April 27, 2024, 10:00 am

Về một người viết văn trẻ

 

Tôi sinh ra giữa vũ trụ Mường. Lần đầu tham dự Hội nghị Những người viết văn Trẻ lần thứ V ở Hà Nội, tôi như một khách lữ hành giữa trời đông buốt giá trong nhiều giờ được trở về nhà, bên bếp củi cháy rực, ấm mủm! Ở đó có các nhà văn “già’ bằng xương bằng thịt hẳn hoi hiện diện trước mặt, chứ không phải như tôi chỉ từng biết đến tên tuổi của họ trong các tác phẩm mà tôi được học sách giáo khoa! Những nhà văn, nhà thơ tên tuổi lớn như Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Giang Nam, Phượng Vũ,… gần gũi thân mật trò chuyện với chúng tôi. Tôi trong bộ trang phục truyền thống dân tộc Mường vừa thẹn thùng vừa vui sướng khi liên tục được hỏi han trong lúc các phóng viên ảnh chụp hình vây kín xung quanh.

Trước khi đi Hội nghị, mế tôi dặn đại loại, quen xem bụng xem dạ, lạ xem quần xem áo, cứ bơi ra khỏi sông suối, ra biển mà ngẫm. Nghe lời mế, để khỏi bị “ngợp” trước những tính cách, những cá tính khác nhau của các tiềm năng sáng tạo ở hội nghị viết văn trẻ, tôi cũng phải tạm gác lại những thói quen của mình để tập thích nghi. Từ một ngôi làng nhỏ bé ven quốc lộ 12B có tên là làng Lòng vì làng lọt thỏm trong một không gian rộng lớn có những rặng núi xa xa bao quanh, tôi đi học sư phạm, bắt đầu làm bài thơ đầu tiên năm 1988, lúc ấy tôi 17 tuổi, vì nhớ nhà quá. Tôi đã ghi nó ở trang bìa sau phía trong của cuốn vở sinh viên. Sau tôi thấy phải chép ra một chỗ khác để giấu đi. Rồi mỗi khi nhớ mẹ, nhớ bà, tôi lại viết thêm những bài thơ khác.

Khi hay tin mình được tham dự Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ V, tôi cảm thấy hồi hộp vui sướng vô cùng! Tôi còn nhớ, Nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó đang là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Hội Nhà văn đã cho gọi tôi lên gặp mặt. Tôi lúc đó trong lòng rạo rực, xốn xang. Thú thực là lúc đó, tuy đang học ở Hà Nội nhưng tôi cứ cặm cụi học nên cũng chưa từng một lần đặt chân đến Tòa soạn Báo Văn nghệ, do đó mà lòng càng thêm chộn rộn, ngổn ngang. Tôi chạy xe từ đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) đến phố Trần Quốc Toản như lướt, không bén đất.          

Trong mắt tôi lúc ấy, Báo Văn nghệ thật sang trọng cùng với các bậc tài năng đang làm việc ở đây. Cuộc gặp mặt với những ánh mắt ấm áp thân thiện và cái độ “sang” đặc biệt của văn nghệ sĩ vô cùng ấn tượng khiến tôi phải kìm nén mãi con tim nhỏ bé của mình vì nó cứ như chực nhảy ra khỏi lồng ngực, nhất là khi nhà thơ Hữu Thỉnh cho tôi biết rằng tôi sẽ tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị rất quan trọng này! Đang trao đổi thì không hiểu vì sao mà cái trần nhà bị sập một mảng lớn xuống! Nhà thơ Bế Kiến Quốc (lúc bấy giờ còn tại thế) và mấy nhà văn khác cùng chạy đến. Tôi lúc đó mặt tái ngắt. May mắn là không ai bị thương. Sau đó, tôi được đưa trở về trường, người nhẹ bỗng!  

 Chương trình Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ V trong ba ngày diễn ra rất phong phú, sôi nổi và thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo công chúng yêu văn nghệ. Trình bày tham luận đầu tiên, tôi cũng không phải nghĩ nhiều khi nói về điều mình muốn viết, bởi tôi chỉ nói lên điều mà quê hương xứ sở của tôi – xứ Mường Hòa Bình hiền hòa mong đợi: giữ bản sắc văn hóa của người Mường và tiếng Mường. Đến Hội nghị, tại các cuộc giao lưu, chúng tôi đọc những bài thơ của mình cho nhau nghe, đọc những bài đã được đăng báo và cả những bài mới. Đôi khi, có các nhà thơ lớn lặng lẽ lắng nghe chúng tôi và mỉm cười. Chúng tôi nhận được từ các nhà văn đàn anh những ánh mắt nụ cười và cái nhìn thiện cảm động viên đầy khích lệ. Cao trào là hội nghị tổ chức Chương trình đọc thơ và tọa đàm về văn học trong đêm du thuyền trên Hồ Tây. Tại đây, nhà thơ, nhà văn nhiều thế hệ đã hòa giọng và thưởng thức quên cả thời gian trong không gian khoáng đạt thơ mộng của đêm Tây Hồ. Chúng tôi đã nghe thơ của chính các thi sĩ bằng xương bằng thịt thể hiện thật xúc động Cù Huy Cận, Giang Nam, Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo, Bế Kiến Quốc, Trúc Thông…, các nhà văn chia sẻ kinh nghiệm viết quý báu: Tô Hoài, Phượng Vũ, Nguyễn Khắc Trường...! Thời gian Hội nghị ba ngày trôi đi rất nhanh, chúng tôi có khi còn chưa kịp tặng thơ và ghi địa chỉ. Lời hẹn gặp lại nhau cũng vội, nhưng một khi bạn đã nhận được ngọn lửa của hội nghị những người viết văn trẻ rồi, coi như đã nhận một trọng trách lớn, nghề văn sẽ mãi gắn bó với bạn.

Kể từ đây, Hội nghị đã vun trồng một số tên tuổi đến nay vẫn đang được lòng công chúng yêu văn học như: Nguyễn Bình Phương, Vũ Hồng, Nguyễn Hiệp v.v.. Riêng tôi, giống như cái bếp củi quê Mường, dự Hội nghị và được tiếp lửa, năm 1999 đã xuất bản tập thơ thứ hai với tên gọi “Mường trong” và học hỏi thêm được rất nhiều từ nghề văn.

Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ VI diễn ra tại Hòa Bình năm 2001, lúc này tôi mới sinh con được gần một năm, nên tôi chỉ tham gia được vài hoạt động. Tuy vậy, tôi cũng rất vui và hào hứng nhận tiếp lửa một cách mạnh mẽ cho hành trình của mình. Năm 2004 tôi đã hoàn thành xuất bản tập thơ “Nơi cất rượu”.

Tôi tiếp tục được tham dự Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần VII- 2006, diễn ra từ ngày 11 đến 13/5/2006 tại Hội An, Quảng Nam với sự tham gia của hơn 130 đại biểu. Chúng tôi đã ngồi với nhau nói rất nhiều câu chuyện vui dưới ánh nắng chang chang của ngày hè ở bãi biển Cửa Đại (chỗ đó nay biến mất thành biển rồi!). Chúng tôi có một đêm thơ và tọa đàm bên sông Hoài thật ấn tượng v.v...

Bạn hỏi ấn tượng về Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần VII- 2006 ư? Đến nay chúng ta thấy được mùa trái chín từ những người tham gia Hội nghị năm ấy, có thể kể một số tên tuổi như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, hai cây bút tiêu biểu trong những cây bút được vun trồng từ Hội nghị này. Riêng tôi, năm 2008 xuất bản tập thơ “Binh boong”. Rồi sau đó, tôi được điều chuyển công tác về Hà Nội năm 2009. Năm 2016, tôi hoàn thành xuất bản công trình sách thể loại hồi ký chân dung tác giả, tác phẩm “Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - cuộc đời và tác phẩm” độ dày gần 500 trang in. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - một thế giới âm nhạc trữ tình, đắm say rừng rực tuôn chảy như dòng thác ĐẸP tràn về khắp các ngõ ngách của tâm hồn.

Tháng 6 năm nay, Hội nghị Những người viết văn Trẻ đến, trễ hẹn 5 năm một lần do dịch bệnh Covid-19, tôi đã đã qua thời trẻ, bây giờ đã là nhà văn “bánh tẻ”, lòng bồi hồi xúc động, tin tưởng những mùa quả ngọt sẽ về.

Nguồn Văn nghệ số 25+26/2022


Có thể bạn quan tâm