May 3, 2024, 8:50 am

Văn nghệ Trẻ ngày ấy: Một không khí văn chương dân chủ và sôi nổi

Tháng 4/ 2014, số báo cuối cùng của Văn nghệ Trẻ bản in giấy (phụ trương của Văn nghệ) rời nhà in, chính thức khép lại hành trình 20 năm hình thành và phát triển. Số báo đặc biệt ấy đến nay vẫn được nhiều người lưu giữ với vô vàn cảm xúc. Với nhiều bạn viết và độc giả, tờ báo đã trở thành một phần không thể thiếu trong một giai đoạn ý nghĩa của cuộc đời.

Những ngày này, trong không khí náo nức hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày báo Văn  nghệ ra mắt số đầu tiên, cái tên “Văn nghệ Trẻ” lại tiếp tục vang lên, gợi lại những kỷ niệm một thuở. Xin chia sẻ những tâm tình của những người viết thuộc nhiều thế hệ nhưng cùng rất gắn bó với Văn nghệ Trẻ ngày ấy, đó là các nhà văn: Phan Đình Minh sinh năm 1959 đến từ Hải Dương; Đỗ Tiến Thụy, sinh năm 1970 nguyên lính lái xe tại Binh đoàn Tây Nguyên; Tống Ngọc Hân sinh năm 1976 đến từ Phú Thọ; Đinh Phương sinh năm 1989, một tác giả trẻ sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh; Lê Quang Trạng sinh năm 1996 – một đại diện của mảnh đất An Giang.

 

* Anh/chị có thể chia sẻ một ấn tượng hoặc kỷ niệm sâu sắc nhất với Văn nghệ Trẻ?

- Đỗ Tiến Thụy: Năm 1999 tôi còn đang ở Tây Nguyên. Viết được truyện ngắn đầu tay, vì chưa tự tin lắm nên tôi đã photo gửi tới 2 báo. Một tháng sau vẫn chưa thấy hồi âm, tôi đã nghĩ “tèo” hết rồi nên bèn gửi thêm một bản cho Văn nghệ Trẻ. Dù gửi muộn, nhưng bất ngờ là Văn nghệ Trẻ đã xử lí rất nhanh, “hậu quả” là truyện ngắn “Người về cất nước sông Gianh” của tôi xuất hiện trên Văn nghệ Trẻ cùng lúc với 2 tờ báo, tạp chí khác. Thật là một kỷ niệm nhớ đời!

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy

Khi tôi ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du, là lớp phó học tập nên tôi thường tập hợp những sáng tác mới của lớp mang sang Văn nghệ Trẻ. Các anh chị ở đây đọc luôn, góp ý rất chân tình, bài nào in được là in ngay tuần sau, báo mới và nhuận bút đúng tinh thần “giòn tan, nóng hổi”, tạo sự hứng khởi rất lớn cho các học viên trong lớp. Từ đấy Văn nghệ Trẻ là nơi các bạn sinh viên Nguyễn Du lui tới thường xuyên. Thấy tình hình thuận lợi, tôi liều lĩnh đề xuất một ý tưởng khá tham vọng, không ngờ được chấp nhận ngay. Kết quả là lễ kí kết Chương trình hành động giữa báo Văn nghệ Trẻ và Khóa 7 Trường Viết văn Nguyễn Du được tổ chức rất hoành tráng với sự tham dự của Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa và các nhà thơ nhà văn của Văn nghệ Trẻ là Trương Vĩnh Tuấn, Đỗ Bạch Mai, Phong Điệp…

- Tống Ngọc Hân: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với Văn Nghệ Trẻ là vào cuối năm 2013, người phụ trách báo email bảo mình rằng “Văn Nghệ Trẻ sắp dừng lại, Hân gửi cho mình một truyện ngắn để in vào số cuối cùng nhé”. Đến tận bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ về truyện ngắn đăng ở số báo cuối cùng ấy. Đó là truyện “Bến trăm năm”. Tôi viết trong một đêm để gửi cho báo ngay vào sáng hôm sau. Viết trong niềm tiếc nuối, thổn thức và có cả nỗi buồn. Trong hơn chục truyện ngắn đã in ở Văn nghệ Trẻ thời điểm đó và trong số gần hai trăm truyện ngắn tôi đã viết tính đến giờ, thì “Bến trăm năm” là truyện ngắn duy nhất tôi kể về mình, với một ước mơ nhỏ bé mà đến tận bây giờ vẫn chưa thành hiện thực.

- Lê Quang Trạng: Tôi nhớ hồi mười năm trước, khi còn là cậu bé trường làng, tôi mạo muội viết văn và tra cứu google, không hiểu sao lại bắt được email của Văn nghệ Trẻ và liều mình gửi. Tôi cho rằng đó là một cơ duyên, một điều may mắn đầu tiên của mình với nghề viết! Ít lâu sau, sau khoảng ba lần làm liều như thế, tôi nhận được email của người phụ trách báo. Trong mail, chị không khen, cũng không chê những điều tôi viết, mà tôi nhớ nhất là chị dặn “viết nhiều, viết nữa nha em”. Tôi cho rằng đó là điều may mắn thứ hai. Và tôi đọc, tôi viết như người vừa được tiếp lửa. Những trang viết sau có phần “đỡ” hơn, nên dần dần tôi cũng có bài in trên Văn nghệ Trẻ. Thời ấy với tôi, một bài in, nhuận bút bằng 2-3 quyển sách, và 2-3 quyển sách lại nuôi cho tôi thêm nguồn viết 1 – 2 bài in mới, thế là quá lời đối với tôi!

- Đinh Phương: Truyện ngắn đầu tiên tôi được đăng trên Văn nghệ Trẻ (cũng là truyện đầu tiên đăng khi cầm bút) là

Nhà văn Đinh Phương

truyện ngắn “Con cừu hung không cần bơi”. Trước đó tôi cũng đã gửi đến đây nhiều truyện nhưng không được đăng tải, vài truyện tôi vẫn còn nhớ tên như “Hoa mùa nồm”, “Đầu chợ cuối chùa”, “Mùa hoa không đậu quả”… Truyện được đăng, thêm sự động viên từ người phụ trách báo: “em cứ viết khác mọi người đi, như cái em nghĩ và có”. Thế là tôi lao vào viết, hầu như tháng nào cũng có truyện đăng, cũng được bắt xe buýt đến 17 Trần Quốc Toản lấy tiền nhuận bút. Mà một truyện đăng Văn nghệ Trẻ hồi đó đủ đóng tiền ăn cả tháng với đám bạn cùng kí túc, mua được vài ba quyển sách ở Đinh Lễ. Tôi tự hào báo với bố mẹ không xin tiền ăn hàng tháng nữa, cứ ung dung sống với cái vừa đủ, và viết vung mạng, viết như chưa từng được viết trong đời.

Nhưng rồi cũng chính người phụ trách báo nhắn tôi: “em thay đổi đi, chị thấy truyện viết sau này giống các truyện trước em viết, không bứt lên được”. Quả thật lúc mới nghe thấy khó chịu (vì đang viết hăng máu thế). Nhưng dần dà để ý tôi thấy quả thật càng viết càng nhàm, nhạt và lặp lại. Mới thấy lời chị nói là đúng. Chỉ tiếc lúc tôi chật vật thay đổi, tìm được hướng đi mới cho mình thì Văn nghệ Trẻ chẳng còn nữa, người chị biên tập cho tôi cũng chuyển sang cơ quan khác mất rồi…

* Vậy điều có ý nghĩa nhất mà báo Văn nghệ Trẻ đã làm được đối với anh chị nói riêng và đối với nền văn học nước nhà nói chung là gì?

- Đỗ Tiến Thụy: Đó là tạo cho những tác giả trẻ có cảm giác được đón đợi, được trân trọng. Khi tôi được giải thưởng bút kí Tạp chí Văn nghệ Quân đội, biên tập viên của Văn nghệ Trẻ đã gọi điện chúc mừng và đề nghị in lại tác phẩm “Ở nơi rừng thẳm” trên Văn nghệ Trẻ. Khi báo ra, tôi được các nhà văn nhà thơ bên báo Văn nghệ khen ngợi động viên rất nhiều. Khi tôi ra tập truyện ngắn “Vết thương thành thị”, biên tập viên của báo đã chúc mừng bằng cách rất thiết thực, là đề nghị in lại truyện ngắn lấy làm tên cho tập sách này trên Văn nghệ Trẻ. Nhưng truyện bị một lãnh đạo báo cho là “gai góc quá”, không in. Vậy mà biên tập viên đã đấu tranh quyết liệt và cuối cùng truyện đã được ký duyệt để rồi xuất hiện trên báo ngay sau đó.

Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều bạn viết cùng trang lứa 7x – 8x được lợi từ Văn nghệ Trẻ nhờ đội ngũ biên tập vô tư, tâm huyết và phóng khoáng. Tác giả nào ra được sách, nhận được giải thưởng là kiểu gì cũng được Văn nghệ Trẻ mời ngồi vào một chiếu rất sang trọng, đó là mục Trò chuyện văn chương. Mục này do nhà văn Phong Điệp phụ trách, đặt câu hỏi rất thẳng thắn, khích lệ tính tự tin, thậm chí hiếu thắng, nhiều khi đến hung hăng của người trẻ. Khách mời cứ “chém gió” thoải mái với tinh thần “điếc không sợ súng”, Văn nghệ Trẻ in nguyên với tinh thần tôn trọng cá tính và lập trường văn chương của khách mời. Thế nên ngày đó các cây bút trẻ từ Nam chí Bắc, gặp nhau là thường lôi Văn nghệ Trẻ ra bàn. Mà bàn cãi nhiều nhất là về thái độ, quan điểm, khuynh hướng sáng tác của những người tham gia các cuộc trao đổi, tạo ra một không khí văn chương dân chủ và sôi nổi.

Nhà văn Tống Ngọc Hân

- Tống Ngọc Hân: Điều mà Văn Nghệ Trẻ làm được cho những tác giả trẻ thời đó, theo tôi là khơi dậy niềm tự tin lớn lao để họ bước vào văn đàn, góp tiếng nói “danh chính ngôn thuận” đầy trách nhiệm đối với xã hội. Tôi vẫn nhớ những gương mặt trẻ thời ấy như Vũ Thị Huyền Trang, Đoàn Văn Mật, Lữ Mai, Vũ Văn Song Toàn, Lê Vi Thủy, Hoàng Anh Tuấn... xuất hiện thường xuyên trên Văn nghệ Trẻ. Dù thường xuyên nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần các bạn ấy lại rất mới mẻ. Bởi vì Văn nghệ Trẻ khi ấy khuyến khích người viết trẻ thể hiện những gì họ tự tin nhất. Những cây bút mới viết, dường như ai cũng trải qua một giai đoạn chông chênh nhất định. Đó là khi kỹ thuật viết chưa tốt, lựa chọn đề tài chưa phù hợp với khả năng và thường cảm thấy cô đơn. Nhiều người không đủ tự tin để gửi tác phẩm của mình đến những tờ báo, tạp chí lớn vì sợ bị từ chối hoặc im lặng. Nhưng thời ấy của chúng tôi, may mắn là có tờ Văn nghệ Trẻ đồng hành. Đến giờ nhìn lại, vẫn thấy những gì tôi đã có với Văn nghệ Trẻ là những kỷ niệm rất đẹp.

- Lê Quang Trạng: Với cá nhân tôi, khoảng thời gian cộng tác cùng Văn nghệ Trẻ là khoảng thời gian rất đẹp của cuộc đời cầm bút. Tôi học được sự làm nghề nghiêm túc, học được sự đối xử trân trọng với bản thân mình, bản thảo của mình và của bạn viết. May thay, khi ấy tôi vẫn là một cậu bé trắng tinh như trang giấy, và Văn nghệ Trẻ đã viết những điều đầu tiên ấy cho tôi, đến bây giờ tôi vẫn lật ra để dặn lòng mình về một sự “kính nghiệp” với chữ nghĩa! Thời ấy tôi còn nhỏ để hiểu được rộng hơn rằng, Văn nghệ Trẻ đã làm được gì cho nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, một tờ báo đến được tới tận một huyện cù lao tận miền Tây, khuấy lên biết bao nhiêu đợt sóng và cũng tìm được biết bao gương mặt, quả thật là điều đáng quý và trân trọng. Bây giờ, lần đọc lại những tờ Văn nghệ Trẻ cũ, tôi vẫn thấy cái không khí văn chương thời ấy như vẫn tươi mới và đầy sức sống. Một tờ báo chuyển tải được không khí văn chương vượt thời gian như vậy, ắt rằng đóng góp không nhỏ cho nền văn học nước nhà!

- Đinh Phương: Với tôi Văn nghệ Trẻ là cánh cửa để mình bước vào con đường văn chương sau này. Với các cây bút trẻ thì Văn nghệ Trẻ chính là một “sàn đấu” để thi triển võ thuật ở những bước đầu sơ khởi, có đúng có sai, nhưng quan trọng được đánh giá đúng cái mình đang có, đồng thời học tập trau dồi thêm các chiêu thức từ các bạn đồng viết khác, và nhận được sự hướng dẫn chỉ bảo nhiệt tình từ các biên tập viên.

* Để tiếp tục khơi nguồn, bồi dưỡng, khuyến khích các tài năng văn học trẻ, theo anh/chị báo Văn nghệ cũng như Hội nhà văn Việt Nam nên làm gì trong giai đoạn tới?

- Tống Ngọc Hân:  Tôi được biết, Hội Nhà văn Việt Nam đã lập ra Ban văn Trẻ và nhiều năm qua ban hoạt động khá tích cực trong việc kết nối người viết trẻ với độc giả. Nhưng tờ báo Văn nghệ thì đang tiếp tục bị già đi. Già không bởi tuổi của tác giả xuất hiện trên báo. Mà già bởi chính các tác giả trẻ đang tìm cách làm mình già đi để dễ dàng được thừa nhận. Thi thoảng tôi vẫn gặp một vài giọng điệu rất “cụ non” của người trẻ trong những bài thơ, những truyện ngắn được chọn in. Thú thật, khi khoác lên mình một tấm áo quá rộng, người ta sẽ hoài nghi cơ thể bạn. Làm cách nào để các bạn ấy được là chính các bạn ấy, ở chính cái giai đoạn tươi tắn, khỏe khoắn nhất của cuộc đời. Cứ để các bạn ấy chập chững bước đi với những ngây thơ vụng về, thậm chí là cả những hoang dã, rồi văn chương của các bạn ấy, như chính cuộc đời, sẽ tự thân trưởng thành, vững vàng. Không có gì đáng giá mà lại dễ dàng có được. Văn chương cũng vậy. Phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích và tiếp sức cho lực lượng sáng tác trẻ là cần thiết. Nhưng nếu chăm chút kỹ quá, giống như cái cây ươm mầm và lớn lên trong lồng kính với những định hướng về dáng dấp tầm vóc, thì khi bước ra, hòa mình trong tự nhiên, không thể trụ được trước phong ba. Như tôi, cuộc sống và số phận quật cho những cú nhớ đời, nhờ đó mà bản lĩnh hơn, trong cả văn chương lẫn đời sống. Như thế, ở một khía cạnh nào đó, yêu thương, chăm lo đến văn học trẻ còn có nghĩa là cho họ cơ hội để họ quẫy đạp, thử sức, bung sức và nâng họ dậy khi họ vấp ngã. Tôi nghĩ vậy. Cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội đánh thức những ký ức đẹp đẽ!

- Lê Quang Trạng: Thời gian qua đã cho thấy một bước chuyển biến mới, tích cực đến từ Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Lê Quang Trạng

cũng như báo Văn nghệ, tạo cho không khí văn chương, nhất là văn trẻ của nước nhà có một sự chuyển động mới. Không thể phủ nhận rằng, Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ đóng một vai trò không nhỏ trong việc khơi nguồn, bồi dưỡng và khuyến khích tài năng văn học trẻ. Chính vì thế, tôi mong rằng nên có thêm những cuộc thi dành cho văn học trẻ, có thêm những dịp gặp gỡ giao lưu, và quan trọng hơn nữa là làm sao đê người trẻ có được một diễn đàn văn học của mình, như điều mà Văn nghệ Trẻ đã làm được hồi mười năm, hai mươi năm trước!

- Đinh Phương: Văn nghệ Trẻ là một mảnh đất để những bông hoa mới nhú có thể đua sắc. Hoặc nói cách khác nó là diễn đàn của người viết trẻ hướng về để bước đầu khẳng định tên tuổi của mình. Tôi chỉ muốn một điều là Hội Nhà văn có thể tạo ra được một diễn đàn, một mảnh đất cho các cây bút trẻ từ khắp mọi miền đất nước tụ về. Vì chỉ từ một vườn hoa rộng được trồng, chăm sóc, mới mong có thể thu được vài ba bông thật đẹp, thật khác.

- Đỗ Tiến Thụy: Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ một tờ kiểu Văn nghệ Trẻ ngày xưa nhưng hoạt động theo hướng online là phù hợp. Về đầu tư hạ tầng, tôi nghĩ không khó. Cái khó nhất là phải tìm được một đội ngũ những người làm báo mang tinh thần trẻ, vì văn chương trẻ, thiết tha đắm đuối với tương lai văn học nước nhà.

VĂN NGHỆ TRẺ - TỜ BÁO CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ

Phan Đình Minh

Nhà văn Phan Đình Minh

Đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IV, V, VI… thường được báo Văn nghệ Trẻ giới thiệu, đề cử. Hội nghị gồm rất nhiều cây bút đã thành danh và có người còn mới chập chững viết nhưng đã gây ấn tượng không nhỏ trong độc giả. Đa số chúng tôi ngày đó còn trẻ và đầy hào hứng văn chương. Đó là: Nguyễn Một, Thu Trân, Lê Thanh My, Huỳnh Thạch Thảo, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Nguyễn Thị Diệp Mai, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng… tất cả chưa ai là hội viên Hội nhà văn. Chúng tôi đến Hội nghị với tinh thần gặp gỡ, chiêm ngưỡng nhau khi đã đọc tác phẩm của nhau chứ thực tình không đặt mục tiêu, kỳ vọng to tát gì lắm. Các sáng tác của chúng tôi ngày ấy hầu như chỉ gửi đăng trên tờ Văn nghệ Trẻ. Mỗi người mà một năm có hai ba lần in truyện trên Văn nghệ Trẻ thì chắc chắn là “Vua biết mặt Chúa biết tên”. Vậy nên khi truyện được in sẽ là một sự kiện rất trọng đại trong năm đó của mỗi cây viết trẻ. Cộng dồn vào mấy năm tôi cũng được Văn nghệ Trẻ in cho dăm truyện. Vậy mà Phó Tổng biên tập Trương Vĩnh Tuấn, nhà thơ Đỗ Bạch Mai, nhà văn Bảo Ninh,… cùng nhiều anh chị biên tập viên của báo cứ hay khẩn khoản mời tác giả ra báo “uống nước trà” khi mỗi lần truyện in. Truyện in ra, người viết cũng như tác phẩm được đối xử trang trọng. Thế là tôi bẽn lẽn, run run đến Tòa soạn nhận số báo mới có truyện ngắn của mình và chút nhuận bút ít ỏi.

Văn Nghệ Trẻ những năm đó rất tươi mới từ những chuyên mục rất có ý nghĩa với các cây viết trẻ như Đi, nghĩ và viết; Văn học và Nhà trường; Vấn đề hôm nay; Trò chuyện văn chương; Bút ký, Phóng sự... Điều đáng nói hơn cả đó là Văn nghệ Trẻ dường tác động rõ rệt đến đời sống văn chương trẻ nói riêng và văn chương nói chung. Có người nói nếu đặt chung những tờ báo, tạp chí văn mỗi dịp cuối tuần ra báo trên mặt bàn, chắc chắn người đọc sẽ cầm tờ Văn nghệ Trẻ lên trước tiên. Đối với tôi thực sự Văn nghệ Trẻ luôn tạo hứng thú cho độc giả. Và cũng bởi lẽ khi nói đến báo văn chương độc giả nhớ trước tiên đến tờ Văn nghệ Hội nhà văn, mà “Văn nghệ già” - tờ chính, ngày đó có cảm giác hơi kinh viện. Những sáng tác ở đây như dành cho những người tên tuổi, người già. Đấy là suy nghĩ thực của người yêu chữ ngày ấy.

Những cây viết chúng tôi khi viết được một cái truyện, bài bút ký, hồi ký… dù hay dở thế nào, điều đầu tiên là ao ước được đăng trên Văn nghệ Trẻ. Tác phẩm không những là truyện ngắn, một bài bút ký nếu lọt được cửa ban biên tập Văn nghệ Trẻ là coi như người viết trẻ phải thực sự lao động một cách miệt mài nghiêm túc. Văn nghệ Trẻ luôn được xem là thước đo, đánh giá đúng nhất về khả năng văn chương của các tác giả trẻ chập chững bước vào con đường viết. Luôn là địa chỉ tin cậy để thẩm định cũng như kết luận về tác giả, tức là tờ báo đã làm chức phận “bà đỡ” ngay từ những số báo đầu tiên.

Văn nghệ Trẻ lúc ấy còn là cầu nối đối với những người viết trẻ với nhau. Họ biết nhau, quý và tin tưởng nhau cũng từ những trang báo Văn nghệ Trẻ nóng hổi mỗi tuần. Văn nghệ Trẻ trong suốt thập niên đảm trách vai trò “phụ trương” của mình đã tạo nên một thế hệ các nhà văn trẻ. Nền móng để tạo nên các tác giả văn chương tài năng sau này. Hiện nay họ đã giữ vai trò chủ chốt trên văn đàn. Họ đang đảm nhận các trách nhiệm chính của nhiều tờ báo văn, tạp chí văn nghệ địa phương cũng như các chương mục chính cả báo giấy và báo điện tử.

Có thể thấy, trong suốt hai thập niên tồn tại báo Văn nghệ Trẻ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phát hiện, kết nối, bà đỡ của mình để tạo nên một thế hệ những người viết có tác phẩm ghi đậm nét trong đời sống văn chương suốt hai thập niên qua. Được biết khi mới ra phụ trương, ban biên tập đã tập hợp đủ mấy anh tài làng văn làng báo bấy giờ đó là Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong, Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Việt Chiến,... Thế mới biết Hội nhà văn quan tâm và kỳ vọng vào tờ báo đến nhường nào. Vậy nên mỗi một số báo ra cứ tựa như một livesshow…

Tiếp tục khơi nguồn, bồi dưỡng, khuyến khích các tài năng văn học trẻ báo Văn nghệ và Hội nhà văn nên chăng duy trì lại phụ trương Văn nghệ Trẻ. Dành sân chơi thực sự có tính toàn diện này cho người trẻ. Chấp nhận các khuynh hướng sáng tạo và thể hiện của người trẻ đồng thời chú trọng mở ra nhiều chương mục hơn nữa của tờ báo không những chỉ khu trú ở mảng văn chương mà còn có thể cả hội họa và sáng tác âm nhạc. Hội nhà văn nên chăng tổ chức nhiều hơn nữa hội thảo gặp gỡ văn chương người viết trẻ để họ họp mặt, liên tài, đó cũng là một phần không nhỏ ao ước của những người đã trưởng thành từ tờ báo Trẻ này và cũng là mong muốn bấy nay của nhiều thế hệ độc giả trong cả nước.

Phong Điệp (Tổ chức, thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Có thể bạn quan tâm