March 19, 2024, 2:27 pm

Văn hoá chính trị - Vấn đề cũ nhưng luôn mới

Biểu diễn văn nghệ tại  Festvai Văn hoá truyền thống Việt. Ảnh internet

1.

Không ít người cho rằng gần đây người ta mới nói đến văn hóa chính trị và khái niệm văn hóa chính trị mới chỉ xuất hiện ở nước ta không lâu. Theo tôi, vấn đề không hẳn như vậy. Từ khi hình thành nên quốc gia, nhà cầm quyền đã phải vận dụng văn hóa chính trị trong điều hành đất nước của mình. Và mức độ thành công của thể chế ấy phụ thuộc rất nhiều vào việc người cầm quyền biết sử dụng văn hóa chính trị trong điều hành chính thể của mình.

Chỉ có điều lúc đó người ta chưa biết đến cụm từ văn hóa chính trị còn trong hành động của chính thể ấy, vấn đề này đã được nghĩ tới, tổng kết thành những tư tưởng, quy định cụ thể, thành “đường lối”, pháp luật để thể chế ấy quản trị đất nước.

 

Có lẽ người đầu tiên trong lịch sử dựng nước vận dụng nội hàm khái niệm văn hóa chính trị chính là vị vua khai sinh ra kinh thành Thăng Long - đức Lý Thái Tổ. Trong Chiếu dời đô có viết việc dời đô không phải là vì lợi ích của một triều đại cụ thể mà là “cốt để mưu nghiệp lớn…, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”. Gạt bỏ ra một bên những hạn chế khó tránh của tư duy thời bấy giờ, việc làm này thể hiện tư tưởng vượt trước thời đại. Trong mấy câu này gói ghém cả tầm nhìn chính trị và tư tưởng dựa vào dân, lấy sự đồng thuận của dân làm nền tảng cho sự nghiệp dựng nước của Lý Thái Tổ. Nhiều nhà sử học đã khẳng định chỉ bắt đầu từ triều Lý, việc trị quốc mới bắt đầu của một thời kỳ mới, mang tính văn minh hơn, vượt ra khỏi giai đoạn trị quốc bằng sức mạnh quân sự. Mở trường thi, đào tạo hiền tài làm rường cột cho quốc gia là những đóng góp nổi bật của triều Lý trong chính sách trị nước, triều đại đặt những cơ sở về văn hóa cai trị đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam.

Triều Trần để lại cho truyền thống văn hóa giữ nước của ông cha không chỉ là những võ công bất hủ mà là những bài học lớn về tận dụng thế trận lòng dân, sự cố kết cộng đồng. Nếu so về sức mạnh quân sự của quân đội hay sự tài ba của tướng lĩnh thì quan quân nhà Trần trong 3 lần đánh thắng đội quân hung bạo nhất lúc bấy giờ thì khó có thể nói quân dân nhà Trần mạnh hơn quân địch, nhưng sự cố kết quân dân, vua tôi, trên dưới đồng lòng đã nhân lên sức mạnh của cuộc chiến tranh toàn dân, đã làm cho dân tộc vượt lên chính mình để hoàn thành sứ mệnh giữ nước. Chính sách khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu, gốc bền trong kế sách giữ nước, tinh thần hòa giải, xóa bỏ hiềm khích, hận thù của quan quân nhà Trần đã giúp họ được lòng dân. Và Nguyễn Trãi, khi tổng kết cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của nhà Minh đã khẳng định “chính sự phiền hà” của nhà Hồ đã dẫn đến “lòng dân oán hận” và đó là nguyên nhân chính dẫn đến mất nước. Ông đạt đến một nhận thức quan trọng: việc nhân nghĩa cốt để yên dân. Chính sách thân dân ở ông, có thể gói gọn trong mấy điều ông theo đuổi: trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược; có nhân, có trí, có anh hùng ăn gạo đền ơn kẻ cấy cày. Có thể nói, từ những tư tưởng lớn nhất liên quan tới kế sách giành lại độc lập cho đất nước đến thái độ trọng dân của Nguyễn Trãi đều thấm đẫm nỗi lo cho nước, cho dân và với ông, người nuôi dưỡng một chính thể, một triều đại chính là dân, phải biết ơn người đã nuôi dưỡng mình là hợp đạo trời. Đó là kết tinh của tư tưởng Nhân Nghĩa ở ông.

Khi vận nước đứng trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu Chính phủ kháng chiến đã nêu khẩu hiệu Tổ quốc trên hết để khẳng định đất nước này là của chung, mọi dân tộc, tôn giáo, đảng phái phải đặt lợi ích đất nước lên trên những lợi ích của đảng mình, nhóm mình, tôn giáo mình…Tư tưởng Tổ quốc trên hết là ngọn cờ tập hợp lực lượng và nhân lên sức mạnh của cả dân tộc. Và ông đã thành công bởi tính đúng đắn của tư tưởng ấy.

 

2.

Từ ngày thành lập chế độ dân chủ cộng hòa cho đến nay, các nhà lãnh đạo của thể chế rất nhiều lần nói về văn hóa chính trị, đạo đức chính trị của hệ thống thể chế và cá nhân các đại diện. Ngay từ năm 1945, Chỉ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phụng sự dân của thể chế mới. Ông nói đến vai trò công bộc của đội ngũ cán bộ không phải với ý nghĩa đen của từ này mà nói đến tinh thần và thái độ phụng sự công việc, đất nước theo tinh thần chí công, vô tư. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu nguy cơ sai lầm của thể chế, chính sách và sự hư hỏng của các đại diện cho thể chế. Hồ Chí Minh nói đến việc “dân có thể đuổi Chính phủ nếu Chính phủ làm hại cho dân”- điều rất lạ đối với hoàn cảnh bấy giờ, nhưng lại là một nhãn quan đầy sự minh triết, thấy trước những mầm mống xấu sẽ xuất hiện trong lòng thể chế được coi là của dân, do dân, vì dân. Ông kêu gọi đội ngũ cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (Báo Cứu quốc 17/10/1945). Sau này, cho đến trước khi mất, hai điều lo lắng nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là về Đảng cầm quyền và đội ngũ cán bộ nắm trong tay quyền điều hành đất nước.

Nói đến văn hóa chính trị, điều đầu tiên người ta phải nói đến là những chính sách do nhà cầm quyền đề ra có thể hiện tinh thần thân dân, vì dân, phụng sự dân hay không? Trong tất cả những chính sách kinh tế, xã hội cụ thể, vấn đề đúng đắn của chính sách được đặt lên hàng đầu nhưng người ta cũng không quên tính đạo đức, tinh thần nhân văn của chính sách đó. Nói như Nguyễn Đình Thi trong vở kịch Rừng trúc thì nhà chính trị thường quan tâm đến cái vĩ mô, tổng thể, toàn cục chứ ít tính đến số phận của một vài cá nhân, đến những tiểu tiết. Điều đó có căn cứ nhưng tính chính đạo của một chính sách xã hội chỉ đạt tới tầm văn hóa khi nó kết hợp được cả sự đúng đắn về tính pháp lý và tinh thần nhân văn. Pháp luật cần khách quan, công bằng những cái gốc của pháp luật lại không thể vô tình. Formosa, chuyện thu hồi đất ở Thủ Thiêm, dự án nhà máy nhiệt điện ở Ninh Thuận, nhà máy cán thép ở Bình Thuận v.v… thời gian qua là những minh chứng cho sự không kết hợp được hai cái đó. Chính sách phát triển kinh tế, xã hội vì quốc kế dân sinh nhưng không được nhân dân đồng tình, ủng hộ vì người dân nghi ngại tính đúng đắn của nó, người ta ngờ vực sự không minh bạch và những lợi ích nhóm đằng sau điều này. Những chính sách ấy, về thực chất, thiếu phẩm chất văn hóa cần thiết.

Lâu nay dư luận kêu ca nhiều về đạo đức và phát ngôn của một số chính khách. Những phát ngôn thiếu trách nhiệm, ngô nghê, thiếu trung thực làm giảm lòng tin của người dân vào thể chế mà họ là đại diện. Người xưa có yêu cầu rất cao về trí, nhân, dũng, tín của người thay mặt thể chế. Thời nay cũng vậy vì các phẩm chất ấy, nói theo ngôn ngữ thời nay là năng lực và phẩm chất của nhà chính trị, là tinh thần phụng sự xã hội, phụng sự nhân dân. Bậc chăn dân ngày xưa dám nói rằng buổi chiều chết, buổi sáng được nghe đạo lý cũng không phải hối tiếc gì. Tinh thần học hỏi ấy dường như ngày nay ít được giới công chức để ý. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán những biểu hiện tiêu cực của các “quan cộng sản” từ năng lực đến lối sống, đạo đức của họ. Ông lên án mạnh nhất là chủ nghĩa cá nhân, thói vụ lợi. Những bài viết của ông, của Nguyễn Chí Thanh về vấn đề này, những đại án mà ông đã can thiệp trong những năm chống Pháp thể hiện điều lo ngại của ông có cơ sở.

Công chức của ta hiện nay, từ cấp thấp đến cấp cao có quá nhiều người đã quên mất mình đang là đại diện cho chính thể, họ sống hai mặt; bề ngoài thì tỏ ra là người phục vụ chính thể còn thực chất thì kết bè, kéo cánh chăm lo cho lợi ích của riêng mình nên họ đã làm mất uy tín của chính thể. Họ sử dụng các dịch vụ giải trí đắt tiền, ăn chơi, hưởng thụ xa xỉ. Câu chuyện về cụ nông dân ở Thái Bình về điều này cay đắng nhưng có thực. Cụ bảo mấy chú cán bộ uống khỏe hơn voi vì tiền rượu của mấy chú đủ để mua hết khoai lang của một huyện. Không có con voi nào ăn hết một huyện khoai. Thấy cán bộ như thế, dân không mất lòng tin mới là chuyện lạ. Nhiều vị khi có chức có quyền bỏ vợ cũ già, lấy vợ mới trẻ đẹp, sống thiếu trách nhiệm với con cái, gia đình. Điều này dân biết cả. Người ta nhận thấy sự xuống cấp của đạo đức công chức và cũng không tin họ nữa từ những điều tưởng là riêng tư, nhỏ nhặt, không liên quan tới vị trí họ đang nắm giữ nhưng dù không nói ra, người ta mất lòng tin bởi họ hiểu đó mới là con người thực của người đại diện cho chính thể, còn những điều họ nói chưa chắc đã là thật lòng, cái áo khoác xã hội và con người thực của họ là hai thế giới khác hẳn nhau. Trong đời sống cũng như trong chính trị, người ta xây dựng lòng tin và thay đổi lòng tin khi nhận ra mình lầm lẫn là một bi kịch.

*

Những dẫn chứng được nêu như trên rất nhiều. Bởi vậy nói tới văn hóa chính trị là phải nói về những chính sách mà thể chế thực hiện, tới những tư tưởng thể chế ấy dựa vào để xây dựng, tới những đại diện của thể chế đang hoạt động trong thực tiễn. Mọi lý thuyết dù hay ho đến đâu nhưng áp vào thực tiễn vẫn cứ vênh lệch thì cần phải xem xét lại. Đó là văn hóa cai trị, văn hóa điều hành của một nền chính trị chính đạo. Chúng ta tự nhận là đi theo chủ nghĩa Mac-Lenin nhưng lại xa rời một trong những nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa Mác: thực tiễn mới là phép thử, thuốc thứ, nơi kiểm nghiệm độ chính xác của các lý thuyết. Vì vậy những chuyện nói và làm luôn tách rời nhau đã gây ra những bất an cho xã hội; thể chế thiệt vì mất uy tín và xã hội thiệt vì không phát triển được. Những đại diện cho thể chế mắc sai lầm nhưng nhân dân phải gánh chịu những hậu quả tệ hại vì sự điều hành chưa thể hiện tầm văn hóa cần có.

...........................

(*) Nguyên Phó GĐ Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên GĐ Sở VH-TT Hà Nội.


Có thể bạn quan tâm