April 26, 2024, 8:33 pm

Từ truyện thơ Đinh Công Trinh nghĩ đến văn học trung đại của người Mường Hòa Bình

Trong gia phả dòng họ Đinh Công, gốc ở Vĩnh Đồng huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có một phần bằng thơ nguyên bản chữ Hán - Nôm nói về thân thế, sự nghiệp ông Đinh Công Trinh. Phần thơ này ghi rõ ra đời “ngày đầu tháng, đầu mùa thu 1832” (Minh Mạng năm thứ 13 - Nhâm Thìn 1832, mệnh thu, thượng cán nhật), nhưng không ghi tác giả. Cuối truyện thơ là 10 câu thơ, người chép lại:

Tôi nay trí kém tài hèn

Khác nào yếu tước dõi đền hồng cơ

Văn phòng trộm thấy gia thư

Sách trường diễn nghĩa kể từ điêu linh

Ngửa trông đội đức uy nghi

Hộ dân hộ nước tăng vinh cửa nhà

Tương truyền kế tập xuyên gia

Huyện trì dong dóng tiếng hòa song song

Tiên viên hạnh đủ vừa xong

Thọ khang ninh quý phú hường ngàn thu

Căn cứ thời gian ghi trong gia phả thì phần thơ về ông Đinh Công Trinh ra đời sau gần 30 ông Trinh mất (1803; 1832) và đến năm Ất Dậu – 1885, phần này được ông Đinh Công Thái sao lục nguyên bản tại Vĩnh Đồng (chữ Hán - Nôm). Cuối văn bản ghi: “Hàm Nghi nguyên niên, tuế thứ Ất Dậu (1885), Nhị nguyệt sơ lục nhật”. Như vậy tính từ ngày truyện thơ ra đời đến nay (2020) là 188 năm.

Đối với dân tộc Mường có được một văn bản “văn học” sớm như vậy là vô cùng hiếm. Có lẽ người viết gia phả trong giai đoạn này rất ngưỡng mộ ông Đinh Công Trinh mà cảm xúc ghi lại toàn bộ thân thế, sự nghiệp của ông bằng thơ bên cạnh phần gia phả thông thường. Vì đây là một phần nằm trong gia phả dòng họ nên không ghi tên tác giả, rồi đời này nối tiếp đời khác nên không ai nhớ tên người viết phần thơ này. Và cũng vì nằm trong gia phả nên không công bố rộng rãi ra bên ngoài. Không những thế, khi Cách mạng tháng Tám thành công, chế độ lang đạo bị đánh đổ, kéo theo hệ lụy là không ít văn hóa phi vật thể của tầng lớp trên bị thu hồi và hủy bỏ. Do vậy, phần thơ này càng không được phổ biến.

Ông Đinh Công Niết, sinh 1913, một quan lang người Mường sớm theo cách mạng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã từng mang tên một tiểu đoàn hay một tiểu đoàn mang tên ông: Tiểu đoàn Đinh Công Niết thuộc Trung đoàn Tây Tiến. Sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, ông Đinh Công Niết được điều về Hà Nội công tác tại Ban Dân tộc Trung ương. Chính những năm tháng sống và làm việc tại Hà Nội, ông Đinh Công Niết đã quen biết và sau này nhờ nhà nho nổi tiếng Xuân Dương Nguyễn Văn Áng và Trần Thạch Can dịch gia phả dòng họ Đinh Công, trong đó có phần thơ viết về Tây lĩnh hầu Đinh Công Trinh từ chữ Hán - Nôm ra chữ quốc ngữ.

Phần thơ nói về ông Đinh Công Trinh được dịch ra 352 câu thể lục bát và song thất lục bát có chú thích rất rõ ràng. Trong đó 342 câu phản ánh cuộc đời ông Đinh Công Trinh và 10 câu cuối là lời người chép lại.

Xin dẫn một số đoạn thơ minh họa thân thế ông Đinh Công Trinh:

… Phải cơn gia biến biết sao

 Nghiệp nhà chếch mếch nhẽ nào minh an

Mấy thu hoa cỏ điêu tàn

Ếch ve náo nức kêu ran cõi bờ

Khá thương liễu yếu đào tơ

Phải chi nước loạn ngẩn ngơ khôn đầu

Biết rằng đâu đã hơn đâu

Mây tuôn cửa bắc nước hầu lưu đông (Câu 11-18)

… Trong tay ba tấc gươm thần

Trả non sông cũ mấy lần ngứa gan

Xong hiềm thế mọn khôn toan

Liều thu bản đạo lánh ngàn thanh xuyên

 (Câu 23-26)

… Trong cơ tạo hóa ai ngờ

Bắc nam sao khéo tình cờ thế vay

Đã nên cá nước rồng mây

Cửa dinh hầu hạ càng ngày càng thân

Trao quyền khiển tướng xuất quân

Một mai hộ tống về dân nước nhà

Cố cuông đem lại sơn hà

Để làm thần sỹ một nhà ái ân

(Câu 29-37)

… Tôi vua việc nước phải làm

Chúng minh nhật nguyệt cho cam tấm lòng

Bỗng liền thấy chiếu rồng hiệu triệu

Cám ơn trên Hầu tước thăng giai

(Câu 73-76) 

…Bóng bạch câu ngày qua thấm thoắt

Năm tháng chầy xương buốt áo nhung

Bỗng đâu trống đã đùng đùng

Bóng tinh che khuất bước hồng như vang

Cờ Chu Vũ ngựa Hán Hoàng

Oai buông trúc chẻ tro tàn một giây

(Câu 106-121)

… Vả niềm tận tiết thần trung

Khăng khăng nghĩa nặng non sông chỉ thề

Liều mình bón lại đức Lê

Sao quản khó nhọc sao nề chông gai

(Câu 135-138)

… Nhưng mà quân bất thi quân

Lê Đạt quân ấy rõ quần tiểu nhi

Lấy nhân kỷ sách nhà quê

Nào còn biết thế thiên thời hưng vong

(Câu 282-285)

… Việc tôn Lê ấy tưởng xong

Tiên công trở lại để hòng giao chinh

Chăng hay cơ tạo vô hình

Lê Đạt, Lê Cán giao binh tương tàn

Cuộc rồng mấy phút lìa tan

Quân thiên hạ ấy giải hoàn phần lương

Nhà Lê vận hết đã tường

Nghĩa lưu chưa trả nghìn vàng sao yên

(Câu 290-297)

… Công danh nay đã rõ ràng

Thừa lô cửa trướng nhà vàng thảnh thơi

Ngoài ấp quận nức mùi xa lạ

Cây quế, hòe tán tỏa đầy sân

Tang du bóng đã tần vần

Thọ tinh mong phiếu đủ tuần bách niên.

 (Câu 332-335)

Năm Quý Hợi 1803, ngày 20 tháng 10, vào giờ Dần, ông Đinh Công Trinh qua đời, hưởng thọ 56 tuổi. Gia Long đã cho sứ vào tận Vĩnh Đồng để phúng viếng và ban cho “Long Chương, Nga Nhỡn”, thơ viết:

 … Ai hay số hệ hoàng thiên

Trong năm Quý Hợi xe tiên giao chầu

Mây thu hoa quả đau sầu

Đồng tân sáng chảy nhuốm thâu lòng vàng

Người bốn bể lộ một phương

Ai chẳng cảm đức đoạn đường rơi châu

Phó âm biểu đệ vào đâu

Ngưỡng mong thánh đế hòa chầu xót xa

Long sơn ngọa nhỡn ban ra

Cắt quan sứ sự viếng nhà thăm châu.

Như trên đã nói, phần thơ này ghi trong bộ Gia phả họ Đinh Công, bắt đầu từ cụ tổ Đinh Như Lệnh sinh 1365 vào cuối đời vua Trần Dụ Tông. Vì trong gia phả nên không ghi tên tác giả. Và cho đến tận năm những năm 1960-1970 mới được kỳ công dịch ra quốc ngữ nên càng không biết tác giả là ai. Lần theo gia phả thì “sinh thời ông Đinh Công Trinh có 7 bà vợ, trong đó có bà vợ thứ tư tên Nguyễn Thị Ánh là chị gái cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du”. Như vậy, ở đây có sự liên hệ hay ảnh hưởng từ Nguyễn Du hay từ bà Nguyễn Thị Ánh hay không, chúng ta còn cần thời gia và nghiên cứu kỹ hơn.

Về thời gian, Nguyễn Du sinh năm 1766 mất năm 1820 và ông Đinh Công Trinh sinh 1748 mất năm 1803. Như thế, tuy ông Trinh hơn Nguyễn Du 18 tuổi, nhưng cùng thời. Hơn nữa, ông Đinh Công Trinh làm tướng dưới thời hậu Lê và dưới trướng quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm - thân sinh ra Nguyễn Du và bà Nguyễn Thị Ánh…

Ngay những năm đầu thế kỷ 21, tôi đã về tận nhà cụ Đinh Công Quỳnh, nguyên hiệu trưởng Trường Cấp THPT Lương Sơn đã nghỉ hưu, hậu duệ dòng họ Đinh Công, và là con trai cụ Đinh Công Niết, xin chép lại bản chữ quốc ngữ phần thơ này. Thế rồi cũng vài năm sau, tôi mới nghĩ ra và đi tìm bản chữ Hán - Nôm tại nhà ông Đinh Công Dũng, Chi trưởng Chi họ Đinh Công ở tại Vĩnh Đồng, Kim Bôi.

Tôi không biết chữ Hán – Nôm, nhưng khi đến trang in một thẻ như bài ngà kèm theo những chữ Hán – Nôm bên trong, tiếp đó là những trang, những dòng có số chữ đều nhau, thì tôi ý thức đây có thể là phần thơ, nên xin chụp lại phần này. Khi có bản chữ Hán - Nôm và bản quốc ngữ, tôi nhờ người quen xem hộ xem nội dung hai bản này có phải là một hay không. Khi biết bản chữ quốc ngữ và bản chữ Hán - Nôm là một, tôi tổng hợp lại và quyết định in thành sách. Cuốn sách mỏng Truyện thơ Đinh Công Trinh – một văn bản văn học quý của người Mường Hòa Bình do nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc cấp phép đã ra mắt tháng 8/2015. Như vậy, từ khi biết đến phần thơ này đến khi ý thức đây là một “văn bản văn học” thì tôi cũng phải mất đến 10 năm.

Từ truyện thơ Đinh Công Trinh bằng văn bản đặt ra một vấn đề về văn học trung đại của tỉnh Hòa Bình. Tôi vẫn nghĩ, cả ngàn năm Bắc thuộc, người Việt sử dụng chữ Hán thì người Mường là một bộ phận của người Việt, xa xưa gần kinh đô Hoa Lưu, sau lại càng gần kinh đô Thăng Long thì họ cũng dùng chữ Hán. Khi người Việt sáng tọa ra chữ Hán – Nôm làm của riêng mình, thì người Mường cũng sử dụng chữ Hán – Nôm, và nay, người Việt sử dụng chữ quốc ngữ thì người Mường cũng sử dụng chữ quốc ngữ. Từ đó, tôi tin chắc chắn người Mường Hòa Bình có văn học thời trung đại và tiền hiện đại. Mặt khác, ngược dòng thời gian, năm Nhâm Tý 1432, vua Lê Lợi ngược sông Đà lên Tây Bắc dẹp giặc loạn Đèo Cát Hãn đã nghỉ lại Chợ Bờ và đề thơ vào vách đá, bài thơ nay còn đó. Rồi đến thời tiền hiện đại, ông Quách Điêu, người Mường giỏi chữ Hán – Nôm mà không tham gia “triều chính” nên được nhân dân gọi là ông Đồ Gàn đã viết diễn ca Hòa Bình quan lang sử khảo dài 340 câu và đã in trên tạp chí Nam Phong số 100 từ trang 359 đến trang 363, số ra tháng 10/1925 và nhiều bài báo khác đấy thôi!

Hiện nay, sách viết bằng chữ Hán – Nôm của người Mường Hòa Bình đã mất đi rất nhiều, song vẫn còn không ít ở tại một số gia đình dòng dõi quan lang và tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình. Vậy, nếu những cuốn sách cổ này được đầu tư dịch thuật, hy vọng chúng ta sẽ có thêm những văn bản văn học quý nữa thuộc thời trung đại và tiền hiện đại của người Mường Hòa Bình!

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm