April 26, 2024, 6:02 pm

Vẫn chuyện “quản” và “cấm”

 

Câu chuyện “Quản không  được thì cấm” vốn không mới trong đời sống xã hội của ta hiện nay, thậm chí còn được xem là giải pháp hữu hiệu nhất khi các chế tài xử phạt, các quy định pháp lý không còn tác dụng. Và với nghệ thuật cũng vậy, khi những ồn ào về việc cấp phép các ca khúc sáng tác trước 1975  vẫn còn chưa hết nóng thì mới đây dư luận lại xôn xao trước dự thảo do Cục nghệ thuật đề xuất  thay vì lên danh sách cấp phép cho các ca khúc sáng tác trước 1975, Cục sẽ đưa ra dánh sách những bài hát cấm lưu hành.

Thông thường thì những thứ đã “cấm” khó có cơ hội được xuất hiện một cách đường chính chính nói gì đến công khai lại phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội. Nói như vậy cũng là để nhắc lại một một trào lưu của giới trẻ những năm 60, đầu 70 của Hà Nội là thích mặc quần loe để tóc dài. Cho rằng đây là xu hướng đua đòi các nước phương tây. Lập tức, Hà Nội có những Đội thanh niên cờ đỏ của Thành đoàn ra đời. Công việc chính của họ là thứ bảy, chủ nhật lập chốt gác ở các đầu phố đông đúc Hàng Bài, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Tiền, đường Thanh Niên... Tất cả những ai mặc quần ống loe và để tóc dài đều bị gọi vào nhắc nhở. Sau thì mạnh tay hơn là rạch quần và cắt tóc nên quần loe, tóc dài nhanh chóng bị dẹp bỏ.

Ăn mặc, đầu tóc không phù hợp với thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm. Thưởng thức nghệ thuật cũng vậy, không thể cứ thích gì nghe nấy, sáng tác thế nào phổ biến thế ấy bởi âm nhạc là món ăn tinh thần dễ đi vào đời sống, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của con người…Vì vậy, không có gì sai khi nhà quản lý đề cao khâu kiểm duyệt. Nhưng với những thứ đã trở nên quen thuộc như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác… thì câu chuyện cấp phép cho những tác phẩm sáng tác trước 1975 đã trở nên đơn giản và không tốn nhiều giấy mực đến thế.

Trên thực tế những tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 cũng chỉ có một số lượng nhất định. Có những tác phẩm đã đi vào đời sống tinh thần, khi được phổ cập đến công chúng, nghiễm nhiên trở thành tài sản tinh thần của cả nước thì không cần cấp phép và chỉ nên cấm các bài hát xâm phạm trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Còn những bài hát nói về đời sống tình cảm của con người thì ở giai đoạn nào, thể chế nào cũng có và không nên cấm đoán. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cho đăng tải dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về nghệ thuật biểu diễn để lấy ý kiến rộng rãi. Song tiêu chí bài thế nào thì sẽ bị cấm và không được phép lưu hành, phổ biến, để các nhà sản xuất, các nhà tổ chức biểu diễn và các nghệ sĩ dựa trên tiêu chí đó mà thực hiện thì vẫn chưa có.

Trước đó, Hội thảo chuyên đề Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 31-10 tại Hà Nội chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi. Cũng tại hội thảo này, Thứ trưởng Vương Duy Biên đã khẳng định: sẽ cởi mở hơn trong việc cấp phép phổ biến các ca khúc xưa và có thể phân quyền về địa phương. Nhưng tạo hành lang pháp lý ra sao để các địa phương thực thi việc này được thuận lợi nhất thì ông Biên thú thật: "Các bạn cùng nghĩ chung chứ tôi cũng chưa nghĩ ra!..”

Thế nên, những lo ngại về một đời sống âm nhạc tiếp tục có những “điểm nghẽn” là hoàn toàn có cơ sở.

 

 


Có thể bạn quan tâm