April 27, 2024, 5:05 am

Từng có cây cầu ở Tekka

Latha tên thật là K. Kanagalatha, tác giả 2 tập thơ tiếng Tamil và nhiều truyện ngắn. Cô từng giành Giải thưởng Văn học Singapore năm 2008, tham gia nhiều tạp chí văn chương của Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

 

Minh họa: Lê trí Dũng 

 

Tôi thở nặng nhọc khi đi qua trụ đèn giao thông trên đường Selegie. Ở cái tuổi già nua này, tôi phải gắng sức lắm mới không bị thời khắc cuối đời đuổi kịp. Ngay cả con dốc thoai thoải cũng là thách thức lớn. Ban đầu, tôi không thấy gì nhưng chỉ sau vài bước, cơ thể đã biểu tình. Tôi đành tạm dừng và nhìn ngó xung quanh, tựa người lên cây gậy chống. Chính lúc ấy, tôi nhận ra cây cầu đã biến mất. Dòng sông cũng biến mất.

Khu vực này từng trải qua nhiều biến động trong suốt nhiều năm, nhưng con sông Rochor vẫn nguyên vẹn. Vậy mà bây giờ, nó biến mất. Như thể, cả dòng sông đã bị cuộn lại, bưng đi nơi khác và không để lại bất cứ dấu tích gì về việc nó đã bị chuyển đi cũng như nơi chuyển đến. Nhìn quang cảnh bây giờ, không ai nhận ra ở đây từng có một dòng sông. Thay vào đó là một bãi bãi cỏ. Nguyên một dòng sông đã bị thế bởi cỏ. Người ta đã đổ cát, lấp sông thành đất bằng và mở đường. Ai nấy đi qua đi lại thản nhiên, như thể muôn đời chỗ này vẫn là đất bằng. Không người nào cảm thấy có điều gì khác thường. Không một ai dừng lại, nhìn và ngẫm nghĩ. Tôi đoán, tất cả mọi người đã quen với sông lấp. Thời gian khiến họ quen. Tâm trí có xu hướng quên đi những chuyện xa lơ xa lắc.

Lần trước tôi đứng ở đây, người ta chỉ mới bắt đầu đào đường để xây tuyến tàu điện ngầm. Bây giờ, ngay cả khi không nhìn xung quanh, cơ thể và hơi thở cũng khiến tôi nhận ra không còn cây cầu và mặt nước nữa. Ngọn gió lướt qua, nói với tôi rằng mặt nước đã bị đổ thành nền và mọi thứ đều bị che lấp.

Ngày trước, chúng tôi chỉ có thể bước lên cầu Rochor Canal khi đèn giao thông Bukit Timah chuyển sang màu xanh. Dọc giữa cầu là những khối đá vuông vắn, xếp đều đặn và chừa khe hở. Khi bước trên những khối đá, chúng tôi phải để ý khe hở, kẻo lọt gót giày vào và ngã xấp mặt. Tôi từng bị kẹt gót giày một lần, nhưng may mà không bị ngã.

Mặt cầu dốc nhẹ. Người đi bộ bước dọc theo lối phiến đá vuông ở giữa cho đến hết cầu. Trước khi người trên cầu bước xuống, đèn đường giao thông giữ nguyên màu đỏ. Người đi sau bắt buộc phải chờ, đến khi người đi trước băng qua xong mới đến lượt. Tôi luôn nhìn chằm chằm vào dòng nước những khi phải chờ đợi. Lắm lúc, việc băng qua cầu cứ như thể vượt biên. Cũng có hôm, tôi mải nhìn dòng nước, bỏ lỡ mất đèn đã chuyển xanh. Khi thủy triều lên hoặc trời mới mưa xong, nước sông đầy ắp. Thật ra, dòng nước này chỉ là một rãnh lớn để thoát nước mưa nhưng ngày đó, chúng tôi cứ quen gọi là sông.

Tôi nhớ đêm hôm ấy, mực nước sông dâng rất cao. Dòng nước chảy cuồn cuồn như thể nó là con sông thật. Mặc dù trời tối đen, tôi vẫn có thể nhìn ra gợn nước màu trắng. Bình minh còn lâu mới ló rạng, nhưng gợn nước vẫn lung linh. Trời đã mưa to suốt cả tuần, lúc này mới chịu quang đãng. Không khí thoáng chút lạnh, vừa đủ để cho cảm nhận sự thay đổi trong thời tiết.

Akka không hề rủ tôi đi cùng. Tôi rất thính ngủ, chỉ thoáng một tiếng động mơ hồ cũng bị đánh thức. Trong lúc mọi người đều đang ngủ say, tôi nghe có động tĩnh. Bước ra ngoài, tôi phát hiện Akka đang rời khỏi nhà. Không biết chị định đi đâu và làm gì giữa đêm, tôi âm thầm bám theo. Akka dừng lại ở bờ sông. Tôi đứng im. Tuy không biết chị sẽ làm gì, tôi không đánh tiếng. Thay vào đó, tôi lựa chọn chỗ đứng khuất tầm nhìn.

Việc đầu tiên mà Akka làm là ném chiếc áo sơ mi đang vắt trên cánh tay phải xuống dòng nước. Tiếp theo, chị lôi một chiếc quần trong túi ra và cũng ném xuống nước. Tiếp nữa là đôi dép đi ở nhà. Sau một lúc, Akka tháo bao súng đang đeo trên vai, ném xuống sông. Nhìn cách chị ném chúng giống như người ta ném tế vật xuống biển trong lễ cúng. Cuối cùng, Akka giở chiếc mũ lưỡi trai trên đầu xuống, cũng ném xuống nước. Xong xuôi, chị quay phắt và bước đi, không một lần nhìn lại. Như thể, với chị, chúng chỉ là mớ rác cần tống khứ không hơn không kém.

Chính lúc quay phắt, Akka nhìn thấy tôi. Tôi nhìn thẳng vào mắt chị. Dù trời vẫn tối, tôi thấy rõ ràng khuôn mặt vô hồn. Đôi mắt chị lạnh lùng, vô cảm. Đôi mắt tôi có lẽ ngược lại. Tôi cố ghìm câu hỏi trào lên trong tâm trí. Tại sao chị có thể vứt bỏ những thứ đã từng là một phần của mình dễ dàng đến thế?

“Em có muốn chị bị lũ người Anh phiền nhiễu không? Em có biết đã bao nhiêu người bị bắt nhốt vì dám chống lại họ? Hiện đang có đợt đày sang Ấn Độ. Nếu bị bắt, bọn chị cũng bị đưa qua đó. Em muốn thấy chị bị nhốt đến mục người ở đấy sao? Chỉ vứt vài ba món đồ mà tránh được nguy cơ này thì tiếc gì.”

Tôi chưa bao giờ thấy Akka nóng nảy đến thế, nhưng chị cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. “Nhân tiện, chị nghe nói gần đây, chồng em đã mua thêm được một con bò. Nếu mà cộng thêm cả chị với em nữa, không phải là có đến tận bốn con bò luôn sao”, chị đùa. Tôi biết, Akka đang cố khiến cho tôi cười. Nỗi buồn bực trong tôi tan đi nhanh chóng. Cùng lúc, bình minh ló dạng, xua tan bóng tối.

Akka lớn hơn tôi hai tuổi. Khi tôi mười sáu, chị đã mười tám và kết hôn. Chỗ này từng có một cửa hàng báo nhỏ trên đường Race Course. Mặc dù cửa hàng bán vật dụng nhiều hơn báo, chúng tôi vẫn gọi nó là tiệm báo. Chồng Akka làm việc trong tiệm báo. Bên cạnh tiệm là hiệp hội Tamil, nơi mọi người tụ tập vào buổi tối. Chồng Akka dạy tiếng Anh và toán sau khi đóng cửa tiệm. Anh có chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông và am tường sâu rộng, biết mọi sự trên đời. Mỗi ngày, chồng Akka đều đọc to các trang báo cho những người mù chữ nghe. Anh còn nghe cả đài phát thanh tiếng Anh và dịch các chương trình phát sóng sang tiếng Tamil. Dưới thời Nhật thuộc, Singapore không được phép nhập sách báo, thư từ từ nước ngoài. Chồng Akka vẫn cập nhật được tin tức thường xuyên và đầy đủ nhờ radio. Lượng khán giả tụ tập nghe anh phổ cập thông tin ngày một tăng.

Một buổi tối, chồng Akka thông báo: Ngày mai, Netaji Subhas Chandra Bose (thành viên phong trào độc lập Ấn Độ, sau này trở thành Anh hùng Ấn Độ) sẽ phát biểu trước đám đông tại Padang. Ông đã đến Singapore từ hai hôm trước, chiêu mộ những người vì độc lập Ấn Độ, lật độ ách thống trị của thực dân Anh. Ai nấy say mê uống từng lời chồng Akka nói. Nếu Ấn Độ thành công, tất cả chúng tôi đều có thể trở về cố quốc. Chúng tôi không cần phải vất vả ở đây nữa. Quê hương sẽ có việc làm cho mọi người. Chúng tôi sẽ được tự do và hạnh phúc ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Hôm đó, Akka và tôi không có mặt. Chồng Akka chưa từng đưa chị đến nơi anh làm việc. Chúng tôi chỉ được nghe lại chuyện qua lời kể của cậu bé hàng xóm.

Ngày hôm sau, tôi và Akka lén đến nơi Chandra Bose phát biểu. Padang chật ních người. Chandra Bose kêu gọi đầy nhiệt huyết. Đám đông chăm chú nghe từng lời và biểu lộ sự tán thành. Bài phát biểu của Chandra Bose hệt như diễn thuyết thần thánh, khiến cho mọi thớ thịt của chúng tôi đều run lên, giải phóng khát khao hành động. “Hãy trao cho tôi máu của bạn, đổi lại, tôi sẽ đem đến sự tự do”, Chandra Bose lớn tiếng. Khi ông kết thúc, một người đã òa khóc, kéo theo tất cả cùng rơi nước mắt. Tôi cũng gào thét khản cổ. Tuy tôi không biết Ấn Độ ra sao, nhưng không quan trọng. Chẳng phải tất cả chúng ta đều là người Tamil đấy ư? Ngay sau khi Chandra Bose nói cần sự ủng hộ để chuẩn bị cho đấu tranh, nhiều người đã nhào lên đóng góp tiền mặt hoặc trang sức. Akka cũng đặt xuống vòng đeo tay và bông tai. Tôi gỡ phắt đôi bông tai, lấy làm tiếc vì ngoài chúng ra không mang theo bất cứ đồ vật nào giá trị hơn vào ngày hôm ấy.

Khi chúng tôi về đến nhà, chồng Akka không nói gì nhưng đầy tức giận. Chúng tôi không thể đoán biết, anh tức giận vì chúng tôi đi lén hay đã cho mất những trang sức giá trị. Akka lẳng lặng làm các công việc hàng ngày. Gia đình tôi sống chung với vợ chồng Akka trong một ngôi nhà thương mại nằm trên đường Race Course. Ngôi nhà dài và hẹp, các phòng liền kề nhưng ít khi nghe thấy được động tĩnh của nhau. Cuối nhà là phòng bếp, nơi mọi người nấu ăn chung. Ở đây, ai cũng là dân làm thuê. Trước khi họ tan tầm, Akka đã nấu ăn xong và bưng bữa tối vào phòng.

Hôm ấy, Akka nấu cơm với cà ri cá mặn, món khoái khẩu của chồng. Chồng chị đi làm về với vẻ mặt cau có, nhưng không kiềm chế nổi trước mùi thơm ngon của món cà ri cá mặn. Anh ăn hết thức ăn rồi mới bỏ đi. Akka không thắc mắc điều gì. Tôi ra khỏi phòng vì cần đi vệ sinh nhưng phải chờ vì đã có người. Sẵn tiện, tôi dò la Akka xem có chuyện gì không. Chị lảng tránh câu hỏi của tôi, giơ bức thêu đang làm dở hỏi có đẹp không. Tôi vẫn nhớ, hôm đó là ngày 5/7/1943.

Trong vòng một tuần, Chandra Bose duy trì thông báo chiêu mộ nữ dân binh. Akka, tôi, Kaali và Pavunu tham gia, cả Sathiyavathi cũng theo cùng. Akka thông thạo nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Hokkien, tiếng Bengali và tiếng Nhật nhưng chỉ trao đổi với người chiêu mộ bằng tiếng Tamil. Ban đầu, họ từ chối nhận chúng tôi. Chỉ khi nghe được họ tên đầy đủ và xác nhận đẳng cấp, họ mới đồng ý.

Cùng ngày, chồng Akka bị hết người này đến người kia chặn lại trên đường về để chúc mừng. Ai nấy đều khen ngợi Akka, tưởng chồng chị lấy làm tự hào về chị. Vừa đến nhà, chồng Akka lao tới chỗ đặt cái đài, nhấc nó lên và ném xuống đất vỡ tan. Anh đã phải dành dụm rất lâu mới đủ tiền mua cái đài, nhờ có nó mà nghe ngóng được tin tức toàn cầu. Với anh, cái đài là một trong những tài sản quý giá nhất. Vậy mà, vì bị cơn thịnh nộ che mờ mắt, anh tự tay hủy hoại nó, sau đó lao vào Akka, vung tay tát và vung chân đá. Akka cắn răng chịu đòn, không la khóc một tiếng. Khi chồng Akka dừng tay, chị lẳng lặng đứng dậy, tiếp tục làm việc nhà như không có chuyện gì xảy ra.

Tôi vừa sợ hãi vừa phấn khích, liên tục mường tượng cảnh mang súng trên vai và tham chiến. Sẽ thật tuyệt vời nếu Ấn Độ thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang. Nếu Anh thua, kẻ nào sẽ cai trị Singapore? Chính là phát xít Nhật Bản. Hòn đảo này sẽ bị Nhật thuộc địa. Chúng tôi sẽ phải học nói, viết ngôn ngữ của họ. Sẽ rất khó để sống dưới ách Nhật. Không có việc làm và cũng không có thức ăn. Nhưng sẽ không cần lo, vì chúng tôi đã có Ấn Độ độc lập chào đón sự trở về.

Dù là người Ấn Độ yêu nước kỳ cựu, cha từ chối ký vào bản chấp thuận. Cha cũng chưa từng tới Ấn Độ. Ông chào đời trên đảo Singapore, là con trai của một người lao động gốc Ấn bị đày và thường khoe khoang, ông nội là người đầu tiên có công khai khẩn trên đất này. Bà nội là người Anh, cũng bị đày tới Singapore. Ông nội kết hôn với bà nội sau khi mãn án, rất mong một lần đưa cha tôi về thăm Ấn Độ, gặp mặt thân nhân. Ông cũng ngưỡng mộ Chandra Bose, tham dự mọi cuộc phát biểu. Cha tôi chưa từng đi lính, nhưng tình nguyện phục vụ trong nhà bếp của Chandra Bose. Mỗi ngày, ông đều ở đó làm việc đến tận tối, vậy mà lại từ chối ký giấy cho phép tôi gia nhập quân đội quốc gia Ấn Độ.

Tôi biết mình muốn làm gì và phải làm sao. Tôi tìm mẹ, xin dấu lăn tay (vì mẹ mù chữ). Khác với cha, mẹ tư duy rất tiến bộ. Bà tin tưởng, dù là con gái cũng nên được học hành và có lý tưởng độc lập. Chính mẹ đã chiến đấu với cha để tôi được đến trường Balestier. Hai năm trước, sau khi tôi bước vào tuổi trưởng thành, cha bắt tôi nghỉ học nhưng bị mẹ phản đối. Bà tiếp tục hỗ trợ tôi đến lớp. Chỉ tại Nhật chiếm đóng Singapore, tôi mới bị lỡ đường học vấn. Tất cả các trường học bị chuyển đổi thành trường Nhật. Mơ ước của mẹ là thấy tôi trở thành cô giáo. Vì thế, bà không ngần ngại lăn tay ngay sau khi nghe tôi nhờ vả.

Tiến sĩ Lakshmi nổi tiếng, người đã gia nhập quân đội Ấn Độ trước, giám sát việc huấn luyện của chúng tôi. Các nữ tân binh phải vừa mang súng, đeo ba lô vừa chạy. Vài người trong chúng tôi được gia nhiệm vụ khác, dọn dẹp sân tập và vận chuyển trang thiết bị. Trại thao luyện là ngôi trường cũ, chúng tôi chỉ có những tiện nghi cơ bản nhất. Buổi tập bắt đầu từ sáng sớm và khi kết thúc vào cuối ngày, chị nào chị nấy mệt bơ phờ. Bữa tối chỉ có bánh thosai và nước trà, nhưng tất cả đều ăn uống vui vẻ. Khuôn mặt Akka luôn rạng rỡ, mái tóc dài được tết gọn gàng và búi lên cao. Nhờ dáng dấp cao ráo, dù không ôm súng hay khoác ba lô, trông Akka vẫn rất nữ chiến binh. Lúc đầu, các thành viên trong tiểu đoàn ghét bỏ chúng tôi ra mặt. Họ khó chịu cả với việc được chúng tôi phục vụ thức ăn, vì khinh thường đẳng cấp. Chỉ bởi quá thiếu thốn lực lượng hậu cần, họ mới dẹp bỏ thành kiến.

Tiến sĩ Lakshmi vô cùng yêu quý Akka. Bà đích thân giới thiệu chị vào trung đoàn khác phù hợp, huấn luyện quân sự. Số lượng người Tamil tham gia tập huấn ngày càng đông. Họ đến từ khắp các nơi, bao gồm cả các vùng ở Malaya.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, chúng tôi được triển khai đến Johor. Ngày tôi đi, cha đến đưa tiễn với đôi mắt rưng rưng. Mẹ thì vừa cười vừa nói lời tạm biệt, tin tưởng tôi sẽ chiến thắng trở về. Chồng Akka vắng mặt. Từ sau khi chị gia nhập quân đội, anh không thăm nom hay hỏi han lần nào. Akka cũng không một lần đề cập và chưa từng tỏ ra lo lắng.

Chúng tôi hát một số bài ca yêu nước bằng tiếng Hindi khi diễu hành. Đó cũng là khi, tôi nhận ra Akka có giọng ca tuyệt diệu. Chị bắt nhịp, dẫn dắt chúng tôi. Giọng của chị thôi thúc, khiến chúng tôi quên hết đói khát. Sinh lực như thể được tiếp đến đầy tràn, giục giã lên đường, lao ngay vào chiến đấu.

Có lần, chúng tôi diễn vở kịch tên là Chalo Delhi tại Nhà hát Victoria để gây quỹ. Akka là ngôi sao nổi bật, thu hút lượng lớn khán giả. Trong vở kịch, có ca khúc tựa đề Tạm biệt Cha. Nghe Akka hát nó, tôi không cầm được nước mắt. Trái lại thì Akka bình tĩnh thể hiện bài hát một cách trọn vẹn, như thể miễn nhiễm với cơn cuồng phong cảm xúc mà lời thơ ý nhạc gợi lên.

Đơn vị của chúng tôi được gửi tới Seremban, sau đó là Thái Lan và Miến Điện. Chúng tôi di chuyển vào ban đêm bằng cách đi tàu hỏa. Akka, tôi và vài người khác bị xếp vào khoang không có ghế ngồi. Suốt nhiều giờ, chúng tôi phải ngồi trên sàn gang lạnh ngắt, không thể duỗi chân và nằm xuống vì quá chật hẹp. Đó quả thật là sự tra tấn về thể xác. Hành quân qua rừng cũng khổ sở không kém, vì muỗi, đỉa và rắn có khắp nơi.

Một trận chiến đang diễn ra ở Imphal và đơn vị của chúng tôi được lệnh tham chiến. Tuy nhiên, trước khi đến, chúng tôi nhận được tin cả lính Nhật lẫn quân đội Ấn Độ đều thương vong nặng nề. Dù đông hơn quân Anh, chúng tôi sắp bại trận. Nguồn cung cấp lương thực và dược phẩm lại chưa đến. Chandra Bose quyết định ngừng triển khai việc đưa đơn vị chúng tôi vào trận.

Chúng tôi phải ở lại Miến Điện. Tiến sĩ Lakshmi, lúc này đã lên chức đội trưởng, vô cùng thất vọng và bỏ qua lệnh của Chandra Bose. Bà thành lập bệnh viện tạm thời, khám chữa cho thương binh phe mình. Akka và tôi hỗ trợ rửa, băng bó vết thương. Nhiều người bị thương trầm trọng. Chúng tôi đã thấy cả chân bị gãy lẫn cơ thể bị bom xé nát. Họ nằm đấy, máu me be bét và da thịt rách toác. Lắm lúc, tôi không nuốt nổi cả nước sau khi nhìn các vết thương.

Cũng tại bệnh viện dã chiến này, chúng tôi gặp lại chồng Akka. Anh bị chấn thương nặng ở đầu, được đưa đến trong tình trạng nguy kịch. Cả tôi lẫn Akka đều không biết anh nhập ngũ lúc nào. Nhận ra Akka, anh chảy nước mắt, cố nhấc cánh tay lên nhưng nó không nhúc nhích. Đôi mắt bị thương và sưng húp, khó mở, buộc chồng Akka phải nhắm lại nhưng dòng lệ thì cứ tuôn trào. Đội trưởng Lakshmi thông báo, anh cần phải được phẫu thuật. Akka đặt tay lên đầu chồng, thể hiện sự dịu dàng và quan tâm như với tất cả những người lính bị thương khác. Chị không khóc, dù chỉ một giọt nước mắt. Tôi tự hỏi, có phải trái tim chị đã chai thành đá? Dẫu trước mặt là người chồng bị thương nặng, Akka vẫn bĩnh tĩnh thực hiện các nhiệm vụ. Bắt gặp tôi khóc, chị lạnh lùng nhắc nhở chúng ta đang chiến đấu vì tự do, độc lập và có hy sinh chỉ là chuyện hiển nhiên.

Tôi nhớ lại thời gian rất lâu trước chiến tranh, khi đứng trên cây cầu Rochor Canal cùng Akka. Chúng tôi đều thích đứng trên cầu, nhìn dòng nước và thời gian trôi qua. Thỉnh thoảng, trên vỉa hè có người trải vải, bày bán hàng hóa. Chiều, dòng sông chỉ còn rất ít nước. Xe cộ đi lướt qua các quầy hàng. Akka nhìn đăm đắm vào mặt trăng mọc sớm, tâm sự với tôi. Chị kể, cha chị từng về Ấn Độ rồi quay lại, bày bán sách trên cầu.  Ông luôn để chị ngồi bán cùng, kể cho chị nghe về quê hương và ước ao, hứa hẹn sẽ đưa chị đi thăm Ấn Độ. Tôi không chắc, Akka đang thương nhớ người cha đã qua đời hay tiếc chưa được cùng ông đặt chân lên đất cố hương.

Thời gian dần trôi, chỉ có tôi là người kiên quyết ăn gạo brinjal và ponni của Ấn Độ chứ Akka không hề bận tâm. Với chị, gạo từ đâu hay rau của ai cũng không quan trọng.

Lần đầu tiên tới Ấn Độ, tôi đi cùng một nhóm đông. Chúng tôi thăm thú các ngôi đền và khu chợ. Akka từ chối đi cùng. Những chuyến đi sau, tôi luôn rủ Akka nhưng chị chưa bao giờ đồng ý. Ngay cả con trai và con dâu mời đi Ấn Độ chơi, chị cũng từ chối. Akka chỉ đến Ấn Độ khi hay tin con trai bị tai nạn trong lúc đang du lịch ở đây, đang cấp cứu ở một bệnh viện địa phương. Chị phải có mặt để chăm sóc con trai, dỗ dành con dâu và lo liệu mọi sự. Tôi đã cùng Akka đi mua vé máy bay. Ngày đó, mưa đổ như trút nước, con đường ngập lênh láng. Akka trượt chân ngã, trẹo mắt cá chân. Chị không nhận sự giúp đỡ của người qua đường, vẫy tay bắt taxi về nhà. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Akka và cả cây cầu Rochor Canal.

Akka đã bay đến Ấn Độ với cái chân bị trẹo. Sau khi con trai chị phục hồi, ba mẹ con quyết định bày lễ tạ ơn tại nhà thờ tổ tiên trên đất quê hương, cạnh Puthukottai. Cha Akka đã chào đời ở đây, chồng chị cũng vậy. Tất cả anh em, họ hàng của chị được mời tham dự lễ. Khi họ tới, trời đã gần nửa đêm. Mọi người định qua đêm tại chỗ, sáng hôm sau mới về. Akka cũng đi ngủ, nhưng không bao giờ thức dậy nữa. Con trai của chị làm đám tang cho mẹ ngay tại đó, đem tro cốt về Singapore. Nó rắc một ít ở biển Changi và đem phần còn lại thả xuống sông Rochor, như yêu cầu của Akka.

Thời điểm Akka qua đời, tôi bị ốm nặng, phải nhập viện nên không thể đến thăm, chia buồn. Xuất viện, tôi vẫn yếu và khó đi lại. Nếu muốn đi đâu, tôi phải nhờ một trong hai đứa con gái chở đi hoặc bắt tắc xi khứ hồi.

Lâu lắm rồi, tôi mới có thể tự mình bắt xe buýt và đi bộ như hôm nay. Tất cả những gì mà tôi muốn chỉ là nhìn thấy dòng sông Rochor, nơi Akka đã trở thành một phần. Nào ngờ, con sông đã bị lấp, cả cây cầu cùng không còn nữa.

Vũ Thị Huế dịch Theo Wordswithoutborders

Nguồn Văn nghệ số 24/2022


Có thể bạn quan tâm