April 26, 2024, 6:02 pm

Từ Hội Làng đến thương hiệu Mộc Kim Bồng – Hội An

 

“Ngày hội làng nghề Kim Bồng” được diễn ra vào 12 tháng Giêng hằng năm và đã thành “lệ” của Làng. Vào ngày này, hàng ngàn người dân xã Cẩm Kim tập trung tổ chức lễ Giỗ Tổ nghề truyền thống Kim Bồng (Lễ lệ mùa Xuân), với ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối đã có công lao khai thiên lập địa dựng làng, lập nghề, và tạo dựng cơ nghiệp cho con cháu. Năm nay, lễ hội diễn ra vào đúng ngày 2/2 dương lịch nên UBND xã Cẩm Kim và thành phố Hội An đã tổ chức “Ngày hội làng nghề Kim Bồng” để người dân, du khách hiểu, tri ân, tưởng nhớ Tổ nghề

 

Bà Đỗ Thị Bích Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim phát biểu tại lễ hội làng nghề

Nghi thức đặc biệt thiêng liêng, được mỗi người dân làng Kim Bồng tôn kính, coi trọng nhất là Lễ cúng Tổ nghề Mộc, diễn ra từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng tại đình Tiền Hiền của Làng. Sau Lễ cúng tổ, bà con trong làng mới tề tựu về Trung tâm trưng bày làng nghề Kim Bồng, cùng nhau tham gia các hoạt động “hội” như: Hội đua thuyền, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, cờ tướng, hát bài chòi; tham quan điểm trình diễn và trưng bày các sản phẩm của làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống gắn bó hàng trăm năm với người dân địa phương…. Đây là những nét đẹp văn hoá của nghề Mộc gắn với các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng Kim Bồng – Cẩm Kim hàng ngày được nhiều thế hệ người dân làng Kim Bồng đã cố gắng gìn giữ, trao truyền.

Đặc biệt trong các hoạt động quan trọng cùa Ngày hội Làng luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng từ ngành chức năng thành phố Hội An và UBND xã Cẩm Kim. Theo bà Đỗ Thị Bích Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, “Du khách đã quay trở lại, đã tìm về thành phố Hội An những ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ngày càng đông và nhộn nhịp. Có thể nói số lượng gần bằng thời gian trước, khi chưa có dịch. Điều này cũng lưu ý các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước của Hội An và xã Cẩm Kim, cùng đồng hành, xúc tiến hỗ trợ và tham gia nhiều hoạt động, tái khôi phục Ngày hội làng nghề Kim Bồng truyền thống”. 

Ông Nguyễn Đình Bán (77 tuổi) - một nghệ nhân của Làng mộc Kim Bồng, cũng vui mừng thổ lộ: Hơn một tháng gần đây, du khách đã quay trở lại Hội An khá đông. Nhiều hàng quán, cửa hiệu của Làng nghề chúng tôi đã tìm lại được sức sống sau hơn hai năm cả làng gần như đóng cửa không hoạt động vì dịch Covid 19. Hôm nay, trong ngày hội, những nghệ nhân và người lao động của làng mộc Kim Bồng, mới có lại niềm vui, niềm tin.

Những nghệ nhân làng nghề hiện đang tiếp nối truyền thống "cha truyền con nối". Ảnh Đình Tăng

Nghề Mộc truyền thống Làng Kim Bồng đã được vinh danh, được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể (năm 2016), thể hiện sự trân trọng trước những giá trị thiêng liêng của tinh hoa đặc sắc nghề Mộc truyền thống. Trong đó, Giỗ Tổ nghề Mộc truyền thống là nét đẹp lưu truyền qua nhiều đời, trở thành bản sắc văn hóa đậm đà, văn hóa làng Nghề, văn hóa cộng đồng, làng xã của người dân Việt. 

Tổ tiên nghề mộc Kim Bồng vốn là những cư dân sinh sống ở nhiều nơi của đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đặc biệt là vùng Thanh- Nghệ - Tĩnh. Trong những lần tham gia hành trình mở cõi về phương Nam, các bận tiền nhân lần lượt đến khai phá các vùng đất, tạo dựng cơ nghiệp ban đầu, mang theo cả ý chí và tay nghề của mình, cộng đồng mình.

Từ thế kỷ 15, những tiền nhân khai mở vùng đất Cẩm Kim đã bắt đầu nghề mưu sinh của mình bằng việc dựng những ngôi nhà tranh, tre mang đậm dấu ấn đồng bằng phương Bắc, sau đó đến các ngôi nhà khung gỗ "Tam gian nhị hạ", lần lượt các tiện nghi, đồ dùng trong gia đình, phương tiện giao thông và cũng là mưu sinh được bàn tay các nghện nhân làm nên như ghe, thuyền. Từ cuối thế kỷ XVI đến XVII, với sự hội tụ của nhiều yếu tố thuận lợi, khi Hội An trở thành một đô thị thương cảng ngoại thương quan trọng ở Xứ Đàng Trong - Việt Nam; các nghề thủ công truyền thống như Mộc càng có điều kiện phát triển mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim - Đỗ Thị Bích Thủy, thời gian qua, xã đã thu thập, tập hợp nhiều tư liệu quý, cùng với bà con cộng đồng Làng nghề, lưu giữ lịch sử về Làng về Nghề. Phó Chủ tịch Thủy cũng khẳng định, “Trong tiến trình phát triển đó, đến nay Làng Mộc Kim Bồng thực sự trở thành địa danh  in đậm dấu một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, và làm góp phần làm nên sự nổi tiếng của đô thị cổ tại đất Hội An”

Với Nghề Mộc Kim Bồng, nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc hay giao thông đô thị (làm cầu), công trình tôn giáo - tín ngưỡng, công trình nhà ở bằng gỗ; đặc biệt nghề đóng tàu - đóng thuyền, trong đó có cả các loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn, đã tạo môi trường lý tưởng để những bàn tay tài hoa thăng hoa.

Nghệ nhân nổi tiếng với nghề đan lát của Làng mộc Kim Bồng ông Nguyễn Đình Bán, cho biết thêm: Tên cũ của làng tôi là Kim Bồng Châu. Làng chúng tôi ngoài nghề mộc còn có nhiều nghề truyền thống khác,  nhiều thế hệ trao truyền, lưu giữ lại qua nhiều đời. Có thể kể các nghề đan lát, dệt chiếu, ươm tơ dệt lụa, nhuộm chàm, cả nghề nề (xây dựng), … Tuỳ khả năng của tay nghề, mỗi nhà có sản phẩm làm ra vừa để giữ nghề của cha ông, vừa bán các sản phẩm làm ra để cải thiện kinh tế. Cái đáng quý là tay nghề và tâm huyết của nhiều bậc thợ thủ công nghề truyền thống đã góp phần tạo lập và bảo tồn văn hoá truyền thống của Hội An suốt hàng trăm năm qua. Bản thân tôi hay nhiều nghệ nhân khác của Làng vẫn luôn xác định, dù khó khăn đến mấy, cũng phải giữ nghề. Bởi đây vừa là cái nghề để mình mưu sinh chân chính, bàn tay mình làm nên những giá trị, trong đó có cả nét đẹp của kiến trúc, của công trình, của tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là bản sắc văn hoá được tạo nên từ nghề truyền thống của làng,mà truyền thống này thì đã tồn tại nhiều, nhiều đời rồi.

Còn với nghệ nhân Phan Xuân Nguyên, ông chân thành bộc bạch, từ nhỏ đã theo ông bà học nghề mộc. Lớn lên cái máu yêu nghề và niềm tự hào về nghề mộc Kim Bồng đã thôi thúc tôi sáng tạo, hăng say làm việc. Để có được thành công như hôm nay, phải nói nếu không yêu nghề, không tự hào về cái nghề của ông cha, thì không làm nổi, không trao truyền được cái gì. Cũng chẳng đóng góp gì để tạo nên tên tuổi, thương hiệu điểm đến với những bản sắc riêng của Hội An đối với du khách, bạn bè gần xa

Giờ đây, làng có nhiều thợ trẻ giỏi nghề, thạo việc . Ảnh Đình Tăng

Được biết, tháng 9/2019, UBND thành phố Hội An đã chính thức phê duyệt phương án “Khôi phục phát triển du lịch làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim với mục tiêu “hướng đến phát triển làng mộc vừa là sản phẩm hàng hóa vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với lợi thế cảnh quan tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống của làng.

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2025 sẽ tập trung xây dựng trung tâm làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm mộc, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng không gian làng nghề Kim Bồng ra ngoài vùng lõi.

Về địa hình, xã Cẩm Kim nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, có đến 3 mặt giáp sông, là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, có hệ sinh thái phong phú. Cẩm Kim cũng chính là hành lang kết nối vừa là vành đai mở rộng không gian phát triển du lịch của đô thị cổ Hội An. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nghề mộc Kim Bồng, của Làng Kim Bồng từng có thời vàng son, năm 2015, doanh thu nghề mộc đạt 7,5 tỷ đồng; lượng khách đến thăm quan hơn 111.000 lượt.

Nhưng rồi, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dù đã xây dựng kế hoạch bài bản cho sự kiện Giỗ Tổ nghề Mộc Kim Bồng gồm một tour tham quan ( có tổ chức bán vé), do chính bộ máy quản lý du lịch Làng Mộc Kim Bồng chịu trách nhiệm tiến hành thông qua các hoạt động kết nối khách; sản phẩm trưng bày và kinh doanh ưu tiêu sản phẩm (làm ra) tại chỗ...dự kiến được khai trương. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, những du khách đầu tiên mang theo chủng mới của virus corona (nCoV) đã đặt chân đến Hội An rồi dịch  bùng phát ở Hội An, Đà Nẵng, khiến cho kế hoạch phát triển du lịch làng nghề không thể thực hiện.

Bước sang năm 2023, khi cuộc sống đã bình yên, “Ngày hội làng Kim Bồng - nơi hình thành nghề thủ công có thương hiệu nổi tiếng “Mộc Kim Bồng” – Xuân Quý Mão 2023” được tổ chức trở lại, không chỉ cho thấy sự nối tiếp mà còn là khát khao tiếp tục phát huy nghề Mộc truyền thống, tăng cường quảng bá đậm nét hình ảnh, giá trị văn hoá và kinh tế, các sản phẩm Mộc truyền thống Kim Bồng, đến những ai yêu quý muốn tìm về thương cảng cổ - đô thị cổ Hội An, vang bóng một thời./.

 Trần Ngọc 


Có thể bạn quan tâm