April 26, 2024, 2:00 pm

Về câu ca “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông…”

Tác giả Vũ Bình Lục, trong bài Truy tìm xuất xứ mấy câu ca dao (Văn nghệ số 37, ngày 15/9/2018), dẫn hai câu:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

 Con bế con dắt, con bồng, con mang

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn

Nếu từng đọc câu ca dao trên trong các sách sưu tầm, thì không phải chỉ có hai câu như trên. Không biết tác giả Vũ Bình Lục dựa vào đâu, lấy từ nguồn nào, hay chỉ là theo trí nhớ, mà dẫn không đầy đủ như vậy?

Trước hết, phải tìm xem đoạn ca dao đó được ghi chép như thế nào. Trong một số sách sưu tầm, đoạn ca dao trên có đầy đủ 6 câu .

Một bản chép:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông (1),

Con bế, con dắt, con bồng, con mang.

Bò đen húc lẫn bò vàng,

Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông.

Thằng bé chạy về bảo ông:

- Bò đen ta ngã xuống sông mất rồi.

Chú thích (1): Thái tổ, Thái Tông: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông. Đời hai vua này nhân dân sống sung túc, sản xuất và chăn nuôi đều phát triển.

(Văn học dân gian, tập 1, in lần thứ hai, Nxb Văn học, 1977, tr 126; soạn giả: Vũ Ngọc Phan - Tạ Phong Châu - Phạm Ngọc Hy)

Một bản khác:

 Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,

Con bế, con dắt, con bồng, con mang.

Bò đen húc lộn bò vàng,

Bò vàng hết vía  đâm quàng xuống sông.

Thằng bé đi về bảo ông:

- Bò đen ta đã xuống sông mất rồi.

(Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập IV, quyển 1, Nxb GD, 2001, tr 403-404; soạn giả: Trần Thị An - Nguyễn Thị Huế. Những chữ gạch chân để lưu ý dị bản. Liệu có sự bất nhất ở bản sau: ở câu 4 và 6, hay là phản ánh thực tại?)

Về nội dung, nhiều người vẫn hiểu câu ca trên là nói về thời Lê Thái Tổ (1428-1432), Lê Thái Tông (1433-1441), với ý ca ngợi sự sống sung túc đời hai vua này (như chú thích của soạn giả ở trên). Hay như cách hiểu của tác giả Vũ Bình Lục là “sự ngợi ca của nhân dân” vào triều đại nhà Mạc! (?) Kể cả tác giả Cao Sơn Hải, khi phản bác Vũ Bình Lục “dẫn ra không đủ”, cũng chỉ dẫn được 4 câu, không có xuất xứ. Vẫn hiểu: “dân gian muốn nói tới sự phồn sinh, phồn thực”, “Nó hàm ý ngợi ca một triều đại” (Văn nghệ số 44, ngày 3/11/2018). Ca dao, tục ngữ thường có nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ẩn, có thể đa nghĩa. Ở đây, cần khai thác các hình ảnh được mô tả còn có những hàm ý gì?

Trong sách Lịch sử văn học Việt Nam, người viết dẫn câu ca để minh chứng về “sự kiện lịch sử”: “Một số tục ngữ đã phản ánh những sự kiện lịch sử như: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, Trời mưa Thái Tổ, Thái Tông. Con dắt, con bồng, con bế, con mang,… (tập I, Nxb KHXH, 1980, tr.162). Chỗ cần lưu ý là “dị bản”: “Trời mưa”, chứ không phải “Đời vua”. Liệu có phải do nhớ nhầm, hay có một bản như thế?

Về thời hai vị vua này còn có những câu:

Đói thì ăn khế ăn khoai,

Chớ thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng

Kỳ này lúa mới đòng đòng,

Giỗ vua Thái Tổ, Thái Tông mưa rào.

(Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập IV, quyển 1, tr 390)

Bốn câu ca dao nói đến sự biến thiên tai, báo hiệu thất bát về mùa màng ở thời Thái Tổ, Thái Tông. Lịch sử ghi rõ: Lê Thái Tổ mất 22 tháng Tám (nhuận) năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tông mất 4 tháng Tám, Nhâm Tuất (1442). Hai vị đều mất vào tháng Tám, đúng là lúc lúa mùa ra đòng. Thời kỳ này lúa cần chăm đúng cách, từ phân bón tưới tiêu, quyết định năng suất. Mưa rào tháng Tám là trái tiết, dễ dập đòng, có nguy cơ mất mùa, ảnh hưởng xấu đến thu hoạch. Sự kiện xảy ra tại thời điểm mất của hai vua là lúc có thiên tai. Câu ca nói “vua Thái Tổ” là cho có vần điệu, đưa đẩy; còn chủ yếu là nói đời Thái Tông. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép thời kỳ Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông từng xuống chiếu nhắc những sự biến này. Tờ chiếu năm Mậu Ngọ (1438) ghi nhận “Mấy năm nay, hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện …” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb KHXH, 1998, tr.437); tờ chiếu các năm 1443, 1445 (thời Lê Nhân Tông) cũng nhắc đến các tai biến: “Mới rồi mặt trời hiện ra điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không?...” (tr.354 sđd); “Trẫm ở ngôi cao mà chưa biết việc đời, cho nên liền mấy năm nay tai dị liên tiếp, sấm sét luôn luôn, mưa dầm quá độ, nước lớn ngập tràn, đê điều bị vỡ, làm hỏng nhà cửa muôn dân, sâu bọ sinh nhiều cắn hại lúa má nơi đồng ruộng, đầm hồ sụt lấp, dâu rau ngập úa…” (tr.356, sđd). Nên câu “Thóc lúa đầy đồng trâu (bò, gà) chẳng buồn ăn”, có phải hoàn toàn là chuyện được mùa, dư thừa thóc lúa, hay là sự chán ngán?

Trở lại với 6 câu ca dao trên, có thể nhận thấy những thông điệp “ngầm” được đưa ra:

- một là, cảnh con cái đông đúc, còn nhỏ bé; hai là, cảnh tranh giành, đấu đá trong cùng loài giống và những người chứng kiến hay phe cánh liên đới.

Khi tả cảnh “Con bế, con dắt, con bồng, con mang”, có phải là nói đến dân chúng sinh con đẻ cái, đông đúc, sống đời thái bình không? Cảnh “bồng, bế, dắt, mang”, chỉ có thể là hình ảnh đông con, một đàn con bé bỏng! Câu ca làm ta liên tưởng đến hoàn cảnh con cái, những bà vợ các vị vua đầu đời Lê. So với các vua triều sau, thì chưa hẳn là “đa thê” nhiều thiếp. Nhưng chuyện “hậu phi’ của Thái Tổ, Thái Tông đều có “vấn đề”, nhất là đời Lê Thái Tông. Ấy là chuyện “hậu cung”, “phế trưởng lập thứ”, nguyên do trực tiếp dẫn đến những tranh đoạt việc kế vị ngôi vua. Lê Lợi không lập con trưởng Tư Tề, là con vợ cả Trịnh Thị Ngọc Lữ; người con từng theo vua dũng cảm đánh giặc, được sai vào thành Đông Quan làm con tin, thực hiện hòa ước với Vương Thông. Nghe lời tấu, cho là “mắc chứng điên cuồng”, mà phế bỏ, giáng làm Quận vương. Lập Lê Nguyên Long (Lê Thái Tông) con vợ thứ Phạm Ngọc Trần (bà này từng hy sinh để làm vật tế thần). Lê Thái Tông ở ngôi 9 năm, thọ 20 tuổi. Ông vua này có 6 người con trai. Con trưởng là Lê Nghi Dân khi được lập Thái tử, thì mẹ là Dương Thị Bí cậy thế kiêu căng, lăng loàn… tháng 3/1441 bị cách, làm thứ dân. Cho Lê Nghi Dân làm Lạng Giang Vương (có sách ghi Lạng Sơn Vương), nên Nghi Dân vẫn uất ức, “ngầm chứa mưu gian”, chờ phục lại ngôi báu. Kế ngôi Lê Thái Tông là con thứ ba, Bang Cơ khi mới 2 tuổi, hiệu Lê Nhân Tông, ở ngôi 17 năm (1443-1459), thọ 19 tuổi. Mẹ là Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, người bị nghi ngờ về cái chết của Thái Tông, cùng vụ án Lệ Chi Viên, với thảm họa dòng tộc Nguyễn Trãi. Bang Cơ có phải con Lê Nguyên Long với Nguyễn Thị Anh không cũng còn những nghi ngờ! Ngày mồng 10/3 Kỷ Mão (1459), Nghi Dân cùng một số  tay chân lẻn vào thành giết Bang Cơ và thái hậu Nguyễn Thị Anh. Ít lâu sau, Nghi Dân cũng bị quần thần truất ngôi, ép tự tử, ở tuổi 22 tuổi. Chỉ khi Lê Tư Thành, con thứ tư kế vị, là Lê Thánh Tông, thì triều đại nhà Lê mới ổn định và hưng thịnh (Lê Tư Thành là con bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, biết tránh các tranh chấp, lánh nạn; nhờ Đinh Liệt, Nguyễn Trãi, Thị Lộ xin vua, cho ra ở chùa Huy Văn, rồi rời xa kinh thành). Tất cả những sự biến này sách sử đều ghi lại. Lê Nguyên Long lên ngôi lúc 11 tuổi, Lê Bang Cơ kế vị lúc 2 tuổi. Cái tuổi còn phải bế bồng, dắt mang là thế. Tựa đế hệ truyện trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn nhận xét: “Triều ta lúc mới dựng nước, thiên hạ vừa mới được bình định, anh em thì ít, các con thì còn bé… Vua Thái Tông nghi kỵ anh mình, phế truất ruồng đuổi một cách ngang ngược, khi đi tuần thú miền đông thì chết đột ngột, ba người con còn bé. Vua Nhân Tông nối ngôi mới lên ba tuổi, thái hậu coi chầu, lại vì xếp đặt sai lầm, điều hòa thất sách, cho nên có vụ biến loạn Lạng sơn vương” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập III, Nxb KHXH, 1978, tr.142). Bài Trung hưng ký năm Quang Thuận đã luận tội về thời kỳ Lê Nhân Tông: “Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi, Thái hậu Nguyễn Thị là gà mái gáy sớm, đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác, hoành hành khắp cõi, kể thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Văn giáo lặng lẽ như băng hàn, hiền thần phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn. Phường dốt đặc ồn ào như đàn ong nổi dậy, chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si, không phân biệt sáu loài súc vật. Chưởng binh Lê Điền, Lê Luyện thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm…” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr 284-385)

Từ nhưng tranh chấp ngôi vị đầu đời Lê, các phe cánh trong quần thần, dẫn tới triều Nhân Tông, chính thể bại hoại , liên hệ với hình ảnh “bò đen húc lộn bò vàng”, càng thấy có cơ sở. Thực tế lịch sử phán ánh qua biểu tượng: sự ganh đua, đấu đá, tranh đoạt của những người anh em, trong cùng dòng giống; một kiểu nói khác “trâu bò húc nhau” mà thôi. Kết cục là số phận cùng quẫn, thất bại, “đâm quàng xuống sông”. Có khi một bên bị thua cuộc, khi là “Bò đen ta ngã xuống sông”, khi là “Bò vàng hết vía đâm quàng xuống sông”. Cũng có thể cả hai (bò vàng, bò đen) cùng thất bại: “Bò vàng hết vía đâm quàng xuống sông”;“Bò đen ta đã xuống sông mất rồi”

Ở đây, còn có “Người chứng kiến”, hay là “một bên phe phái”:  “thằng bé chạy về bảo ông”, than tiếc về hậu quả “bò đen ta ngã xuống sông mất rồi”… Có thể là phản ánh một số công thần thời Lê sơ, dâng con vào làm phi tần, mong mưu cầu quyền lực. Đại công thần, từng khuynh loát triều chính, như Đại tư đồ Lê Sát, có con gái là Nguyên phi Lê Thị Ngọc Dao; Đô đốc Lê Ngân có con gái là Huệ Phi Lê Thị Lệ. Sau đều bị phế, bãi chức, rồi bị khép tội chết. Tờ chiếu (năm 1437) hạch tội: “Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen người tài, giết Nhân Chú để ra oai của mình, truất Trịnh Khả cho người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài , khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Bùi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng …” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập III, Nxb KHXH, 1978, tr.198), tội của Sát đáng chém nhưng Vua cho tự tử ở nhà. Còn Lê Ngân bị cáo giác “thường thờ Phật Quan âm để được vua yêu”, “vua bắt ông tự chết và tịch thu gia sản, giáng con gái ông từ Huệ Phi xuống làm Tu dung…” (tr.203 sđd)

Văn học dân gian có cách nói, lúc thì hiển ngôn, lúc hàm ngôn, luôn ẩn chứa các “thông điệp” ngầm; có thế mới gây hứng thú, được các thế hệ truyền tải, nghiệm suy. Nhân bài viết Truy tìm xuất xứ mấy câu ca dao, xin trao đổi về cách tìm hiểu hình ảnh, nội dung đoạn ca dao trên. Mong nhận được những kiến giải khác, để sáng rõ thêm “trí tuệ dân gian” trong kho tàng văn học dân tộc.


Nguồn Văn nghệ số 48/2018


Có thể bạn quan tâm