April 26, 2024, 2:08 pm

Tuổi Bách niên của một Ủy viên Trung ương Đại hội 3

Đại hội lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam diễn ra trong thời gian (05 - 10/9/1960), tại Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm 78 người (47 Ủy viên chính thức và 31 Ủy viên dự khuyết). Đến nay còn lại đúng 2 người. Đó là cụ Nguyễn Côn (103 tuổi) và cụ Nguyễn Thọ Chân (100).

“Cụ Nguyễn Thọ Chân sinh năm 1921, ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cha tôi, tướng Trần Tử Bình, có mối thâm tình với cụ, vì  2 cụ cùng hoạt động bí mật trước Tháng Tám 1945, cùng là bạn tù Hỏa Lò, Côn Đảo và cùng tham gia BCH Trung ương khóa 3; lại là đồng nghiệp  trong ngành Ngoại giao. Cụ Chân trẻ hơn cha tôi 14 tuổi, nên chúng tôi gọi là “chú”...”, ông Trần Kháng Chiến tâm sự.

Cụ Nguyễn Thọ Chân và tấm ảnh chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tình đồng chí thời kì bí mật

... Tết này đến thăm, ông vẫn nhắc lại kỉ niệm với cha tôi  từ thời hoạt động bí mật:

“Năm 1942, cha các cháu là Xứ ủy viên Bắc kỳ kiêm Bí thư tỉnh ủy Hà Nam, còn chú là Bí thư tỉnh ủy Hà Đông, bí danh là Phi. Để phát triển tổ chức và đẩy mạnh phong trào ở vùng giáp ranh 2 tỉnh, lần đó đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)[1] đưa anh Minh (bí danh của cha tôi) về Hà Đông gặp chú ở gia đình cơ sở là nhà cụ Hoàng Văn Duyệt (xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, giáp Hà Nam) bàn phối hợp hoạt động.

Gặp nhau vào buổi chiều muộn. Hôm đó chú lên cơn sốt rét ác tính, đắp chăn mà người run cầm cập, không thể ngồi dậy tiếp cụ Việt và cha cháu. Đặt tay lên người chú, cả 2 người đều nói “Sốt nặng quá” rồi thay nhau nằm ôm cho chú đỡ run. Bà cụ chủ nhà chạy loanh quanh vẻ lo âu. Sau vài giờ cơn rét dứt nhưng miệng rất đắng và người rất mệt. Ăn xong bát cháo tía tô nóng có trứng của cụ chủ nhà, chú ngồi dậy để thảo luận. Nhưng cụ Việt và cha cháu ấn chú nằm xuống rồi ngồi cạnh giường bàn công việc.

Tình bạn, tình đồng chí đó thật vô giá. Sau này gặp nhau, chú vẫn nhắc kỉ niệm này với cha cháu”.

Vào tù ra tội

Cuối 1942, đầu 1943 là thời kì vô cùng khó khăn của Hà Nội. Mật thám Pháp giăng bẫy khắp nơi. Ban cán sự Đảng (Thành ủy) Hà Nội liên tục thay bí thư, do người thì bị bắt, người thì được điều lên Trung ương. Cuối năm 1942, ông về Hà Nội, tham gia Ban cán sự và thay ông Bạch Thành Phong làm bí thư. Do các cơ sở đều bị mật thám theo dõi, ông phải đi làm thằng ở cho một gia đình ở phố Hàng Bông để hoạt động, sau mấy tháng thì lên làng Vạn Phúc (nay là khu Ngoại giao đoàn) ở cùng một người làng làm nghề sơn mài.

Tháng 4/1943 ông bị bắt cùng Chuẩn “muỗi” (tức Vũ Kỳ, Thường vụ Thành ủy)[2], bạn học ở trường Thăng Long. Ông bị đưa ra Tòa án binh và bị kết án 20 năm tù khổ sai, giam ở Hỏa Lò rồi đày đi Côn Đảo. Ông Lê Quang Đạo về thay.

“Ra tới Côn Đảo, gặp được bác Tôn, các anh Ba Duẩn, Phạm Hùng... đã ra đó từ trước; rồi cả Vũ Xuân Chiêm... Thời gian này tù chính trị đỡ khổ hơn, chú tranh thủ vừa lao động khổ sai, vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi để chuẩn bị trở về hoạt động. Tới sau ngày 23/9/1945, trong đất liền cho tầu ra đón về.

Về đất liền, chú tham gia Tỉnh ủy Gia Định. Gặp Lý Chính Thắng[3], bạn học trường Thăng Long, lúc đó phụ trách tờ báo Cảm Tử của công đoàn, được giới thiệu với ông Hà Huy Giáp ở Xứ ủy: “Chân trước là Bí thư Hà Nội, bây giờ nên cử nó về Sài Gòn”. Rồi ông Hà Huy Giáp nói với ông Khung (Bí thư Tỉnh ủy Gia Định) cử chú về Sài Gòn, khôi phục cơ sở Đảng và làm Bí thư Thành ủy, lấy bí danh là Sáu Khanh. Cuối năm 1946, ông Nguyễn Văn Linh về, chú đề nghị ông Linh làm Bí thư Thành ủy, để chú làm Bí thư Ban cán sự nội thành, phụ trách các đảng bộ Pháp kiều và Hoa kiều”, ông Nguyễn Thọ Chân nhớ lại.

Năm 1949, ông có mặt trong đoàn cán bộ miền Nam ra dự Đại hội lần thứ 2 của Đảng. Ở Việt Bắc, lần đầu tiên ông được gặp Cụ Hồ. Do chưa thể tiến hành Đại hội, theo chỉ thị của Cụ Hồ, ông lại trở về Nam cùng các ông Phạm Hùng, Trần Xuân Độ qua đường đông bắc Thái Lan.

Về lại Sài Gòn, ông tham gia Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn và tiếp tục phụ trách công tác nội thành. Tháng 4/1951, ông bị mật thám Pháp bắt,  giam ở Khám Lớn rồi nhà tù Chí Hòa, đến  sau Hiệp định Genève 1954 mới được trao trả.

Cụ Nguyễn Thọ Chân thời kỳ bị bắt (1943) Ảnh lưu tại Sở Mật thám

Trở về miền Bắc và công tác Ngoại giao

Sau khi được trao trả, ông Nguyễn Thọ Chân tham gia học tập chỉnh huấn, rồi đi đặt tà vẹt cho tuyến đường sắt Lạng Sơn, và được cử tham gia “cải cách ruộng đất” ở Bắc Giang… Xen kẽ đó là những khoảng thời gian không được giao việc, thời kỳ này khoảng 2 năm, vì có ý kiến của cố vấn Trung Quốc: “Là Thường vụ Đặc khu ủy bị bắt mà còn sống trở về, chắc là có vấn đề?”. Ông phải chờ thẩm tra lý lịch, không có lương, chỉ có chút trợ cấp sinh hoạt.

May nhờ vợ chồng ông Bùi Văn Dự (Ba Dự, “Đô đốc” Bùi Văn Dự) ở nhà số 10 phố Đặng Tất - Hà Nội, nguyên Xứ ủy viên Nam Bộ, làm Vụ trưởng ở Ban Quan hệ Bắc – Nam (tiền thân của Ban Thống nhất Trung ương), cưu mang suốt thời gian này. Hàng tháng ông đưa số tiền trợ cấp ít ỏi để bà Dự nấu cơm cho ăn. Hồi đó nhà cửa khó khăn, mỗi gia đình cán bộ chỉ được phân một căn phòng. Tối đến, ông kê tấm phản lên cái bồn trong nhà tắm để ngủ.

Mới ngoài 30 tuổi, lại độc thân nên ông sống vô tư, không oán trách Đảng, dù trong lòng có những trăn trở. Ông nghĩ, so với ở tù, giờ được làm người bình thường đã là tốt lắm rồi. Tới năm 1956, Ban Tổ chức Trung ương cử ông Lê Bốn gặp, xin lỗi về những chuyện hiểu lầm và phục hồi công tác. Ông Lê Bốn cảm động, vì qua những thăng trầm như vậy mà ông Chân không hề tỏ ra bất mãn. Ông được phân công về Bộ Lao động, làm Vụ trưởng, Tổng Thanh tra Lao động (lúc bấy giờ Bộ Lao động không có thứ trưởng). Năm 1959, ông được cử làm Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 3, ông Nguyễn Thọ Chân được bầu vào BCH Trung ương. Năm 1961, Cụ Hồ giao cho ông làm Bí thư Khu ủy Hồng Quảng với nhiệm vụ khôi phục và đẩy mạnh sản xuất than. Năm 1964, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Năm 1965, sản lượng than đạt 5 triệu tấn, nhân dân Quảng Ninh vinh dự được đón Bác Hồ về ăn Tết.

Từ năm 1967 đến năm 1972 ông làm công tác ngoại giao và được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước VNDCCH tại Liên Xô. Trước khi đi, gặp Bác, ông lo lắng: "Tôi lùn và xấu thế này, làm sao làm ngoại giao được?". Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên: "Chú làm ngoại giao nhưng đừng có ngoại giao quá, đừng có lễ tân lắm, cốt nhất là ở lòng chân thành của mình với người ta".

Đây chính là giai đoạn toàn Đảng, toàn dân ta tập trung đánh Mỹ. Trên cương vị Đại sứ, ông đã cùng tập thể cán bộ Đại sứ quán vận động hiệu quả tối đa sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của nhân dân Liên Xô cho Việt Nam.

Tháng 2/1968, ông đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Thụy Điển và cùng tham gia cuộc tuần hành chống đế quốc Mỹ tại Stockholm. Bộ trưởng Giáo dục Olof Palme (sau là Thủ tướng) đã đọc diễn văn phản đối Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam và ủng hộ ngay 5 triệu đô-la để xây dựng một bệnh viện cho Việt Nam. Ngay sau đó, quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được thiết lập. Năm 1969, ông được cử kiêm nhiệm làm Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Thụy Điển.

Ngày 30/10/1971, bạn tù Côn Đảo với ông năm xưa là ông Võ Thúc Đồng sang thay ông làm Đại sứ ở Liên Xô. Về nước, ông Nguyễn Thọ Chân được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương (1971 - 1974). Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động, tới năm 1981. Sau đó làm Trưởng ban Thi đua Trung ương và Phó chủ tịch Hội đồng thi đua toàn quốc đến năm 1989 thì nghỉ hưu.

 

Sống đến ngày nay là nhờ có Đảng, có đồng chí

Tháng 11/2018, Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm lễ trao tặng ông huy hiệu “80 tuổi Đảng”. Cán bộ đến dự, khen “cụ có nhiều công với nước, với dân”. Ông cười: “Công lao của mình đã là gì, chỉ như hạt cát trên sa mạc! Mình sống được đến ngày hôm nay là nhờ cả vào công ơn của Đảng đấy, các đồng chí ạ!”.  Rồi ông kể:

Lần thứ nhất: Trong thời gian ở Côn Đảo, có lần chú bị kiết lị tưởng chết, cai ngục mang vứt vào nhà xác. Ông Liêm là y sĩ, cùng bị đày ra Côn Đảo một chuyến, nghe tin chú chết liền xin thằng Tây cho vào thăm xác. Vào đến nơi, ông Liêm lật xác chú lên, nghe thấy tim còn đập, mừng quá kêu: “Sếp!”. Thằng Tây đứng ngoài hỏi: “Oa? (Cái gì thế?)”. Ông Liêm nói: “Thằng này nó còn sống!”, “Ừ, thế thì cho nó ra”. Ông Liêm liền nắm 2 chân chú kéo ra hành lang nhà tù. Sẵn có túi thuốc, ông tiêm liền cho chú 2 mũi Emitin. Chú tỉnh lại và sống đến ngày nay. Còn ông Liêm, sau khi Cách mạng thành công, về làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Đến thời kỳ Ngô Đình Diệm, ông lại bị bắt, bị đày ra Côn Đảo và hy sinh. Ông là người làng Đông Ngạc, Hà Nội.

Lần thứ hai: Khi Việt Bắc, đang nói chuyện với Tổng Bí thư Trường Chinh thì chú bất ngờ gục xuống bất tỉnh. Lúc tỉnh lại thì thấy bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm (Bệnh trưởng) và các y tá mặc bluse trắng đứng xung quanh reo lên: “Tỉnh lại rồi. Sống rồi!. Hỏi ra mới biết đây là bệnh của Bộ Tổng tư lệnh, cách Văn phòng Trung ương, nơi làm việc của ông Trường Chinh, hơn 40 km và chú đã bất tỉnh 5-6 ngày nay.

Thì ra vốn có kinh nghiệm, biết chú bị sốt rét ác tính cấp, ông Trường Chinh cho anh em cáng chú suốt đêm băng rừng đến bệnh . Thông thường thì sốt rét ác tính cũng chỉ tiêm vào bắp một mũi Quinine. Nhưng thấy chú bất tỉnh nên bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm tiêm thẳng 2 mũi vào ven. Sau này chú hỏi lại thì được trả lời: “Đằng nào thì anh cũng chết nên liều tiêm thẳng 2 phát vào ven, may ra thoát chết”.

Lần thứ ba: Khi bị bắt ở Sài Gòn năm 1951, trông thấy chú, thằng mật thám Trần Bá Thành (Phó giám đốc Nha Công an Nam phần) bảo: “Anh trước đây ở Côn Đảo về”. Chú chối: “Tôi làm gì mà Côn Đảo”. Nó liền ra lệnh đưa mấy người vừa bị bắt sang Sở Hình, nơi lưu hồ sơ tù, để lục hình. Chúng xích 6-7 người với nhau. Đến nơi, thằng mật thám giao người bị bắt cho Sở Hình rồi đi chơi.

Thấy ông công chức từ trên lầu đi xuống, cô Bình (bà Nguyễn Thị Bình, sau này là Phó Chủ tịch nước) cất tiếng chào: “Cháu chào bác!”. Ông già ngạc nhiên hỏi: “Ơ, cháu bị bắt à?”, rồi nói: “Bác có chút việc, chút nữa bác sẽ nói chuyện với cháu”. Khi ông già đi rồi, chú hỏi cô Bình: “Ai đấy?”. Cô Bình khẽ nói: “Bạn của ba em”. Chú liền nói với cô Bình: “Này, mình tên thật là Nguyễn Thọ Chân, án 20 năm khổ sai ở Côn Đảo, ở đây thế nào nó cũng có hồ sơ. Nếu tìm được chắc chắn nó sẽ giết. Em nhờ ông già tìm giúp hồ sơ và hủy đi”. Khi ông già quay lại, chưa kịp hỏi chuyện thì cô Bình đã nói ngay với ông chuyện của chú. Ông già lập tức chạy đi. Năm phút sau trở lại, ông nói: “Tìm thấy rồi, cất đi rồi”.

Ông Nguyễn Thọ Chân chia sẻ: “Nếu không có Cách mạng thành công, mấy lần Đảng đón mình ra tù, không có những đồng chí như ông Liêm, chị Bình cứu mình thì mình đã chết từ lâu rồi. Đảng mình, đồng chí của mình như cha mẹ đã sinh ra mình lần thứ hai...”.

 

Đời thường của cụ già bách niên

Năm 1989 về nghỉ hưu tại TP.Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Thọ Chân vẫn tích cực rèn luyện thân thể. Sáng nào cũng bơi 800 đến 1000m, sau đó về nhà đọc sách báo hay viết lách. Sách báo, thư từ được xếp gọn gàng như trong thư viện, khi cần có thể lấy tra cứu.

Nay ngót nghét bách niên, không còn đi bơi thì cụ tự xoa bóp, vẩy tay Đạt Ma Dịch cân Kinh mỗi ngày 800 lần ở nhà. Về trí tuệ thì tuyệt vời, có những bài thơ cách đây 70-80 năm cụ vẫn thuộc nằm lòng.

Với tình hình không ít cán bộ giờ tự cao tự đại, xa dân, cụ có một hình ảnh thế này: “Giá trị con người cũng giống như phân số trong số học, trong đó tử số là giá trị thiên hạ đánh giá anh, mẫu số là do anh tự đánh giá mình. Nếu thiên hạ đánh giá anh 10 mà anh cũng tự đánh giá mình 10, thì giá trị của anh là 1. Nếu thiên hạ đánh giá anh 10 mà anh tự đánh giá mình là 100 (giỏi lắm, công to lắm), thì giá trị của anh chỉ còn là 0,1. Thế thì anh phải xem lại mình!”.

Trước khi chia tay chúng tôi, cụ đùa: “Nhiều người cứ hỏi, sao tôi cao tuổi mà nhớ nhiều chuyện thế, tôi trả lời: Tại anh chị học nhiều quá, nhiều kiến thức nên trong đầu lộn xộn chả nhớ gì. Chứ tôi ít học, ít chữ nên trong đầu có chữ nào thì nhớ chữ ấy”. Rồi cụ bảo mang chai rượu quý ra uống mừng xuân mới Canh Tý. Nâng li, cụ xuất khẩu thành thơ: “Mỗi xuân mỗi tuổi mỗi già/ Nhưng là già dặn, không là già nua”.

Còn vài ngày nữa là cụ bách niên, xin kính chúc cụ vui khỏe, sống thêm nhiều năm nữa!

 

 


[1] Thường vụ Trung ương Đảng từ 1941 cùng TBT Trường Chinh và đ/c Hoàng Văn Thụ.

[2] Sau này là Thư kí riêng cho Cụ Hồ.

[3] Đầu năm 1945, ra Hà Nội, gặp TBT Trường Chinh nhận chỉ thị “Nhật, Phát bắn nhau và hành động của chúng ta” về cho Nam kỳ. (Xứ ủy Nam kỳ bị mất liên lạc hoàn toàn với Trung ương từ sau Nam kỳ Khởi nghĩa 1940).


Có thể bạn quan tâm