April 27, 2024, 9:12 am

Và anh đi trên cánh đồng người

Tác giả chỉ gói ghém 72 bài thơ viết về quê hương, cha mẹ, vợ con và những điều bình dị, thường nhật, ngỡ như chuyện vụn, không có gì to tát. Đọc xong gấp sách lại, đã trở thành ký ức, đã đến độ đủ thấy ấm tình người thương nhau trong con mắt “Anh là thi sỹ nửa mùa”. Thơ Phạm Nguyễn Toan đọng lại sau khi đọc, chính là sự biết nâng niu, trân trọng phụ nữ; những công việc bếp núc trong nhà không xa lạ, to tát nhưng thật thấu hiểu. Thấu hiểu vợ mình mới thực sự hạnh phúc với hai nửa của nhau. Hạnh phúc vốn chẳng dễ dàng, đơn giản, nếu không có sự thấu hiểu nhau và chia sẻ cùng nhau. Có nhiều cặp vợ chồng cho đế lúc lìa xa vẫn chưa kịp hiểu hết một nửa của nhau nữa là. Đọc thơ thấy người. Phạm Nguyễn Toan còn trẻ, ở tuổi vừa độ chín, anh thú nhận có thời gian “Trước anh nghĩ chỉ yêu nhau là đủ” và hiểu vợ những việc trong nhà không hề nhỏ “Một mình em quay quắt đủ đường”.

Và sự tận hiến của người vợ, tình yêu mà anh ngộ ra cảm ơn đời “Mang em đến cho anh hạnh phúc/Bằng những điều thực sự giản đơn thôi”. Để thức ngộ được điều này hẳn phải là người từng trải, cũng nếm đủ mùi đắng đót của chàng trai ở quê ra phố thị, khi mất mát, buồn đau không lối rẽ, lại chạy về để khóc với mẹ. Thật may người viết còn mẹ để được mẹ mắng “Nín đi, đã lớn tướng rồi!” nếu đảo câu này cho đúng với trái tim người mẹ phải là: “Đã lớn tướng rồi, nín đi!” thì hay hơn.

Đứa con trai khi bắt đầu hai thứ tóc mới nhận ra: “Giật mình không cả danh suông”. Về nhà để được khóc với mẹ, về nhà để nhớ chiếc roi tre vẫn giấu dưới hiên nhà của người cha, yêu cho roi cho vọt. Người con trai nhớ gì: “Khi cha giấu tiếng thở dài thao thức/ Khi mẹ mắt buồn quệt ngang áo xưa”.

Và sự thấm của người con đến độ “Nhưng con không dám gọi tên lên được”.

Nỗi buồn và nỗi đau không gọi được tên, thì đó là sự thấm tháp đến cùng cực, anh đã nhìn ra tất cả vấp váp của mình, và đến lúc độ tuổi quá trưa sang chiều còn mơ được cha đừng xem con là khách, ngay trong ngôi nhà mình. Tâm trạng của đứa con trai trưởng thành không muốn cô đơn ngay cả khi được về bên cha. Và bài thơ này xem như anh cũng khá “dạn đòn”, yêu cha đến độ mong cha mình còn đủ sức để đánh con thì mới thỏa yêu thương của “phe” đàn ông với nhau. Cách yêu thương này hiếm lắm mới thấy trong nghĩa nặng thân phụ ở đời. Đúng là người về già khi cơ thể yếu đi, có muốn đánh con cũng không cầm nổi roi nữa. Một cách chuyển tải từ chuyện đòn roi của cha dạy con mà thành tứ thơ thật cảm động trong nỗi nhớ nhà quê, nhớ cái roi dưới hiên nhà. Chất quê không thể đánh đổi được ở trong tuổi thơ nương náu, một tâm hồm đằm thắm với mẹ cha, với vợ con và những cắt nghĩa dung dị dễ hiểu dễ thấm.

Hướng khác của tập thơ viết về mùa, về thời gian hiện hữu và có thể trở thành ký ức, sẽ là sợi chỉ xuyên theo mùa để nói về tâm trạng, đứng trước thiên nhiên và sự mất mát của con người. Ở khi giao mùa, cách cảm về phố, ý thức về phố “Thế mà phố bắt anh như này đấy/ Thành phong rêu như thân phận bao người”.

Và đắm đuối với quá khứ, mùa trôi rồi hiểu được sự đam mê phố “Thuở mình chưa ăn bùa bả thị thành/ Thuở em hồn nhiên như bông mận trắng”. Vẫn còn tinh khiết của tuổi trẻ lưu trong phố, dù rêu phong.

Thơ Phạm Nguyễn Toan dung dị và trong sáng. Ngay cả cách giấu đi những bất trắc, những tai ương, cũng thể hiện, được giấu kín trong đầu đông “Hoa sữa vẫn vào mùa/ Nhưng nghẹn ngào không thơm lên được”. Thơ anh có nhiều điệp khúc vào mùa, vào hoa và vào kỷ niệm bước qua thành quá khứ.

Thơ vốn lưu lại ở hồn cốt con người khi gấp sách lại, và ở cánh đồng người mà anh trải nghiệm gặt hái và chưa gặt hái, và có lúc bội thu cũng có mùa thất bát. Tác giả dằn vặt về hạnh phúc khi tác giả xê dịch, bước đi, khi đứng ở lục địa đen, giây phút ấy có thể nào “Chúa bỏ châu phi đi rồi”. Ở giữa sa mạc, anh tự vấn “Sao hạnh phúc lại giản đơn đến vậy/ Giản đơn thế sao lại không tìm thấy/ Ở những nơi thừa mứa đủ đầy”. Cái nhìn hướng ngoại nhưng thơ vẫn chảy vào trong hồn người, đánh thức giấc mơ về hạnh phúc của người ở lục địa đen về sự đơn giản và không đơn giản. Gốc rễ của hạnh phúc, sự khác biệt của văn hóa khác nhau giữa các màu da, nhưng mẫu số chung thì được bỏ ngỏ. Ngay ở bài Khúc thiên di, được ví “Hình như sông chẳng nặng chuyện lở bồi” … “Thì xá gì gió bụi cõi nhân sinh”.

Với nhiều cách nhìn nhận đa chiều về đời sống, về mùa, về nhân sinh, thế giới của “Chàng thi sỹ nửa mùa” này sẽ còn đi hết những mùa thời gian, nếu biết chắt chiu những rơm rạ, cỏ cây, hiên nhà, anh sẽ có một tài sản thơ quý giá nâng đỡ những mất mát, nỗi đau thành giá trị tài sản tâm hồn cho những ai biết yêu sự giản dị và biết thương cảm cúi xuống phận người trên nhân gian.


Nguồn Văn nghệ số 49/2018


Có thể bạn quan tâm