April 26, 2024, 8:08 am

Về những người phụ nữ cầm bút

Trong danh sách hơn 1251 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, số hội viên nữ có trên 200 người, chiếm khoảng 25%. So với tỉ lệ các nhà văn nam, các nhà văn nữ không nhiều nhưng vẫn là một lực lượng đông đảo, tài năng, uy tín trong đội ngũ các nhà văn Việt Nam, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp văn học nước nhà ở tất cả các thời kỳ lịch sử.

Với số lượng trên, các nhà văn nữ hiện đang tham gia đầy đủ các lĩnh vực sáng tác như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch bản, phê bình lý luận, dịch thuật... Lĩnh vực nào cũng có những cây bút xuất sắc, khẳng định tài năng các nhà văn nữ không hề kém cỏi. Đặc biệt, trong các cuộc thi sáng tác văn học cấp quốc gia do các báo, tạp chí lớn tổ chức trong đó có báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhiều chị đã giành ngôi “Trạng nguyên”, “Thám hoa”, “Bảng nhãn” làm sáng danh tên tuổi trên văn đàn cả nước như: Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Minh Thư, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư… Tài năng của các chị khiến nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên đã có một bài viết dài với nhan đề “Những trang sách nữ làm đắng lòng cánh mày râu” để đánh giá tài năng ấy của các chị. Và nhà thơ Y Phương trong một bài viết cũng khẳng định “Các chị muôn đời vẫn rất vĩ đại… Họ đẹp bởi sự dịu dàng và cứng cáp. Vì thế nói về phụ nữ viết văn tôi chỉ biết vô cùng ngưỡng mộ” (Giấc mơ – cuộc đời và cây bút).

Đúng như vậy, với lực lượng không nhiều nhưng 2/3 trong số các nhà văn nữ đã trải qua và viết trong chiến tranh, nhiều chị từng là phóng viên chiến trường, có người đã hy sinh, một số chị đã xuất hiện trên văn đàn hơn 60 năm nay, có những chị tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1945 như cố nhà văn Bích Thuận, nhà văn Nguyệt Tú, Lê Minh, Cẩm Thạnh… Số còn lại là các nhà văn nữ xuất hiện từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Số cây bút này được trải nghiệm cuộc sống từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới nên tác phẩm của họ đã góp phần làm nên diện mạo văn học mới của thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Tất cả họ, không chỉ là sự phát triển đông đảo về đội ngũ, mở rộng nhiều thế hệ mà còn nở rộ về số lượng tác phẩm và rất có ý thức nâng cao chất lượng sáng tác của mình. Một số cây bút nữ trẻ hiện nay đang sung sức thể nghiệm sáng tác bằng phương thức cách tân, bứt phá tìm tòi con đường mới để có những tác phẩm đạt giá trị đột biến, mang tính tiên phong. Các chị, người ít nhất cũng 5 đầu sách, người nhiều thì trên dưới 30 cuốn, và đa số chị em đều đã được giải thưởng sáng tác văn học từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương. Đặc biệt nữ sĩ Anh Thơ, Xuân Quỳnh đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 9 nhà văn nữ khác được tặng giải thưởng Nhà nước là Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Thị Thường, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Ngọc Tú. Lê Minh Khuê, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Thị Như Trang vì thành tích có các tác phẩm xuất sắc đóng góp cho nền văn học phục vụ nhân dân, đất nước.

Nói đến sáng tạo văn học nghệ thuật là nói đến sự dấn thân nghiệt ngã vì những đam mê bất tận. Bởi những đam mê ấy mà nhiều người đã phải đánh đổi cả sự nghiệp, hạnh phúc gia đình và nhiều người đã phải trả giá đắt mà không về được đích. Phụ nữ cầm bút sáng tạo không ngoài những quy luật trên nhưng nếu phải đánh đổi thì họ bị trả giá đắt hơn rất nhiều so với các nhà văn nam giới. Bởi phụ nữ có vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Họ không thể bỏ mặc chồng con và quên gia đình để ngồi viết triền miên. Khi còn trẻ, người phụ nữ phải nuôi con, kiếm sống. Khi về già, họ lại đau yếu bệnh tật. Ngoài ra họ còn chịu những định kiến xã hội cay nghiệt đối với đàn bà cầm bút. Vậy mà chị em vẫn vượt qua, vươn lên, tự khẳng định mình, tự tỏa sáng bằng những thành tựu sáng tạo như trên đã giới thiệu.

Vì những lẽ đó, nên chăng Hội Nhà văn Việt Nam chúng ta nên phối hợp với một cơ quan chức năng nào đó, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chẳng hạn, lập ra một giải thưởng thường niên dành riêng cho các nhà văn nữ. Có thể đặt tên: Giải thưởng văn học dành cho cây bút nữ. Tùy theo chất lượng tác phẩm có thể trao cho một tác phẩm chung, hoặc mỗi thể loại một tác phẩm. Chúng tôi nghĩ đó sẽ là sự quan tâm, động viên, chăm sóc và tạo được nguồn lực sáng tác đối với chị em.

Trong phương hướng và chương trình hoạt động năm 2020, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: “Trọng tâm vẫn là tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX với phương châm: Tất cả cho hội viên, tất cả vì hội viên!”. Theo tinh thần đó, đề xuất này cũng là một việc làm thiết thực. Mặc dù để bổ sung thêm một giải thưởng vào cơ cấu giải thưởng hàng năm của Hội, chắc chắn Hội ta sẽ gặp một vài khó khăn nhất định. Ví như những quan điểm còn bất cập, những định kiến trong tư tưởng, sợ những giá trị chưa tới, đặc biệt kinh phí hạn hẹp… Nhưng nếu lãnh đạo Hội Nhà văn thực sự quan tâm đến vấn đề giới, thực sự chăm lo công tác hội viên, và việc kinh phí biết vận động xã hội hóa, thì chắc chắn sẽ làm được.                               

__________

(1).  Trưởng Ban Công tác Nhà văn nữ - Hội Nhà văn Việt Nam

Nguồn Văn nghệ số 10/2020


Có thể bạn quan tâm