April 26, 2024, 1:25 pm

VĂN HÓA GIAO THÔNG VÀ NHÂN CÁCH CỦA NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG

                                                                       

1. VĂN HÓA ĐÔ THỊ CÓ ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP ĐẾN LỐI SỐNG ĐÔ THỊ

Kiến trúc đô thị: Hiện trạng kiến trúc đô thị, nhất là ở các tỉnh miền trung và miền núi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch vĩ mô, sao chép, thiếu cá tính, không tôn trọng luật lệ, xây dựng đô thị dẫn đến hiện tượng rối loạn kiến trúc đô thị. Cảnh quan môi trường bị coi thường. Có hai hiện tượng đối nghịch nhau: Vừa đô thị hóa nhanh, lộn xộn, vừa “nông thôn hóa đô thị”, thực trạng này có được cải thiện sau 30 năm đổi mới, đường phố có rộng ra, cửa hiệu bày la liệt, nhiều hình thức quảng cáo, đèn chiếu sáng đủ loại làm thay đổi bộ mặt đô thị. Mặt trái là mặt đường, tầng một chẳng đủ cho những người sống ở tầng cao, những căn hộ sâu bên trong, nay đổ xô ra vỉa hè, xuống cả lòng đường. Ẩm thực đường phố xuất hiện từ đó.

Giao thông đường bộ và giao thông đô thị: Quá trình đô thị hóa phát triển nhanh để lại trong văn hóa giao tiếp nhiều yếu tố tiểu nông. Tình trạng chất lượng giao thông đường bộ vẫn xuống cấp, vừa thuận lợi cho người đứng ven đường lấn chiếm, tràn ra lòng đường phơi thóc, rơm rạ ra ngay trên các trục đường quốc lộ, thậm chí họp chợ ngay trên mặt đường, xe chở khách, chở hàng cồng kềnh, quá tải,… trong quá trình đô thị tăng nhanh để lại văn hóa giao thông nhiều yếu tố tiểu nông. Đây là vấn để có tình toàn cầu. Ở Nhật Bản trước chiến tranh, mặc dầu đời sống đô thị chiếm đến 2/3 nhưng cho đến những năm 90, nhìn chung vẫn là xã hội nông thôn. Trách nhiệm về đời sống thuộc các gia đình, còn sinh hoạt cộng đồng, xã hội lại phó thác cho những người hữu trách, thờ ơ với những thiết chế và công trình công cộng theo lối sống đô thị hiện đại. Ở Anh, “vấn đề đô thị” đã diễn ra do những người dân kéo vào thành phố sau cuộc cách mạng công nghiệp do họ không thích hợp với đời sống đô thị (Theo học giả Ronald P. Dore).

 

2. VĂN HÓA GIAO THÔNG ĐÔ THỊ QUA MỘT SỐ KIẾN GIẢI

Xây dựng giao thông đô thị là một qui luật tất yếu của quá trình đô thị hóa. Xu hướng này mạnh như bão táp, phát triển với tốc độ “phi mã”. Theo dự báo của khoa dân số học, trong 14 thành phố trên thế giới có dân số từ 10 đến 30 triệu người, thì Châu Á đã có 9 thành phố. Người ta dự báo rằng, đến 2025 dân số ở đô thị là 61%, còn ở nông thôn chỉ còn 39%. Hiện tượng “bùng nổ dân số” gây ra sự rối loạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự vi phạm văn hóa giao thông.

Nếu đô thị hóa là một quy luật khách quan, thì việc định hướng và quản lý xã hội ở đô thị lại thuộc về chủ thể quản lý. Các cơ quan hữu trách: giao thông, xây dựng, công an, thông tin truyền thông, văn hóa du lịch v.v…. không thể khoanh tay đứng nhìn sự hỗn loạn giao thông tự phát. Ngay từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, Liên hiệp quốc dự báo rằng, trong vòng vài chục năm tại các đô thị lớn sẽ có thêm 1 tỷ người sống đông nghịt, xe cộ chen chặt, đi lại hỗn tạp ở châu Á. Việc sinh đẻ tăng nhanh, gia đình đông con, người thất nghiệp nhiều, nhất là lứa tuổi thanh niên chập chững bước vào đời. Sự thay đổi hệ giá trị như coi trọng giá trị vật chất cao hơn giá trị tinh thần, đồng tiền cao hơn tình thương, lẽ phải, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vị kỷ v.v… là những nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn xã hội, mà một thời bị đẩy lùi, bị xã hội coi là điều xấu xa, ô nhục như ma túy, cờ bạc rượu chè, bán buôn, lừa đảo v.v… Nay chúng “ngóc đầu dậy” lại được những mặt tối của môi sinh xã hội dung dưỡng với những kẻ bất lương vô đạo bảo trợ, che dấu để chúng làm giàu phi pháp. Đó là chưa nói đến pháp luật về giao thông chưa đồng bộ, thực thi thiếu nghiêm minh, quản lý đô thị yếu kém, trình độ dân trí người tham gia giao thông còn rất thấp v.v… Tất cả những hiện tượng trên đều ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách người tham gia giao thông, khi họ không làm chủ được mình trước những cám dỗ vật chất hoặc nhẹ dạ cả tin như: muốn làm giàu nhanh chóng mà không phải tốn công, hao sức (buôn bán ma túy, tâm lý “yêng hùng”, “anh chị”, muốn tự khẳng định mình của một số thanh niên, thiếu niên (đua xe trái phép); làm ăn gian dối, thất đức (rải đinh dọc đường quốc lộ); thiếu sự chăm sóc, giáo dưỡng của gia đình (trẻ con ném đá lên tàu) v.v…..

 

3. NHÂN CÁCH VĂN HÓA VÀ NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG

Nhân cách tức là tư cách và phẩm chất của một con người. Đó là yếu tố của đạo lý, của hành vi ứng xử văn hóa nên mới có nhân cách văn hóa. Văn hóa giao thông thuộc phạm trù lối sống, nếp sống của một cộng đồng, của một con người. Trong cuốn Đời sống mới (1947), với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ viết dưới dạng vấn - đáp: “Bất kỳ ai muốn sống phải có năm điều: ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc tưc là 5 nhu cầu cần thiết hàng ngày của con người. Muốn có cơm ăn, nhà ở, đường đi thì phải làm. Từ trước tới giờ ta vẫm có làm…. Nhưng làm chưa hợp lý… Đời sống mới không có phải cao xa gì, cũng không khó khăn gì… Nó chỉ cần sử đổi những việc rất cần thiết, trong đời sống của mọi người tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc…. Sửa đổi được những điều đó thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc….

Sửa đổi cách đi lại mà Hồ Chủ Tịch nói cách đây nhiều thập kỷ chính là văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông, là giá trị nhân cách mà mỗi người tự xác định, tự giác thực hiện theo các hệ chuẩn xã hội. Trong nền kinh tế thị trường lao động chất xám và lao động cơ bắp đều được coi trọng. Tuy nhiên, trong triết lý sống, cần chú ý nhiều hơn tới những động cơ và hành vi của lớp trẻ, lứa tuổi mà các nhà tâm lý học gọi là sự “bùng nổ tâm lý”, sự xao động về tình cảm, sự chệch hường về lý tưởng v.v….; giáo dục họ sự hoàn thiện nhân cách trước hết là quí trọng những giá trị tinh thần cũng ngang bằng với những giá trị vật chất (nếu không muốn nói là hơn). Trong quá trình đô thị hóa có nhiêu việc lớn phải làm: quy hoạch và xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, kiến trúc đô thị hợp lý, tổ chức các mạng lưới viễn thông, kiến trúc đô thị hợp lý, tổ chức các mạng lưới viễn thông, xanh hóa đường phố và các thiết chế văn hóa v.v…. theo những quy chuẩn cần và đủ từ việc ban hành đồng bộ các văn bản pháp lý đên nhân cách người quản lý đô thị, viên cảnh sát giao thông, người tham gia giao thông…. Tất cả đều đòi hỏi sự tự ý thức tức là nhân cách văn hóa của mỗi một người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: thực hiện việc tôn trọng nhân cách là làm cho cái tốt trong con người luôn sinh sôi, nảy nở; những cái xấu dần dần được đẩy lùi; làm cho con người trở nên tốt đẹp nhờ giáo dục và tự giáo dục. Con người không phải lúc nào cũng tự làm chủ được bản thân, nên phải nhờ những biện pháp giáo dục, nhưng quyết định là tự giáo dục. Những hình thức xử phạt nghiêm khăc, răn đe, dù là bằng phạt tiền rất nặng, thì suy cho cùng chỉ là giải pháp tình thế, nếu như con người vẫn tiếp tục hư hỏng, khi vấp phải lỗi lầm, thậm chí có những hành vi vô luân, vô đạo ngay giữa đường phố. Cổ nhân dạy: “Nhất nhật tam tĩnh ngô thân” (Nghĩa suy rộng: Mỗi ngày xem xét lại mình ba điều phản tĩnh: có làm hại ai không? Có giúp đỡ ai không? Có trung thực với bạn không?). Ở đây đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực, tự biết mình, biết người mới bước ra khỏi cái tôi bản vị để đi tời cái ta cộng đồng, tức là nhân cách văn hóa.

Nhân cách là cái tôi chân chính, hải hòa giữa lợi ích chung và quyền lợi riêng, giữa cái cộng đồng và cái cá nhân, giữa trách nhiệm và hưởng thụ, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa tất yếu và tự do. Giải quyết mối quan hệ này là một cuộc vật lộn triền miên, ý thức cá nhân rất quan trọng. Không thể biến đổi một lúc được toàn xã hội, nhưng nhất định cải tạo được từng bước đi, từng thói quen xấu của mỗi cá nhân. Đòi hỏi rất cao đối với mỗi cá nhân. Đòi hỏi rất cao đối với bản thân mình là dấu hiệu của nhân cách văn hóa.

Nguồn Văn nghệ số 33/2019                                               


Có thể bạn quan tâm