April 27, 2024, 2:10 am

Văn chương trong hội họa và âm nhạc

Tôi lại nhớ hồi là học sinh cấp III, thầy giáo dạy văn của tôi nói rằng: “… Bẩm sinh, trong mỗi con người đều có 30% năng khiếu văn chương. 30% năng khiếu hội hội họa. 30% năng khiếu âm nhạc, còn lại chỉ có 10% là năng khiếu khác”. Thầy tôi nói như thế, không có nghĩa tất thảy ai sinh ra cũng theo con đường văn chương, hội họa hay âm nhạc. Tuy nhiên, nhiều người do hoàn cảnh sống, nên năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh không phát triển được. Nhưng, dẫu trưởng thành ở bất kể ngành nghề nào, kể cả lao động chân tay, trong họ vẫn tiềm ẩn những khả năng văn chương, hội họa và âm nhạc.

Khả năng tiềm ẩn ba trong một con người ấy, khiến họ dễ dàng cảm nhận được cái hay trong ca từ hoặc rung cảm trước một ca khúc không lời. Họ có thể đọc được ý tưởng qua màu sắc, bố cục một bức tranh. Họ nhận ra (hay-dở) trong một đoạn văn hay một bài thơ nào đó. Khả năng tiềm ẩn ấy cộng với sự đam mê sẽ dẫn đến sáng tạo nghệ thuật.

Ngựa hoa – tranh của Lê Trí Dũng

Trên thực tế, ngoài những người đã được đào tạo cơ bản để đi theo thiên hướng sáng tác Văn chương, Mỹ thuật, Âm nhạc, không ít người lập nghiệp trong các ngành nghề khác, kể cả lao động phổ thông. Từ khả năng bẩm sinh cộng với sự cảm nhận tinh tế về xã hội về tất cả trải nghiệm trong cuộc sống, họ đã sáng tạo ra những tác phẩm cho riêng mình, đồng thời vẫn nổi danh ở những lĩnh vực nghệ thuật nói trên. Họ đã ghi tên tuổi mình bằng những tác phẩm hội họa, văn chương và âm nhạc trong lòng người hâm mộ.

*

Thời trẻ dại, ai chẳng cảm nhận được cái hay nét đẹp khi nghe những câu chuyện cổ tích từ bà từ mẹ kể, hoặc từ phong cảnh thiên nhiên quanh nơi mình sinh sống. Từ thực tế đi qua cuộc đời của mỗi người, cộng với trí tưởng tượng phong phú đã thôi thúc sự lao động sáng tạo văn chương, hội họa hoặc âm nhạc. Nhà văn Tô Hoài đã quan sát tích lũy từ thiếu thời để đến năm hai mốt tuổi (1941) ông đã cho ra đời ba chương đầu lấy tên:  Con Dế Mèn. Được độc giả khích lệ, ông viết tiếp bảy chương tiếp theo. Năm 1955 ông gộp lại và lấy tên Dế Mèn phiêu lưu kí.

Dế Mèn phiêu lưu kí là một tuyệt phẩm văn xuôi dành cho Thiếu nhi, nhưng tôi cũng như tất cả những người đã đọc truyện, đã đi qua tuổi trẻ dại của chính mình đến trưởng thành, đều nhận thấy tính cách đa dạng của Dế Mèn được thể hiện sau những kiêu hãnh vì chiến thắng, những đau buồn vì thất bại, là những giọt nước mắt của lầm lỗi, cay đắng và hối hận. Từ những trải nghiệm trong cuộc phiêu lưu ấy, Dế Mèn đã phát triển khí phách anh hùng và lòng nhân ái rõ rệt.

Xuyên suốt từ chương đầu đến chương cuối, sự hình thành nhân cách của Dế Mèn chính là sự phát triển nhân cách của một con người chân chính vậy. Tác giả Tô Hoài đã tạo nên một chuỗi những hình ảnh của hội họa và với tưởng tượng của riêng mình, tôi đã nghe thấy những khúc nhạc được phát ra của các loại côn trùng, của gió lá trên mỗi cung đường “chàng Dế Mèn” đã đi qua. Những bức tranh, những giai điệu không âm thanh ấy mãi hiện hữu ở từng đoạn văn trong toàn tập Dế Mèn phiêu lưu kí.

Đọc một đoạn trong truyện ngắn Nhiên, Nghệ sĩ múa của nhà văn Ma Văn Kháng, tôi như nhìn thấy bức chân dung bằng tranh của người thiếu nữ ấy: “… Nhiên đẹp, tất nhiên là từ gương mặt thánh thiện đến làn da tẩm hương và dáng hình thanh tú. Thân hình nàng cao đúng bảy lần mái đầu nàng. Nàng đạt những số đo lý tưởng, biểu hiện giới tính đến độ rực rỡ nhất ở vòng ngực, bờ vai, vùng eo hông. Chân dài và thẳng muốt. Đôi mắt hai mí của nàng đen lay láy, gò mũi của nàng cao và một nốt ruồi ở xế trái ở cạnh mũi nàng là dấu ấn tinh tế tách nàng ra khỏi những chuẩn đích số học, khiến nàng cao hơn hẳn trạng thái mô phỏng…” (Tr.348). Từ những nhưng câu văn đặc tả nhân vật trong truyện, họa sĩ có thể tạo nên một bức chân dung hoàn mĩ mà không thuộc hình thể trực diện của thiếu nữ nào.

Hội họa có thể phản ánh chân thực về xã hội và đời sống đương thời. Người xem dễ dàng đọc được ngôn ngữ của văn chương trong từng chi tiết của một bức tranh, một bức phù điêu hoặc một tác phẩm điêu khắc. Nhiều họa sĩ, nhà văn đã gặp không ít những vấn đề về những tác phẩm của mình.

Tôi muốn nói đến xa hơn.

Năm 1883, họa sĩ người Nga, Ivan Nikolaevich Kramskoi đã hoàn thành bức tranh Người đàn bà xa lạ. Nguyên mẫu của bức tranh là nhân vật Anna Krenina trong tiểu thuyết của LevTolstoy. Thuở ấy rất nhiều người hỏi ông về nguyên mẫu. Ông đã trả lời, không có nguyên mẫu nào cụ thể. Thời kì sau này một số người đã nhận xét: “...Qua chân dung Người đàn bà xa lạ, là cả một thời đại…” 

Trong tiểu thuyết Kiếp sau của nhà văn Pháp Marc Levy. Ông đã viết về danh họa nước Nga Vladimir Radskin và hậu họa từ những bức tranh của danh họa ấy. Có một đoạn văn ông viết như sau: “… và mười bức khác được vẽ theo cảm hứng về đời sống khổ cực của nhân dân. Những khung cảnh đường phố ấy chính là nguyên nhân khiến Radskin bị trục xuất vĩnh viễn và buộc phải rời bỏ quê hương mà không bao giờ còn được quay trở lại. Sa Hoàng căm giận vì họa sĩ đã cả gan vẽ lại những thống khổ của dân chúng còn sống động hơn cả việc ca ngợi sự ưu việt của triều đại” (Tr.25-26)

Trong thơ cũng có những khổ có thể họa ra một bức tranh mang ý nghĩa của toàn bài. Ví như bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Nhà Thơ Hàn Mặc Tử, “… Gió theo lối gió mây đường mây/ dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ có chở trăng về kịp tối nay… Mơ khách đường xa, khách đường xa/ áo em trắng quá nhìn không ra/ ở đây sương khói mờ nhân ảnh…”. Cả bài thơ vừa là chuyện tình nửa mơ nửa thực, vừa mang màu sắc mờ mờ ảo ảo của một bức tranh và cả nhạc điệu trầm buồn từ đó vọng ra nữa. 

Trong bài Thi đánh đu của nhà thơ Hoàng Cầm, “Luồn tay ôm say/ giấc bay lay đỉnh núi/ tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/ đùi chảy bước dài thon nhún vội/ bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh”. Theo tôi, đấy là một bức tranh dân gian bằng thơ thật sống động.

*

Song hành ba tài năng trong một con người là nhạc sĩ Văn Cao. Nhiều đồng nghiệp đã nói ông là: Nghệ sĩ trên nghệ sĩ. Những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao đã nằm lòng nhiều lứa tuổi từ trước Cách mạng tháng 8 đến bây giờ. Hầu như những nhạc phẩm ông đều viết ca từ cho những ca khúc của riêng mình. Cho đến nay, những nhạc phẩm ấy đã trở thành bất hủ. Đặc biệt hơn. Toàn bộ những bài thơ, những ca từ của ông viết ra đều mang màu sắc của hội họa.

Trên thực tế, ngoài tài danh về văn chương, âm nhạc, ông còn là một họa sĩ. Trong những năm từ 1943-1945, những bức sơn dầu, bột màu của ông đã đựơc đánh giá cao trong triển lãm Mỹ thuật. Hiện nay một số bức tranh của ông vẫn được lưu giữ trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.  

Người sinh sau nhạc sĩ Văn Cao, cũng là một người đa tài năng, đấy là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng chỉ phổ nhạc từ thơ của riêng ông. Từng con chữ bảng lảng như mây như gió, nhưng lại hiện lên hình ảnh quê hương đất nước, cùng tình yêu và thân phận con người… Ông vẽ nhiều, vẽ theo ngẫu hứng từ cảm xúc thi nhạc đến bất chợt. Tất cả những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, trong đó (thi-nhạc-họa) đã quyện vào nhau mà thăng hoa bay bổng rồi lắng tới trái tim mỗi con người.

*

Tôi được một họa sĩ tặng cuốn tranh Ngựa của bạn mình, đấy là là họa sĩ Lê Trí Dũng. Tôi chưa được biết tác giả, nhưng khi xem cuốn tranh Ngựa của ông, tôi đã bị ám ảnh kì lạ. Mỗi bức tranh, mỗi màu sắc, đen, đỏ, trắng, bạc, mỗi thế tung bờm cuộn vó ngựa của mỗi bức tranh đều toát lên sự thăng trầm, cô đơn, đau đớn đến tột cùng, nhưng vẫn rất kiêu hãnh. Tất cả những bức tranh Ngựa ấy đều không có bóng dáng con người… Tôi đã phỏng thơ theo cảm tác từ tranh Ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng. Với tựa đề: “Một người một ngựa một trăng” Trong đó có năm đoạn, xin trích ra đây ba đoạn:         

 /… Bỏ lại đằng sau mịt mù cát bụi/ vó ngựa cuộn bay tìm ánh nắng mai/ lòng kiêu hãnh tung bờm rẽ gió/ cháy đỏ ước mơ hừng hực đất trời…

/… dường như/ đường tên chạm vào bí ẩn/ nên dây cương quặn thắt ánh ngày/… mặc đêm tối/ một dây cung/ một ngựa/ một vành trăng đơn chiếc nẻo mây…

/ Ánh nắng mai vẫn ẩn trong mắt núi/ đêm buông chùng sương khói khơi vơi/ từng giọt trăng ướt về nhân thế/ “lành lạnh hồng hoang”/

Bóng ngựa hồn người.

*

Nói về văn chương trong hội họa thì cảm nhận của một cá nhân, hoặc một bài viết ngắn này chưa thể thấu đáo, nhưng từ thời La Mã cổ đại (468 -556) người ta đã nhận định rằng: “Họa là văn chương không lời, văn chương là họa có lời, hoặc văn là họa hữu thanh, họa là văn vô thanh”. 

Nhà văn nào đó sáng tác ra những tác phẩm văn chương, trong đó không nhiều thì ít cũng có ngôn ngữ của hội họa và âm nhạc, ngược lại trong những bức tranh của một họa sĩ nào đó không thể không có ngôn ngữ của âm nhạc và văn chương, hoặc những tác phẩm âm nhạc không thể không hội tụ cả hai yếu tố trên. Cho nên hội họa, văn chương và âm nhạc là ba thể lọai, nhưng lại đồng nhất về ngôn ngữ nghệ thuật và không thể tách rời.

Nguyễn Thị Ngọc Hà

Nguồn Văn nghệ số 10/2023


Có thể bạn quan tâm