, may mà kìm chế được. Sau bữa ấy, tôi thấy thẹn lòng và ngẫm, có lẽ ông trời chỉ cho mình cái nghề cày cuốc, trồng trọt thôi. Đang cơn bĩ cực, chưa biết xoay sở, toan tính làm sao. May quá, bữa ấy có ông chú họ bên vợ từ Tây Nguyên ra chơi. Thì ra ông từng là anh giải phóng quân thời đánh Mỹ. Sau giải phóng ông về làm cán bộ ở Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng. Ông bảo: Tây Nguyên hùng vĩ, bát ngát bao la, đất ba zan cháy đỏ, cực kì mầu mỡ. Ông sẵn sàng giúp đỡ nếu bà con, anh em nào có nguyện vọng làm cuộc đổi đời, vào trong đó làm ăn. Như người chết đuối vớ được khúc gỗ. Vợ chồng tôi bán béng ngôi nhà ba gian bằng gỗ xoan các cụ làm cho, cộng với chiếc xe đạp hiệu “Thống nhất” cà tàng và tất tật những thứ gì không thể mang đi được. Thấy tôi quyết chí ra đi, mấy đứa bạn trong xóm Trằm cười ngặt nghẽo, chê bai ra mặt: Thằng Bằng chỉ được cái đẹp mã như Tây lai và con vợ có mỗi năng khiếu mắn đẻ như gà, ngoài ra chả thấy chúng nó có tài cán gì. Bộ dạng ấy không chừng lại chết đói nơi rừng xanh, núi biếc cho mà xem. Tôi nghe mà đắng ngắt trong lòng. Thực tình thì có phần họ đánh giá không ngoa. Bởi tôi là cậu con trai út trong gia đình có tới bảy người con. Tuy nhà nghèo, nhưng tôi luôn được bố mẹ và các anh chị cưng chiều từ bé. Lớn lên học hành làng nhàng rồi đi bộ đội. Bữa ấy cả đơn vị đang dùng bữa cơm chiều thì bất ngờ Tiểu đoàn trưởng Đặng Thanh Toàn “vi hành”. Thấy tôi ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, trắng trẻo, đẹp trai, thế là ông bốc thốc lên làm liên lạc tiểu đoàn. Vì thế, tiếng là lính, nhưng xem như ít phải đấu súng trực tiếp với quân giặc. Có lần ngồi ăn lương khô, ông Toàn bỗng cười ha hả bảo: Chịu khó đi, mai mốt tớ sẽ cho cậu đi học sỹ quan. Câu nói vô thưởng, vô phạt ấy như chiếc đinh thép găm vào tai tôi, ai ngờ mấy hôm sau tiểu đoàn trưởng bị trúng pháo kích của địch hi sinh. Cấp trên điều ông Tạ Duy Khấu về thay. Ông Khấu người Quảng Bình, nói trọ trọe như khướu hót và tính tình khô như ngói. Giặc tan, cả miền biên cương trở lại thanh bình, trên có chủ trương giảm quân, bữa ấy ông Khấu bảo tôi:

- Mi còn trẻ, khỏe, cho mi ra quân về học thêm văn hóa rồi đi công nhân, mần con vợ, chả sướng mớ đời. Chứ theo đường binh nghiệp, ngủ bụi, nằm sương, nhức buốt sống lưng, khổ lắm.

Ôi, lúc còn trẻ thấy được nhàn hạ đôi chút cứ vênh vênh cái mặt tưởng sướng, ai ngờ... Đã thế tôi thề, nếu cuộc sống không no đủ, khấm khá, tôi quyết không về quê hương nữa. Hôm chia tay thật lưu luyến, bùi ngùi, thương cảm. Ông anh trai cả đã ngót sáu mươi vỗ vỗ vào vai tôi, nhưng mặt quay đi giấu những hạt nước mắt lăn dài trên hai gò má khô nhăn, teo tóp, ông động viên:

- Người xưa dạy: Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Chú thím cùng các cháu vào trong ấy, nếu thấy khó sống quá thì hồi hương. Mấy sào ruộng của các em, tạm thời anh chị trông coi hộ, khi nào về sẽ bàn giao lại. Có lẽ lúc ấy do lưu luyến, bịn rịn và cảm động quá nên hai tai tôi như ù đi.

Thế rồi vợ chồng cái con nhà tôi lên tàu hỏa và sau đó sang xe buýt lên cao nguyên Lâm Đồng. Chao ôi, mấy ngày trời như đánh vật với đời, cơ cực không sao kể xiết, cuối cùng chúng tôi dừng chân tại xã Ninh Gia,  huyện Đức Trọng. Vào đây, nơi rừng xanh thăm thẳm, đồi núi trập trùng, dân cư thưa thớt, đêm đến nghe giun dế nó than vãn và nghe mưa cao nguyên như chuột chạy trên mái nhà mà buồn tê tái ruột gan. Nhờ có ông chú Vũ Quốc Khánh làm “sếp” ở trên tỉnh hết lòng giúp đỡ, vợ chồng tôi đã mua được căn nhà lợp bằng tôn rộng chừng 40 m2 đen nhẻm và điều thuận lợi là còn mua được cả vạt nương rẫy trồng khoai mì, củ dong, củ từ....của gia đình người M’Nông bán cho. Nhưng trời ơi khí hậu cao nguyên thật ẩm ương, khác xa ngoài Bắc. Cụ thể là ở đây hai mùa rõ rệt. Mùa đông rét mướt, đất đai khô cong, bụi bay mù mịt và mùa mưa lại sụt sùi suốt đêm ngày, đất nhão nhoét bám chặt chân người, ra khỏi cửa là ướt hơn chuột lột. Thời gian đầu không quen với khí hậu, thổ nhưỡng khiến các con tôi đều lăn ra ốm khiến hai mắt bà xã lúc nào cũng ngân ngấn nước. May mà tôi từng là người lính dầm dãi gió sương nên xông xáo lo liệu, lại thêm được mấy gia đình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng chung cảnh ngộ lên đây định cư nên chúng tôi đã biết tựa vào nhau. Với số tiền tàm tạm, lại thêm có ông chú vợ sành sỏi, tính toán như sách. Vợ chồng tôi đã mua được gần ba héc ta đất của người Thượng, vốn chỉ quen ăn sổi ở thì và du canh du cư. Họ thích ở nơi rừng sâu heo hút, tối ngày nghe gió núi u u và sáng chiều được nghe tiếng vượn tru mồm lên hót và đêm nghe tiếng chim “chót bóp” thảm thiết phía rừng xa, họ bảo là tiếng của thần rừng đấy...

Cái ăn là điều cốt tử nhất thì đã có lúa nương, có bắp, có củ mì và rau cỏ ngoài nương bạt ngàn man dã. Nhưng muốn giầu có thì phải trồng cây công nghiệp. Mấy năm đầu vợ chồng tôi đổ sức, đổ tiền ra đầu tư cho cây cà phê. Mấy héc ta cà phê ra hoa, kết trái thì lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cho thu hoạch chả đáng là bao. Có năm được mùa thì lại rớt giá thảm hại. Cứ thế, vợ chồng cái con nhà tôi loay hoay như gà mắc tóc, như người lạc lối giữa rừng xanh mịt mùng không tìm được lối ra. Bữa ấy ông Khánh cỡi chiếc xe TOYOTA đỗ xịch trước cổng. Vào nhà, tôi chưa kịp hỏi han sức khỏe thì ông đã đặt mấy tập tiền và cuốn sách có tựa đề “ Kĩ thuật trồng cây bơ trên miền đất đỏ ba zan” lên bàn. Ông ôn tồn bảo: Đây là vùng đất đỏ vàng, rất thích hợp với cây bơ và câu sầu riêng.... Các cháu phải tin vào khoa học và phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu. Chứ cần cù mà hiểu biết ít thì công sức sẽ đổ xuống hồ Nam Sơn đấy.

Thấm thía lời ông Khánh và nghiền ngẫm cuốn sách suốt mấy đêm liền, tôi quyết định phá bỏ dần những cây cà phê kém chất lượng và thay vào đó là giống bơ cao sản. Ôi chao, thời gian trôi vùn vụt như cánh chim phí bay phía chân trời. Mới đấy mà hàng trăm gốc bơ của tôi đã phủ xanh ngắt  một vùng và đã bắt đầu ra hoa, kết quả. Những năm tiếp theo là hàng vạn  trái bơ to cỡ vốc tay treo bung biêng, được thương lái đến tận vườn kí kết hợp đồng bao tiêu và đương nhiên những đồng tiền từ mồ hôi, thậm chí có cả nước mắt của vợ chồng, cái con nhà tôi đã “chảy” vào két sắt, nhiều tới mức có khi quên cả đếm....

Có tiền và cũng từ tiền, biết bao nhiêu nhu cầu thèm khát tưởng chỉ thấy trong mơ, nay như có phép mầu hiện ra. Các con tôi có xe máy đến trường và đặc biệt là vợ chồng tôi đã mua được 300 m2 đất mặt đường Quốc lộ 20 ở thị trấn Liên Nghĩa. Từ đây, căn nhà hai tầng bề thế khang trang được mọc lên với tiện nghi hiện đại và sang trọng. Hơn thế, để tiện cho làm ăn, kinh doanh, tôi đầu tư cả giàn máy cày, máy cắt cỏ, phun thuốc và hai chiếc ô tô bán tải để tiện cho việc giao thương.

Buổi chiều mùa thu trên cao nguyên mới đẹp làm sao. Mặt trời như chiếc mâm son đỏ ối, đang tụt dần phía rặng núi phía tây. Thị trấn Liên Nghĩa đã bắt đầu lên đèn, phố xá rực rỡ. Đang cùng bà xã nhâm nhi li cà phê đen ánh, bỗng chuông điện thoại đổ vang. Tôi chộp lấy nghe đã thấy tiếng đàn ông ồm ồm: A lô, ông bà trẻ tết này cố gắng thu xếp về thăm quê chút nhá. Vâng, chúng con đang rất mong ông bà về để quyết định một số việc cực kì trọng đại đấy. Chu cha, mình đã lên chức ông trẻ rồi ư ? Nhìn qua gương tôi thấy mái tóc mình đã bắt đầu muối tiêu, tôi chẹp miệng mỉn cười.  Sau cú điện thoại của thằng cháu Trần Thành, cậu con trai đầu của anh cả tôi khiến tôi thừ người. Trời ơi, kể từ buổi chia tay với làng Thạch Gáp ra đi, ai ngờ đã hơn hai mươi năm có lẻ, hẳn quê hương đã thay đổi nhiều. Nhớ lần anh trai tôi lâm bệnh trọng và sau đó về với ông bà tổ tiên. Vậy mà tôi cứ lấn bấn mãi với nỗi lo cơm áo gạo tiền, đến nỗi không về chịu tang anh. Ôi, tôi thật là hèn đớn, tệ bạc, cũng chỉ vì cố chấp lời nguyền xưa. Nay, trong tâm thế của kẻ đã có của ăn, của để, dứt khoát vợ chồng tôi sẽ về quê, tiện thể cho cu Mít (tên gọi thân yêu của đứa cháu nội đã 5 tuổi) cùng đi để cho nó biết đâu là quê cha đất tổ. Hơn nữa, dịp này chúng tôi sẽ ăn tết và ở thăm quê dài dài, cho bõ những tháng ngày nhớ nhung, thổn thức...

Chiếc Taxi đưa chúng tôi từ sân bay Nội Bài về tới đầu con dốc Xộp, trống ngực tôi đã nện thậm thịch. Ôi chao, quê hương đã đổi thay như thế này ư ? Đường làng, ngõ xóm đều trải bê tông phong quang, sạch sẽ. Nhà cao tầng với đủ gam màu như phố, như phường. Chiếc xe vừa chạm tới cổng nhà Trần Thành đã thấy mọi người tề tựu đông đủ. Niềm vui vỡ òa khiến cho chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Mấy ông bà già mắt hấp háy, ngắm nhìn chúng tôi cứ như nhìn người ngoài hành tinh không bằng. Tôi dắt cu Mít đến ban thờ, nơi chân linh các cụ và di ảnh của bác cả thắp thẻ nhang, cúi đầu khấn vái....

Sau bữa cơm chiều thịnh soạn và khá đông đủ anh em con cháu. Bỗng Trần Thành đứng lên dõng dạc:

- Thưa, hôm nay cả nhà ta rất vui mừng được đón ông bà trẻ Trần Hữu Bằng từ miền Nam về thăm quê – Thành đằng hắng lấy giọng – Nhân tiện đây con cũng xin thưa với ông bà trẻ một việc cực kì hệ trọng mà bấy lâu chúng con không tự giải quyết được.

Nghe Trần Thành dấp dính, tôi ngơ ngác chưa hiểu ngô khoai ra làm sao, bỗng Thành lấy từ trong túi áo ra tờ giấy A4 chi chít chữ và ở cuối có dấu son đỏ chót:

- Thưa, vừa qua xã có chủ trương thu hồi một số ruộng để cắt thổ cư cho dân, trong đó có thửa ruộng 2 sào ở cánh đồng Gò Nục của ông bà trẻ Bằng, giá đền bù là 38 triệu đồng một sào. Tiền đền bù hiện con đang cất trong tủ. Nay ông bà trẻ về thăm quê, con xin trao lại.

Nghe Trần Thành diễn giải, tôi lấy làm ngạc nhiên liền xua tay:

- Ô hay, đã lâu chú thím có còn ở quê nữa đâu mà được hưởng sự ưu ái đó ? Chú xin trả lại cho xã... Trần Thành cười phá lên:

- Khổ quá, các cụ vào trong đó giầu nứt đố đổ vách, nhưng hộ khẩu, ruộng nương vẫn ở quê, nên....Tôi gật gù:

-  Thế à? Vậy tất cả may mắn đó chú thím xin nhường cho cháu Thành, vì vợ chồng cháu khó nhọc nhất.

Bất đồ từ chiếc ghế ba nan cong ở gian bên cạnh, Trần Đạt, em trai Thành, mặt đỏ gay như  người lên đồng, đứng vụt lên:

- Không được. Ông trẻ xử thế là không công bằng. Đã mưa phải “mưa” cho khắp. Vả lại vợ chồng bác Thành vất vả nỗi gì mà được hưởng những tận ngót một trăm triệu đồng, vô lí ầm ầm, không thể chấp nhận được.

Vợ Trần Thành từ nãy giờ ngồi im, bỗng nổi đóa:

- Không chấp nhận được thì mày định làm gì?  Ngày xưa, hai sào ruộng ai cũng ì eo bảo xấu nhất làng, chỉ rặt cỏ năn và đỉa là sống được. Lúc sinh thời, bố giao cho đứa nào cũng giãy đành đạch như bị rếp cắn. Nay xã thu hồi, đền bù cho ít tiền lại tối mắt tắt hơi, mày không biết xấu hổ à ?

Vợ Đạt ngồi ở ngoài hiên, nghe chị dâu chồng nói thế liền sưng sỉa:

- Chưa biết đứa nào không biết xấu hổ. Tuy số tiền trời ơi đất hỡi, nhưng là của ông bà trẻ, đừng có mà nhận vơ... 

Trần Thành mát nước:

- Chú thím có “năng khiếu” chơi lô đề, tiền nhiều như lá ổi, lá mít ngoài vườn còn gì... Bị chạm nọc, Trần Đạt vung lên:

- Này, ông bỏ ngay cái lối ba que xỏ lá đi nhá. Ông được bố mẹ cho hẳn ngôi nhà ngói năm gian và cái ao 4 sào cạnh giếng Sen, tôi phận nghèo  trên răng, dưới.... nhưng có thèm tị đâu, nay...

Trần Thành nổi nóng:

- Thì mày cũng được bố mẹ cưới vợ, làm nhà và cho hẳn chiếc xe công nông đấy thôi. Chẳng qua chúng mày ngu như bò, được đồng nào đều nướng hết vào đề đóm, còn kêu ca cái nỗi gì ?

Đạt vỗ vào ngực bồm bộp:

- Này, chưa biết đứa nào ngu hơn bò? Đừng cậy làm anh mà mạt sát nhé.

Trời ơi, suýt nữa thì tôi ngã vật xuống nền nhà. Trấn tĩnh, tôi đập tay xuống bàn quát:

- Câm ngay. Chú thật không ngờ các cháu lại hư hỏng quá, anh em cốt nhục mà còn như thế thì với người ngoài còn tệ tới mức nào - Thấy cả nhà im phăng phắc, tôi liền hạ giọng:

- Các cụ bảo: Đồng tiền nhân nghĩa kiệt. Theo chú, ở đời phàm tiền bạc, của cải vật chất phải từ mồ hôi, công sức mình làm ra mới quý. Chú nghe nói lãnh đạo xã ta có chủ trương hô hào mọi thành phần đóng góp để phục dựng lại ngôi đình làng đã bị chiến tranh tàn phá. Nay số tiền đó, chú quyết định chia làm ba, một phần giúp đỡ các gia đình trong họ còn vất vả, khó khăn. Một phần làm phần thưởng cho các cháu ngoan ngoãn, học giỏi và  một phần ủng hộ xã để tái tạo lại ngôi đình, đấy là biểu tượngs Văn hóa tâm linh, cả nhà đồng ý không ?

Tất cả đang lặng như tờ, bỗng cùng ồ lên: Tuyệt vời, hoan hô ông trẻ. Chợt cái Hà, con gái Trần Thành đến ôm ghì vào vai tôi thủ thỉ: Ông ơi, từ nay thi thoảng ông nhớ về quê với chúng cháu nhá. Hình như trong mũi tôi có cái gì đó cay cay. Tôi quay lại âu yếm nhìn cháu gái nghẹn ngào: Ừ, nhưng các cháu phải ngoan và học giỏi đấy nhá./.

Nguồn Văn nghệ số 51/2019


Có thể bạn quan tâm