April 26, 2024, 7:39 pm

Vẫn còn lại một người…

Lâu nay người ta cứ bảo đời người có số. Giầu nghèo có số. Làm tướng, làm quan, làm ông nọ, bà kia có số. Sống chết có số và trai gái lấy nhau cũng là duyên số do ông Tơ, bà Nguyệt se cả. Thì đã thấy ai, kể cả những bậc thông tuệ, cao minh nhất trần gian cắt nghĩa xem cái “số” nó ra làm sao? Vuông tròn, méo mó hay xộc xệch như thế nào đâu? Nhất là thời buổi hôm nay, thời buổi công nghệ 4.0 này, trai gái họ đến với nhau, yêu nhau và nên vợ, nên chồng chóng vánh, hiện đại và thắm thiết cứ...như đùa. Không những thế, họ còn rất hạnh phúc nữa, thế mới lạ kì. Nghĩ đến đấy, tức là nghĩ về những cuộc tranh luận tưởng chừng như vô bổ ấy, Mạnh Cường khẽ tủm tỉm cười.

            Nắng chiều sắp tắt. Mặt trời như chiếc mâm đồng đỏ ối, đang tụt dần xuống dãy núi Lưỡi Hái phía xa. Thi thoảng cơn gió bồ côi ngày hè, mang hương vị ngai ngái, oi nồng táp qua sân gạch, làm cho quả bóng nhựa chạy lăn long lóc, khiến cu Mít dồn không kịp, khóc váng lên. Mạnh Cường cười khà khà, chạy đến bế thằng bé lên hôn vào má nó chùn chụt, nựng :

              - Cha bố quả bóng hư, nó không chịu đứng lại chờ hoàng tử nhỉ? Cu Mít thấy bố nựng, thích chí cười tít mắt, lại đòi đứng xuống, lại đá, lại dồn quả bóng và lại khanh khách như ngô rang. Mạnh Cường hết ngắm con, lại đưa mắt ngắm toàn bộ gia cảnh của mình mà thấy lòng nhẹ bẫng, lâng lâng. Đã mấy năm nay, kể từ khi anh và Thúy Hường lấy nhau, được bố mẹ hai bên “tậu”cho mảnh đất hơn một sào ở ngoài xóm bãi và hai đứa đã gom góp, vay mượn xây được căn nhà mái bằng “một thớt”, khá rộng rãi, khang trang. Hơn thế, vợ chồng Cường còn nhận khoán quản hẳn năm mẫu ao gần nhà để thả cá, nuôi lợn và làm kinh tế. Chuồng lợn được xây bằng gạch đỏ và mái lợp bằng ngói bờ rô xi măng, chạy dài trên bờ ao. Cứ chiều chiều phóng tầm mắt dõi theo tiếng cá quẫy làm sóng sánh mặt ao, cùng tiếng mấy chục con lợn ọc ẹc, cào vào máng cồn cột đòi ăn. Tiếng mấy trăm con vịt cao sản đang đẻ cạc cạc nô nhau, nghe ồn ã, xao động cả xóm Trại vẻn vẹn chỉ có hơn hai chục nóc nhà. Xa xa, đôi chuồn chuồn ớt đang vờn nhau trên những bông hoa súng trắng muốt, nổi bồng bềnh, đỏ như hai giọt máu.

             Bỗng cu Mít kêu toáng lên như bị ai cấu, ai chí, khiến Cường giật thót. Thì ra cu cậu cố trèo lên chiếc xe DreamII của bố dựng ở góc sân, Lên đã khó, xuống còn khó hơn nhiều, thế là ông tướng mè nheo. Mạnh Cường vội chạy đến bế con đặt đứng trên yên xe vỗ về.

            Nhìn chiếc xe DreamII màu mận chín còn nguyên nước sơn bóng láng. Mạnh Cường như sực nhớ ra điều gì...Anh nheo mắt nhìn xa xăm, kí ức ngày xưa lại hiện về trước mắt anh như đang mỉn cười, nhảy múa và như nhắc nhớ anh về kỉ niệm. Kỉ niệm mà lâu nay anh coi như một mốc son in đậm trong tâm khảm của mình. Đúng. Kỉ niệm sắp thành “cổ tích” ấy nghe như chỉ thấy có ở trong tiểu thuyết của các nhà văn, hay chỉ có ở trong phim ảnh. Vậy mà thực, thực một trăm phần trăm. Kỉ niệm mà bấy lâu nay vợ chồng anh luôn trân trọng, nâng niu giữ gìn như một báu vật. Bởi nhờ có kỉ niệm đó, nói toạc ra là nhờ có buổi gặp hi hữu hôm đó, Mạnh Cường và Thúy Hường đã nên duyên chồng vợ và sau đó có cu Mít đây thôi. Thì người đời cứ bảo cái duyên, cái số nó vồ lấy nhau. Duyên số mà lãng mạn như phim, mà thấm đẫm tình người như tiểu thuyết, thì ai chả khát khao, ao ước.

              Mạnh Cường bỗng chốc thèm miên man. Nghĩ ngợi miên man là căn bệnh cố hữu của anh. Nhớ lại năm ấy, vừa tốt nghiệp cấp ba xong, lũ bạn bè cùng trang lứa đua nhau nộp hồ sơ thi vào đại học, cao đẳng, riêng Cường thì không. Cậu phăm phăm lên thẳng ông Xã đội trưởng nộp đơn xung phong đi bộ đội. Có đứa bảo Cường hâm. Lại có đứa bảo Cường lập dị, thần kinh có vấn đề....Thà rằng nộp đơn thi vào các Trường sĩ quan hay Học viện nào đó, nghe nó có vẻ sang và nếu đỗ ắt sẽ chẳng phải lo “đầu ra”. Đằng này xin đi bộ đội nghĩa vụ, bất quá 24 tháng, dẫu giỏi giang đến mấy rồi  cũng...phắn, về quê lại nhìn đít trâu thì đúng là trên đời chưa thấy có ai “chập mạch” như thế.

               Kệ. Với Mạnh Cường lại có lối tư duy khác. Từ trước đến nay, nhất là những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường được học, được nghe các thày cô giảng về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ vô cùng cao quý. Nhưng cuộc đời người lính ra làm sao? Gian nan, vất vả, thiếu thốn và can trường tới mức nào...chỉ người lính thực thụ mới biết được. Thế là Cường chính thức vào bộ đội, và rồi từng ấy tháng ngày trong quân ngũ, cũng là từng ấy tháng ngày Cường trải nghiệm với quân kỷ, quân phong. Với lăn lê, bò toài và va đập với biết bao kỹ năng chiến đấu và công tác dành cho người lính. Ngày hoàn thành nghĩa vụ trở về, cơ bản vẫn hai bàn tay trắng. Nhưng Cường hả hê, rưng rức tự hào trong huyết quản vì tự thấy mình trưởng thành, cứng cáp, rắn giỏi hẳn lên, như thanh sắt đã được tôi luyện trong lò lửa. Cái sợ nhất với anh lúc này là đối mặt với nghèo đói. Nhưng thói đời, nói đã khó, khi “lội” vào xã hội, bập vào thực tế cuộc sống muôn hình, muôn vẻ và guồng máy đang vận hành hối hả đến chóng mặt như hiện nay, để tìm xem mình đang làm gì? Ở đâu và có bị cuộc đời xô đẩy không? Có trụ vững và ngóc đầu lên được không? Mới là khó. Nghe Dương Chí Lâm, mọi người cứ gọi hắn là Lâm Đen, bạn đồng ngũ và cùng ra quân một ngày, quê ở Tiên Cát, Việt Trì có lần chém gió, nói như lệnh vỡ:

           - Thời buổi này, là thằng đàn ông mà chỉ biết lo làm sao ngày hai bữa cho đẫy tễ thì sống làm đếch gì cho chật trời đất.

          Cái lối ăn nói tục tằn, bỗ bã có phần đốp chát của Lâm Đen, làm cho Mạnh Cường tái mặt. Nhưng vận động ra làm sao? Hành nghề gì và hàng ngày, hàng tháng, hàng năm cho vào hầu bao bao nhiêu...luôn là bài toán hóc búa. Hơn bốn năm trời kể từ khi rời quân ngũ, Cường trăn trở, đôn đáo tìm việc làm khả dĩ phù hợp với sức khỏe và khiếu năng của mình, cũng là hơn bốn năm anh vật lộn với khá nhiều công việc. Tài sản đầu tiên, giá trị nhất mà anh có được là chiếc xe máy HonDa DeamII. Ừ thì nhỏ bé, nhưng dẫu sao mấy chục triệu cũng là mồ hôi, công sức tháng ngày gom góp. Có chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, giao du đây đó để học hỏi cách thức làm ăn và tận mắt chứng kiến những mô hình kinh tế, khiến cho Cường vò đầu, nung nấu...

            Chiều. Vẫn buổi chiều như bao buổi chiều mùa hè nắng và nóng như rang. Mấy cây xoài, cây sấu sau nhà đứng im phăng phắc. Gần tối, trời tuy đã dịu bớt, nhưng phía Đông xám xịt, chớp nhằng nhằng báo hiệu sắp mưa. Mạnh Cường vừa cho đàn vịt và đàn lợn ăn xong. Anh đang định tiện vòi nước rửa chiếc xe DeamII bám đầy bụi đất để cất vào nhà.  Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Cường lẩm bẩm: Lại mấy tay đại lý cám con cò gạ mua đây. Vừa cầm máy a lô thì tiếng Lâm Đen ồm ồm, vẫn chất giọng như đổ đỉa vào tai:

             - Mày có biết hôm nay là ngày gì không? Cường chợt nhớ ra, buột miệng:

              - Thôi chết, xin lỗi, tao quên - Lâm chì chiết:

              - Quên. Mày có biết cách nay hai mươi bốn năm, vào ngày này trái đất nở ra một sinh linh là tao không, hả ?

            Biết mình có lỗi với bạn, Mạnh Cường cười khà khà, tếu táo:

               - Vâng. Em biết, nhưng cách nay hàng ngàn năm, trái đất chỉ nở ra có mỗi anh chàng Tôn Ngộ Không thôi. Chứ thằng Chí Lâm trắng như cá trắm ngoài đầm sen thì nó từ bụng mẹ nó chui ra chứ ạ.

              Tắt máy. Mạnh Cường cuống quýt chạy vào nhà thay quần áo, dày dép, mũ bảo hiểm và giấy tờ xe. Vội thì vội, Cường không quên bế thốc cu Mít chạy ào xuống bếp thưa với mẹ: Vợ con đi làm về, mẹ bảo con đi Việt Trì dự lễ sinh nhật anh bạn đồng ngũ. Mẹ và cả nhà cứ ăn cơm trước, đừng đợi con nhá. Biết tính con trai, bà gật đầu, nói với theo:

                - Ừ, nhưng nhớ là chớ có say khướt đấy nhé.

         Cường đội mũ, mở khóa, ấn nút khởi động, vào số, khẽ vít tay ga. Chiếc xe DreamII nổ phì phì rồi từ từ lăn bánh ra phía con đường mới trải bê tông phẳng lì. Cơn gió lốc bỗng đâu táp đến, cuốn bụi đất tròn vo,  bốc lên. Phía Đông, từng đụn mây đen sũng nước như muốn sà xuống, vít cong lũy tre làng. Cường khựng lại, đắn đo, toan quay về. Nhưng có lẽ tình bạn, tình đồng đội cũ như một thứ ma lực, đẩy vào vai, đi.

                Lúc sau, chiếc xe đã bon bon trên con đường Quốc lộ 32C. Hai bên đường, nhà cao tầng với đủ loại gam màu, ẩn hiện giữa những hàng cây xanh. Đâu đó, phố xá đã lên đèn, lấp loáng. Đúng là thời mở cửa (Cường nghĩ trong đầu). Không biết ô tô, xe máy ở đâu mà túa ra lắm thế? Hơn nữa, hình như sắp hết ngày nên ai cũng vội, phương tiện nào cũng vội, cũng hối hả chạy như ma đuổi. Cường cứ nhẹ tay ga cho xe “bay”trên con đường vành đai Đền Hùng. Gió thổi ào ào, cây cối vật vã. Đến đoạn đường sau núi Xim, phía bên kia là đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, trời như tối sẫm lại. Cả Đền Hùng ì ầm trong vi vút tiếng thông ngàn reo. Mặt đường đã lác đác hạt mưa, bắn tóe lên chân Cường, bỏng như nước phích. Con xe DeamII đang vun vút trên con đường được xem là đẹp nhất Đền Hùng. Bỗng Cường thấy trước mặt, bên tay phải cùng chiều có chiếc xe máy nằm tênh hênh trên đường. Bên cạnh xe là chủ của nó đang giơ tay cầu cứu. Kệ, hơi đâu mà thương xót người dưng. Chợt Cường chẹp miệng: Không được. Nghĩ thế là sai, là tệ, là tồi. Trong cơn mưa gió bời bời và trời sầm sập tối như thế này. Người ta bị hoạn nạn mới cần sự cứu giúp. Hơn nữa, tư cách đạo đức anh bộ đội Cụ Hồ để ở đâu?

           Nghĩ đến đấy, mặc dù đã đi được gần nửa cây số. Cường liền cho xe quay lại, tắt máy và dựng chân chống. Cường chạy vội đến và suýt nữa thì thốt lên: Ồ, thì ra là phụ nữ. Vì cô ta đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang, nên chả biết già trẻ ra làm sao? Bên cạnh cô (tạm gọi như thế) là chiếc xe Wave màu xanh nước biển đổ chỏng trơ, bánh trước bị nổ, xăm lòi cả ra ngoài. Đỡ người phụ nữ đứng dậy, Cường ân cần: Chị có sao không? Có bị đau ở đâu không? Người phụ nữ khẽ lắc đầu, bỏ khẩu trang và mũ bảo hiểm ra, loạng choạng đứng dậy. Ồ, thì ra là cô gái. Phải nói thẳng, cô ta còn trẻ, đẹp và có khuôn mặt rất thanh tú. Cường lúng túng, chưa kịp hỏi thì cô ta thưa:

           - Cháu đang trên đường đến Công ty SêSin gặp ông Giám đốc người Hàn Quốc để nghe phỏng vấn lần cuối. Không may rủi quá, xe bị nổ lốp. Bỗng cô gái cuống quýt, miệng méo xệch như muốn khóc. Cô ta thở dài: Thôi, thế là hỏng rồi.

           Cường xưa nay vốn là người đa cảm. Nghe cô gái than thở liền động lòng trắc ẩn, hỏi dồn:

          - Sao. Chị, à... cô vừa bảo hỏng, là hỏng thế nào?

        Cô gái sụt sùi:

          - Dạ vâng, hỏng vì chỉ còn chừng hai mươi phút nữa là đến giờ phỏng vấn. Người Hàn Quốc họ rất trọng giờ giấc. Nếu ai đó đến chậm chỉ năm phút, không chừng sẽ bị từ chối ngay. Giờ xe cháu bị hỏng thế này, đành bỏ cuộc, tiếc quá.

         Cường động viên:

           - Ôi dào. Chả làm đấy thì làm chỗ khác. Cả khu chế xuất thiếu gì chỗ cần tuyển người.

        Cô gái thật thà:

           - Nhưng chỗ ấy ổn định và hợp với chuyên ngành của cháu.

         Qua ánh chớp rạch trên bầu trời xanh lét và ánh đèn xe thi thoảng vụt qua. Cường thấy đôi môi cô gái tím tái, run run, sao mà tội nghiệp, đáng thương quá chừng. Chẳng cần nghĩ thêm nữa, Mạnh Cường lấy chìa khóa xe máy của mình, dúi vào tay cô gái:

           - Chị, à cô vẫn đi được xe đấy chứ. Thôi, lấy xe của tôi, khẩn trương đi gặp ông Giám đốc, kẻo hỏng việc.

           Thúy Hường lúng túng, ngỡ ngàng cứ tưởng mình nghe nhầm. Cô tập tì:

             - Dạ, chú cho cháu mượn xe thật ư? Cường khẽ đẩy vào lưng cô gái giục:

             - Ừ, phải, tôi cho cô mượn. Khẩn khẩn lên kẻo muộn mất.

          Thúy Hường chẳng còn thời gian để đắn đo nữa. Cô cầm chiếc chìa khóa xe DreamII, chụp vội chiếc mũ bảo hiểm vào đầu và tập tễnh lên xe nổ máy phóng đi, cũng là lúc trời bắt đầu trút mưa ầm ầm, như chành nước dội.

          Giờ đến lượt Cường đứng như phỗng đá. Anh bàng hoàng như thể  đi trong mơ. Ô hay. Không biết có phải từ lương tâm, hay là do ma sui, quỷ khiến, nên Cường bỗng chốc trao hẳn khối tài sản không hề nhỏ cho người con gái không biết tên tuổi, quê quán, địa chỉ. Và, lại còn chiếc xe Wave đang nằm chỏng chơ, ăn vạ kia, xử lí sao đây? Trong khi đó trời mưa như đan lưới và chuông điện thoại trong túi quần đổ liên hồi. Biết Lâm và các bạn đang nóng ruột đợi chờ. Lấy điện thoại ra, lần đầu tiên Cường trí trá:

            - Tôi bị đau bụng đi ngoài, nên không xuống được đâu. Các ông thông cảm. Chức mừng sinh nhật Lâm và chúc các bạn vui vẻ nhé.

           Cuối cùng thì Cường cũng đưa được chiếc xe Wave về tới quán sửa xe của chú Sơn béo để thay xăm lốp và chỉnh sửa một số bộ phận. Trong mơ hồ, Cường vẫn tin cô gái ấy là người tốt. Chẳng biết từ giác quan thứ mấy, nhưng qua thái độ, cử chỉ và nhất là từ ánh mắt. Cường thấy cô gái chắc chắn là con nhà tử tế, nết na. Sáng hôm sau, đang tha thẩn ngoài vườn sau nhà thì nghe có tiếng láo pháo. Bà mẹ Cường lật đật chạy ra cổng thì đã thấy có mấy chiếc xe máy SH ào vào đến sân, nhanh như cơn gió. Đi đầu vẫn là Lâm Đen, tay ôm một túi quà to, hăm hở, giọng bô bô:

            - Con chào bầm. Chúng con nghe tin Mạnh Cường bị đau bụng, đi ngoài, nên bảo nhau lên thăm xem ông tướng đã được “Tào Tháo” tha chưa?

          Bà mẹ Cường ngẩn ra:

            - Ô hay, Cường có bị thế nào đâu.

        Lâm Đen trố mắt:

            - Ái chà chà. Thì ra là hắn nói dối, đồ tồi, hắn sẽ chết với con.

         Thấy các bạn đến, Cường từ ngoài vườn hớn hở:

             - Vâng, nhưng trước khi “hành quyết”, các thày hãy để cho em được giãi bày, rồi sau đó muốn tùng xẻo cũng được.

            Tất cả các bạn ngồi yên vị rồi. Sự tình được Cường mạch lạc, rành rẽ đến từng chi tiết rồi. Bỗng Lâm Đen vỗ đùi cái tét, cười ngất như kẻ bị ma nhập:

              - Ối giời ơi. Gậm giời này tao chưa thấy thằng nào ngu như mày.  Cũng chưa thấy thằng đàn ông nào lại dại gái tới mức ngớ ngẩn như mày.

            Cường chống chế:

                - Ông nhầm. Cứ nhìn vào đôi mắt ngân ngấn lệ, tớ khẳng định cô ta không phải phường lưu manh, lừa đảo.

          Lâm Đen cười hô hô, nhắm tịt cả mắt:

               - Đấy. Lũ đàn ông chúng mình chết lăn, chết bò vì đôi hàng “ngọc lệ” của các nàng đấy - Bỗng Lâm đứng phắt ngay dậy, tay chém gió: Các ông có nghe dân nhà văn họ nói thế nào không? Họ bảo: Nước mắt đàn bà, nếu không cẩn thận sẽ làm mềm nhũn, tan chảy trái tim đàn ông, kể cả trái tim làm bằng thép trắng, kinh không? - Bỗng giọng Lâm trùng xuống, nghe ồm ồm:

           - Phải nói thẳng “kịch bản” ấy xưa rồi, nhưng đáng khen cô gái diễn xuất quá đạt, rất nhập vai. Lại vớ được “con mồi” quá ngon, hôm ấy cô ta về mổ bò ăn mừng là cái chắc.  Đến bên Cường, Lâm Đen cười ha hả, vỗ về:

              -  Các cụ bảo “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại. Ai nên khôn mà chả dại đôi lần”. Thôi, cậu xem nhà còn gà vịt gì không? Xắm mâm cơm, để bọn tớ làm lễ giải ngố cho. Còn xe pháo, góp mỗi thằng mấy triệu làm con mới, chuyện nhỏ như con thỏ, lo gì? Ok đi.

            Bóng chiều đã ngả sau rặng tre đằng ngà, gió nồm Nam hiu hiu phe phẩy. Mấy con chim chích chòe ẩn nắng ở đâu cũng bắt đầu bay ra mài mỏ vào nhau, hót líu lo. Tiễn các bạn về rồi mà Cường thấy lòng man mác buồn. Buồn vu vơ. Buồn xa xôi và nghe lòng nhơ nhớ nỗi gì... không tài nào diễn tả được. Đang định tha thẩn bách bộ quanh vườn. Bỗng có tiếng còi xe máy bíp bíp. Cường nhìn ra cổng, thấy ai đó “cỡi” chiếc xe màu mận chín, đang từ từ tiến vào sân. Thôi chết. Suýt nữa Cường reo lên: Cô gái và chiếc xe DeamII của tôi, nhưng anh đã kìm chế được. Vào đến sân, cô gái dừng xe, tắt máy, dựng chân chống, bỏ mũ bảo hiểm và khăn bịt mặt ra. Cường mừng tới mức đứng ngây như pho tượng gỗ, trong lúc cô gái bẽn lẽn  thưa:

            - Xin lỗi, chú cho cháu hỏi chú Mạnh Cường có nhà không ạ? Cường  hớn hở:

            - Có. Tôi là Cường đây. Bất ngờ cô gái chạy đến nắm lấy tay Cường, như sợ Cường đi mất:

            - Ôi chú Cường, cháu nhận ra rồi. Đúng là người đã giúp cháu  trong cơn hoạn nạn ở Đền Hùng hôm qua đây rồi.

        Cường không ngờ cô gái mà mình có duyên được gặp, được giúp lại nhỏ nhắn, xinh xắn và nói năng lễ phép như thế.  Cường nhỏ nhẹ:

           - Xin lỗi, cô tên là gì và bằng cách nào cô tìm được địa chỉ của tôi?

           - Dạ, cháu tên là Quản Thúy Hường, ở làng Trẹo. Hôm ấy nhờ có chú cho mượn xe máy nên cháu đã kịp đến gặp và trả lời phỏng vấn của ông Giám đốc người Hàn. Ông ấy khen cháu nói tiếng Anh chuẩn và trình độ hiểu biết chuyên môn vững, thế là kí quyết định nhận ngay. Còn tìm ra chú ư? Dễ ợt. Cứ ghi biển số xe, sau đó đến Phòng Cảnh sát Giao thông hỏi là họ tìm ra chủ nhân đích thực của nó ngay - Chợt nhớ ra điều gì...Thúy Hường ân cần;

          - Cô và các em đâu chú?

       Mạnh Cường biến sắc, thẹn, mặt đỏ au. Đúng lúc bà mẹ ở dưới bếp đi lên, lọt tai, liền thẳng như ruột ngựa:

           - Đã có đứa nào “bĩnh” vào mặt đâu mà vợ với chả con. Cháu xem có đám nào...Cường ngượng quá, khẽ gắt:

             - Kìa mẹ. Đây là cô gái con kể hôm qua đấy.

         Đến lượt Thúy Hường ngỡ ngàng và ngượng chín cả người. Cô len lét quay mặt đi để giấu cảm xúc đang trào dâng trong tim. Phút sau Thúy Hường quay lại, bốn mắt chạm nhau, phát sáng như bốn đốm lửa. Thúy Hường nói, như  thể nói thầm:

           - Cháu, à... em xin lỗi. Thì ra anh Cường vẫn...

         Cường cười thật tươi:

             - Vâng, vẫn chăn đơn, gối chiếc -  Cường thấy mình nói thế hơi thô, liền chữa:

            - Cũng bởi tại mình con nhà nghèo, lại xấu trai, nên chả có cô nào dám...chết.

       Đến lượt Thúy Hường cười, phô hai hàm răng đều, trắng như đá cuội:

          - Chết thì chả ai dám, nhưng nâng khăn, sửa túi thì ối cô mơ, chỉ sợ anh Cường lại chê thôi.

                Bà mẹ Cường từ nãy giờ nghe hai đứa thủ thỉ nhỏ to, chả hiểu gì liền giục: Hai đứa vào nhà đi. Đứng đấy mẹ thấy nó chống chếnh thế nào...

                                               *    *   *

              Hè. Công viên Văn Lang lãng mạn, nên thơ và đẹp lạ, đẹp lùng. Hình như bầu trời về đêm trong xanh hơn, cao hơn và rỗng ra hơn. Trăm ngàn ngọn đèn điện với đủ sắc mầu, công suất đua nhau tỏa sáng lung linh, ẩn hiện giữa những hàng cây xanh mướt mát, hắt thứ ánh sáng trăng trắng, vàng vàng xuống mặt hồ rộng mênh mang, càng tô thêm vẻ huyền ảo vốn có của nó. Trăng đầu tháng như chiếc lưỡi liềm được phết hồ quang, đỏ rực, treo lơ lửng trên bầu trời. Muôn ngàn vì sao, nhấp nháy như mắt con gái, thả mình xuống đáy hồ. Mỗi cơn gió nhẹ đi qua, mặt hồ lại chênh chao, sóng nước dồn nhau, óng lên, ấp ánh, ấp ánh như bạc, như vàng rắc.

             Khuya, dòng người đổ về công viên thưởng ngoạn mỗi lúc một đông. Người đi bộ để rèn luyện sức khỏe cũng lắm. Nhũng ông bà già rủ nhau ra thư giãn, hóng mát và nói chuyện trên trên trời, dưới bể cũng nhiều. Nhưng có lẽ đông nhất, phải kể đến những cặp trai gái đang bén hơi nhau. Họ vận trên mình với đủ cách ăn mặc. Nào váy cộc, váy dài. Nào sơ mi, quần soóc trắng. Họ nắm tay nhau. Họ khoác vai nhau dập dìu trên những con đường được lát bằng đá bóng nhẫy lốt chân.

             Đã thành thói quen, Mạnh Cường biết tính người yêu mình ưa kín đáo. Bởi thế anh đã tinh ý tìm chiếc ghế đá ẩn khuất dưới hai cây cọ, cao chừng ba mét, những tàu lá to như cái ô đại, hờ hững che cho đôi trẻ. Ngồi bên nhau mà chả biết nói chuyện gì, bởi bao nhiêu chuyện, từ khi nhận lời rằng yêu, cũng là từng ấy thời gian xẻ chia, phô ra hết.

            Số là, Thúy Hường sinh ra và lớn lên ở làng Trẹo vốn là vùng quê nghèo khó. Một thời nghèo tới mức hạt cơm quý như hạt vàng. Bởi thế, sắn rù phơi khô, ăn vào đắng như mật vịt, tê rát đầu lưỡi, nhiều khi cũng phải nhắm mắt cố nuốt cho sống người. Muốn thoát nghèo, phải học. Bố Thúy Hường quá thấm thía thân phận người bất học, ít chữ. Ông thường bảo:  Đã nghèo, ắt phải hèn. Và nghèo hèn thì cơ cực, tủi hổ, lép vế, nhục nhã lắm. Một phần nhờ sáng dạ và một phần nhờ vào tư duy sáng suốt của bố mẹ, nên Thúy Hường học hết cấp ba đã trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghiệt Việt Trì với số điểm khá cao. Bốn năm học là bốn năm nhọc nhằn, tốn kém. Bốn năm học là bốn năm đánh vật với bao kiến thức mới lạ và Thúy Hường đã vượt qua. Cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học hệ chính quy loại giỏi, còn thơm mùi mực trên tay. Thúy Hường cũng đã gõ cửa rất nhiều cơ quan, công sở, xí nghiệp. Nơi nào cũng vui vẻ...lắc đầu, rằng không có nhu cầu tuyển dụng. Nay được vào làm việc ở Công ty Sêsin của người Hàn Quốc. Một Công ty nổi tiếng hiện đại, ổn định, quy củ nhất nhì Khu Công nghiệp Thụy Vân. Ngoài ra, họ trả lương rất xứng đáng với từng vị trí, công việc và hiệu quả lao động, khiến Thúy Hường mừng và yên tâm lắm.

             Hai đứa cứ ngồi im một lúc lâu, bỗng Cường cầm lấy tay người yêu thủ thỉ: Em, chúng mình đến với nhau đã gần một năm rồi còn gì...

           - Ý anh là sao...Thúy Hường quay sang, hai mắt long lanh.

       Cường đặt bàn tay người yêu lên môi:

             - Mẹ bảo: Lấy vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày có kẻ gièm pha. Thúy Hường cười khúc khích:

              - Em nghĩ, gièm pha hay không là ở mình. Đã yêu nhau chân chính, yêu nhau thực sự thì chả có sức mạnh nào phá vỡ được.

              - Vâng, anh cũng nghĩ thế. Có điều mẹ giục chúng mình tổ chức làm đám cưới, ý em thế nào? Thúy Hường khẽ dụi mặt vào vai Cường, cô ra điều kiện:

             - Nhưng anh nhớ là cưới xong, em vẫn đi làm công nhân đấy nhé.

        Cường cảm thấy sung sướng quá, liền ôm ghì lấy người yêu:

             - Thì hai mũi giáp công mà em. Em đi làm ở Khu Công nghiệp, anh ở nhà làm trang trại chăn nuôi. Làm gì hợp với sức khỏe, với năng khiếu, với trình độ và cho thu nhập cao là được, đúng không?

        Thúy Hường mỉn cười, đôi mắt mơ màng, cũng là lúc Cường khẽ nâng cằm cô nàng lên. Đôi môi chạm vào nhau. Ngậm chặt vào nhau, thơm nồng, cháy bỏng. Cúc áo ngực của Thúy Hường khẽ bật ra. Họ ngất ngây, nghẹt thở...Chợt Thúy Hường hỏi: Hạnh phúc là gì hả anh? Cường vẫn ôm ghì lấy người yêu, lơi lả: Chúng mình đang hạnh phúc đây thôi. Theo anh, hạnh phúc là khi mình thấy mình hạnh phúc.

            Khuya. Bỗng đâu tiếng tàu hỏa xình xịch băng qua giữa thành phố. Bánh thép vỗ trên đường ray, nghe như trăm ngàn vó ngựa đang mải miết phi về phía trời xa và tiếng còi tàu tu tu vọng vào đêm, nghe sao mà thao thiết thế./.

Nguồn Văn nghệ số 30/2018

            

 

 

 

        


Có thể bạn quan tâm